Đường Về Nhà có thể xem như cuốn nhật ký, ký sự ghi lại chuyến hành trình về quê ăn Tết… bằng xe đạp của một cô gái trẻ tên Xu được tác giả Đinh Phương Linh ghi lại bằng ngòi bút của mình. Chuyến hành trình ấy của Xu kéo dài 30 ngày, với quãng đường dài 3.395 km cộng với cái thời tiết khắc nghiệt và đầy rẫy những hiểm nguy và chỉ khoảng 5 triệu đồng trong túi.
“Tôi chợt nghĩ: trong lúc mình ngủ, người ta đã làm được rất nhiều việc. Có lẽ tôi đã ngủ đông nhiều tháng, nhiều năm…”. Đó là suy nghĩ của Xu khi cô quyết định thực hiện chuyến hành trình mà theo cô thì chắc chắn sẽ có nhiều người cho rằng đó là một sự “điên rồ”, nhưng vượt lên trên tất cả, Xu đã lắng nghe tiếng gọi của tuổi trẻ, của khát khao được sống, được trải nghiệm, được học hỏi và được “điên” khi còn có thể.
Đường Về Nhà không chỉ đơn thuần ghi lại những câu chuyện trên quãng đường đi, mà ở đó, chúng ta còn được biết rất nhiều điều thú vị về văn hóa, về con người, về những trải nghiệm và về chính tinh thần thép của cô gái trẻ này. Chúng ta sẽ bắt gặp những con người tốt bụng đã cho cô ngủ nhờ miễn phí, được nghe những câu chuyện của họ. Chúng ta sẽ biết thêm những món ăn độc và lạ mà cô đã nếm thử suốt dọc đường. Chúng ta sẽ như được chính mình trải nghiệm một chuyến du lịch bụi, hòa mình vào đời sống và văn hóa của những tỉnh thành khác nhau trên đất nước Trung Quốc rộng lớn. Và hơn hết, chúng ta sẽ như được truyền vào người một thứ lửa của tuổi trẻ, của tinh thần nhiệt huyết dám sống, dám đi để trải nghiệm khi cùng Xu vượt qua những đoạn đường đồi núi nguy hiểm dưới cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông.
Để có được chuyến hành trình về nhà an toàn này, cô gái trẻ tên Xu đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, là thời gian 30 ngày dài đằng đẳng với biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, thậm chí là những hiểm nguy. Nhưng có lẽ, những điều cô nhận về được lại có ý nghĩa hơn gấp nhiều lần, đó là vốn sống, là trải nghiệm, là vượt qua được “vùng an toàn” của mình. Hơn hết, Đường Về Nhà không phải là một quyển sách hay để bạn đọc xong rồi để đó, mà còn như một lời nhắc nhở cho những người trẻ: “Hãy cứ sống, và hãy cứ “điên” khi bạn còn có thể.”
“Tôi nghĩ có lẽ vì người ta nhìn thế giới bằng con mắt “nguy hiểm” nên thế giới thực sự nguy hiểm. Nếu tôi chỉ ngồi nhà và nói rằng chuyện đi lại rất đáng sợ, mọi người không đáng tin cậy… chắc chắn tôi đã không thể mắt thấy tai nghe nhiều chuyện và càng không thể kết luận được điều gì…”