Keigo Higashino, tác giả nổi tiếng với những câu chuyện trinh thám, lần này mang đến cho độc giả một tiểu thuyết mới lạ và đầy chất kỳ ảo: “Người Gác Cây Long Não”. Khác với những câu chuyện thường có người chết, cuốn sách này của Higashino là một hành trình khám phá cuộc sống và những bí ẩn xoay quanh một cây long não cổ thụ.
Nhân vật chính Reito, là một thanh niên ngoài 20 tuổi, sống không mục tiêu hay định hướng. Sau khi bị sa thải và quyết định đột nhập vào công ty cũ để ăn cắp máy móc, Reito bị bắt và đối mặt với án tù. Trong lúc tuyệt vọng, một vị luật sư xuất hiện và đề nghị giúp anh thoát khỏi cảnh ngộ này với điều kiện anh phải trở thành người gác cây long não tại một ngôi đền cổ.
Cây long não này mang trong mình những điều bí ẩn khó tin, với khả năng biến điều ước thành hiện thực theo một số quy tắc đặc biệt. Reito bắt đầu công việc canh gác mà không được cung cấp bất kỳ thông tin nào, và anh phải tự mình khám phá ra chân tướng của cây cổ thụ.
“Người Gác Cây Long Não” hứa hẹn đưa bạn đọc vào một thế giới vừa thực vừa ảo, nơi những bí mật được hé lộ qua từng trang sách, và những giá trị của cuộc sống được nhìn nhận từ một góc độ mới mẻ.
Tác giả: Keigo Higashino
Dịch giả: Hồng Minh
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Nhà phát hành: IPM
Số trang: 348
Phát hành: 2024
Giá bìa: 160.000đ
Đặt sách online ‘Người gác cây long não’ tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa. Đặt ngay!
“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với cuộc sống hiện đại. Câu chuyện về Reito, một thanh niên lạc lối, mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới của những điều ước kỳ diệu và những khám phá tâm linh sâu sắc. Blog sách hay của Nhà sách online Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ review của độc giả về tác phẩm này. Hãy cùng hòa mình vào cuộc hành trình tìm lại bản thân và khám phá bí mật của cây long não cổ thụ qua từng trang sách mê hoặc.
Higashino Keigo | Người Gác Cây Long Não
Đánh giá cá nhân: 8/10
“Truyện tôi viết thường có người chết, nhưng đôi khi tôi cũng muốn viết truyện người sống.” - Higashino Keigo
Người Gác Cây Long Não được phát hành tại Nhật Bản vào năm 2020 khi tiên sinh KEIGO đã bước qua độ tuổi lục tuần. Ở cái tuổi mà con người ta bắt đầu lo âu về những ảnh hưởng của nó đối với công việc viết văn như đầu óc lẩm cẩm, ý tưởng làng nhàng, sáng tác theo yêu cầu đặt hàng của NXB... (Nỗi trăn trở này từng được bác già đề cập đến trong cuốn Siêu Án Mạng: Nỗi Ưu Phiền Của Các Nhà Văn Trinh Thám). Hiểu được điều đó nên bản thân mình không còn đặt kỳ vọng quá nhiều vào những tác phẩm mới của tiên sinh ở giai đoạn xế chiều này nữa. Nói cho cùng, với gia tài đồ sộ hơn cả trăm tác phẩm thì khó có thể yêu cầu cuốn nào cũng hay xuất sắc như những tựa sách hot đã tạo nên tên tuổi của Higashino Keigo được.
Quay trở lại với Người Gác Cây Long Não, đây là cuốn sách thứ 30 mà mình đọc của bác già trên tổng số 47 cuốn đã được phát hành ở Việt Nam. Một câu chuyện mang yếu tố kỳ ảo, giả tưởng, dễ liên tưởng đến tác phẩm Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya. Tuy nhiên phải nói luôn rằng đây là một phiên bản khá lê thê, dài dòng và kém hay hơn nhiều. Nội dung đơn giản kể về chàng thanh niên Reito, ngoài 20 tuổi, sống tạm, nghĩ cạn, không bằng cấp cũng chẳng định hướng tương lai, bị gọi là thứ “sản phẩm lỗi”. Anh được ân nhân cứu ra khỏi tù với yêu cầu phải đến canh gác một cây long não cổ thụ đã tồn tại nhiều trăm năm. Theo tương truyền, cây thần khổng lồ này có khả năng biến mọi điều ước thành hiện thực. Và từ đó là hành trình tìm kiếm, trưởng thành và thay đổi bản thân của chàng trai trẻ cả bên ngoài lẫn tâm thức bên trong thông qua sự dìu dắt ân cần của người ân nhân và qua những mảnh đời khác nhau tìm đến mỗi tối dưới gốc cây long não.
Nửa đầu sách mình thấy đọc hơi nản do khá lê thê và một phần do không có yếu tố vụ án nên chưa được cuốn hút lắm. Khi dần quen với cái không khí nhẹ nhàng và nhịp điệu chầm chậm rồi thì nửa cuối sách lại khiến mình thích và xúc động.
Spoiler Alert
(Cảnh báo tiếp theo có tiết lộ một phần nội dung. Cân nhắc trước khi đọc!)
Câu chuyện về người anh trai Kikuo và người mẹ Takako bị rối loạn nhận thức hay căn bệnh alzheimer ăn mòn trí nhớ người bác ruột thân thiết với Reito thực sự khiến mình rưng rưng, xúc động. Nó làm mình nhớ đến bà nội bị lẫn đã mất không lâu. Xa hơn nữa, mình bỗng chợt nghĩ đến một ngày nếu như bố mẹ không còn nhớ nổi tên hay khuôn mặt mình nữa... Phải chăng khi viết cuốn sách này ở độ tuổi có lẽ mọi chức năng trong cơ thể đã “rơi rụng” đi phần nào thì chính tiên sinh KEIGO cũng đang gửi niệm vào cây long não thần kỳ những tiếc nuối một thời của mình.
“Người ta sống trên đời đâu thể chỉ làm toàn việc tốt.
[...]
Dù ở đâu đi nữa, chẳng có ai là không đáng được sinh ra trên đời cả. Cháu chỉ cần nhớ một điều này thôi. Mỗi sự tồn tại đều có lý do.”
Người Các Cây Long Não - chiêm nghiệm của một tác giả đã qua cái dốc bên kia của cuộc đời Bài viết có thể tiết lộ nội dung sách, cân nhắc trước khi đọc.
Vì sao tôi lại đặt tiêu đề như vậy? Có hai lý do. Thứ nhất là vì Keigo Higashino sáng tác Người Các Cây Long Não năm 62 tuổi. Đây là một trong những tác phẩm mới nhất của ông, màu sắc sáng tác cũng biến chuyển ít nhiều so với hồi viết Sau Giờ Học. Thứ hai, cuốn sách này cho tôi một cảm giác rất rõ về việc, nó là suy tư của người có tuổi.
Tuy rằng nhân vật chính của tiểu thuyết là một chàng trai, song theo tôi, điểm nhấn của cuốn sách lại nằm ở câu chuyện của những người (đã phần đều đã lớn tuổi) xung quanh anh. Đó là người đàn ông trung niên chừng như đang che giấu bí mật gì, cứ đi đi về về những nơi lạ lùng mà không cho vợ con biết. Đó là người phụ nữ từng đưa công ty gia đình phát triển vượt bậc, vẫn luôn đau đầu điều mà vài chục năm trước mình không thể làm được. Do vậy, cuốn sách này chứa đầy sự bí ẩn của phép màu cây long não, cũng ngập tràn cảm xúc buồn bã của sự hoài niệm.
Reito - nhân vật chính, là một thanh niên sống kiểu “biết nay, kệ mai”, không có hoài bão gì lớn, cũng không tham vọng phát triển đường dài sự nghiệp. Sau khi bị cho thôi việc, anh này quyết định đột nhập vào công ty cũ để ăn cắp máy móc, tính rằng khi mọi việc trót lọt mình đem đi bán thì cũng được một khoản khá. Ngờ đâu công cuộc trộm máy của Reito không diễn ra suôn sẻ, anh bị bắt và phải đối mặt với án tù.
Ngay lúc nguy khốn, đột nhiên có vị luật sư đức cao vọng trọng tìm tới, cho Reito hay thân chủ của ông sẽ giúp anh vụ này, nếu Reito chấp nhận yêu cầu của người ấy. Yêu cầu của ân nhân Reito cũng rất kì lạ: Anh phải trở thành người gác cây long não ở ngôi đền nọ.
Và thế là, Reito đã trở thành người gác cây mà chẳng hay biết gì về quyền năng của nó. Thông tin lớn nhất mà anh biết, có lẽ chỉ là lời đồn cái cây rất linh, có thể biến điều ước thành sự thật. Và rằng cứ mỗi đêm trăng non hay trăng tròn thì đều sẽ có người đặt lịch đến thỉnh.
Thông qua quá trình tìm hiểu và học cách trở thành người gác cây, Reito được tiếp xúc với câu chuyện của những người xa lạ, đồng thời hiểu rõ hơn về thân phận mình, cũng như mối quan hệ phức tạp trong dòng họ anh. Từ tốn và bình tĩnh, Keigo đưa người đọc khám phá sức mạnh đích thực của cây long não, đồng thời hé lộ những câu chuyện xúc động về kiếp người.
Như câu chuyện của người đàn ông nọ. Thuở nhỏ, người này được mẹ nhận định là thiên tài piano, do đó dồn sức học hành để thi đỗ nhạc viện. Nhưng rồi cuối cùng ông nhận ra, mình không phải thiên tài, piano có lẽ cũng không phải ước mơ của mình, mà là ước mơ của mẹ. Vậy là ông quyết định tự tìm kiếm tương lai dù muộn màng. Ông rời khỏi nhà, gần như cắt đứt với gia đình, nhưng mọi chuyện rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Song tôi cứ nhớ mãi cái cảnh ông tập làm tượng người giữa đường phố. Người ta hỏi ông rằng đây là việc ông muốn làm ư, từ bỏ nhạc viện danh giá như vậy liệu có đáng không? Nhưng ông chỉ im lặng. Sau đó, người này còn thử nghiệm nhiều điều khác nữa, song càng thử nghiệm, ông càng thất vọng, cuối cùng trượt dài.
Câu chuyện này phản ánh một thực tế vẫn đang diễn ra trong xã hội ngày nay. Sự giáo dục của gia đình ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của trẻ em về bản thân, tương lai, và những ảnh hưởng này có thể theo các em cả đời. Nếu không cẩn thận, chúng có thể hủy hoại cuộc đời các em.
Ngoài ra, trong câu chuyện này, ta còn có thể nhìn thấy hình ảnh người già cô đơn. Khi qua thời gian sung mãn, đỉnh cao nhất, họ trở về là những người bị gạt sang bên lề để những người trẻ tuổi khác thay thế. Họ phải đối mặt với việc lãng quên và bị lãng quên. Có lẽ bởi sáng tác Người Các Cây Long Não năm 62 tuổi, nên Keigo viết về cuộc đời những người như vậy, cũng là một kiểu gom góp suy ngẫm và kinh nghiệm bản thân vào để bày tỏ sự bất lực trước thời gian chăng?
Tổng hợp review: Minh Ngọc