Dystopia (phản địa đàng) là từ gốc Hy Lạp, dùng để chỉ các xã hội, các thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ.(*) Nhiều tác phẩm văn học lấy bối cảnh tương lai thường có các xã hội dystopian, điển hình trên thế giới là hai tác phẩm 1984 và Brave New World. Cả hai cuốn sách trên đều chưa được phát hành tại Việt Nam, nhưng vẫn có những cuốn tiểu thuyết Phản Địa Đàng khác đã được xuất bản và có nội dung không kém phần hấp dẫn, đưa người đọc bước vào những tương lai giả tưởng tăm tối của loài người.
Trong các tiểu thuyết Phản Địa Đàng, xã hội của loài người bị khống chế bởi một giai cấp thống trị thường là vô cảm và nhẫn tâm, như trong Đấu Trường Sinh Tử, khi Bắc Mỹ bị giới chính trị chia thành 12 quận để cai quản; hay trong 451 độ F chính quyền buông lỏng cho người dân sử dụng các thiết bị công nghệ tràn lan, thậm chí còn đốt sách. Trong Chuyện Tình Đích Thực Siêu Buồn (Nhã Nam) lấy bối cảnh một nước Mỹ tương lai, kiệt quệ về cảm xúc, bị cầm tù trong công nghệ và chủ nghĩa tiêu dùng, bị Trung Quốc qua mặt, châu Âu rời xa, lưỡng đảng đã biến thành Đảng Lưỡng Đảng, chính quyền thọc mũi vào đời tư của từng người dân không cần che giấu. Tầng lớp chính trị trong các tác phẩm Dystopia thường mang màu sắc bi quan và trào phúng.
Bìa sách Đấu Trường Sinh Tử (Nhã Nam)
Giai cấp trong các tác phẩm Phản Địa Đàng cũng có sự phân hóa lớn, tác phẩm Truyện Người Tùy Nữ đã chia phụ nữ ra làm các tầng lớp khác nhau dựa vào khả năng sinh sản của họ, bị cướp mất các quyền cơ bản đối với những người ở tầng lớp dưới. Hay phân chia các quận huyện dựa vào sự giàu nghèo như Đấu Trường Sinh Tử.
Giáo dục, gia đình, tôn giáo và nhiều giá trị xã hội khác trong các tiểu thuyết Phản Địa Đàng hoàn toàn đảo lộn và bị đẩy vào tình trạng tồi tệ. Sách vở, kiến thức là thứ bị coi rẻ trong 451 độ F và Chuyện Tình Đích Thực Siêu Buồn. Trong tác phẩm Delirium, tình yêu là một thứ bệnh dịch cần tìm cách xóa sổ. Các mối quan hệ trong gia đình thường bị biến chất và trở nên căng thẳng trong xã hội Phản Địa Đàng. Tôn giáo nếu có trong tác phẩm, sẽ đại diện cho kẻ đàn áp, nếu không sẽ là kẻ bị đàn áp. Nước Cộng hòa Gilead - nhà nước thần quyền cực đoan đạo Cơ Đốc, là thứ áp chế toàn bộ xã hội của Truyện Người Tùy Nữ.
Môi trường thiên nhiên trong các xã hội tương lai Phản Địa Đàng hầu hết được mô tả là đã trở nên ô nhiễm nặng nề hoặc nói về con người bị cấm hòa nhập với thiên nhiên hay vô cảm với tự nhiên, trong 451 độ F, đi dạo thậm chí bị coi là hành vi gây rối trật tự xã hội.
Công nghệ và truyền thông hiện đại nổi bật trong các tiểu thuyết văn học Phản Địa Đàng bởi sự tiêu cực mà nó gây ra cho loài người. Chuyện Tình Đích Thực Siêu Buồn mô tả một thế giới tương lai, khi công nghệ đã phát triển vượt bậc đến nỗi con người cũng bị đưa lên mạng và “review” theo thang điểm một cách công khai.
Xã hội trong tiểu thuyết Phản Địa Đàng thường bị chi phối nặng nề bởi truyền thông, công nghệ
Những điều tồi tệ kể trên chính là nền móng cho các nhân vật trong tiểu thuyết phản địa đàng suy nghĩ về giá trị, bản ngã của mình. Kathy, Ruth và Tommy của Mãi Đừng Xa Tôi đã phải đau đớn về số phận của chính họ, số phận nghiệt ngã của những “bản sao”. Hay anh lính phóng hỏa Montag, thế giới của 451 độ F đã đẩy anh đến đáy của sự khủng hoảng niềm tin …
Có thể thấy được góc nhìn bi quan của những tác phẩm Phản Địa Đàng, nhưng tương lai mà những cuốn tiểu thuyết này đã vẽ ra không phải là không thể thành sự thật. Tiểu thuyết Phản Địa Đàng vừa là một thế giới siêu thực khiến người đọc phải tò mò, kích thích tâm trí; đồng thời cũng là lời cảnh báo cho con người về một tương lai – đen tối hay tươi sáng đều là do chính những hành động ngay lúc này.
- Pibook.vn