"Một chỗ trong đời" không chỉ là một tự truyện kể về người cha của tác giả, nó là một chuyến hành trình đầy cảm xúc vào lòng thế giới nội tâm của một người con gái và ông bố quá cố của cô. Annie Ernaux, với ngòi bút tài hoa của mình, đã khắc họa nên hình ảnh "một ông bố đã qua đời qua giọng văn tường thuật nhạt nhẽo của người con gái." Nhưng đừng để lối miêu tả "lạnh lùng, và mỉa mai, chế giễu kinh khủng" này lừa gạt bạn - đây là một tác phẩm tràn đầy tinh tế và sâu sắc.
Chúng ta gặp một người cha, xuất thân nông dân, sống cuộc đời giản dị với con dao Opinel và những tờ báo địa phương. Ông không bao giờ bước chân vào viện bảo tàng, nhưng lại không ngần ngại đạp xe chở con gái mình đến thư viện - một hành động đầy ý nghĩa, thể hiện ước mơ và sự hy sinh âm thầm để cô con gái có thể tiếp cận với một tầng lớp xã hội khác. Ernaux đã vẽ nên bức tranh của người cha - với những điểm mạnh, điểm yếu - một cách chân thực đến nao lòng.
Giải Renaudot năm 1984 đã tìm thấy chủ nhân xứng đáng qua "Một chỗ trong đời" - câu chuyện về khoảng cách và sự giằn vặt giữa cha và con, được kể lại bằng những câu văn không cảm xúc, hờ hững, như thể đang nói về một người xa lạ. Nhưng đó chính là vẻ đẹp của nó: sự giản dị ẩn chứa tình cảm mãnh liệt và phức tạp. Annie Ernaux không chỉ viết, mà còn mở ra một không gian để người đọc cảm nhận và suy ngẫm.
Xem thêm: Những tác phẩm hay nhất của Annie Ernaux
"Một chỗ trong đời" không đòi hỏi bạn phải lướt qua từng trang với vội vã. Cuốn sách này cần bạn dành ra một thời khắc của đời mình, để đọc, để cảm nhận, thật từ từ, và để cảm nhận hết những tầng nghĩa của nó. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một bài học về tình thân, sự hiểu biết và lòng khoan dung.
Tác giả: Annie Ernaux
Dịch giả: Nguyễn Thị Thúy An
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 98
Phát hành: 11-2022
Giá bìa: 69.000đ
Mua sách online ‘Một chỗ trong đời’ tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
‘Một chỗ trong đời’ của nhà văn Annie Ernaux không chỉ chạm đến trái tim người đọc bằng những dòng chữ khắc khoải mà còn khéo léo khai phá những góc khuất tinh tế nhất của mối quan hệ phức tạp giữa cha và con. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review chia sẻ cảm nhận của đọc giả đã cuốn sách này, mời bạn xem tham khảo các chi tiết các review sách bên dưới!
Một Chỗ Trong Đời - Annie Ernaux
Trong lúc trú mưa ở Nhã Nam chờ bạn đến đón vào một chiều mưa lạnh, mình bị thu hút bởi tên của cuốn sách, và đã chọn nó ngay sau khi đọc tựa đề ở bìa sau, dù khác với dự đoán ban đầu nhưng càng thôi thúc mình mua đọc vì nhận ra bản thân trong câu chuyện, và biết rằng “La Place” có thể giúp mình hiểu ra nguyên nhân của những xung đột trong mối quan hệ với bố mà trước đây mình chưa ý thức được. Cuốn sách chỉ mỏng 98 trang, nhẹ và rất hợp để ‘xử lý’ ngay trong một buổi cafe chiều thứ 7.
Cuốn tự truyện kể về người cha của tác giả, một người đàn ông xuất thân từ nông dân, rồi lên công nhân, và cuối cùng làm chủ tiệm một quán café tạp hóa, một người đàn ông cầu tiến và luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể để rũ bỏ bản chất nông dân cố hữu của mình, để được công nhận là đã “bước chân ra khỏi cuộc sống bần hàn thô kệch và bước vào thế giới của trí thức, tư sản.” Nhưng thế giới tư sản của Pháp là thế giới tri thức, không phải có tiền là hòa nhập được. Dù có nhiều tiền, biết cách ứng xử tại bàn ăn hay cách phối đồ thì bản chất nông dân của ông vẫn luôn nằm trong bản chất, trong lời ăn tiếng nói của mình, thứ cố hữu cả đời không đổi.
Bạn có thể không để ý đến điều đó trong tiếng Việt, nhưng với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, đặc biệt là Anh và Pháp thì hệ thống từ vựng luôn được chia làm 2 loại mà chúng ta vẫn nôm na hiểu là kiểu văn trang trọng “formal” và cách nói suồng sã “informal”. Điều này được thể hiện rất rõ trong cách mọi người dùng từ ngữ và diễn đạt hàng ngày. Người cha xuất thân từ tầng lớp nông dân, còn cô con gái được dạy dỗ trong một môi trường giáo dục trí thức tiểu tư sản, ngôn ngữ của họ dần dần trở nên khác biệt nhau, các cuộc nói chuyện trở thành những cuộc tranh cãi, dần mâu thuẫn và xung đột đến mức hai cha con không còn gì nhiều để nói với nhau nữa... Ngôn ngữ đã đào giữa họ một hố ngăn không thể khỏa lấp. Và không chỉ là ngôn ngữ, khoảng cách giữa hai người còn là sự khác biệt về sở thích, khoảng cách thế hệ, thời đại; và sau cùng là khoảng cách về giai cấp!
Annie cáu giận, ấm ức, tủi thân bao nhiêu khi bị la mắng, nổi cáu: " “Bố cứ muốn con không bị chỉnh, thế mà lúc nào bố cũng nói sai!” Tôi khóc, cha tôi khổ tâm. Trong các ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên nhân của sự oán hận, của những cuộc cãi vã đau lòng, còn hơn cả vấn đề tiền bạc. "
Nhưng đằng sau sự thô lỗ, cay nghiệt ấy lại là niềm tự hào lớn lao mà cha dành cho con: rằng bản thân, dù có bần hàn và quê kệch, cũng đã nuôi dưỡng con gái thành công: “Ông đã nuôi tôi khôn lớn để tôi tận hưởng một thứ xa xỉ mà bản thân ông không hề biết đến”.
Câu chuyện được kể bằng giọng văn trung lập, đầy khách quan và có phần lạnh lùng. Dù không có chút lãng mạn và thi vị đầy chất Pháp, mình lại thích cách viết công tâm và tạo sự tự do cho người đọc như trong truyện, để có thể tự trầm ngâm và đào sâu câu chuyện hơn là bị lèo lái cảm xúc bởi tác giả. Có thể ban đầu mọi người sẽ nghĩ Annie ‘bất hiếu’ và vô cảm khi cô dùng giọng văn khô cứng như thế để nói về người cha quá cố của mình. Nhưng thực chất, nếu không tinh tế, không thương yêu thì sẽ không có câu chuyện tỉ mỉ, đầy dằn vặt, mâu thuẫn và trăn trở như vậy.
Một Chỗ Trong Đời - Annie Ernaux
Một người cha không bao giờ bước chân vào viện bảo tàng, chỉ đọc báo địa phương, không dùng gì khác ngoài con dao Opinel của riêng mình để ăn. Một người cha xuất thân nông dân rồi trở thành công nhân và cuối cùng là chủ một tiệm cà phê kiêm cửa hàng tạp phẩm. Một người cha luôn lo lắng bị nhầm “vị trí”. Cũng người cha ấy lấy làm tự hào về cô con gái nhờ được học hành tử tế mà đã đặt chân được vào giới tiểu tư sản. Nhưng đằng sau đó là khoảng cách, là những đớn đau, giằn vặt giữa cha và con.
"Dù sao thì người ta cũng hạnh phúc. Cần phải như vậy."
Cuốn sách này chưa đầy một trăm trang, nhưng tớ lại không nghĩ nó khó đọc như thế. Được viết bằng lời lẽ khá bình dị nhưng để hiểu được một câu và liên kết với các câu khác thì hơi mệt. Có một số câu dù có đọc đi đọc lại tớ vẫn không nắm bắt nổi. Nhiều câu cứ như là tác giả nghĩ sao viết vậy mà không trau chuốt, giống như ngôn ngữ đời thường vậy, nhưng lại có cảm giác nghệ thuật chứ không giống mấy đứa tụi mình viết ra xong bị kêu sai cú pháp. Tuy đọc từng câu thấy rời rạc nhưng trên tổng thể lại tạo ra một mạch cảm xúc, tớ nghĩ đó chính là cái hay của cuốn sách.
Đây chỉ là một dòng hồi ức về người cha của con gái, với giọng văn lãnh đạm và không có gì đặc sắc, nhưng những sự việc và cảm xúc ẩn trong đó lại gây ấn tượng với tớ. Cảm giác của một người luôn muốn tìm cho mình một chỗ trong đời nhưng những bóng ma của quá khứ, những nỗi mặc cảm từ nguồn gốc, từ cái chốn mình vươn ra khiến họ không thể tiếp xúc với những điều ở cao hơn mà mình đáng có. Họ bối rối trước sự thay đổi mà họ chưa từng qua. Người cha trong câu chuyện là kẻ luôn lo lắng về "vị trí" của mình, kẻ mang trong mình sự xấu hổ lẫn niềm tự hào về "vị trí" ấy. Và điều đó dẫn đến những đau khổ, sự xa cách giữa ông và cô con gái, hiện thân của một "vị trí" ông hằng mong tới. Tớ nghĩ tớ cũng đã từng trải qua cảm giác này rồi, chỉ là không dữ dội đến thế
Giọng văn lạnh lùng như chỉ đang tường thuật lại cho tớ cảm giác như cô con gái đang cố kìm nén tình cảm và nỗi xót thương dành cho cha mẹ mình, bởi vì khi cô được tiếp xúc với tầng lớp tiểu tư sản, cô đã hiểu được nỗi dằn vặt của cha mình, khi ông nói ông đang thuộc về một thế giới từng khinh miệt ông.
Cũng không biết nên khuyên các cậu đọc hay không, bởi bản thân tớ cũng không rõ cảm xúc của tớ với cuốn này thế nào. Nhưng tớ vẫn đánh giá cao nó. Đánh giá: 8/10
"Người ta cười chảy nước mắt khi họ nói những điều ngớ ngẩn, hay cư xử vụng về, những cái mà người ta sợ bản thân mình mắc phải."
Annie Ernaux đã dùng lối viết hờ hững, lạnh lùng nhất có thể để viết nên "Một chỗ trong đời", một cuốn hồi ký ngắn kể về cuộc đời người cha của bà. Có vẻ rất kỳ lạ khi dùng lối viết đó để kể về cha của mình, nhưng cũng vì lẽ đó mà cuốn sách có được sức hút đặc biệt.
Một người cha xuất thân từ nông dân, cố gắng để trở thành công nhân, và cuối cùng trở thành chủ một tiệm cà phê kiêm cửa hàng tạp phẩm, mong muốn được là một phần của giới tiểu tư sản lúc bấy giờ. Nhưng càng tiến lên phía trước, người cha đó lại càng thu hẹp bản thân mình hơn, ông bấp bênh trong việc ứng phó với cách xử sự phù hợp khi bước vào một tầng lớp mới mà vẫn còn mắc míu những thói quen, suy nghĩ thuộc về lối sống cũ. Người cha đó từ chối việc dùng "thổ ngữ", thứ ngôn ngữ của nông dân vì cho rằng nó thấp kém, ngược lại, ông cũng từ chối việc sử dụng những từ ngữ nằm ngoài vốn từ vựng của mình. Ông chú ý từng lời ăn tiếng nói, không bộc lộ quan điểm, không bao giờ dám đặt câu hỏi, cư xử rụt rè trước những người ông cho là quan trọng. Với mong muốn bước vào giới tiểu tư sản đó, ông hy vọng rằng con gái ông sẽ "khá" hơn bản thân mình, nhưng lại tức giận khi thấy cô con gái cắm đầu vào những quyển sách. Ông vui sướng khi được trả lời với các khách hàng rằng con gái mình đang học để làm giáo viên, nhưng lại sợ người khác nghĩ rằng gia đình mình giàu có nên mới xui con học hành như thế. Càng hy vọng đổi mới cuộc đời, người cha càng chật vật hơn với những nỗi ám ảnh: nỗi ám ảnh "bị nhầm vị trí", nỗi ám ảnh "người ta nghĩ gì về chúng tôi", nỗi ám ảnh về sự ganh ghét, đố kỵ.
Từng sự kiện trong cuộc đời người cha được Annie Ernaux kể lại với giọng văn bình bình, không cao trào, không phán xét, không ẩn dụ, không so sánh mơ mộng, chỉ đơn thuần là kể lại. Tại sao lại dùng cách kể đó để nói về cha của mình? Người cha ấy đã luôn tự hào vì con mình được học hành tử tế mà có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, nhưng cũng chính vì lẽ đó mà giữa hai cha con hình thành nên khoảng cách cứ ngày một lớn dần. Đó là khoảng cách về giai cấp. Nó khiến hai người không thể dễ dàng bộc lộ tình cảm được với nhau, đến độ "không còn gì để nói với nhau", bởi khoảng cách giai cấp đồng nghĩa với cách suy nghĩ, lối sống khác nhau, nên họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận những gì thuộc về "giai cấp" của đối phương (mình không biết liệu dùng cách nói này có sai không). Điều đó chẳng phải rất đau lòng hay sao? Cũng giống như việc không còn duy trì một thói quen vậy, đến khi thử thực hiện lại thì sẽ thấy nó rất gượng gạo, không quen. Một mối quan hệ cũng tương tự, khi đã trúc trắc trong việc thể hiện tình cảm, khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung, mà nó lại còn tồn đọng trong thời gian dài, chắc chắn sẽ rất khó để diễn tả tình cảm của bản thân cho dù bạn có trân trọng nó đến mấy.
Mình đã nghĩ đến cuốn sách rất nhiều kể từ khi đọc xong nó cách đây khá lâu. Và mình thường nghĩ đến một chi tiết, khi kiểm tra lại đống quần áo của người cha mới mất để đi phân phát cho người nghèo, cô con gái đã tìm thấy trong chiếc ví của ông một mẩu báo có đăng kết quả xếp từ cao xuống thấp của kỳ thi đầu vào trường Sư phạm nữ. Tên cô con gái đứng thứ nhì.
Tổng hợp: Minh Ngọc