Giữa hàng ngàn đầu sách self-help hứa hẹn mang đến hạnh phúc, “Đi tìm lẽ sống” của Viktor E. Frankl vẫn đứng vững như một ngọn hải đăng, soi sáng cho biết bao thế hệ bạn đọc. Không hoa mỹ, lý thuyết suông, cuốn sách chạma đến trái tim người đọc bằng chính những trải nghiệm cận tử của tác giả trong trại tập trung Nazi. Từ địa ngục trần gian ấy, 3 bài học đắt giá về ý chí sinh tồn, khát vọng tự do và ý nghĩa cuộc đời đã được chắt lọc, giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn từng khoảnh khắc. Hãy cùng Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn bước vào hành trình chiêm nghiệm 3 bài học ấy và thay đổi cách bạn nhìn về cuộc sống!
"Đi tìm lẽ sống" mang đến một góc nhìn khác biệt về sự sống và cái chết. Bài học đầu tiên mà Viktor E. Frankl muốn gửi gắm chính là sự thờ ơ với cái chết như một chìa khóa để tồn tại. Trong môi trường khắc nghiệt của trại tập trung, chấp nhận cái chết bất cứ lúc nào lại là cách giúp con người ta tiếp tục sống.
Chính sự thờ ơ này, một trạng thái tâm lý chỉ đơn thuần là tồn tại thay vì sống với những tham vọng và hy vọng, đã tạo nên một lớp lá chắn bảo vệ tinh thần cho các tù nhân. Nó giúp họ đối mặt với những nỗi kinh hoàng xung quanh và làm những gì cần thiết để sống sót, dù là việc lấy một đôi giày hay che thân bằng phân để tránh bị đưa vào phòng hơi ngạt. Trong hoàn cảnh bị tước đoạt mọi thứ, từ thức ăn, quần áo, giấc ngủ đến sự nghỉ ngơi, đầu hàng hiện tại và không nghĩ về tương lai lại trở thành cách duy nhất để tồn tại. Bởi đôi khi, chấp nhận cái chết lại chính là con đường để sống.
Không chỉ dừng lại ở sự sống và cái chết, "Đi tìm lẽ sống" còn khơi gợi trong chúng ta về ý nghĩa của cuộc đời. Viktor E. Frankl khẳng định, giống như việc không có nước cờ vạn năng nào trong một ván cờ, cũng không hề tồn tại một ý nghĩa chung cho cuộc sống của tất cả mọi người, hay thậm chí là cho riêng mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời.
Ý nghĩa của cuộc sống là một khái niệm "cá nhân hóa", được kiến tạo bởi chính những lựa chọn và hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người. Liệu pháp ý nghĩa ra đời từ đó, bác bỏ quan niệm sai lầm về việc phải tìm ra ý nghĩa cuộc sống trước khi sống một cuộc đời trọn vẹn. Trên thực tế, chính cách chúng ta hành động và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình mới là yếu tố quyết định ý nghĩa của nó.
Câu chuyện của chính Viktor E. Frankl là một minh chứng rõ nét. Trong những đêm băng giá, khi bị lính gác Đức Quốc xã áp giải, phải bước đi chân trần trên đá băng và vũng nước, ông vẫn tìm thấy ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Đó là khi ông nghĩ về người vợ, tưởng tượng ra khuôn mặt bà và cảm nhận được niềm hạnh phúc từ đó.
Khả năng làm chủ cuộc sống và tâm trí chính là thông điệp cuối cùng mà Viktor E. Frankl truyền tải qua "Đi tìm lẽ sống". Liệu pháp ý nghĩa hướng con người ta tập trung vào thế giới nội tâm thay vì bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài, từ đó giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình.
"Ý định nghịch lý" là một phương pháp được Frankl đề xuất, giúp chúng ta đối diện và hóa giải nỗi sợ hãi bằng cách chủ động biến chúng thành hiện thực. Ví dụ, nếu bạn sợ nói lắp trước đám đông, hãy thử cố tình nói lắp khi đứng trước họ. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chính việc ép buộc nỗi sợ hãi xuất hiện lại là cách khiến nó tự tan biến.
Bởi lẽ, nguyên nhân thực sự của việc nói lắp không phải do đám đông, mà là do nỗi sợ hãi nói lắp bên trong bạn. Khi bạn chủ động đối diện và đẩy nỗi sợ đó lên đến đỉnh điểm, nó sẽ tự động sụp đổ và bạn sẽ không còn sợ hãi nữa.
Tổng hợp: Minh Ngọc
Nguồn ảnh trong bài viết: St Internet