Review sách Kafka bên bờ biển - Haruki Murakami


Review Sách | 12/12/2023 00:57| Minh Ngọc

Lượt xem: 673

Kafka bên bờ biển - Hành trình vượt qua biển lý trí

"Kafka bên bờ biển" của Haruki Murakami chào đón bạn vào một thế giới nơi các dòng thực tại và huyền bí đan xen không thể phân biệt. Murakami không chỉ kể một mà là hai câu chuyện, một kể về Kafka Tamura, một kể về lão già Nakata. Hai câu chuyện giống như hai dòng sông chảy song song trước khi hợp lưu vào đại dương của vận mệnh và ý thức.

Kafka Tamura, một thiếu niên mười lăm tuổi chạy trốn khỏi lời nguyền đáng sợ của cha mình – một lời nguyền uy hiếp anh ta với những hành động tội lỗi và mất mát. Cậu bé này, mang trong mình bản ngã là Quạ, tìm thấy nơi trú ẩn trong những hàng sách của một thư viện khổng lồ ở Takamatsu, nơi cậu ta bắt đầu cuộc hành trình tìm lại mẹ và chị gái, đồng thời cố gắng giải mã bí mật của bản thân mình. Sự cô đơn và nỗi sợ hãi của Kafka dần dần được giảm bớt thông qua những mối quan hệ mới và những khám phá bất ngờ, nhưng cái bóng của lời nguyền vẫn luôn đeo bám.

Trong khi đó, đối lập với cậu bé trẻ tuổi đang đối diện với những khủng hoảng của tuổi mới lớn, chúng ta có Nakata – một ông già với đầu óc lẩm cẩm. Dù đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, Nakata bắt đầu một cuộc hành trình khác không kém phần kỳ bí. Tai nạn từ thuở nhỏ đã lấy đi khả năng đọc viết của ông nhưng lại ban cho ông một món quà kỳ lạ: khả năng nói chuyện với mèo. Ông già thân thiện này được mèo dẫn dắt, nắm giữ chìa khóa giải quyết chuỗi sự kiện liên quan đến một con mèo bị mất tích và một phiến đá bí ẩn – những sự việc có vẻ không liên quan nhưng lại ẩn chứa mối liên kết sâu sắc đến cậu bé Kafka.

Review sách Kafka bên bờ biển

Murakami không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện mà còn mời gọi độc giả vào một hành trình triết học, nơi những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, sự tự do và vận mệnh được khám phá qua lăng kính của giả tưởng và tâm linh, chạm đến những yếu tố kinh dị và huyền bí. "Kafka bên bờ biển" không chỉ là một tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn Murakami mà còn là một thách thức đối với mọi quy chuẩn, một lời mời gọi khám phá những khía cạnh sâu thẳm nhất của tâm hồn con người và bản chất thực sự của thế giới

Thông tin sách:

Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Dương Tường
Nhà xuất bản: Văn học
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 539
Phát hành: 07-2018
Giá bìa: 138.000đ

Mua sách online giá rẻ ‘Kafka bên bờ biển’ tại nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa

Review sách Kafka bên bờ biển

Giữa tiếng sóng vỗ bên tai và hơi thở của gió, câu chuyện của Kafka và Nakata dẫn dắt chúng ta qua những lớp vải của thời gian, không gian và ký ức, nơi mỗi trang sách của ‘Kafka bên bờ biển’ là một cánh cửa dẫn đến phòng ẩn chứa những bí mật của vũ trụ Murakami. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bài đọc tổng hợp review cuốn sách này của một vài đọc giả đã đọc sách và chia sẻ cảm nhận của mình, mời bạn xem chi tiết các review sách bên dưới!

Review sách của Hương Lê

Kafka bên bờ biển là một khám phá thú vị, nó gây ấn tượng tới mức mà đọc xong vài ngày truyện vẫn lơ lửng trong đầu , không như nhiều quyển sách khác, đọc thấy rất hay nhưng sau đó quên đi cũng nhanh.

Truyện bắt đầu với ba bối cảnh tách rời. Một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà đi, với những lời khuyên của “thằng tên là Quạ” trong đầu. Một cô giáo kể lại một chuyện tất cả học sinh của cô đều ngất trong một chuyến đi hái nấm trong rừng, trong thời chiến tranh thế giới thứ hai. Tất cả học sinh sau đó đều tỉnh lại, bình an vô sự, trừ một em bé mất đến 3 tuần trong bệnh viện. Và câu chuyện thứ ba là ông già thiểu năng Nakata, người có thể nói chuyện với những con mèo. Dần dần, người đọc mới thấy được mối liên quan, sự đan xen giao thoa giữa ba sự kiện trên, và cuốn theo dòng chảy của câu chuyện chính.

Văn của Murakami trong phần tự sự của cậu bé 15 tuổi làm người ta nhận ra ngay “chất Murakami” như từng thấy trong Rừng NauyPhía Nam biên giới, phía Tây mặt trời – nội tâm của con người cô đơn, sách, nhạc, triết lí và tình dục. Nhưng khi ông viết về ông già Nakata, có những đoạn người đọc có thể bật cười thích thú. Văn của Murakami có sức cuốn hút kì lạ, càng đọc càng khó ngưng, ông viết rất bình thản, nhẹ tênh mà người đọc bị mê hoặc. Người dịch (Dương Tường) chuyển thế nhuần nhuyễn một cách đáng khâm phục.

Review sách Kafka bên bờ biển của Hương Lê

Trong Kafka trên bờ biển, Murakami lồng vào vô số những triết lí, đặc biệt là từ lời thoại của nhân vật Oshima, người thủ thư. Tuy nhiên, triết lí cũng có thể đến từ anh chàng lái xe ít học, và từ một cô gái điếm trích thuyết về bản ngã của Hegel khi tiếp khách. Triết lí trong truyện thường mang nhiều yếu tố tượng trưng, siêu thực. Quả thực ông phải là người đọc rất nhiều, biết rất nhiều, nên truyện của ông giàu nội dung đến thế, như một bữa tiệc linh đình cho những con người “tò mò”.

Những nhân vật chính trong truyện của Murakami dường như đều thế : lạc lõng, nhạy cảm và chìm đắm vào một điều gì đó trong quá khứ. Đấy là những con người lùi lại, đi chậm lại, so với cuộc sống công nghiệp hối hả và nhàm chán. Đấy là những con người nhạy cảm, tâm hồn đẹp quá mức bình thường, như Miss Saeki, tâm hồn “mắc kẹt” trong quá khứ không thể thoát ra, thân xác chỉ chờ cái chết như một người “chờ tàu”.

Kafka ngồi ghế trên bờ biển

Nghĩ về quả lắc làm thế giới đung đưa

Khi trái tim ta khép kín

Cái bóng của Nhân Sư sẽ thành lưỡi dao

Xuyên thủng giấc mơ ta

Cô gái chết đuối huơ tay tìm

Phiến đá cửa vào

Nâng gấu váy màu thiên thanh

Và đăm đăm nhìn

Kafka bên bờ biển

(Khi mình đọc truyện này, đúng phần về Miss Saeki và bài hát "Kafka bên bờ biển", thì mình lại đang nghe bài “Người yêu dấu ơi” của Mayumi Itsuwa, quả thực là hợp)

Murakami ghét những con người “trống rỗng” một cách thậm tệ. Đó là những con người nhàm chán, cứng nhắc, đối lập hoàn toàn với thế giới nội tâm giàu có của các nhân vật chính. Như anh lái xe ít học ở cuối truyện lại đâm ra mê Beethoven. Có khi nào ông làm người đọc tự ti, e ngại rằng cuộc sống tinh thần của mình không được đẹp ?

Corbeau, disais-je, corbeau de malheur que fais-tu là sur mon chemin.

Où que j’aille, je te trouve en train de hérisser tes quelques plumes. Importun ! Oui, fit-il, allant et venant devant moi, la tête penchée, tel un professeur qui fait son cours, c’est exact, cela finit par me mettre mal à l’aise moi-même.”

(Thơ Franz Kafka - chắc hẳn Murakami đã từng đọc)

Truyện mang nhiều yếu tố tâm linh, quái quỷ của văn hóa truyền thống Nhật Bản, nhưng những quái đản của truyện tác giả viết với một sự thuyết phục khó cưỡng, làm cho ta phải chấp nhận nó như cuộc sống.

Nếu như bạn là người thích nghe nhạc Trịnh, thích Salvador Dali, Frida Kahlo, thích Spirited Away …, thích đọc cả Mila Kundera, chắc chắn bạn sẽ thích Murakami.

Truyện đọc với một con mèo bên cạnh là chuẩn.

Review sách của Mỹ Duyên

Khác với Rừng Na-uy (là một bài hát có thật của ban nhạc The Beatles) thì Kafka bên bờ biển là một ca khúc không có thật. Đối với Kafka bên bờ biển thì ca khúc hư cấu này đóng một vai trò quan trọng của cốt truyện, nó gắn bó với từng chi tiết, gắn kết các nhân vật lại với nhau.

Nếu dùng một từ để miêu tả cuốn sách này thì ắt hẳn “dị thường” sẽ là một tính từ thích hợp. Dị thường ở đây là sự hòa trộn giữa những thứ quái dị, hoang đường với những điều giản dị, bình thường. Cuốn sách chứa đựng những yếu tố siêu thực mà dường như ý nghĩa của nó vượt lên trên những gì hiện hữu trên trang giấy, ngôn từ ở đây cũng trở thành một cái gì đó hoàn toàn siêu hình.

Review sách Kafka bên bờ biển của Mỹ Duyên

Rút kinh nghiệm từ những tác phẩm khác của Murakami, tôi không cố gắng giải nghĩa câu chuyện này; chỉ đơn giản là đọc và cảm nhận nó. Cuốn tiểu thuyết này gồm 2 tuyến truyện chính (tách biệt song song với nhau):

Câu chuyện thứ nhất là của Kafka ở ngôi thứ nhất, con trai của nhà điêu khắc Koichi Tamura. Cậu bỏ nhà đi vào cái hôm sinh nhật 15 tuổi, chạy trốn khỏi lời tiên tri khủng khiếp của ông bố để lại cho cậu. Cùng lúc, cậu cũng cố gắng tìm mẹ và chị gái đã bỏ đi lúc cậu còn bé. Chạy trốn không phải là cách giải quyết vấn đề, nhưng với một đứa trẻ thì nó là cách duy nhất có thể nghĩ đến.

Câu chuyện thứ hai là của Nakata - một lão già (bị thiểu năng theo cách nhìn của người xung quanh), không biết đọc và vì một tai nạn kỳ bí từ bé, bù lại thì ông có khả năng nói chuyện với loài mèo (và có thể cũng có khả năng nói chuyện với đá). Một lần ngoài ý muốn, ông buộc phải giết một người đàn ông, sau đó trải qua chuyến đi đầy kỳ bí.

Cả hai câu chuyện về 2 người tưởng chừng không liên quan, nhưng lại gắn kết, bổ sung và giải nghĩa cho nhau. Cho dù cả hai nhân vật không gặp nhau, nhưng thực chất trên con đường đích đến, họ giao nhau ở một điểm (ở thực tại lẫn siêu hình). Có lẽ cảm hứng về Kafka của Murakami là từ mặc cảm Oedipe – một hiện tượng tâm lý hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Mặc cảm Oedipe được Freud nhận diện vào năm 1910. Tên gọi hội chứng tâm lý này vay mượn từ huyền thoại Hy Lạp – Vua Oedipe, ông này bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, không biết cha mẹ ruột, về sau ông thậm chí đã giết cha mình rồi kết hôn với mẹ ruột.

Tôi sẽ tránh không kể chi tiết nội dung câu chuyện, một phần để tránh ảnh hưởng đến những độc giả chưa đọc Kafka bên bờ biển (tình cờ đọc được bài review này).

Trong Kafka bên bờ biển có đủ thứ: siêu thực, kỳ ảo, bi kịch Hi Lạp, âm nhạc cổ điển, chiêm bao, thế chiến II,... những lý luận về triết học, văn học, tâm phân học. So với các tác phẩm khác thì ở tác phẩm này, Murakami cho ra quá nhiều chiêu thức. Tuy nhiên, tất cả được sắp xếp tài tình thuyết phục, cứ như nó buộc phải xuất hiện ở đó, không phải ở một chỗ nào khác, tự nhiên mà thế.

Một trong những phân đoạn mà tôi thích nhất là lúc Hoshino thay đổi từ trong nhận thức. Hắn ngay từ đầu đã được khắc họa là một gã lái xe tải ít học, thích chơi gái điếm, nóng nảy, giỏi tay chân, nhưng lại rất tốt bụng (và có cảm tình với người già). Lần thay đổi một chút nhỏ đầu tiên là lúc hắn làm tình với một ả gái theo ngành triết học (đọc lại đoạn này vẫn thấy rất chi là buồn cười). Sau đó, hắn lại được tiếp xúc với âm nhạc cổ điển. Thực sự là thú vị, không thể nào hình dung được sự khác lệch, đối lập này. Để rồi, một kẻ như hắn lại cảm thụ âm nhạc Beethoven, suy ngẫm và yêu thích nó.

“Người ta sinh ra là để sống, phải không nào? nhưng càng sống, mình càng mất đi cái gì ở bên trong mình và rốt cuộc, mình trở thành trống rỗng. Và mình dám chắc là càng sống, mình sẽ càng trống rỗng hơn, vô giá trị hơn. Ở đây, có một cái gì đó không ổn. Đời lại cứ phải xoay ra như thế sao? Liệu mình có thể xoay chiều đổi hướng được không?”

Có lẽ, cuộc đời hắn chưa bao giờ nghĩ lại thay đổi đến mức này. Hắn va vào ông cụ già kỳ lạ, đi theo những rắc rối và trở thành một phần của câu chuyện. Một nhân vật phụ, nhưng chính là người thắt nút cuối cùng. Bỗng dưng tôi nghĩ, phải chăng hắn chính là đại diện cho chúng ta - những người đọc theo suốt câu chuyện này. Chắc hẳn, có vài người (nhiều người) vẫn đang sống một cách trống rỗng như hắn, rồi chợt nhận ra và bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Nhận ra quan trọng của việc sống có ý nghĩa.

Ngoài ra, tôi cũng thích cách mà Haruki Murakami viết về linh hồn thật sự rất nhẹ nhàng, huyền bí nhưng không hề đáng sợ. Theo như tôi hiểu trong tác phẩm này, thì linh hồn và thân thể là đều là những vật chất. Một khi bị thương về tinh thần thì linh hồn của người đó cũng không trọn vẹn (như ông Nakata và Miss Saeki). Cái bóng mờ nhạt, hoặc là sống để chờ đợi cái chết dần đến chỉ là phép ẩn dụ về việc linh hồn không được trọn vẹn.

Một số trích dẫn hay trong tác phẩm:

“Mỗi người trong chúng ta đều đánh mất đi những thứ vô cùng quý giá. Mất đi cơ hội, mất đi khả năng, những cảm xúc mà không bao giờ ta kiếm tìm lại được. Đó chính là ý nghĩa tận cùng của sự sống.”

"Và khi cơn bão đã chấm dứt, mày sẽ không nhớ mình đã làm thế nào mà vượt qua được nó, làm thế nào mà mình đã sống sót. Thậm chí mày cũng sẽ không biết chắc là cơn bão đã thật sự chấm dứt hay chưa nữa. Nhưng điều này thì chắc chắn. Khi mày ra khỏi cơn bão, mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó.”

“Vấn đề không phải là thông minh hay đần độn, mà là nhìn sự vật bằng đôi mắt của chính mình.”

“Sự vật thay đổi từng ngày, bác Nakata ạ. Mỗi sớm thức dậy, thấy thế giới không còn như hôm trước nữa. Bản thân mình cũng không còn là con người từng là mình hôm qua nữa.”

“Điều quan trọng nhất ở đây là mỗi người cứ để cho sự vật hấp thụ mình vào. […] Chẳng hạn như khi anh ở trong rừng, anh trở thành một bộ phận khăng khít của nó. Khi anh ở trong mưa, anh là một phần của cơn mưa. Khi anh ở trong buổi sáng, anh là một bộ phận của buổi sáng. Khi anh ở bên em, anh là một bộ phận của em.”

Trong một số câu hỏi được độc giả gửi đến, Murakami đã trả lời cho câu hỏi "Bí quyết để hiểu tác phẩm này" đó là "nằm ở chỗ đọc nó nhiều lần". Tôi sẵn sàng đọc lại thêm vài lần nữa.

Xem thêm: Review sách Rừng nauy - Haruki Murakami

Review sách của Phương Anh

Về "Kafka bên bờ biển" của bác Haruki Murakami

Mình từng đọc được câu nói đùa rằng, "Bạn trưởng thành khi không còn thích đọc Haruki Murakami nữa". Mãi đến khi đọc xong Kafka, cũng là quyển sách "nhập môn" dẫn mình vào thế giới kỳ ảo của bác, mình mới hiểu hết câu nói ấy.

Review sách Kafka bên bờ biển của Phương Anh

"Kafka bên bờ biển" là một câu chuyện về hai con người, ở hai đầu thế hệ, một cậu thiếu niên đầu xanh và một lão già đã bước qua sườn dốc phía bên kia của cuộc đời. Ở hai điểm xuất phát ấy, họ bắt đầu hành trình đi tìm lại một nửa chiếc bóng của mình, một nửa bị đánh cắp để họ mãi mãi chẳng thể là những linh hồn trọn vẹn.

Từng chương truyện cứ thế trôi đi qua giọng văn của bác Murakami. Gấp rút nhưng tĩnh lặng đến lạ kỳ, đến mức mình bị cuốn vào thế giới ấy lúc nào chẳng hay và trở thành một người quan sát lặng lẽ đi bên cạnh hai nhân vật chính. Với mình, "Kafka bên bờ biển" không phải một tác phẩm có quá nhiều kịch tính và bất ngờ. Nhưng sự tinh tế trong cách dùng từ và mô tả chi tiết của bác lại là điểm nhấn ấn tượng nhất. Những tiểu tiết được bác đưa vào mạch truyện để gợi lên suy ngẫm về thế giới quan của hai nhân vật với hai cuộc đời đối lập. Cứ thế, bác dẫn người đọc đến những dòng cuối cùng của tác phẩm. Chóng vánh đến hụt hẫng và ám ảnh không nguôi.

Có lẽ văn của bác Haruki Murakami là thế, thứ văn chương để người ta ngẫm nghĩ nhiều hơn là trầm trồ. Qua những nhân vật của bác, ai rồi cũng thấy một phần của mình trong ấy, một phần với cái bóng mờ nhạt và nửa vời. Để rồi họ sẽ phải đến lúc đối mặt với một cơn bão dữ dội, đi xuyên qua nó, không trốn tránh, và bước ra với đầy về xướt. Họ trở thành một con người khác, bỏ lại con người cũ ở đầu bên kia cơn bão. Và phải chăng khi đi qua hành trình do bác vẽ ra ấy, người ta lớn lên, và chẳng thể quay đầu lại để thưởng thức tác phẩm của bác với niềm say thích như khi mới bước vào nữa?

Xem thêm bài viết:

Tổng hợp: Minh Ngọc

Sản phẩm liên quan
Kafka Bên Bờ Biển (Tái Bản) 30% Cháy hàng

Kafka Bên Bờ Biển (Tái Bản)

110.600đ

158.000đ

(0)

Combo 1Q84 (Trọn Bộ 3 Tập) 30%

Combo 1Q84 (Trọn Bộ 3 Tập)

336.000đ

480.000đ

(10)

Bàn Về Âm Nhạc - Trò Chuyện Cùng Seiji Ozawa 30% Cháy hàng
Ngôi Thứ Nhất Số Ít 30%

Ngôi Thứ Nhất Số Ít

75.600đ

108.000đ

(6)

Bài viết liên quan
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis

04/08/2024 16:43Minh Ngọc

Gambit Hậu của Walter Tevis là một kiệt tác văn học đầy mê hoặc, khắc họa hành trình gian nan…

Xem tiếp
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả