Trong cuốn sách "Bàn về âm nhạc – Trò chuyện cùng Seiji Ozawa" tác giả Haruki Murakami không chỉ giới thiệu đến bạn độc đáo của âm nhạc jazz mà còn đưa bạn vào hành trình khám phá âm nhạc qua cuộc trò chuyện thú vị giữa hai con người đầy cảm hứng: nhạc trưởng Seiji Ozawa và chính ông.
Haruki Murakami, một người say mê jazz, đã dành bảy năm cuộc đời mình để chủ một quán bar nhạc jazz và sở hữu một bộ sưu tập hơn 10.000 đĩa nhạc. Trong cuốn sách này, ông cùng Seiji Ozawa, một nhạc trưởng tài ba, ngồi lại, nghe nhạc, và chia sẻ những kỷ niệm về những nhạc sĩ huyền thoại như Glenn Gould, Bernstein, Karajan... Họ cùng nhau phân tích và đánh giá lại những tác phẩm của Beethoven, Brahms và Mahler. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ được lắng nghe những âm vang của trái tim và linh hồn của sự sáng tạo trong suốt một năm ròng.
"Bàn về âm nhạc – Trò chuyện cùng Seiji Ozawa" không chỉ là một cuốn sách về âm nhạc mà còn là một câu chuyện về tình yêu, đam mê và sáng tạo. Như Murakami đã nói: "Từ đáy lòng, tôi hy vọng ông Ozawa sẽ tiếp tục mang 'âm nhạc hay' đến cho thế giới nhiều hơn nữa. Giống như tình yêu, 'âm nhạc hay' dù nhiều đến mấy cũng không bao giờ là đủ. Bởi trên thế giới còn vô số người cần hấp thụ âm nhạc như nguồn nhiên liệu quan trọng để tiếp thêm khát vọng sống."
Hãy cùng khám phá cuốn sách và thưởng thức những giai điệu âm nhạc tuyệt vời qua lời kể của Murakami và Seiji Ozawa.
Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Phương Nam
Nhà xuất bản: Dân Trí
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 400
Ngày phát hành: 06-2022
Mua sách online “Bàn về âm nhạc” tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa, freeship
Khi cầm trên tay "Bàn về âm nhạc - Trò chuyện cùng Seiji Ozawa" của Haruki Murakami, bạn sẽ thấy mình như bước vào một không gian mới, nơi mà âm nhạc và văn chương hòa quyện không thể tách rời. Blog sách hay gửi tới bạn đọc bài tổng hợp review sách Bàn về âm nhạc của độc giả Quốc Long, mời bạn xem cảm nhận về cuốn sách này!
Đánh giá cá nhân: 4/5
Hai con người có phẩm cách, giá trị và có cùng tần số ngồi với nhau nói chuyện vài câu bình thường cũng thấy thú vị, có ý nghĩa. Còn khi bàn về sở thích, đam mê chung thì hay đến mức ra được một cuốn sách như “Bàn Về Âm Nhạc”.
Cuốn sách này trước tiên là để thoả mãn Haruki Murakami, “một người yêu nhạc vượt xa tiêu chuẩn bình thường”, để ông khai thác, “xâm nhập” nhiều hơn vào thế giới nhạc nhạc cổ điển cùng Seiji Ozawa - vị nhạc trưởng hàng đầu thế giới suốt hơn nửa thế kỉ.
Ngoài lời mở đầu của nhà văn và lời kết của nhạc trưởng, thì từ đầu đến cuối sách đều là hội thoại giữa hai người.
Trong hội thoại có phê bình âm nhạc, có những kiến thức hàn lâm, hiểu biết thâm sâu về nhạc cổ điển (và một chút opera), về những nhà soạn nhạc lừng danh cùng tác phẩm của họ và cả những giai thoại đằng sau sân khấu.
Tựa như một reality show độc quyền mà không ai khác ngoài hai “ngôi sao thực tế” này có thể cho bạn “xem” vậy.
Có nhưng giai thoại bên lề khá đáng yêu kiểu, cùng là một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỉ 20, nhưng Rudolf Serkin thì “rất thủ cựu, giống một ông già nhà quê”. Còn Arthur Rubinstein thì có lối sống rất ngôi sao. Khi đi lưu diễn ở Milan, “luôn tới nhà hàng siêu cao cấp và bắt nhà bếp nấu món đặc biệt dành riêng cho mình” và sẽ uống một loại rượu của Ý tên là Punt E Mes Carpano. Seiji Ozawa đã biết “hoá ra cũng có cách sống xa xỉ như vậy” khi làm “nhạc trưởng đánh thuê” cho nghệ sĩ này.
Ở ghi chép “Tại một thị trấn nhỏ ở Thuỵ Sĩ” cuối sách, độc giả lại được trải nghiệm một khoá học ấn tượng, để biết được những tên tuổi lớn truyền lại “âm nhạc hay” thực sự cho thế hệ sau như thế nào. Nhà văn của chúng ta đã đến tận nơi tham dự vì lời nhắn từ nhạc trưởng: “Haruki à, cậu nhất định phải tới tận nơi, nhìn tận mắt những điều chúng tôi làm. Sau đó, chắc chắn cách nghe nhạc của cậu sẽ thay đổi”.
Đây không phải cuốn sách dễ đọc. Trong quá trình, trước mỗi lần đọc có thể sẽ hơi ngần ngại. Nhưng khi đã “vào guồng” thì sẽ thấy say mê và thú vị dần đều.
Tôi không phải một người yêu nhạc cổ điển, đến với cuốn sách với tâm thế tìm hiểu một lĩnh vực có giá trị qua văn phong và tư duy mình yêu thích. Nhưng có lúc tôi còn note vào sách là “đọc đến đâu khao khát nghe nhạc đến đấy”. Đến lúc khép lại trang cuối, cảm thấy đã thực sự rất thưởng thức và có thêm nhiều thường thức đáng quý.
Người có giá trị thường không làm điều gì không có giá trị, nên sách của họ thường ẩn trong đó nhiều “extra benefit” mà có nhiều cái mãi sau này bạn mới chợt hoàn toàn nhận được.
Người ta thường nói (thực ra tự tôi nói), khi Haruki Murakami viết non-fiction thì cuốn sách sẽ bắt đầu hấp dẫn từ lời mở đầu. Mười sáu trang mở đầu của cuốn này đậm đặc tư tưởng cá nhân của ông, những dòng viết mà chắc tôi phải highlight đến.. mười lăm trang rưỡi. Đó có lẽ là thứ mà Haruki Murakami gọi là “sự đồng điệu trong khuynh hướng sống”. Ví dụ đoạn “quỷ ám” này, tôi đã rất thích và quyết định giữ nó cho riêng mình (nhưng vẫn viết ra đây cho tất cả đọc được?):
“Nói người làm công việc sáng tạo về cơ bản buộc phải vị kỷ nghe có vẻ ngạo mạn nhưng dù thích hay không thì đó cũng là sự thật không thể chối cãi. Sống mà luôn phải nhìn trước ngó sau, luôn phải nghĩ cách thỏa hiệp để không gây sóng gió, không làm mất lòng người khác thì không bao giờ có thể làm công việc sáng tạo, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Bởi lẽ, để bắt đầu thứ gì đó từ con số không thì cần phải có sự tập trung cá nhân sâu sắc, mà trong nhiều trường hợp, sự tập trung đó buộc phải thực hiện ở nơi không có sự hợp tác với người khác, thậm chí còn có thể gọi là “quỷ ám””.
Tổng hợp: Minh Ngọc