"Ngôi thứ nhất số ít" là cuốn sách mới nhất của nhà văn Haruki Murakami được xuất bản tại Việt Nam. Đây là một tập tám truyện ngắn, kể những lát cắt cuộc đời của những người đàn ông trung niên. Trong đó bao gồm 7 tác phẩm mà Murakami đã đăng trên tạp chí văn học Bungakukai và một truyện đặc biệt xuất hiện lần đầu. Mỗi truyện đều đặt tại vị trí ngôi thứ nhất số ít.
Những câu chuyện trong tuyển tập này chinh phục người đọc bằng cách bày tỏ góc nhìn của những người đàn ông trung niên về những kỷ niệm quá khứ, những trải nghiệm về tình yêu, sự cô độc, thời gian và tuổi tác. Đây là những cảm giác hiện sinh mà tập truyện này mang lại.
Danh tính của người kể chuyện trong các truyện ngắn này đều không có tên. Nhiều nhà phê bình đã đặt ra giả thuyết rằng tất cả câu chuyện này đều được kể qua một nhân vật. Có nhà phê bình còn nghi ngờ tuyển tập truyện ngắn này thực chất là một loạt tự truyện của Haruki Murakami, khi mà các nhân vật trong sách có nhiều nét tính cách tương đồng tác giả.
Trong một lần trả lời phỏng vấn NPR, Murakami đã nói: "Văn học Nhật Bản hiện đại từ lâu hình thành kiểu viết tự truyện, hay 'I-novel', đề cao sự chân thành bằng cách viết trung thực và cởi mở về cuộc sống cá nhân, kiểu như tự thú. Tôi không đồng tình với quan niệm này và muốn tạo ra 'ngôi thứ nhất số ít' của riêng mình".
Xem thêm bài viết: Những trích dẫn tâm đặc nhất trong tác phẩm của Haruki Murakami
Haruki Murakami sinh ra vào ngày 12 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto, lớn lên ở Ashiya, tỉnh Hyogo, nhưng từng trải qua thời thanh xuân ở Tokyo. Ông đã học kịch tại đại học Waseda, Tokyo và đã mở một quán nhạc Jazz có tên là Peter Cat trong khi còn là sinh viên. Cùng với đó, ông đã bắt đầu viết kịch bản và tiểu thuyết. Văn phong của Murakami được ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học Mỹ, và những tác phẩm của ông chủ yếu nói về cuộc sống và con người ở đô thị hiện đại
Blog sách hay của nhà sách trực tuyến Pibook.vn xin gửi tới các bản độc giả tổng hợp những review sách ngôi thứ nhất số ít hay nhất để tham khảo!
Mình mất 1 ngày để hoàn thành “Ngôi thứ nhất số ít".
Bạn mình cảm thán: “Bác đọc gì mà nhanh thế!”.
Mình đáp: “Đây là tốc độ đọc trung bình của tớ thôi, nếu không có những việc phát sinh.”
Vấn đề ở đây là, không quan trọng bạn đọc nhanh hay chậm, bạn chỉ cần thưởng thức tác phẩm theo cách riêng của bạn. Tin mình đi, dù bạn đọc như thế nào, tuyển tập này cũng sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm xứng đáng!
Đây là tuyển tập truyện ngắn mà cá nhân mình cảm thấy phù hợp cho mọi đối tượng, ngay cả những bạn mới bắt đầu muốn tìm hiểu về Murakami. (Còn bạn nào đã và đang đọc HM thì càng phải đọc nhé )
Với giọng văn nhẹ nhàng pha lẫn một vài yếu tố siêu thực (không đáng kể), “Ngôi thứ nhất số ít” xứng đáng là một nốt trầm nghỉ giữa những bản giao hưởng phức tạp - những tiểu thuyết đồ sộ của Murakami. Trong cuốn “Âm nhạc của ngôn từ" của Jay Rubin, Murakami chia sẻ rằng ông thường viết những tuyển tập truyện ngắn, những tác phẩm nhỏ như “Người tình Sputnik, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Những người đàn ông không có đàn bà”… đan xen giữa thời điểm hoàn thành xong những tiểu thuyết lớn để tâm trí được thư giãn và nghỉ ngơi.
Với tâm thế đón đọc một tuyển tập truyện ngắn, bạn hoàn toàn có thể nhâm nhi cuốn sách với phong thái thảnh thơi của một người bộ hành vãn cảnh. Bầu không khí chủ đạo của từng truyện ngắn được gắn liền với những thú vui, sở thích quen thuộc của Haruki. Ở đây chúng ta có nhạc cổ điển, jazz, nghệ sĩ chơi kèn sax, những trận đấu bóng chày, tình yêu, t.ì.n.h d.ụ.c (tất nhiên rồi!) và phụ nữ…
Trong tác phẩm này, bạn vẫn sẽ thấy một Murakami sâu sắc, độc đáo, với khả năng miêu tả cận cảnh đến từng chi tiết. Chưa dừng lại ở đó, giọng văn của ông còn pha lẫn chút hài hước, tự nhiên khiến mình không khỏi tủm tỉm bật cười. Có lẽ thủ pháp đan cài những yếu tố hài hước này của ông đã bị ảnh hưởng nhiều bởi Raymond Chandler. Nếu Chandler luôn tâm niệm rằng: “Mỗi một trang là phải chứa ma thuật – là các tình huống bất ngờ hay một câu thoại hài hước”, thì Haruki Murakami cũng chia sẻ: “Tôi muốn người đọc cười sau 10 trang sách của mình!”. Và ông đã thành công!!! Mình tự nhận thấy, nét tính cách hài hước này của Murakami được thể hiện ở những tuyển tập truyện ngắn rõ nét hơn nhiều so với những đại tiểu thuyết.
Không cần phải xây dựng một thế giới siêu thực đồ sộ với những chi tiết kì ảo phức tạp, “Ngôi thứ nhất số ít" sử dụng những chất liệu đời thường để gửi gắm những bài học sâu xa. Những triết lý ấy được hữu hình hoá bằng những lời thoại hoặc hình tượng cụ thể, khiến ngay cả những bạn mới bắt đầu đọc Haruki cũng có thể nắm bắt. Ví dụ: Có hai hình ảnh so sánh mình rất thích đó là “kem" ngọt ngào giống như “tinh hoa của cuộc đời", cảm giác khi “yêu một người" giống như “mắc một căn bệnh tâm thần không có bảo hiểm y tế", …
Một trong những truyện ngắn mà mình yêu thích nhất trong tuyển tập này là “Lời thú tội của Khỉ Shinagawa". Mình có cảm giác rằng, chú khỉ Shinagawa giỏi giang, cô độc ấy có nét gì đó rất giống Murakami. Phải chăng, khỉ Shinagawa là một cái tôi khác của ông và ông đang trò chuyện với cái tôi ấy để tìm kiếm những triết lý riêng của mình.
Hãy cùng khám phá một vài trích dẫn hay mà mình cực kì tâm đắc trong tác phẩm này nhé!
1. Trên đời này chẳng có thứ gì có giá trị mà lại có được dễ dàng cả. Nhưng khi đạt được thứ khó khăn đó với nhiều thời gian và công sức, thứ đó sẽ trở thành kem của cuộc đời.
2. Tất cả chúng ta ai cùng sống với một chiếc mặt nạ, không ít thì nhiều. Vì chẳng thể nào sống được trong thế giới tàn khốc này mà không có mặt nạ.
3. Trong suy nghĩ của tôi, tình yêu là nhiên liệu không thể thiếu để ta duy trì sự sống. Có thể một ngày, tình yêu đó sẽ kết thúc. Hoặc không thể đơm hoa kết trái. Nhưng cho dù tình yêu có mất đi, không đạt được như ước nguyện thì ta vẫn có thể giữ gìn nguyên vẹn kí ức rằng bản thân đã từng yêu ai đó, từng phải lòng ai đó. Ký ức ấy sẽ trở thành nguồn nhiệt lượng quý báu đối với chúng ta. Nếu không có nguồn nhiệt lượng đó, trái tim con người, và cả trái tim của khỉ nữa, sẽ trở thành vùng đất hoang giá băng, cằn cỗi.
4. Đúng thế, trong cuộc đời này, thua lúc nào chẳng nhiều hơn thắng. Trí khôn thực sự của đời người được nuôi dưỡng từ việc “làm cách nào để thua đẹp" chứ không phải “làm thế nào để thắng đối phương".
Bạn ấn tượng nhất với truyện ngắn nào của ông trong tuyển tập này? Hãy cùng chia sẻ với minh ở dưới phần comment nhé!
P/s: Có một vài điểm trừ (theo quan điểm cá nhân mình nhận thấy) trong tuyển tập này: có 03 truyện mà khi đọc mình thấy hơi buồn ngủ ("Charlie Parker plays bosa nova" và "With the Beatles", "Tập thơ Yakult Swallows". Có lẽ, một phần do nhịp điệu chậm rãi, ít lời thoại, một phần vì truyện không có cốt truyện cụ thể mà thiên về chia sẻ tường thuật những suy nghĩ của tác giả. Nếu bạn không có nhiều kiến thức hay am hiểu về âm nhạc và bóng chày, bạn sẽ cảm thấy hơi nản khi đọc. Nếu so sánh tuyển tập này với "Những người đàn ông không có đàn bà", mình thấy "Ngôi thứ nhất số ít có phần kém cạnh hơn. Btw, bạn có thể tự mình đọc và trải nghiệm để chia sẻ và trao đổi với mình nhé
Nếu bạn yêu thích những bài viết của mình, mời bạn ghé qua insta @khanhlinh.writing để theo dõi và ủng hộ mình nhé
Đánh giá cá nhân: 4/5
Sách của Haruki Murakami được xếp vào kiểu sách khi đọc khiến tôi tập trung nhanh nhất, để lặng lẽ trốn vào thế-giới-bên-trong, từ đó bình ổn, tự nhiên, sống động, yêu bản thân, hưng phấn hơn, rồi trở nên hạnh phúc vào một lúc nào đó.
“Ngôi Thứ Nhất Số Ít” là Haruki Murakami mà tôi vẫn luôn chờ đợi. Một Haruki Murakami không siêu thực (chỉ kì ảo bí ẩn ở mức vừa đủ), đắm chìm trong cái tôi hướng nội, cô đơn, suy tư và quan sát cuộc đời. Đôi khi gợi tình, đôi khi hài hước. Và vẫn không ngừng để lại những tư tưởng cá nhân phóng khoáng, quyết liệt trong những dòng viết.
Văn chương của ông có gì đó thôi thúc tôi thành thật với chính mình hơn nữa ngay cả khi tôi (nghĩ là mình) đã rất thành thật, phải là một sự thành thật rực cháy, thiêu đốt tất cả những gì cản trở việc là-chính-mình. Chỉ khi đó, ta mới sống một cuộc đời thật ý nghĩa, đầy cảm xúc. Cảm giác ấy từ những năm đầu 20 đến bây giờ sắp 35 tuổi, vẫn hầu như không thay đổi, và thật vui vì tôi vẫn tìm thấy nó khi đọc tập truyện ngắn này.
Để so sánh với tập truyện ngắn trước đó là “Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà” thì “Ngôi Thứ Nhất Số Ít” mang tính cá nhân hơn, dấu ấn và bóng dáng Haruki Murakami vô cùng trực diện trong những dòng viết (thay vì phải thông qua một nhân vật ở ngôi thứ ba).
Các truyện ngắn trong tập này đều bắt đầu bằng những lát cắt cuộc sống của tác giả và cũng là của rất nhiều người trưởng thành khác.
Đó có thể là một ngày đột nhiên muốn ăn mặc lịch lãm, đến quán một quán bar chưa bao giờ vào, tìm một góc đủ sáng để “vừa nhâm nhi ly vodka gimlet”, vừa đọc vài trang sách.
Hay kỉ niệm về bài luận lần đầu tiên được đăng trên tạp chí và có nhuận bút (dù đăng xong thì tạp chí đình bản).
…
Bạn cũng có cơ hội đọc một số bài thơ rất “cảm lạnh” của sensei, kiểu thơ mà ông tự đánh giá “nếu gọi là thơ thì hẳn những nhà thơ chân chính sẽ nhảy dựng lên mất”. Và tôi có thể xác nhận là nó không ra gì thật Nhưng truyện ngắn “Tập thơ Yakult Swallows” này thì cực hài hước, hấp dẫn và cả ý nghĩa nữa, hẳn đó là kí ức đáng nhớ của Murakami trong những năm đầu “debut” với tư cách nhà văn. Bonus vài câu thơ về cầu thủ bóng chày mà nếu đọc xong bạn cũng bật cười thích thú và thốt lên “thơ gì khốn kiếp thế này” thì mình cùng tần số:
Có cặp mông không đẹp,
Nhưng tôi sẽ không nêu ra đây.
Vì họ cũng có mẹ, anh em, và vợ
Hay thậm chí cả con nữa.
Biến một chi tiết, một sự việc nhỏ (đôi khi rất thường tình) trong đời mình thành một mẩu truyện. Mà mẩu truyện ấy lại vẫn phải hay, lôi cuốn, có cá tính riêng, chứa đựng thông điệp hoặc có giá trị nhất định, cùng chút phong vị thời thượng dấu ấn. Bạn sẽ cảm nhận được tất cả các yếu tố này ở cả 8 truyện ngắn trong tập sách. Ngôi sao đại chúng với thực lực hàn lâm Haruki Murakami của bạn vẫn đang ở đó, điềm tĩnh lấp lánh, chưa hề đi đâu, vẫn rất tuyệt như khi bạn lần đầu biết đến ông qua “Rừng Na Uy”.
“Ngôi thứ nhất số ít” là cuốn sách mới nhất của Haruki Murakami được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam trong tháng 05/2023. Sách gồm 8 truyện ngắn được kể lại qua những hồi tưởng của nhân vật tôi về quá khứ lúc 18 tuổi hay 50 tuổi ở giai đoạn thập niên 60s cho đến thời gian hiện tại gần đây. Có những truyện tương tự như cuộc đời của Haruki Murakami nên tôi vẫn nghĩ đây như một cuốn bán tự truyện của ông.
Cuốn sách này được ra mắt ở Nhật Bản vào ngày 18/06/2020, và có 7 truyện đã được đăng trên trên tạp chí văn học Bungakukai. Danh sách truyện gồm : Trên gối đá, Kem, Charlie Parker play bossa nova, With the Beatles, Tập thơ Yakult Swallows, Carnaval, Lời thú tội của khỉ Shinagawa, Ngôi thứ nhất số ít. Hình bìa sách chính là câu chuyện về chú khỉ Shinagawa trong câu chuyện “Lời thú tội của khỉ Shinagawa” làm việc tại một nhà nghỉ trên núi, biết nói tiếng người và thích nghe nhạc Bruckner. Tên cuốn sách “Ngôi thứ nhất số ít” chính là truyện ngắn thứ 8.
Qua mỗi câu chuyện cùng những hồi tưởng về những chuyện đã xảy
ra trong quá khứ thuộc nhiều lĩnh vực : âm nhạc, thơ ca, điện ảnh, đi uống rượu,
lễ hội, buổi hoà nhạc, bóng chày, kinh nghiệm tình ái…. Mỗi câu chuyện đều qua lăng
kính của một người đàn ông trung niên nhớ lại từng chuyện trong quá khứ với khả
năng quan sát tỉ mỉ khi miêu tả chi tiết từng khung cảnh như một vị đạo diễn
cho từng thước phim quay chậm trong quá khứ.
Mở đầu cuốn sách là truyện “Trên Gối Đá” với cảnh “tình một đêm”
chóng vánh của nhân vật tôi - cậu sinh viên phụ bếp cùng phụ nữ bồi bàn làm
chung trong một quán ăn. Người phụ nữ bí ẩn với tài làm thơ Tanka cùng cuộc sống
nội tâm phức tạp, buổi làm việc hôm nay là ngày cuối cùng làm việc của cô, nên
cả nhóm đã đi ăn uống để chia tay cô. Trong một thoáng suy nghĩ khi đi chung
tàu về nhà trọ cùng nhân vật tôi, thì cô đã chủ động đề nghị qua đêm cùng nhân
vật tôi nhà tại nhà trọ của nhân vật tôi chỉ vì cô không thích về nhà một mình.
Trước khi “ùa vào nhau” thì họ nói chuyện và cuộc đời người phụ nữ hé lộ nhiều
góc khuất cùng sự tiếc nuối. Đó là một phụ nữ yêu một người đàn ông nhưng không
được anh ta đáp trả, anh chỉ nhớ đến cô khi “nhớ mùi cơ thể của cô” nhưng mỗi lần
anh ấy hẹn thì cô vẫn nhận lời đi cùng anh ta. Cô hứa sẽ tặng nhân vật tôi một
tuyển tập thơ Tanka “hand made” cho nhân vật tôi sau ngày hôm nay. Nhân vật
tôi, sau khi nhận tập thơ cũng đã suy tư về người phụ nữ này : cô ấy đã sống ra
sao, liệu còn gặp lại nhau không nhưng có lẽ là không : “Chúng tôi giống như
hai đường thẳng giao nhau, gặp nhau một lần tại một điểm rồi cứ thế xa mãi”.
Nhân vật tôi, mỗi lúc về nhà trọ, nhìn vào tập thơ thì hình ảnh người phụ nữ
trong đêm "â.n á.i" ấy cứ hiện lên và anh lại suy tư về người phụ nữ ấy.
Hay như truyện “Carnaval” đó là cuộc gặp gỡ định mệnh của nhân vật tôi khi đã 50 tuổi cùng người phụ nữ nhỏ hơn được đặt tên là F* tại một buổi hoà nhạc lần thứ nhất qua một người bạn. Rồi trong lần gặp nhau tình cờ thứ 2 cũng tại một buổi hoà nhạc, hai người nhanh chóng trở thành bạn bè. Họ có chung một sở thích là nghe nhạc cổ điển, đặc biệt rất thích bài nhạc “Carnaval” của Schumann. Họ cùng nhau đi xem tất cả các buổi trình diễn của bất cứ ai “cover” lại bài này và nói chuyện về các buổi hoà nhạc này từ cách thể hiện, phong cách…. Và một tình bạn “trong sáng” giữa một người đàn ông U50 và người phụ nữ trẻ hơn chục tuổi được hình thành mà không có bất cứ sự đòi hỏi nào về “thân xác, tình yêu….mà chỉ có âm nhạc". Họ đến nhà của nhau cùng nghe nhạc và vợ nhân vật tôi hay gọi là “ bạn gái của chồng”, còn nhân vật tôi đến nhà F* nhiều hơn nhưng không bao giờ gặp chồng cô và hai người chỉ để nghe nhạc “thật trong sáng”. Cứ tưởng họ khắng khít lâu dài nhưng cuộc sống không bao giờ giống cuộc đời. Trong một lần xem tivi, vợ nhân vật tôi phát hiện ra cô gái mà bà hay gọi là “Bạn gái của chồng” bị cảnh sát bắt và còng tay vì tham gia vào đường dây lừa đảo quy mô lớn. Thế là tình bạn kết thúc, không còn ai hẹn nhau cùng đi nghe “Carnaval” nữa mà chỉ một mình nhân vậy tôi đi nghe ở các buổi hoà nhạc. Trong truyện này Haruki Murakami cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn về cái đẹp phụ nữ, quan điểm hạnh phúc : “Hạnh phúc suy cho cùng chỉ mang tính tương đối không phải sao.”
TỰ TRUYỆN TỰ THUẬT LẠI CUỘC ĐỜI
Khi tôi đọc cuốn này thì tôi nghĩ đây là cuốn bán tự truyện của Haruki Murakami vì có những tình tiết giống như đời thực và cuộc sống của ông như khi miêu tả về nhân vật tôi trong truyện “With the Beatles” : Nhân vật tôi sau khi chia tay một cô bạn gái ở quê nhà Kobe thì lên Tokyo đi học rồi ra trường, lập gia đình ở tuổi đôi mươi và cũng hành nghề viết văn cũng tương tự Haruki Murakami lấy vợ rất sớm, rồi cũng viết văn.
Trong truyện ngắn “Tập thơ Yakult Swallows” thay vì dùng hình tượng nhân vật tôi thì ông đã lấy luôn tên mình – Haruki Murakami làm nhân vật chính là một người yêu thích bóng chày và cực yêu thích đội bóng chày Yakult Swallows và thường xuyên đến sân vận động coi đội này thì đâu. Ông đã viết : “Nếu như bạn đang cầm bảng niên đại lịch sử, làm ơn hãy ghi chú ở một góc nhỏ rằng : 1968, Haruki Murakami trở thành cổ động viên của đội Sakei Atoms (tên cũ của Yakult Swallows )”
Trong truyện này, ông cũng kể sau khi xem một trận đấu bóng chày của đội Yakult Swallows, ông đã về nhà và viết cuốn sách đầu tiên “Lắng Nghe Gió Hát”, sau đó cuốn sách đoạt giải thưởng văn học Gunzo và chi tiết này tương tự như câu chuyện ngoài đời thực của Haruki Murakami. Bên cạnh đó, độc giả còn biết thêm trước khi viết văn thì Haruki Murakami cũng từng làm thơ, chủ yếu về đội bóng chày yêu thích này.
TRUYỆN THÍCH NHẤT : LỜI THÚ TỘI CỦA KHỈ SHINAGAWA
Câu chuyện kể về lần gặp gở nữa hư, nữa thực của nhân vật tôi và một con khỉ già tại một nhà nghỉ hẻo lánh trên núi. Con khỉ được nuôi từ nhỏ bởi giáo sư một trường đại học ở tỉnh Shinagawa ở Tokyo. Con khỉ đã học tiếng người, biết tư duy cũng như chủ thích nghe nhạc Bruckner. Nhưng vì một lý do nào đó mà nó bị đuổi khỏi Shinagawa rồi trôi dạt lên vùng núi Gunma này, làm tạp vụ trong một nhà nghỉ – nơi mà nhân vật tôi trong một lần đi du lịch bụi ,đã vào nhà nghỉ này qua đêm và gặp con khi này khi ông đang ngâm mình ở suối nước nóng. Với lối kể chuyện “cảm giác như hiện thực và phi hiện thực cứ chốc lại đổi vị trí cho nhau” Haruki Murakami đã miêu tả con khỉ như một con người thực sự biết nói tiếng người, biết suy nghĩ và tư duy. Con khỉ đã cùng uống bia với nhân vật tôi và kể về câu chuyện cuộc đời của nó : không có cảm xúc với giống cái cùng loài khỉ mà thích phụ nữ với biệt tài “ăn cắp danh tính” của những người phụ nữ mà con khỉ này thích. Theo như ông miêu tả thì con khỉ này chỉ “dùng sức mạnh ý chí, khả năng tập trung và năng lượng tinh thần” khi nhìn vào bất cứ giấy tờ tuỳ thân của bất cứ người phụ nữ nào mà nó thích thì khiến cho những người phụ nữ này có những lúc quên mình là ai, tên gì (đánh mất danh tính) trong một khoản thời gian nhất định : “tôi sẽ nhìn thật lâu và cái tên ghi trên đó, dồn hết cảm xúc lại và hút tên người yêu vào trong nhận thức của mình rồi một phần cái tên này là của tôi”. Kết thúc truyện, nhân vật tôi trả phòng tính tiền phòng đề nghị thanh toán thêm bia đã uống tối hôm qua nhưng bà chủ nhà nghỉ nói rằng ở đây không bán bia Sapporo nào mà chỉ có máy bán bia lon tự động. Nhân vật tôi cảm thấy “mơ hồ” và không giải thích gì, sau đó nhân vật tôi trở về Tokyo với câu chuyện “nửa thực, nửa khi cùng biệt tài ăn cắp danh tính phụ nữ” của con khỉ.
Tổng quan thì tập truyện ngắn này mang hướng tự truyện kể về những cảm xúc cá nhân, những trải nghiệm cũng như “đặc tính” của nhân vật tôi mà tôi nghĩ chính là Haruki Murakami nhất là truyện cuối cùng “ ngôi thứ nhất số ít” như một tính cách của ông nên vì thế cuốn này không thật sự hấp dẫn như cuốn tuyển tập truyện ngắn trước đó là “Những người đàn ông không có đàn bà”. Nhưng với tôi, một fan trung thành thì những câu chuyện mà ông kể trong "Ngôi Thứ Nhất Số Ít" vẫn hấp dẫn vì những suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống, tình yêu, hiện sinh….đều mang lại cho những trải nghiệm thú vị và hứng thú như những dòng chia sẻ bìa sau cuốn sách :
“Thế giới thì trôi đi, nhưng câu chuyện sẽ lưu giữ lại cảnh tượng. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt của thế giới. Ngôi thứ nhất số ít là những con mắt đơn đóng khung trong từng lát cắt của thế giới. Nhưng khi những lát cắt ấy càng nhiều thêm, thì con mắt đơn đã trở thành con mắt kép mà mọi lát cắt đã vấn vít vào nhau. Và ở đó, tôi không còn là tôi, ta không còn là ta. Và rồi bạn cũng không còn là bạn nữa. Ở đó, điều gì đã xảy ra và điều gì không xảy ra ? Chào mừng độc giả đến với thế giới của Ngôi thứ nhất số ít.”
Trúc Quỳnh – “Không một từ ngữ nào có thể miêu tả hết văn chương của bác Haruki, mỗi lần đọc 1 tp mới của bác là mình lại đọc lại những cuốn cũ, 1 cuốn sách của bác mỗi lần đọc lại lại là một chân trời mới, cảm thấy rất thú vị luôn”
Trọng Huỳnh – “Quyển này giống như là bán tự truyện của bác già Murakami nên nó thể hiện hầu như đặc trưng trong phong cách của tác giả: thâm thúy, khó hiểu, trần tục nhưng sâu sắc và khiến mình phải đọc lại nhiều lần”
Nhà phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: Nxb Phụ Nữ
Dịch giả: Trương Thùy Lan
Giá bìa: 108.000 đ
Số trang: 203 trang
Kích thướng 14x20.5cm
Đặt mua online sách “Ngôi thứ nhất số ít” tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm 30% giá bìa
Tổng hợp: Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Ngôi thứ nhất số ít"
Hãy ghi nguồn Pibook.vn khi đăng tải lại bài viết!