Cuộc sống sau chiến tranh thường để lại những vết sẹo không thể lành lặn, và không ai hiểu rõ điều này hơn nhà văn đoạt giải Nobel Kawabata Yasunari. Trong tác phẩm "Tiếng núi", ông ta không chỉ xoay quanh cuộc sống của người Nhật Bản hậu chiến, mà còn khắc hoạ những suy tư sâu xa của một người đàn ông tên Shingo, đang dần bước vào hoàng hôn của cuộc đời.
Shingo, với tuổi xế chiều và trí nhớ dần trở nên mơ hồ, thể hiện rõ ràng cuộc đấu tranh nội tâm khi phải đối mặt với cái chết không ngừng ám ảnh ông qua từng giấc mơ và những tin tức tang tóc liên tiếp. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là "tiếng núi" - âm thanh vang vọng không chỉ trong đêm khuya của Shingo, mà còn trong trái tim mỗi chúng ta.
"Tiếng núi" không chỉ là một âm thanh thực sự, mà nó còn là biểu tượng cho những tiếng vọng từ tận sâu thẳm của quá khứ, của núi rừng hoang sơ, hay thậm chí từ những phố phường náo nhiệt. Nó là hình ảnh cho những ước mơ và hoài niệm, cho những bức bối và tạp âm của cuộc sống. Và qua đó, Kawabata gửi gắm thông điệp về sự cần thiết của việc mở lòng, sống hòa thuận và yêu thương nghĩa tình trong gia đình.
Sự mờ ảo trong cách khắc họa tình cảm của Kawabata tạo nên một bức tranh đa chiều, khiến người đọc không chỉ mê đắm mà còn phải trăn trở, suy ngẫm. "Tiếng núi" đòi hỏi sự dũng cảm để bước qua khoảng cách, để không chỉ sống trong suy tư mà còn hành động, để tìm đến cái đẹp và ý nghĩa thực thụ của cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với con người.
"Tiếng núi" không chỉ là một dấu ấn của văn học Nhật Bản, mà còn là một kiệt tác hiếm có, một chân dung tâm hồn của Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Đây không chỉ là một cuốn sách để đọc - đó là một hành trình để trải nghiệm, để cảm nhận và để đối diện với những điều sâu kín nhất của chính mình.
Tác giả: Kawabata Yasunari
Dịch giả: Uyên Thiểm
Nhà xuất bản: Hà Nội
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 384
Phát hành: 09-2022
Giá bìa: 220.000đ
Đặt mua tiểu thuyết ' Tiếng núi' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
Trong cái lạnh lẽo của thời gian, "Tiếng Núi" vang lên như một điệu nhạc cổ xưa, khơi gợi những suy tư về sinh tử và sự chuyển mình của tâm hồn. Kawabata Yasunari, với nét bút tinh tế và sâu lắng, đã vẽ nên một bức tranh mờ ảo về cuộc sống hậu chiến Nhật Bản, nơi mỗi nhịp thở của nhân vật chính Shingo là một bước đi trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review sách được yêu thích của một số độc giả đã đọc sách chia sẻ cảm nhận, mời bạn xem chi tiết bên dưới!
Shingo đang ở độ tuổi lão niên của đời người trong bối cảnh nước Nhật sau Thế chiến thứ 2. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của tuổi già là trí nhớ thất thường ở ông. Đôi khi ông nhớ rất rõ những điều đã xảy ra trong quá khứ nhưng có lúc lại mơ hồ nhớ nhớ quên quên. Ông đắm chìm trong dòng chảy hỗn loạn của những kí ức về các mối quan hệ xung quanh mình để rồi chiêm nghiệm lại phần đời đã qua. Ông hay giật mình tỉnh giấc giữa đêm vì những giấc mơ kì lạ. Những ưu tư, trăn trở về việc nên làm gì hay không nên làm gì luôn thường trực trong tâm trí khi Shingo nghĩ về chuyện vợ chồng con cái, nhất là với cô con dâu Kikuko - người đã luôn dành sự quan tâm chăm sóc đặc biệt tới ông.
Bên cạnh việc mang nặng những tâm tư trong lòng, Shingo còn tỏ rõ ông là một người vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là trước cái đẹp. Những thanh âm, hình ảnh dù là nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày cũng khiến ông phải bận tâm với nhiều suy nghĩ. Phải chăng tuổi già đã khiến Shingo trở nên nhạy cảm như vậy hay vốn dĩ điều này trước giờ vẫn luôn là tính cách của ông. Những cánh bướm bay sau bụi hồ chi tử, tiếng kêu của những loài côn trùng hay bông hoa hướng dương đổ gục bên đường... Dường như ông còn nghe được cả tiếng núi, chính tiếng núi như "mách cho ông biết về ngày tận số của mình". Tất cả đều khiến Shingo muốn bật ra nỗi lòng sâu kín của mình.
Câu chuyện trong "Tiếng núi" chỉ đơn giản xoay quanh cuộc sống hàng ngày của gia đình Shingo. Nỗi buồn miên man chảy tràn theo từng tâm tư, suy nghĩ của nhân vật Shingo ở tuổi xế chiều. Bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ mang những nét đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc qua ngòi bút của Yasunari cũng góp phần tô đậm thêm nỗi buồn này. Mạch truyện trầm buồn, chậm rãi cộng với những khát khao nhục cảm của nhân vật có thể là trở ngại đối với những độc giả lần đầu đọc "Tiếng núi" cũng như các tác phẩm của Kawabata Yasunari nói chung.
Xem thêm: Những tác phẩm xuất sắc nhất của Kawabata Yasunari
Tiếng núi – một ẩn dụ lớn về những hoài nghi và sợ hãi của người!
Tiếng núi hay Tiếng rền của núi là tác phẩm được Kawabata viết trong giai đoạn từ 1949 – 1954, nói về cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ giữa người với người qua cái nhìn của Shingo – một ông già tuổi ngoại lục tuần. Về cơ bản thì đó chỉ là những sự vụ rất đời thường trong 1 gia đình Nhật những năm sau thế chiến II, nhưng ẩn sâu trong đó là những cảm thức rất sâu xa của 1 lớp người về 1 nước Nhật thất bại trong cuộc chiến, về những biến chuyển của xã hội hậu chiến, về nỗi giằng xé giữa truyền thống thanh đẹp đang mai một và những nề nếp tân tiến đang vội vã thành hình, về những ẩn ức và những nỗi sợ hãi của tuổi già, về cái đẹp của thiên nhiên, văn hóa và nét đẹp của người phụ nữ (tất nhiên!)
Tiếng núi hay tiếng lòng người đang sợ hãi về sự quên và bị lãng quên khi kí ức dần tuột mất và cái chết lần mò đến. Ngay chương đầu tiên, chính Shingo đã thổ lộ cùng độc giả những tâm trạng lơ lửng này của mình. Bởi cái tuổi 60 là cái tuổi xế chiều, lửng lơ giữa hoàng kim của tuổi trưởng thành và bóng đêm của tuổi già, thế nên cái tâm trạng của Shingo cũng mông lung, như hư như thực – như tiếng rền của núi – thứ mà Shingo có thể cảm nhận nhưng không thể xác thực là tồn tại thật hay không….
Tiếng núi hay tiếng vọng của những nét đẹp đã dần mất đi. Vẻ đẹp của thiên nhiên dần biến mất, bị thay thế bởi những thực thể khác. Và cái đẹp đó còn mất đi vì con người không còn thấy nó đẹp nữa, không còn thời gian ngắm nhìn, không còn mong muốn được ngắm nhìn – khi đó nó cũng mất đi. Cái đẹp mất đi trong mắt người nhìn – vì người ta chỉ nhìn mà không thấy!
Tiếng núi hay tiếng rên rỉ đau đớn của 1 dân tộc đầy bản sắc và tự trọng phải nếm trải tủi nhục của thất bại sau chiến tranh. Hệ quả là khi những chiến binh – những kẻ bại trận trở về nhà, họ mang về theo những tổn thương, những nhục nhã, họ đổ lên xã hội những giận dữ, những suy đồi. Điều này kéo theo những thanh âm khác, sắc nhọn và thô lậu – nó cũng góp phần làm nỗi sợ của lớp người già lớn hơn, và đẩy cái đẹp truyền thống lùi sâu thêm vào dĩ vâng…
Tiếng núi hay tiếng rơi rạn vỡ của những giá trị gia đình, của mối quan hệ giữa con người với nhau. Đó là sự rạn vỡ trong chính gia đình Shingo – mối quan hệ vợ chồng (và tình nhân), mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và đủ thứ quan hệ xã hội nhập nhằng khác nữa. Có cảm giác như Kawabata nhìn thấy xã hội đang tan rã ra từ từ vậy.
Tiếng núi – cũng như những tác phẩm khác của Kawabata mà tôi từng đọc, đều mang những nét đặc trưng theo đúng phong cách của nhà văn, đó là: đề cao cái đẹp phi lý trí, mang những màu hoài niệm trầm buồn và mang theo cái mùi ẩm ướt ngai ngái, vừa tinh khiết thanh sạch vừa “giường chiếu”. Đặc biệt, những tác phẩm của Kawabata đều ẩn chứa những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc và tinh tế, dùng cảnh tả người, dụng vật khắc tâm. Đó là những ẩn dụ nằm trong những hình ảnh, âm thanh như: “tiếng rền của núi”, “bông hoa hướng dương lìa cành”, “đàn chim sẻ và chim bạc má”, “hai cây thông cao vượt trên khu rừng”, “cây anh đào và bụi cây bát thủ”..v..v..Việc khéo léo sử dụng những hình ảnh ẩn dụ mà chẳng cần lý giải gì thêm của Kawabata, nó vừa thể hiện nội tâm tinh tế, sự đồng điệu sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, vừa khắc họa cá tính duy mỹ kiểu Nhật của tác giả, vừa khiêm cung vừa tao nhã, vừa e thẹn ý vị vừa thông tuệ khoáng đạt. Điều này khiến cho Kawabata như 1 người hành văn theo niêm luật của thơ Haiku vậy!
Xem thêm bài viết:
Tổng hợp: Minh Ngọc