Cuốn tiểu thuyết "Sơn ca vẫn hót" diễn ra vào năm 1939, khi quân Phát Xít Đức xâm lược đất Pháp trong thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, sách không nói về chiến trường đẫm máu hay xe tăng không thể cản phá; nó cũng không nói về những người đàn ông tay cầm súng chạy khắp chiến trường. Thay vào đó, sách tập trung vào cuộc chiến của người phụ nữ và sức mạnh của họ để chiến đấu và sống. Chiến tranh đối với họ không chỉ là bắn và cầm súng; nó là một cuộc chiến về lý trí và tình cảm để bảo vệ những gì họ thực sự yêu thương.
Tại làng quê xinh đẹp của nước Pháp, Carriveau, có một người phụ nữ tên là Vianne Mauriac, có chồng và một đứa con gái. Chiến tranh ập tới như một kẻ trộm; chị đau đớn dứt áo tiễn chồng ra đi vì Tổ Quốc và ở lại với con gái. Không lâu sau đó, chị cho phép một sĩ quan Đức ở lại. Đó là cuộc đấu tranh của riêng chị, nhưng chị phải chấp nhận nó. Ngoài ra, chị phải bảo vệ con gái mình bằng mọi cách cho đến khi quốc gia được giải phóng.
Em gái của Vianne, Issabelle Rossignol, là một cô gái xinh đẹp trẻ đang trong độ tuổi đẹp nhất của đời người. Nàng mạnh mẽ và không chịu khuất phục trước ai. Khi quốc gia bị chiếm đóng, nàng lấy mật danh "Sơn ca" và bắt đầu làm người truyền mật đơn. Ngoài ra, cô gái nhỏ bé của chúng ta còn giúp hàng trăm quân Đồng Minh bị Đức bắn rơi trốn sang Tây Ban Nha bằng cách vượt qua dãy Pyrénées. Nàng là một "Sơn ca" quả cảm, nhanh nhẹn, lanh lợi và đáng khâm phục.
Ngọn lửa kháng chiến của nước Pháp vẫn cháy và sẽ tiếp tục cháy. Chúng ta phải nỗ lực hết sức. vì nó là nước Pháp, để nó vẫn được gọi là đó.
Chiến tranh không còn là câu chuyện của riêng những người đàn ông nữa, mà còn là sự dũng cảm và sẵn sàng hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ. Hai chị em nhà Rossignol đã đúng như cái họ của mình, những chú chim Sơn Ca một khi đã cất tiếng hót, đều là những âm thanh trong trẻo xinh đẹp nhất, và nó sẽ luôn mãi vang vọng trong cuộc đời.
Tiểu thuyết “Sơn ca vẫn hót” được đánh giá một trong những cuốn sách hay nhất về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là số phận những người phụ nữ trong chiến tranh, những người hùng thầm lặng trong cuộc chiến. Nhà sách trực tuyến Pibook gửi tới bạn đọc tổng hợp những bài review sách Sơn ca vẫn hót được yêu thích và đánh giá cao trên cộng đồng yêu sách. Mời các bạn đọc các bài review sách bên dưới!
Xem thêm bài viết: Top 8 cuốn sách viết về chiến tranh sẽ khiến bạn ám ảnh không thể kìm được nước mắt
Xem thêm bài viết: Review sách Nữ phi công - Kristin Hannah
Đánh giá cá nhân: 5/5
Dù đã 1 tháng trôi qua kể từ khi mình đọc xong cuốn sách nhưng những gì đọng lại trong mình về Sơn Ca Vẫn Hót vẫn rất sâu đậm.
Câu chuyện lấy bối cảnh nước Pháp những năm 1939 đến 1945 trong Thế chiến thứ 2. Khi Đức quốc xã kéo đến chiếm đóng Paris và những vùng quê ở Pháp. Cuộc sống của hai chị em gái là Vianne Mauriac và Isabelle Rossignol bị đảo lộn hoàn toàn.
Vianne - người phụ nữ của gia đình, luôn nhu mì và chăm lo hết mực cho chồng con - vẫn không tin là chiến tranh đang diễn ra cho đến khi phải tiễn chồng ra mặt trận, và chị cảm nhận sự thật về nó khi Đại Uý Beck đến trú đóng ở nhà chị. Tại đây, chị phải duy trì cuộc sống khó khăn, và ưu tiên hàng đầu là bảo vệ cô con gái nhỏ và chờ đợi Antoine trở về.
Còn Isabelle, cô gái xinh đẹp, thông minh, gai góc và cứng đầu, thì đã sớm nhận thức sự mất mát của chiến tranh và luôn muốn đóng góp một phần công sức vào cuộc chiến chống quân đội Đức Quốc Xã. Nàng đấu tranh dữ dội và hết mình, từ việc rải truyền đơn đến việc vượt đưa hàng trăm phi công của Quân Đồng Minh bị Đức bắn rơi băng qua vùng chiếm đóng, vượt dãy Pyrenees và trở về Tây Ban Nha. Việc làm được miêu tả là “điều kì diệu” mà cánh đàn ông còn e dè, huống chi là của một nữ nhi mảnh mai. Nàng lấy mật danh là Sơn Ca. Mỗi nhiệm vụ được hoàn thành, là một lần tín hiệu: Sơn Ca Vẫn Hót được gửi về.
Hai tính cách trái ngược hoàn toàn, hai câu chuyện đối lập lại tạo nên sức hút vô cùng cho cuốn sách. Nếu Isabelle luôn quyết liệt tham gia trực tiếp kháng chiến, thì Vianne lại có cách đấu tranh của riêng mình khi nuôi giấu những đứa trẻ Do Thái mặc cho hiểm nguy rình rập. Mỗi người là những mảnh ghép khác nhau, mỗi người đều dũng cảm theo cách của riêng mình. Họ chiến đấu thầm lặng, vượt lên mất mát cá nhân để hướng đến tự do cho đất nước mình, không cần huy chương hay những lời tán thưởng. Họ là những nữ anh hùng vĩ đại nhất khi hi sinh chính hạnh phúc, bản thân để bảo vệ những người xung quanh và bảo vệ đất nước...
Nhưng dù mạnh mẽ đến đâu, họ cũng chỉ là những người phụ nữ. Phụ nữ thì luôn cần yêu thương, che chở. Và vì yếu tố đó mà truyện còn đan cài khéo léo những câu chuyện tình thời chiến vô cùng lãng mạn nơi chiến trường, nỗi day dứt cùng những rung cảm của họ khi thiếu vắng chồng ra sao, họ phải đấu tranh chống lại bản ngã của mình như thế nào. Nói chung là tuyệt.
Cả hai nhân vật Vianne & Isabelle đều được xây dựng và phát triển rất xuất sắc từ đầu cho đến cuối truyện. Họ vẫn giữ được cốt lõi của mình nhưng lại trở nên rất khác so với họ ban đầu, sau mọi biến cố. Đây là điều cô Kristin làm quá quá tốt luôn ấy.
Đọc xong mới thấy, con người trong chiến tranh, nhất là người phụ nữ, một khi họ đã muốn bảo vệ ai, bảo vệ cái gì thì họ sẽ trở thành người như thế nào là điều không ai tưởng tượng nổi. Nhưng có một điều chắc chắn, bằng cách này hay cách khác, họ đều là những người nữ anh hùng, dù theo cách rất riêng.
Sơn ca vẫn hót có tất cả mọi thứ: tâm lí nhân vật, tình tiết lôi cuốn, những đoạn văn hài hước thậm trí là những cảnh bạo hành, tra tấn, cưỡng hiếp - sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng cũng là bản anh hùng ca, ca ngợi nữ quyền đỉnh cao.
Thật sự khó có cuốn sách viết về đề tài chiến tranh nào hay hơn được. Hoan hô cô Kristin
Các cậu nhất định nên đọc một lần, và sẽ cười, sẽ khóc cùng nó.
Enjoyyy!
Đánh giá cá nhân: 5/5
Quá đỗi tuyệt vời!
Một câu chuyện về thế chiến thứ hai, một câu chuyện ầm ầm bom đạn và ngột ngạt đau thương. Một chủ đề chưa bao giờ gây nhàm chán, tác giả đã viết câu chuyện này với bối cảnh ở trên đất nước Pháp, trong những tháng ngày bị Phát xít Đức chiếm đóng và thống trị. Pháp là một trong những đất nước đầu tiên bị Đức tấn công, chiếm đóng mở màn cho cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Bởi vậy, nước Pháp đã phải chịu những tổn hại to lớn, sẽ không thể nào đến xuể, cả về vật chất lẫn con người. Trong câu chuyện này, nước Pháp hiện lên thật nhiều đau thương. Đó là một Paris tráng lệ nay phải khom mình với những hoang tàn đổ nát. Là mọi miền nơi đất Pháp cằn cỗi bởi những sự càn quét, đẫm máu bởi bom đạn của kẻ thù. Người dân sống một cuộc sống khốn cùng cực khổ, và chịu nhiều mất mát đau thương. Chiến tranh nổ ra, những người vợ, người mẹ ôm nỗi đau khi tiễn chồng, tiễn con ra mặt trận, khi nhận tin về sự hi sinh mất mát. Là cảnh những gia đình phân tán li biệt, người bị bắt đến một nơi, người thì đày đến một nơi khác. Những đứa con lớn lên không biết mặt cha, rời xa vòng tay mẹ khi chưa còn tập bước... Là những tình yêu không có nổi cơ hội đâm chồi nảy lộc. Chiến tranh là thấm đẫm nước mắt.
Vianne và Isabelle là hai chị em, thế nhưng lại có hai tính cách trái ngược và những con đường khác khác nhau. Và trong hai cô gái, luôn là hai dòng chảy biến chuyển tâm lí đầy tinh tế với những bất ngờ.
Cô em gái, Isabelle là một cô gái cứng cỏi, gai góc và gần lì. Thật khó để tin nổi một cô gái 18 tuổi dám trốn khỏi trường học, xa rời chị gái để theo đuổi con đường kháng chiến với mật danh là Sơn ca. Và càng khó tin hơn khi một cô gái như thế có thể vượt dãy Pyrénées khắc nghiệt để đưa hàng trăm phi công của quân Đồng minh sang Tây Ban Nha. Và thật khâm phục trước sự đanh thép, không chịu khuất phục trước kẻ thù khi Đức đang lùng sục Sơn ca và chính cô bị bắt. Sự bền bỉ, gắng gượng để tiếp tục sống của cô trong những trại tập trung của Đức một lần nữa khiến ta cảm động và cúi mình trước cô gái này.
Còn Vianne, một cô gái đang yên ấm bên gia đình tại làng Carriveau, nay lại phải tiễn chồng ra mặt trận. Chị luôn đặt sự an toàn của đứa con gái lên hàng đầu, kể cả phải làm những điều tủi nhục, đau đớn khi những sĩ quan Đức đến trú tại nhà chị. Vẫn là sự kiên trì, gắng gượng của một người mẹ nơi hậu phương, luôn động viên bản thân mình rằng chồng chị sẽ về sớm thôi. Dù vậy, cô phải chịu cảnh đói khát, rét run và rất nhiều nỗi đau khi lần lượt từ biệt những người mà cô yêu thương. Và khi cô không thể làm gì nữa, cô nghĩ mình phải mạo hiểm, chiến đấu theo con đường của riêng mình dù an nguy của mẹ con cô luôn trong trạng thái ngàn cân treo sợi tóc.
“Sơn ca vẫn hót” nghĩa là nhiệm vụ hoàn thành, là sự thành công, chiến thắng. Và câu chuyện này là một khúc ca ca ngợi ngời những người hùng chiến đấu cho đất nước. Trong chiến tranh, công lao không chỉ thuộc về những người đàn ông mà còn là sự cống hiến, hi sinh, kiên cường và gan góc của những người phụ nữ. Và hơn thế nữa, câu chuyện còn là điểm sáng về tình yêu. Trong chiến tranh ngút ngàn xám xịt của bom đạn, tình yêu của Iz, tình mẹ con, tình thân, tình bạn của Vianne, tình cảm gia đình... như những ánh sáng truyền động lực cho tất cả mọi người để cố gắng đi qua chiến tranh, mơ đến một ngày hoà bình.
Một câu chuyện thật sự cảm động và tuyệt vời vô cùng. Highly recommend mọi người!
Đánh giá cá nhân: 5/5
Cuốn sách là câu chuyện xoay quanh 2 chị em người Pháp là Vianne và Isabelle trong cuộc Kháng chiến chống Đức Quốc Xã.
Vianne Mariac - người chị, khi chiến sự xảy ra, lấy việc ở nhà bảo vệ con gái của mình và đợi chồng về khi đất nước đc giải phóng là quan trọng nhất, nhưng điều đó cũng ko dễ dàng gì khi chị phải trải qua rất nhiều khó khăn và cam chịu, tủi nhục hành hạ khi chị phải đón lần lượt hai sĩ quan Đức ở nhà của mình. Từ đó, lòng yêu nước của cô bắt đầu lớn dần lên, cô đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em Do Thái lẫn trốn để những đứa trẻ này được an toàn và có cơ hội đc đoàn tụ với gia đình sau khi chiến tranh kết thúc. Có thể nói, cô cũng là một Sơn ca khác trong lòng mỗi người.
Isabelle Rosignol - em gái Vianne, là một cô gái giàu lòng yêu nước, nhiệt huyết mong muốn tham gia kháng chiến chưa bao giờ ngưng chảy trong cô. Sau khi rời xa chị gái, cô đến Pari gia nhập nhóm cùng những Gaetön, Henry, v.v... để tham gia kháng chiến. Từ việc phát những tờ truyền đơn chống bọn Đức Quốc Xã đến những nhiệm vụ nguy hiểm hơn , cô phải đưa hàng trăm phi công của những quân Đồng minh bị Đức bắn rơi ko còn nơi để trốn, cô phải đưa họ vượt những dãy núi cao- nơi mà cái lạnh giá buốt và những cơn đói, đau nhức luôn thường trực để trốn sang Tây Ban Nha để họ có thể quay lại bầu trời tiếp tục chiến đấu tiêu diệt quân thù. Từ đó cô lấy biệt danh là Sơn ca. Việc thực hiện nhiều chuyến đi nguy hiểm như thế đã khiến "Sơn ca" bị bọn Đức Quốc xã truy lùng dù ban đầu họ chưa biết rõ cô là ai.
Câu chuyện còn cho chúng ta thấy được sự tàn khốc trong chiến tranh là như thế nào, họ đã phải sống trong những cảnh cùng cực, bị thiếu thốn mọi thứ, những nỗi lo sợ, những sự lo âu, những cái lạnh giá rét buốt đến run rẫy , những cơn đói hành hạ từng ngày, những đợt tra tấn dã man, tuy vậy họ vẫn vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc chiến, cố gắng sống sót để tiếp tục kháng chiến vì một ngày mai hoa bình. Rồi ngày đó sẽ đến.
Mình rất cảm ơn tác giả đã viết ra quyển sách này vì đã lâu mình không được đọc một cuốn sách xuất sắc như thế. Một quyển sách không có gì để chê, nó thật sự là một trong số ít những quyển sách đạt đến mức hoàn hảo mà mình cảm nhận được. Đây là quyển sách đầu tiên thuộc thể loại chiến tranh mà mình chọn đọc, thật sự là một cuốn sách hay, và mình cực kỳ muốn recomment cuốn này đến tất cả mọi người. Hãy đọc nó đi và cảm nhận, chắc chắn sẽ không làm bất kì ai phải thất vọng.
"Trong tình yêu, chúng ta nhận ra người mình muốn trở thành. Còn trong chiến tranh, chúng ta nhận ra mình là ai"
"Khi cuộc chiến kết thúc, bọn mẹ không có diễu hành, không huân chương, huy chương hoặc được nhắc tới trong các cuốn sách lịch sử. Bọn mẹ đã làm những việc phải làm trong thời chiến, và khi chiến tranh chấm dứt, bọn mẹ nhặt nhạnh những mảnh vỡ và bắt đầu lại cuộc sống của mình."
Đánh giá cá nhân: 5/5
Cuốn tiểu thuyết được bình chọn là hồi kí về lịch sử chiến tranh hay nhất năm 2015
Cuốn sách là câu truyện khắc họa về những người phụ nữ trong chiến tranh. Điển hình là 2 nhân vật Vianne và Isabelle. Họ là 2 chị em với 2 cá tính khác biệt . Một người nhẫn nhịn, một người xốc nổi. Một người trầm lặng, một người ồn ào. Nhưng vượt lên tất cả những khác biệt là lòng yêu nước, lòng căm hận quân thù và tình thương đồng bào quê hương mình, chỉ là họ chọn những cách khác nhau để thể hiện mà thôi.
“Trong tình yêu, chúng ta nhận ra người mình muốn trở thành. Còn trong chiến tranh, chúng ta nhận ra mình là ai”.
Vianne là một kiểu người phụ nữ gia đình điển hình. Là một người vợ xa chồng trong những năm tháng chiến tranh, là một người mẹ hiền dịu và nhu mì. Trong những năm tháng khốn khó ấy, đồ ăn chỉ là để duy trì cuộc sống qua ngày, phải tằn tiện tiết kiệm từng chút, đủ thứ gánh nặng thiếu thốn đổ lên 1 người phụ nữ yếu đuối như chị. Mệt nhọc, gắng gượng và cô đơn. Khi áp bức đến, chị sẽ chịu đựng và tránh sự thu hút về mình. Chị cam chịu, nhẫn nhục để bảo toàn tính mạng cho những đứa con, kể cả có phải hi sinh sự tiết hạnh của mình. Nhưng cũng chính tình mẫu tử thiêng liêng đó đã khiến chị rũ mình đứng dậy, không còn là một người phụ nữ rụt rè, nhút nhát nữa. Chị gan dạ đứng lên che giấu và bảo vệ những đứa trẻ Do Thái khỏi cuộc thanh lọc độc ác của Đức Quốc xã.
Em gái của chị, là nàng Isabelle, một cô gái cứng cỏi và gai góc. Nàng khao khát tình yêu thương, mẹ mất sớm, bố chịu đựng nối đau thương tàn phá sau Thế chiến thứ I, đến chị Vianne cũng chẳng quan tâm nàng. Có lẽ vì vậy mà tính cách của nàng trở nên nông nổi và bất cần.
Trốn khỏi trường dòng, rời xa chị gái, Isabelle lên Paris và tham gia kháng chiến. Nàng lấy mật danh là “Sơn ca” và bắt đàu nhiệm vụ đầy thách thức: Đưa hàng trăm phi công của quân Đồng Minh bị Đức bắn rơi qua vùng chiếm đống, cùng họ vượt dãy Pyreness khắc nghiệt sang Tây Ban Nha để tiếp tục chiến đấu. Sau mỗi hành trình thành công, nàng lại đánh điện về cho tổ chức với 4 chữ” Sơn ca vẫn hót”, và nàng đã hoàn thành gần 30 chuyến đi nguy hiểm như vậy.
Một "Sơn ca" kháng chiến nổi tiếng, bị bọn Đức săn lùng ráo riết, một cô gái liều lĩnh, dũng cảm giúp quân Đồng minh Anh đánh Đức. Một nữ anh hùng không cần tung hô với huy chương hay bằng khen sắc phong. Nàng không đơn thuần là ở hậu phương mà còn xông pha tham gia kháng chiến, hi sinh hết mình vì chính nghĩa, vì tổ quốc.
Chiến tranh là máu, là nước mắt, là gian khó, là đớn đau. Nhưng cũng chính từ nơi đó, những người anh hùng đã xuất hiện, đã chiến đấu.
"Sơn ca vẫn hót" có một cốt chuyện quá hay, khai thác mọi mặt trong cuộc Thế chiến II với bối cảnh là đất nước Pháp xinh đẹp. Các hình ảnh trong Thế chiến II diễn ra tại Pháp hết sức chân thật. Từ những hình ảnh người dân Pháp bơ phờ gầy guộc sợ hãi đi lại trên phố như xác sống, hình ảnh những bọn Đức săn lùng người Do Thái và giết người chỉ vì những lý do vớ vẩn, hình ảnh mạng sống ngàn cân treo sợi tóc của mọi người dân nơi đây, hay cảnh tượng ám ảnh khi một đứa bé bị bắn hàng bao nhiêu phát lỗ thủng trên ngực... tàn bạo, vô nhân tính, không kể được bao nhiêu lần mình rơi nước mắt đau đớn xót xa cho những người dân phải chịu đựng chiến tranh. Chiến tranh là điều không ai muốn có, nhưng khi nó đến thì không thể cản nó được. Trong truyện có quá nhiều cái chết thương tâm của các nhân vật. Mỗi người ra đi làm tăng thêm sự dũng cảm của hai cô gái. Phải sống, phải chiến đấu, phải bảo vệ người mình yêu thương.
Chi tiết làm mình thấy ám ảnh nhất là cái chết của người cha 2 nhân vật nữ chính. Cả đời ông sống vì hi sinh cho gia đình và đất nước. Ông từ 1 người đàn ông tình cảm rất đỗi yêu thương gia đình, sau khi từ chiến trận Thế chiến I trở về, ông trở thành 1 con người khác. Ông trở về không chỉ với nỗi đau thể xác mà còn cả nỗi đau tinh thần. Nơi chiến trận ngoài kia ông đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh chết chóc dã man, tất cả chỉ có ông biết.
Bao nhiêu nỗi đau ông đều chịu đựng cho riêng mình. Nỗi đau chiến tranh, nỗi đau mất người vợ thân yêu, nỗi đau phải ghẻ lạnh chính những dứa con của mình để giữ cho chúng an toàn. Cuối truyện, ông chọn cho mình 1 cái kết đau đơn, vì đứa con gái của mình. Những lời cuối cùng của ông đã làm mình khóc rưng rức, có điều gì có thể vĩ đại hơn tình yêu của cha mẹ dành cho những đứa con?
“Con gái của ba, hãy tha thứ cho ba vì tất cả mọi chuyện, hãy biết rằng ba luôn yêu các con bằng cả trái tim tan nát của ba…”
Vianne và Isabelle đã chờ đợi những lời này, chờ đợi tình yêu của cha suốt cả cuộc đời.
Một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, hồi hộp, trần trụi và đau thương đến ngạt thở. Không thể có một ngôn từ nào diễn đạt được hết những xúc cảm mà cuốn sách này mang lại cho người đọc. Quyển sách này rất xứng đáng với danh hiệu một trong những cuốn sách vể lịch sử chiến tranh hay nhất năm 2015.
Nếu phải review quyển sách này, mình chắc chắn cho nó 5/5 sao, quyển tiểu thuyết ám ảnh mang lại cảm xúc dữ dội nhất mình từng đọc để mà cho đến bây giờ khi đã gấp sách lại, khi nhớ về những chi tiết trong truyện mình vẫn cảm thấy nghẹn ngào.
Tổng hợp: Thanh Nhã
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Sơn ca vẫn hót - Kristin Hannah"