“Tuổi thơ dữ dội” là câu chuyện kể về quá trình chiến đấu và hi sinh của các em thiếu niên trinh sát thuộc trung đoàn Trần Cao Vân. Các nhân vật trung tâm của truyện đều chỉ ở vào khoảng 13, 14 tuổi; các em xuất hiện với những cái tên hết sức đáng yêu, đáng nhớ: Lượm sứt, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Quỳnh sơn ca, Tư dát, Kim điệu, Vệ to đầu, Hiền, Mừng,... Mỗi đứa một hoàn cảnh mà đến với đơn vị, thế nhưng chúng lại đều có những cái chung. Chúng có cái ngây ngô, cái trẻ con của những đứa trẻ cùng tuổi; chúng cũng có cái gan dạ, trưởng thành, suy tư của một người lính; và trên hết, chúng có cái lòng yêu nước, cái tinh thần sẵn sàng hi sinh và cái sự căm thù giặc của một người dân Việt Nam.
Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn, nhà thơ Phùng Quán được chắp bút sáng tháng từ năm 1968. Nhà văn Phùng Quán đã phải mất 20 năm mới hoàn thiện được tác phẩm, và mất thêm 2 năm nữa tác phẩm mới được xuất bản ra mắt độc giả. Tác giả đã rất kỳ công hoàn thành một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, để rồi bây giờ khi nhắc tới tên Phùng Quán người ta chỉ nhớ đến cái tên tác phẩm Tuổi thơ dữ dội. Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài tổng hợp những đoạn trích dẫn hay và ý nghĩa nhất trong Tuổi thơ dữ dội, mời bạn tham khảo thêm cảm nhận của độc giả về cuốn sách kinh điển này nhé!
Xem thêm bài viết: Review sách Tuổi thơ dữ dội
Xem thêm bài viết: Top 8 cuốn sách viết về chiến tranh sẽ khiên bạn ám ảnh không thể kìm được nước mắt
1. Nếu như cách mạng là một dòng sông, và cuộc đời của mỗi chiến sĩ là một con suối đổ vào dòng sông đó, thì các em lại là những tia nước nhỏ bé, bất ngờ vọt ra từ một kẽ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng... Nhưng cái điều kỳ thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã len lỏi hòa vào dòng sông Cách mạng hùng vĩ, lúc nào không ai hay.
2. Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vơ là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ súng kề tai...
3. Những hành động anh hùng, những tình cảm cao cả, những sự tích phi thường, là món ăn tinh thần tốt nhất, để nuôi dưỡng tuổi thơ.
4. Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết không lui...
5. Hồi ở Mặt trận An Khê, có một anh nhà báo nhận tớ làm em nuôi, dạy tớ làm thơ. Anh ấy bị đạn đại bác Tây, chết mất rồi. Thơ anh ấy hay ghê lắm. Mỗi lần nghe anh ấy ngâm thơ là nước mắt tớ cứ chảy ra.
- Như lúc ăn ớt cay ấy à?
- Không phải
- Như lúc về phép thăm mạ mà không được gặp mạ ấy.
6. Đánh đuổi hết tụi Tây cướp nước, giành được độc lập rồi thì ai ai cũng được sung sướng. Những người cực khổ như mạ em dù có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được Chính phủ chữa cho lành… Em muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lập, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành…
7. Những ngày sắp tới đối với người chiến sĩ trinh sát chúng ta sẽ là những ngày tuyệt đẹp, nhưng đồng thời cũng đầy gian khổ hiểm nghèo. Trong chiến đấu các em có thể bị thương, bị giặc bắt, thậm chí có thể hy sinh. Nhưng chưa lúc nào như lúc này, anh thấy tin tưởng một cách sâu sắc rằng, những ngày sắp đến dù vấp phải gian khổ hiểm nghèo đến đâu, nhất định các em cũng sẽ làm đúng được như lời các em vừa hát: “Ra đi, ra đi thà chết không lui…
8. Nhưng em ngây thơ quá, trong sạch quá. Em không hiểu và cũng không tin, trong cuộc sống mà em đang sống vẫn tồn tại cái ác, cái xấu xa phản trắc, những âm mưu lừa lọc…
9. - Còn lâu em mới thất kinh! Cha em trước làm Cộng sản, vượt tù đến năm lần tê anh ạ – Vượt đến lần thứ năm thì tụi hắn bắn chết.
- Nếu gặp dịp hay, em còn dám chơi tụi hắn một vố nữa không?
- Sợ chi mà không chơi anh!
10. Lỡ bị quân thù bắt được, dù bị cực hình tàn khốc đến thế nào, cũng quyết không bao giờ phản bội xưng khai.
11. Riêng em Mừng, trung đoàn trưởng cho đưa thi hài em chôn bên cạnh mẹ em dưới bóng cây vả rừng cổ thụ. Cây vả rừng mà Quỳnh sơn ca thường hái những ngọn lá ngả màu vàng chanh làm giấy chép nhạc, viết vở nhạc kịch mộng tưởng của đời mình, kể chuyện bạn Mừng đã trèo tuốt tất cả những đỉnh cây cao của thành phố quê hương để tìm thuốc về chữa bệnh cho mẹ. Ngọn núi có cây vả rừng cổ thụ từ trước đến nay không có tên. Trong bản đồ tham mưu được ghi là đỉnh Chín Sáu. Sau đêm hôm đó, ngọn núi đã được có tên: Núi-Mẹ-Con-Em-Mừng.
“... Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời...” - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
“... Tôi đọc vào năm đầu Tuổi thơ dữ dội thập kỷ 60, từ những trang tư liệu của Phùng Quán. Suốt nghìn trang sách, khắc sâu vào lòng tôi hai chữ Trung Hiếu. Một nỗi đau xé lòng khi ta đọc đến lời trăng trối của Mừng, nhân vật trong truyện, trước lúc em đi vào cõi vĩnh hằng...” - Nhà văn Việt Linh
“... Tuổi thơ dữ dội không phải là một câu chuyện cổ tích, mà là một câu chuyện có thật ở chốn trần gian, ở đó những con người tuổi nhỏ đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc với một chuỗi những chiến công đầy ắp ly kỳ và hấp dẫn. Đọc Tuổi thơ dữ dội chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào...” - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
“... Sách dày gần 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì li kì, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt... Tôi chỉ mong làm sao cho tất cả các em thiếu nhi Việt Nam được đọc sách này.” - Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện
“Mình rất ít khi đọc và có hứng thú với các tác phẩm văn học Việt Nam nhưng riêng " Tuổi thơ dữ dội" thì thật sự là một tác phẩm mà đã để lại trong mình một ấn tượng vô cùng sâu đậm. Mỗi lần đọc là một lần khóc, một lần hiểu và biết ơn cùng ngưỡng mộ rất nhiều” – Độc giả Nguyên Hồng
“Trong tất cả những cuốn viết về đề tài chiến tranh VN mà mình đã đọc thì Tuổi thơ dữ dội là cuốn mà mình đặc biệt ấn tượng.Nó vừa chân thực,vừa ám ảnh, nể phục và quá đỗi tự hào về một thời kháng chiến của đất nước.Tin mình đi,khi đọc rồi bạn sẽ có lý do để cố gắng hơn từng ngày,vì bản thân,vì những thế hệ trước đã nằm xuống cho hòa bình của dân tộc” – Độc giả Liên Bùi
“Mình đọc xong mà ám ảnh luôn ấy. Xúc động. Đi làm trốn đọc truyện mà có mấy đoạn khóc nước mắt tè le. Rồi lại thấy mình đang được sống dưới thời bình đúng là hạnh phúc quá rồi. Mình luôn cảm thấy may mắn khi được sinh ra vào thời bình. Vì vậy, mình tự hào với Lịch sử của Đất nước” – Độc giả Thu Huyền
“Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán xứng đáng là 1 cuốn sách hay để lưu trữ lại, đọc lại và cho thế hệ thanh niên trẻ hiện nay, cho con cháu đọc. Để biết rằng cuộc sống bây giờ quá sung sướng, và mình thật may mắn biết bao khi được sinh ra ở 1 thời đại hòa bình, ở 1 đất nước hòa bình. Và rất yêu Việt Nam.” – Đọc giả Thanh Loan
Tổng hợp: Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Top 10+ đoạn trích dẫn hay nhất, ý nghĩa nhất trong Tuổi thơ dữ dội"