Review sách Ngàn mặt trời rực rỡ - Khaled Hosseini


Review Sách | 23/11/2023 17:22| Minh Ngọc

Lượt xem: 886

​​

‘Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ’ - Hành trình vượt qua biển lửa cuộc đời

Đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một tác phẩm văn học đầy cảm xúc và sự thấu cảm. "Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ", từng được Tạp chí Time xếp ở vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007, là câu chuyện về hơn bốn thập kỷ biến động và ly tán ở Afghanistan, mà tác giả Khaled Hosseini đã mô tả một cách tinh tế và chân thực.

Định mệnh đưa đẩy Mariam và Laila, hai người phụ nữ từ hai thân phận và tuổi thơ hoàn toàn trái ngược nhau, trở thành vợ của cùng một người đàn ông tàn nhẫn. Họ cùng chịu đựng sự đánh đập, cùng nuôi dưỡng tình yêu với những đứa trẻ không may mắn, và cùng nhau vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc sống. Từ những người xa lạ, họ dần trở thành bạn đồng hành, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và bầu bạn trong cuộc sống đầy thách thức.

Review sách Ngàn mặt trời rực rỡ

Khaled Hosseini đã khéo léo đan xen giữa những bi kịch của cuộc chiến và sự kiên cường, bền bỉ của những người phụ nữ Afghanistan. Qua cuốn sách, chúng ta hiểu rõ hơn về những khó khăn, nghịch cảnh mà họ phải trải qua, cũng như sự mạnh mẽ, bất khuất trong mỗi nhân vật. "Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ" không chỉ là câu chuyện về tình yêu, gia đình, mà còn là bài ca về tình bạn, lòng can đảm và khát vọng sống.

Thông tin sách:

Tác giả: Khaled Hosseini
Dịch giả: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản: Văn học
Nhà phát hành: Nhã Nam
Ngày phát hành: 01-2019
Giá bìa: 130.000đ

Đặt sách online giá rẻ “Ngàn mặt trời rực rỡ” tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa

Review sách Ngàn mặt trời rực rỡ

Ngay từ những trang đầu tiên, "Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ" đã hút hồn người đọc vào một thế giới xa xôi, nơi tình yêu và hy vọng chiến thắng trước sự tàn bạo của cuộc đời. Với những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ nỗi đau, hạnh phúc cho đến sự kiên trì và quyết tâm, cuốn sách này chắc chắn sẽ làm bạn khó lòng rời mắt. Blog sách hay của Nhà sách online Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài tổng hợp review tác phẩm này của một vài đọc giả đã đọc sách và chia sẻ cảm nhận, mời bạn xem review sách bên dưới!

Review sách của Đặng Thư

Bởi vì một mặt trời là không đủ để soi sáng từng mảnh đời phụ nữ ở Afghanistan.

Mariam đã sống những năm tháng tuổi thơ với niềm tin về sự dịu dàng và ấm áp của người bố, cho dù một tuần cô chỉ gặp ông một lần vào thứ năm, cho dù mẹ cô có kể những điều xấu xí về ông đi chăng nữa. Mariam vẫn luôn mong chờ những câu chuyện, những món quà nho nhỏ, những lời hứa chẳng bao giờ thành hiện thực. Cái tên Mariam, theo lời ông, là hoa huệ, là loài hoa ông yêu thích. Và Mariam là đứa con gái ông thương, hẳn là ông đã thương cô bé thật, nhưng có lẽ niềm yêu thương đó không đủ lớn, không lớn hơn lòng kiêu hãnh, hay là sĩ diện, hay là cái thứ vô hình mà người ta vẫn dùng thứ hữu hình để hình dung, là mặt mũi, để đón một “harami” – một đứa con rơi như cô về. Vả lại, cô lại là con gái, đó vốn đã chẳng phải một niềm vui rồi.

Review sách Ngàn mặt trời rực rỡ của Đặng Thư

Giá mà Mariam đã nghe lời mẹ, dù tất nhiên cô đã không làm vậy, nhưng câu nói này của người vẫn luôn bám lấy cô mãi những năm tháng sau này:

Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy.”

Tuổi thơ Mariam kết thúc vào sinh nhật thứ 15, kết thúc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: mẹ không còn, vỡ mộng về cha, bị gả đi xa xứ. Cuộc sống sau đó của cô, cùng với người chồng lớn hơn gần 30 tuổi hẳn là giống như cảm giác bị lão nhét cả nắm đá sỏi vào mồm bắt nhai, nhai trong mười tám năm, thứ gã để lại cho cô chẳng có gì ngoài khô khốc đá sỏi, máu và mảnh vỡ của những chiếc răng hàm.

Mặt trời của Mariam, xuất hiện theo cái cách chẳng ai ngờ được. Chính cô cũng không nghĩ rằng, điều đáng lẽ là bất hạnh cuối cùng lại mang đến ánh sáng cho cuộc đời mờ mịt của cô. Laila, khi ấy 14 tuổi, trở thành vợ hai của gã chồng lúc này đã ngoài 60 của Mariam.

Tất nhiên đã có những cãi vã, những bất đồng, những ganh ghét, thế nhưng, bao dung và đồng cảm cùng một buổi tối ngắm trăng trước hiên nhà, đã kéo hai con người tội nghiệp lại gần nhau. Dần dần họ chia sẻ cho nhau những bí mật lớn hơn, mong muốn được trốn chạy, được giải thoát.

Afghanistan những năm tháng dưới sự thống trị của Taliban, có lẽ không phải mảnh đất dành cho phụ nữ, hẳn vậy, bởi họ phải sống với quá nhiều chèn ép: không được đến trường, không được ra đường nếu không có đàn ông đi cùng, không được đi làm, không được cười nói nơi công cộng… và còn rất nhiều rất nhiều những điều “không được” khác nữa. Thế giới dưới con mắt họ, qua lớp vải che mặt, mờ mịt và chật chội, chật vật và bất công.

Mariam và Laila, có lẽ đã giãy dụa để sinh tồn, chắc là họ vẫn sẽ chịu đựng được thôi, bởi họ đã luôn chịu đựng như vậy, nhưng sự xuất hiện của hy vọng, mang đến niềm tin về một cuộc sống cho ra sống, khiến cho cả hai, nhất là Mariam, lần đầu tiên đưa ra quyết định cho đời mình.

Những người đàn ông xuất hiện trong câu chuyện không có vai trò quá lớn lao, chỉ là những chất xúc tác đưa đẩy những người phụ nữ vào tình thế phải quyết định và hành động. Cho đến cuối cùng, những người phụ nữ, dù cho họ đã quyết định thế nào, thì mong muốn của họ vẫn là hy sinh và cống hiến.

Ngàn mặt trời rực rỡ” không phải câu chuyện đọc để khóc thương, mà để hiểu thế nào là kiên cường.

Giống như Mariam, giống như Laila, hay bất cứ người phụ nữ nào, dù đã và đang phải trải qua những gì, thì họ vẫn không ngừng tiến lên và hy vọng.

Review sách của Trần Cường

Mình tìm tới Ngàn mặt trời rực rỡ sau khi đọc xong Người đua diều. Thực lòng mà nói, tình cảm của mình giành cho “kẻ đến sau” mà sâu đậm hơn rất nhiều. Một cuốn sách tuyệt vời đến mức mà, dù đã là lần đọc lại thứ hai, mình vẫn phải kiềm lòng hết mức để khỏi phải rơi nước mắt.

Lấy bối cảnh ở đất nước Afghanistan xa xôi, Ngàn mặt trời rực rỡ là câu chuyện đầy xúc động về Mariam và Laila – hai người phụ nữ với tuổi thơ hoàn toàn trái ngược. Một người chịu kiếp “harami” – là đứa con hoang ngoài giá thú, phải hứng chịu sự ghẻ lạnh của người cha và sự đay nghiến không ngơi nghỉ từ người mẹ. Người kia, may mắn hơn, lại được sinh ra trong một gia đình khá giả, được nuôi dưỡng, chăm sóc bởi một gia đình tri thức tiến bộ và có cơ hội tiếp xúc với một nền giáo dục đàng hoàng, tử tế. Tuy nhiên, cuộc sống không lường trước được điều gì, những xáo trộn, biến động kinh khủng mà chiến mang gieo rắc đã đẩy những con người tưởng chừng không liên quan ấy sát lại gần với nhau. Tổ ấm bị tàn phá, người thân chia lìa, cả hai buộc phải chịu kiếp chồng chung, cùng chung sống trong một gia đình với người chồng cổ hủ, hà khắc. Từ chỗ là những kẻ xa lạ, họ dần trở thành người thân. Và kỳ diệu thay, vượt lên trên cả tình thân, họ trở thành tri kỷ, thành tâm giao, thành chỗ dựa của nhau, cùng nhau bấu víu, bám trụ để vượt qua những nghiệt ngã, những đau thương đang từng ngày, từng giờ lăm le nhấn chìm lấy họ.

Review sách Ngàn mặt trời rực rỡ của Trần Cường

Ở Ngàn mặt trời rực rỡ, Khaled Hosseini tiếp tục có cơ hội chứng minh được bút lực tài hoa của bản thân khi đã xây dựng nên được những nhân vật thực sự mang tính biểu tượng. Đầu tiên, Mariam – biểu tượng của nỗi tuyệt vọng. Ngay từ thuở mới lọt lòng, Mariam đã phải chui rúc, lẩn tránh khỏi xã hội với tai tiếng của một đứa con hoang. Sống cùng người mẹ hà khắc, thù hằn ghê gớm với cuộc đời, Mariam không được học hành tử tế. Những gì bà biết về thế giới chỉ được gói gọn trong những ký tự, những bài kinh cầu mà người thầy tu già chỉ dạy, những câu chuyện được bôi vẽ dối lừa của người cha Jalil, hay là cả những tràng rủa xả cay nghiệt của người mẹ bất hạnh. Bởi vậy, bà bước vào đời trong nỗi hoang mang, vô định. Mariam buộc phải làm vợ một người mình không yêu, phải chạm mặt một kẻ gia trưởng, giáo điều; bị chửi bới, bạo hành vì không thể sinh cho gã một đứa con... Tất cả những điều ấy đã hun đúc nên trong Mariam sự nhẫn nhịn và chịu đựng lớn lao, cao cả. Suốt cả cuộc đời mình, bà chỉ âm thầm sống dưới bóng kẻ khác, dẫu bị chà đạp, vùi dập, bị dối lừa, đổi chác, bà vẫn không có lấy một lời than thở. Kể từ lúc tự tay ký tên vào tờ hôn thú, hay đưa tay đón lấy chiếc burqa trùm kín toàn thân, Mariam đã hoàn toàn chấp nhận cuộc đời mình sẽ chỉ toàn là màu đen phụ thuộc. Bà lầm lũi nấu những món ăn ngon dẫu toàn bị chê dở tệ, hoàn thành tươm tất những công việc nhà chỉ để đổi lại những lời chê trách. Bà bị đánh đập, bị bạo hành, song vẫn chỉ im lặng. Âm thanh gã chồng vũ phu đấm thùm thụp vào người bà, quất điên cuồng cây nịt da vào mặt bà, ngực bà, song bà vẫn không buông lấy một lời kêu van, thực sự khiến mình ám ảnh. Mariam là hiện thân cho sự cam chịu, là biểu tượng của nỗi tuyệt vọng đang đè nén lên số phận của hàng triệu phụ nữ Afghanistan, hay rộng hơn là toàn bộ những người phụ nữ Trung Đông có cùng kiếp sống. Tưởng chừng bà sẽ sống như vậy suốt đời, sẽ ngày càng lún sâu vào đau khổ, đau thương, nhưng không, Laila đã đến. Laila – ánh sáng của cuộc đời bà – biểu tượng cho niềm tin và hy vọng.

Laila chỉ sống cách Mariam vài dãy nhà, song lại có một cuộc đời hoàn toàn khác. Bố là một cựu giáo viên trung học có tư tưởng cấp tiến, mẹ là một người phụ nữ độc lập. Laila có cơ hội được đến trường, được mở rộng các mối quan hệ xã hội, được yêu thương và đón nhận sự yêu thương. Những năm tháng tuổi thơ của cô trôi qua trong bình lặng, ngoại trừ sự ra đi của hai người anh trai và những biến động tâm lý thất thường của người mẹ. Tuy nhiên, bi kịch vẫn không buông tha cho cô. Quả rocket lạc đã đâm thẳng vào căn nhà Laila, cướp đi mạng sống của người cha và người mẹ, dập tắt lối thoát của cả gia đình khỏi thực tại tàn khốc lúc bấy giờ, đẩy cô dính chặt vào gã đàn ông tên Rasheed thối tha. Dẫu vậy, khác với Mariam, Laila không đầu hàng số phận. Bằng tình yêu sâu đậm với chàng trai thuở tấm bé cùng nguồn sống to lớn từ sinh linh trong bụng, cô dần vượt qua những trắc trở của cuộc đời, mạnh mẽ vươn lên chống chọi với thực tại. Ở Laila luôn tồn tại sức mạnh phản kháng tiềm tàng toát ra từ ánh mắt, lời nói hay hành động. Cô chưa bao giờ chấp nhận bản thân hèn kém hơn chồng, kinh hoảng bởi những hành vi bạo lực của gã. Thậm chí, cô còn dám ấp ủ một dự định táo bạo khôn cùng: chạy trốn.

Laila gặp gỡ Mariam sau khi cùng bà san sẻ một tấm chồng. Thuở đầu, Mariam luôn dè chừng cô, thậm chí thù hằn cô vì cho rằng hành động của cô là cướp giật, là bỉ ổi. Dần dà, nét thiện lương của cô gái trẻ và hoàn cảnh éo le của cuộc đời đã xích cả hai lại gần với nhau. Mariam dần chấp nhận Laila, không còn coi người vợ lẽ là kẻ thù của đời mình. Khung cảnh hai người phụ nữ cùng nhâm nhi ly trà ở ngoài ban công, mặc kệ bom đạn chiến tranh, lặng ngắm những áng mây trôi nhẹ dưới ánh trăng và những con đom đóm lập lòe mùi hạ, thực sự khiến mình xúc động. Khoảnh khắc ấy, họ không chỉ là bạn, mà còn là đồng minh, là chỗ dựa, là nơi để chia sẻ mọi nỗi niềm. Chính bởi mối quan hệ khó có thể diễn tả bằng lời ấy, Mariam – người suốt đời cam chịu, đã vùng lên phản kháng để bảo vệ Laila – người suốt đời chịu đựng vì kẻ xấu xa, đã lần đầu tiên biết thế nào là hy sinh cho người mình trân trọng.

Nếu ví Mariam là hiện thân cho tuyệt vọng, Laila là hy vọng thì người người chồng chung cả cả hai – Rasheed, lại hội tụ tất cả những gì xấu xa, độc đoán, hà khắc nhất. Là chủ xưởng của một tiệm đóng giày đắt khách, gã nghiễm nhiên cho mình cái quyền định đoạt số phận của những người phụ nữ mà gã đang sở hữu. Hai người vợ mà gã cưu mang, không khác gì công cụ để thỏa mãn nhu cầu tình dục nơi gã, là những cái máy đẻ hòng đem tới cho gã một người con trai. Gã trùm lên người họ những bộ burqa kín rịt, gieo rắc vào trí óc họ những tư tưởng độc hại, cực đoan về vai trò tuyệt đối của nam giới, về quyền hành tối cao của người đàn ông trong gia đình. Gã thỏa sức đánh đập, bạo hành họ. Thậm chí, gã sẵn sàng tống cổ người con gái vào trại mồ côi mà không chút mảy may động lòng, chắc cũng xuất phát từ giới tính của em – thứ mà tạo hóa vốn không trao tặng cho quyền lựa chọn. Rasheed chính xác là hiện thân cho sự hà khắc, gia trưởng, lạc hậu – là hình ảnh tượng trưng cho cả xã hội cổ hủ Afghanistan “trọng nam khinh nữ” thời bấy giờ.

Tuy nhiên, trong đất nước ấy không chỉ có mỗi Rasheed. Bên cạnh gã, bên cạnh những hủ lậu, cực đoan, vẫn tồn tại hình ảnh những người đàn ông tiến bộ. Họ là babi Hakim với châm ngôn “phụ nữ cũng phải được bình đẳng”, là Tariq – chàng bạch mã hoàng tử lương thiện, hào hiệp... Họ chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất tác động tích cực đến sự biến chuyển trong nhận thức của cả Afghanistan, là ánh sáng đẩy lùi những cực đoan, ung nhọt trong lòng xã hội của đất nước Hồi giáo còn nhiều bất công như thế này.

Xây dựng nên một thiên truyện đẫm nước mắt về số phận khổ đau những người phụ nữ Trung Đông, Khaled Hosseini đã phần nào tái hiện được cả một thời kỳ biến động, ly tán của đất nước quê hương ông – nơi bom dội, đạn bay và nhận thức xã hội còn vô vàn hạn chế. Đồng thời, ông còn bày tỏ niềm tin sắt đá về ánh sáng đẹp đẽ sáng ngời nơi họ, ẩn sau những chiếc burqa kín đặc và vẻ cam chịu, nhẫn nhịu tuyệt vời. Ngàn mặt trời rực rỡ thực sự là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc của một tác giả tài ba. Câu chuyện đầy chân thực và cảm động này đã lấy đi không chỉ nước mắt, niềm cảm thông mà còn có thể làm bừng lên trong tim độc giả sự ngưỡng vọng sâu sắc về sự hi sinh và những đức tính đẹp đẽ khôn cùng ở người phụ nữ. Một cuốn sách đáng để đọc lại cả trăm lần!

Review sách của Nguyệt Hằng

Ngàn mặt trời rực rỡ” không xứng đáng với từ “hay”, thậm chí là “tuyệt vời”, bởi thật sự, nó đã vượt qua cả những ranh giới về từ ngữ mà tớ có thể viết ra.

Với “Người đua diều” - cuốn sách đầu tay của tác giả Khaled Hosseini, tớ đã được mở ra những ý niệm rất khác, khác hoàn toàn so với trước đây về Afghanistan. Rằng đất nước Trung Đông ấy không chỉ có chiến tranh, thù hằn và bom đạn, rằng ở đó vẫn có những tâm hồn nở hoa trên mảnh đất khô cằn, rằng giữa dòng xoáy của sự sống và cái chết mỏng manh, còn người ta vẫn có thể kiên cường dựa vào nhau mà sống tiếp.

Review sách Ngàn mặt trời rực rỡ của Nguyệt Hằng

Thế nhưng, nếu như cặp đôi Amir và Hassan mới chỉ làm rung động mình bằng những tình cảm trong sáng đầy cao cả, và khiến cho mình phải bật khóc, thì với Mariam và Laila, Khaled Hosseini thực sự đã chạm được đến trái tim của mình, trao cho nó những cảm xúc mãnh liệt mà tớ rất ít khi tìm được qua những trang sách. Cho đến tận bây giờ, ngay cả khi những trang sách đã khép lại, trong nhiều đêm trước khi đi ngủ, tớ vẫn ám ảnh về người phụ nữ bất hạnh Mariam - về lần cuối cùng mà bà làm theo lời người ta bảo trong cuộc đời.

Lấy bối cảnh hai cuộc chiến tranh đẫm máu - chiến tranh Xô-Afghanistan (1979-1989) và nội chiến Afghanistan (1992-2001), “Ngàn mặt trời rực rỡ” là một thiên tiểu thuyết đầy đau thương kể về câu chuyện của hai người phụ nữ tên Mariam và Laila. Họ, hai con người tưởng chừng như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ tồn tại giao điểm, thế nhưng cuối cùng, cuộc đời lại vẽ ra một đường cong hoàn hảo, để họ gặp nhau, xót thương và đồng cảm, hoà tan hai trái tim cùng một nhịp đập, để rồi lại tàn nhẫn tách biệt. Mariam - thân phận là một “harami” thấp hèn, số phận chẳng hề được quyền quyết định. Ngược lại, Laila lại là con gái của một gia đình có học thức, được ý thức đầy đủ về quyền lợi của chính bản thân mình. Thế nhưng, đau đớn, hai con người ấy lại giao nhau tại một điểm ác nghiệt mang tên người chồng chung Rasheed.

Bằng cách xây dựng nhân vật điển hình trong tình huống điển hình, Khaled Hosseini đã khiến cho người đọc hình dung được một cách rõ nét nhất những vấn đề tồn tại nhức nhối trong xã hội của đất nước Trung Đông này.

Mariam và Laila, trong khi vừa là biểu tượng chung cho nỗi khổ đau của những người phụ nữ Afghanistan, vẫn vừa mang được những nét riêng biệt trong số phận được tạo nên bởi tính cách phi thường. Mỗi người đều có một tâm hồn đáng được trân trọng và nâng niu, nhưng cuối cùng lại bị chà đạp, vùi dập không thương tiếc. Với Mariam, cả cuộc đời chỉ toàn những đau khổ, nhục nhã và dằn vặt. Số phận đặt Mariam vào những nơi mà sự khinh miệt đè nặng lên hai vai cô, nơi người ta coi cô không khác gì một cái công cụ làm việc nhà, một cái “máy đẻ”, không hơn không kém. Mariam chính là một nhân vật đáng thương tột cùng được Khaled Hosseini khắc hoạ với sự nhẫn nhục và chịu đựng đến khó tin. Mariam, trước khi gặp Laila, chưa bao giờ dám phản kháng, đối đầu, hay đơn giản, chỉ là cãi lại lời của một ai. Cô lầm lũi chịu đựng, dần đà đã gần như biến thành một con người chai sạn với cảm xúc, với sự tàn độc và nhẫn tâm.

Nhưng tâm hồn Mariam vốn đang thoi thóp đã may mắn được Laila chữa lành. Trái ngược với Mariam, Laila từ nhỏ đã được sống trong một gia đình tốt hơn rất nhiều. Tuy rằng chưa bao giờ có được một vị trí trong lòng người mẹ mất đi hai đứa con trai, nhưng hơn hết, ở bên cạnh Laila luôn có một người bố thấu hiểu và sẻ chia, khuyến khích Laila được sống một cuộc đời của chính mình. Và Laila, may mắn hơn Mariam rất nhiều, đã được yêu một lần trong cuộc đời. Chính những nền tảng này đã tạo nên một Laila đầy bản lĩnh, cương quyết và mạnh mẽ, một người tri kỷ cứu giúp cuộc đời tưởng như đã chết của Mariam.

Trong “Ngàn mặt trời rực rỡ”, mỗi nhân vật đều mang tính biểu tượng cho cuộc sống Afghanistan, mà trong đó Rasheed là những gì tối tăm và man rợ nhất. Một con thú vật hoang dã cướp đi tất cả của Mariam và Laila. Những hành động dã man, lời nói ác nghiệt của hắn ta không hề bị nói quá một chút nào. Đó là sự thật. Một sự thật khiến người ta phải rùng mình ghê sợ. Rasheed, suy cho cùng, cũng chỉ là một hình ảnh khái quát chung mà chúng ta có thể hình dung được về cách mà những người đàn ông đối xử với phụ nữ tại Afghanistan. Có lẽ, trong đời sống thực ngoài kia, còn biết bao nhiêu sản phẩm xấu xa của một nền chính trị phân tranh đầy thối nát, của một nền văn hoá vẫn còn tồn tại những định kiến cổ hủ, khắc nghiệt. Cái chết của hắn chỉ là một thứ giải pháp tạm thời, mà chưa thể chấm dứt, giống như gốc rễ của những điều khắc nghiệt chưa bị nhổ đi.

“Ngàn mặt trời rực rỡ” là một câu chuyện có cái kết đẹp, nhưng vẫn đượm một nét buồn. Có những vết thương trải dài theo năm tháng khiến con người ta khó có thể quên đi. Thay vì cố chối bỏ nó, Laila đã cố gắng làm lành vết sẹo quá khứ, cố gắng lấp đầy những khoảng trống rỗng trong tâm hồn.

Cuối cùng, Laila đã được sống một cuộc đời được chiếu sáng rực rỡ bởi ngàn mặt trời của tương lai.

“Và vì Mariam, người vẫn đến với Laila hằng đêm trong những giấc mơ, người cô không ngừng nghĩ đến trong nhịp thở. Laila phải tiến lên bởi vì cuối cùng thì cô đã hiểu đó là tất cả những gì cô có thể làm. Tiến lên và hy vọng.”

P/S: Cuốn sách này gần như là hoàn hảo, chỉ duy nhất có điều tớ không ưng về bìa sau của cuốn sách, nó spoil gần hết nội dung truyện luôn í

Xem thêm bài viết:

Tổng hợp: Minh Ngọc

Sản phẩm liên quan
Người Đua Diều (Tái Bản) 30% Cháy hàng

Người Đua Diều (Tái Bản)

90.300đ

129.000đ

(0)

Và Rồi Núi Vọng, Khaled Hosseini 30%

Và Rồi Núi Vọng, Khaled Hosseini

103.600đ

148.000đ

(0)

Bài viết liên quan
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis

04/08/2024 16:43Minh Ngọc

Gambit Hậu của Walter Tevis là một kiệt tác văn học đầy mê hoặc, khắc họa hành trình gian nan…

Xem tiếp
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả