"Lời Nguyện Cầu Chernobyl" của Svetlana Alexievich, một tác phẩm phi hư cấu được cải biên và bổ sung kỹ lưỡng, dựa trên tinh thần trung thành tuyệt đối với nguyên tác. Với chương mới "Tác giả tự phỏng vấn bản thân" và phần "Thay cho lời kết", cùng những chỉnh sửa trong các cuộc đối thoại, cuốn sách mang đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về thảm họa Chernobyl.
Được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương năm 2015, Alexievich đã sử dụng "những trang viết đa dạng về giọng điệu" để tạo nên "biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng can đảm" trong thời đại của chúng ta. "Lời Nguyện Cầu Chernobyl" là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách viết của bà, tạo nên một tác phẩm phi hư cấu giàu cảm xúc, không kém gì một sáng tác văn chương xuất sắc.
Tờ Publishers Weekly mô tả "Lời Nguyện Cầu Chernobyl" như "cuộc chiếu X quang tâm hồn Nga". Alexievich đã dành hơn 10 năm để tiến hành những cuộc phỏng vấn với hơn 500 nhân chứng của thảm họa kinh hoàng này, từ lính cứu hỏa, đội cứu hộ, chính trị gia, nhà vật lí, nhà tâm lí cho đến những người dân bình thường.
Tác phẩm này không chỉ là một cuộc điều tra chính trị về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, mà còn là một lăng kính xã hội, phản ánh những nỗi đau "tàn khốc và dữ dội" mà thảm họa Chernobyl đã gây ra. Alexievich đã chọn viết "Lời Nguyện Cầu Chernobyl" không chỉ như một nhà báo hay nhà văn, mà còn như một người Belarus muốn ghi lại "sự sống và cái chết của đồng bào mình".
"Lời Nguyện Cầu Chernobyl" khiến chúng ta không thể lặng lời trước "cảm giác khôn tả, tính anh hùng và niềm đau thương" mà tác phẩm mang lại. Đây không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một bản nguyện cầu cho những nạn nhân của thảm họa Chernobyl, một tiếng gọi đến nhân loại về trách nhiệm và lòng can đảm trước thảm họa tự gây ra.
Tác giả: Svetlana Alexievich
Nhà xuất bản: Nxb Phụ Nữ
Dịch giả: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Bích Lan
Số trang: 364
Phát hành: 2020
Mua sách online "Lời nguyện cầu Chernobyl" tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
"Lời Nguyện Cầu Chernobyl" - tác phẩm phi hư cấu độc đáo của Svetlana Alexievich, người được vinh danh với giải Nobel Văn chương. Đây không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một cuộc hành trình mang đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về nỗi đau và sức chịu đựng tuyệt vời của con người trước thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp những review sách của các độc giả đã đọc cuốn sách này. Mời bạn xem chi tiết review bên dưới!
Lời nguyện cầu Chernobyl – Biên niên sử của tương lai
Là một người làm khoa học, tôi luôn hiểu kiến thức là vô hạn, trong khi hiểu biết của con người là hữu hạn. Có những quy luật định lý vốn là chân lý ở thời điểm này, có thể trở thành vô lý khi một quy luật mới được khám phá. Chernobyl là một ví dụ như thế! Nhà máy điện hạt nhân vốn đã từng được coi là sáng kiến vĩ đại, được các nhà khoa học Liên Xô tuyên bố đủ an toàn đến mức có thể đặt và xây dựng ngay tại Maxcova, là một minh chứng cho sự phát triển khoa học công nghệ vượt bậc của con người… Và có thể nó sẽ mãi là như thế nếu như không có sự kiện nổ lò phản ứng hạt nhân số 4 vào ngày 26 tháng 4 năm 1986.
Sau sự kiện đó, đã có hàng ngàn trang sách, nhiều công bố phân tích nguyên nhân của vụ nổ. Người ta đều biết lỗi kĩ thuật chết người dẫn đến vụ nổ nằm ở nút AZ5 – vốn là nút an toàn cuối cùng có thể dùng để chặn đứng phản ứng chuỗi trong lõi hạt nhân - thực chất lại là nút khởi động cho chuỗi cháy nổ. Người ta cũng biết thảm họa trớ trêu thay đến từ một thử nghiệm an toàn. Người ta có thể thống kê số người chết, bị thương, bị sơ tán ngay sau thảm hoạ, và có thể thống kê cả con số số ung thư, sinh non… sau đó nhiều năm. Người ta cũng có thể xây cả một hầm mộ để chôn toàn bộ lò phản ứng, và dự kiến tiếp tục xây một hầm mộ lớn hơn để chôn hầm mộ cũ. Vốn được xây dựng vội vàng trong thảm họa, hầm mộ cũ là “người chết còn thở” và sự hư hại của của nó có thể sẽ dẫn đến thảm khốc lớn hơn cả thảm họa năm 1986. Nhưng ai sẽ thống kê những sang chấn tâm lý của những nạn nhân? Ai có thể đo đếm có bao nhiêu người đã không dám sinh con, không dám “yêu” vì “yêu” là tội lỗi… Câu trả lời được Svetlana Alexievich, với hơn 1000 ngày đi trên mảnh đất phóng xạ, với hơn 500 cuộc phỏng vấn từ những nhân chứng, được bà gói lại trong cuốn sách “Voice from Chernobyl” được dịch giả Nguyễn Bích Lan và Phạm Ngọc Thạch dịch sang tiếng việt với tiêu đề “Lời nguyện cầu Chernobyl”.
- “Anh ấy đang hấp hối!”. Cô y tá trả lời: “Chị còn mong điều gì khác thế xảy ra cơ chứ? Anh ta nhiễm tới 1600 roentgen (đơn vị X quang). Chỉ cần 400 roentgen là đã đủ chết. Chị sống ngay bên cạnh một lò phản ứng hạt nhân rồi còn gì.” Nhưng anh ấy là tình yêu của tôi. Của tôi. - trích lời kể từ vợ của anh lính cứu hoả. Lúc ấy ai cũng nói: “Rồi sẽ chết hết thôi. Sẽ chết hết thôi. Đến năm 2000 sẽ chẳng còn người Belarus nào sống sót. Con gái tôi được 6 tuổi. Khi đưa con lên giường ngủ, nó thì thầm vào tai tôi:
- “Bố ơi, con muốn sống. Con vẫn còn bé mà!”. Trước đó, tôi cho rằng con bé chẳng hiểu gì hết.
- “Chernobyl giống như một cuộc chiến tranh bao trùm mọi cuộc chiến tranh. Chẳng còn chỗ nào để ẩn náu cả. Kể cả lòng đất, kể cả dưới nước, kể cả trên trời.”.
- Từ trên cao tôi nhìn thấy những toà nhà bị sụp đổ, một cánh đồng đầy những mảnh vụn – và vô số những hình dạng nhỏ bé của con người. Ở đó có một cái xe cần cẩu, chế tạo ở Đông Đức, nằm chết dí. Nó cố lết đến được khu nhà máy rồi ngỏm ở đó. Mấy cái máy Rô Bốt cũng không hoạt động được. Những con Rô Bốt mà viện sĩ Lukachev thiết kế để lên thám hiểm sao Hoả. Kể cả những con Rô Bốt do người Nhật chế tạo cũng vô dụng. Rõ ràng là hệ thống máy móc của chúng tôi đã bị chất phóng xạ làm tê liệt. Nhưng vẫn còn những người lính trong bộ quần áo bảo hộ làm bằng cao su, đeo găng tay cao su, lăng xăng chạy tới chạy lui.
- Trong bốn năm nó phải trải qua 4 lần giải phẫu. Ở Belarus, nó là đứa duy nhất sống sót trong số những đứa trẻ cùng mang trên người nhiều chứng bệnh phức tạp bẩm sinh. Tôi thương con gái tôi quá đỗi. Tôi không thể nào sinh con được nữa. Tôi không dám. Từ nhà hộ sinh trở về, đêm ấy, tôi được chồng ôm ấp vuốt ve. Tôi nằm đó mà run rẩy: Không được đâu, em sợ lắm. Tôi nghe các bác sĩ nói với nhau : “Bé gái này sinh ra thật không giống ai. Nếu mình cho phổ biến những hình ảnh về nó trên truyền hình chắc không một bà mẹ nào dám sinh con”. Họ đang nói về đứa con của chúng tôi. Như vậy thì làm sao chúng tôi có thể tiếp tục ăn nằm với nhau để sinh con được nữa? Tôi đến nhà thờ kể lể với viên mục sư, ông ấy bảo tôi phải cầu nguyện và ăn năn tội lỗi của mình…
Sẽ là không đủ để trích dẫn nhiều, thật nhiều những “tiếng vọng” từ Chernobyl, bởi mỗi một nhân chứng đều có những độc thoại riêng của mình. Gần 400 trang sách với hơn 500 câu chuyện, và còn hàng triệu câu chuyện khác không được kể đến. Nhưng chung quy lại, “Chernobyl” là từ gắn với số mệnh, nỗi đau và cả tình yêu của họ. Phát biểu trong lễ nhận giải Nobel văn học năm 2015, Svetlana Alexievich đã nói “điều duy nhất làm tôi luôn nhức nhối là câu hỏi: Tại sao chúng ta không học được điều gì từ những thống khổ mà chúng ta đang gánh chịu? Tại sao chúng ta cứ tiếp tục chịu thống khổ mà chúng ta không phản kháng?...” Có lẽ vì vậy, câu chuyện của bà được kể lại sau tròn 20 năm diễn ra thảm họa, với hơn 3 năm sống ở vùng đất chết, không chỉ kể về sự chết chóc mà còn là câu chuyện của sự sống trong tương lai. “Voice from Chernobyl” không chỉ là sự lên án quá khứ, mà là một lời nguyện cầu, “một biên niên sử tương lai”. Cuối cùng, để chúng ta hiểu rằng kiến thức là vô hạn, hiểu biết con người là có hạn, hãy chắt lọc bài học từ khủng hoảng Chernobyl để cho một biên niên sử không còn khủng hoảng.
LỜI NGUYỆN CẦU TỪ CHERNOBYL
Thảm hoạ Chernobyl là một vụ tại nạn hạt nhân xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavie, Anh quốc, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus.Theo bản báo cáo năm 2006 của TORCH, một nửa lượng phóng xạ đã rơi xuống bên ngoài lãnh thổ ba nước cộng hoà Xô viết. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra cho rằng có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em bị ung thư tuyến giáp, và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6.6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó. Riêng tổ chức Hoà bình xanh ước tính tổng số người chết là 93.000, nhưng đã ghi trong bản báo cáo của họ rằng "Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy rằng chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ 1990 đến 2004."
Thảm họa Chernobyl đã mang đến bao nhiêu sự đau khổ của những người dân khi họ là nạn nhân trực tiếp từ những việc họ không gây ra. Họ phải di tán, bỏ lại nhà cửa công việc ở phía sau. Họ phải chia chìa những người thân thiết của họ đã phải hi sinh vì cuộc chiến đó, cuộc chiến hạt nhân. Họ đã không được người từ chính phủ chỉ thị sơ tán kịp thời, nhà nước từ trên xuống dưới của liên bang Xô Viết không nói gì về thảm họa cho người dân. Họ âm thầm đưa người thân con cái họ ra khỏi vùng cách ly. Nhưng họ sẵn sàng hi sinh người dân của mình để giữ vững chiếc ghế quyền lực của mình. Hàng chục nghìn người từ trực tiếp đến gián tiếp bị ảnh hưởng. Có những người đã chết, có ngươid vẫn còn sống đến ngày nay. Và những gì chúng ta thực sự biết về thảm họa là rất ít, rất hiếm hoi thậm chí ta biết sai sự thật về nó.
Lời cầu nguyện từ Chernobyl đã lột tả một cách hết sức rõ nét và chân thật như một cuốn X quang soi sáng vào những góc khuất bị che dấu bấy lâu nay, chỉ có những người trong cuộc họ hiểu được những gì thực sự đã xảy ra trên đất nước họ. Tác phẩm là một công trình nghiên cứu phỏng vấn 3 năm những người còn sống sót qua thảm họa. Từ những chất liệu hiện thực, qua ngòi bút của tác giá nó đã trở nên hết sức thơ mộng, có lúc hùng hồn đanh thép như những làn sóng, có lúc nhẹ nhàng trữ tình cảm xúc. Một tác phẩm có một không hai viết về Chernobyl và là một tác phẩm đáng đọc với những bạn thích tìm hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra ở đó.
Phải thú thật là số đầu sách văn học nước ngoài của Phụ Nữ mà mình đang sở hữu không phải quá đồ sộ. Tuy nhiên, mình cảm thấy thật may mắn khi những cuốn sách đang có đã đem đến cho mình cả sự kinh ngạc, ấn tượng cùng với niềm yêu thích khiến mình phải đọc đi đọc lại. Ấn tượng nhất trong số đó, mình xin gọi tên “Lời nguyện cầu Chernobyl”.
Nếu trước kia Chernobyl trong mình chỉ dừng lại là một thảm hoạ hạt nhân khủng khiếp được nhắc trong lịch sử thì giờ đây, khi lật giở từng trang sách, lắng nghe từng câu chuyện, nó không chỉ còn là một sự kiện đơn thuần nữa. Chernobyl có câu chuyện đau đến xé lòng về tình yêu, cái chết, sự dũng cảm và cả những hy sinh của vợ chồng anh lính cứu hoả mới cưới nhau. Chernobyl chứa câu chuyện người đàn ông khi phải sơ tán khỏi thành phố vấn cháy âm ỉ vấn cố mang theo một vật duy nhất: cánh cửa nhà mình. Cánh cửa ấy là nơi cha anh nằm cho đến khi quan tài được mang tới, cánh cửa ấy đánh dấu chiều cao của anh hay cả quá trình lớn lên của con trai, con gái anh. Giờ đây, khi đã đến một nơi khác, cánh cửa ấy lại một lần nữa có mặt trong cái sự kiện đau thương của gia đình anh- con gái anh- bảy tuổi- chết vì thảm hoạ Chernobyl. Cô bé ấy từng thì thầm vào tai bố “Bố ơi, con muốn sống, con còn bé mà”. Chernobyl ẩn chứa câu chuyện của người già nhất quyết không rời khỏi mảnh đất, căn nhà từng là kỉ niệm là máu thịt dù giờ đây vùng đất đó chỉ còn là đau thương và chết chóc….
“Lời nguyện cầu Chernobyl” với những lời độc thoại đặc biệt đã làm cho mình thực sự kinh hãi, đau thương và vô cùng xúc động
Tổng hợp: Minh Ngọc