"Lâu đài trên mây" không chỉ đơn thuần là một tiểu thuyết; đó là chiếc chìa khóa ngà voi mở ra thế giới huyền bí mà chúng ta từng bị mê hoặc qua "Lâu đài bay của pháp sư Howl". Diana Wynne Jones, bằng sự tài tình của mình, đã phủ một lớp bụi phép màu "Nghìn lẻ một đêm" lên cuốn tiểu thuyết này, tạo nên một không gian giả tưởng mới mẻ và quyến rũ.
Chúng ta theo chân Abdullah - chàng trai buôn thảm mộng mơ - trên hành trình phiêu lưu kỳ thú, mỗi đêm được đưa đến một khu vườn huyền diệu nhờ tấm thảm thần kỳ. Định mệnh đã cho anh gặp Hoa Đêm, nàng công chúa xinh đẹp mà số phận đã dự báo sẽ thuộc về người đàn ông chạm mặt nàng đầu tiên. Tuy nhiên, không lâu sau, ma thần đã xuất hiện và cuỗm đi nàng công chúa khỏi tay Abdullah, đẩy anh vào cuộc phiêu lưu đầy rẫy thử thách để giải cứu người đẹp.
Trên đường đời gian nan, nhờ vào khả năng ăn nói và tài trí của mình, Abdullah đã kết bạn với những nhân vật độc đáo: người lính già, Nửa Đêm, Đuôi Vụt, lão linh thần trong chiếc chai... Tất cả được Jones kết hợp một cách khéo léo, làm sống dậy những hình ảnh điển hình của "Nghìn lẻ một đêm" như tấm thảm bay và cái chai linh thần, nhưng với một diện mạo hoàn toàn mới. Và thật thú vị, chúng ta sẽ được gặp lại Sophie, Howl, pháp sư Suliman, cùng cậu bé Morgan từ "Lâu đài bay". Họ không chỉ đơn giản là "người quen" mà còn giữ những vai trò quan trọng trong nhiệm vụ giải cứu Hoa Đêm của Abdullah.
Diana Wynne Jones một lần nữa khẳng định tài năng kể chuyện của mình qua những tình tiết không ngừng nghỉ, đẩy Abdullah vào thách thức sau thách thức, khiến anh phải từ bỏ lối suy nghĩ an toàn để đối mặt với số phận.
"Lâu đài trên mây" hứa hẹn sẽ là một cuộc phiêu lưu đáng nhớ, một hành trình đầy ảo mộng và cảm xúc, nơi mỗi quyển sách không chỉ là một câu chuyện mà còn là một cuộc sống mà bạn được trải nghiệm. Đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết cho những người yêu thích phép thuật mà còn là một bài học về lòng dũng cảm, sự kiên trì và khả năng vượt qua mọi giới hạn. Hãy sẵn sàng để mở rộng trái tim và tâm trí bạn, vì "Lâu đài trên mây" sẽ đưa bạn vào một thế giới mà ở đó, mọi điều kỳ diệu đều có thể thành sự thật.
Tác giả: Diana Wynne Jones
Dịch giả: Tâm Thủy
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 328
Phát hành: 2021
Giá bìa: 96.000đ
Mua tiểu thuyết giá rẻ ‘Lâu đài trên mây’ tại Nhà sách online Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa
Khi màn đêm buông xuống, giới hạn giữa thực và mơ màng bắt đầu mờ nhạt, và chính trong khoảnh khắc ấy, "Lâu đài trên mây" của Diana Wynne Jones mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới phép thuật, nơi mọi giấc mơ đều trở thành hiện thực. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp review cảm nhận của một vài đọc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo chi tiết các review sách bên dưới!
Lâu Đài Trên Mây - Diana Wynne Jones
This Is Fantasy At Its Best! Đọc từ đầu tới cuốn câu chuyện lúc nào mình cũng thổn thức trong lòng: “Tuyệt vời! Xuất sắc!” với cách dẫn truyện tài tình của tác giả, cách bà xây dựng những nhân vật phức tạp và khó lường, và đặc biệt là những cuộc hội thoại, những pha lừa lọc cực kỳ thông minh. Dù “Lâu đài trên mây” là fantasy, về lý thuyết Diana muốn vặn xoáy cho ma pháp diễn ra kiểu gì cũng được, bất chấp logic thông thường, nhưng bà vẫn cẩn thận bố cục sao cho ma pháp cũng có lề luật, và trí thông minh của con người thực sự nắm quyền kiểm soát phép thuật chứ không chịu khom mình bó gối trước nó.
Câu chuyện theo dấu Abdulla từ giấc mộng về nàng công chúa Hoa Đêm xinh đẹp của cậu, đến hành trình cậu đi giải cứu nàng khỏi Ma Thần ác độc với chiếc thảm thần và cây đèn chứa linh thần sẽ ban cho con người một điều ước mỗi ngày. Mình biết mọi người sẽ nghĩ ngay đến Aladdin vì mình cũng vậy, và cũng đúng là Diana lấy cảm hứng từ Nghìn lẻ một đêm khi viết “Lâu đài trên mây” mà. Nhưng như mình đã nói ở đầu, câu chuyện này vẫn là của riêng Diana thôi, vì hiếm có tác giả nào viết fantasy lại súc tích và gay cấn và thông minh, lại sáng tạo như vậy được. Không ngạc nhiên khi Rowling cũng chịu ảnh hưởng từ Diana khi viết nên Harry Porter, bà thực sự là một cây đại thụ khổng lồ trong làng fantasy, toả bóng xuống mọi tác giả sau này, xem sự nổi tiếng của Howl trên toàn thế giới là biết.
Howl và Sophie từ phần 1 cũng góp vai diễn không nhỏ trong phần 2 này. Yêu hai anh chị “yêu nhau lắm cắn nhau đau” này lắm, nên định không đọc “Lâu đài bay của Howl” đâu nhưng kiểu này chắc sẽ đọc sớm thôi, để coi phim và truyện khác nhau nhiều không, hay như nhau thì là tốt nhất. Đến cả Calcifer cũng góp vui trong “Lâu đài trên mây” nữa, bị gọi là “lão” nghe hơi lạ, vì mình xem phim thì ngọn lửa thần này như em bé thôi mà nhỉ
Nhã Nam làm bìa cuốn này quá ấn tượng, dịch thuật cũng ổn nữa. Bìa cuốn cuối sắp ra mắt còn ấn tượng hơn nữa. Thế nên mong Nhã Nam làm lại bìa cuốn 1 đi không để cả 3 cạnh nhau Howl lại lạc quẻ quá. Howl kiêu sa như vậy thì cũng xứng đáng một cuốn sách có bìa thật loè loẹt hoành tráng phô trương như bản chất của anh vậy chứ
“Lâu đài trên mây”_ Diana Wynne Jones
Đánh giá cá nhân: 4,5/5
Cả câu chuyện là một chuyến phiêu lưu tuyệt vời trong thế giới cổ tích của Đêm Ả rập. Tác giả đã tạo ra những nhân vật mới, kết hợp những nhân vật của cuốn truyện trước, đan cài những yếu tố quen thuộc của câu chuyện “Aladdin và cây đèn thần” nổi tiếng một cách khéo léo, tài tình đến không tưởng. Được coi là tập 2 của “Lâu đài bay của pháp sư Howl”, cuốn truyện không chỉ gợi mở về cuộc sống của Howl, Sophie và gia đình của họ mà còn biến những người này thành những mắt xích quan trọng trong câu chuyện. Một lần nữa, như cuốn truyện đầu, mọi mảnh ghép quan trọng chỉ được lật mở ở những giây cuối cùng với những cú twist không ngờ tới. Tuy nhiên, Howl và Sophie hay những nhân vật ở cuốn truyện đầu tiên lại không phải là nhân vật chính. Để biết được nhân vật chính là ai thì mời mọi người đọc đoạn tiếp theo nhé.
Abdullah là một người buôn thảm trẻ tuổi ở thành Zanzib, thủ phủ của vương quốc Rashpuht đầy nắng, gió và sa mạc. Rõ ràng, anh không phải mẫu anh hùng dũng cảm, tràn đầy tham vọng hoài bão, mình đồng da sắt đã quen nếm mật nằm gai. Không, Abdullah không sở hữu bất cứ yếu tố giống nhân vật chính nào kể trên. Anh chỉ là một cậu trai có công việc nhẹ nhàng nhàm chán là buôn thảm. Cậu bằng lòng với cuộc sống của mình và ngại phiêu lưu. Thế nhưng, Abdullah sẵn sàng dùng cả ngày chỉ để thêu dệt lên những mộng viển vông về cuộc đời mình.
Nhờ mua được tấm thảm thần từ một gã đàn ông đáng ngờ, Abdullah đã gặp được định mệnh đời mình - công chúa Hoa Đêm xinh đẹp của vương quốc. Thật không may, Hoa Đêm đã bị ma thần bắt cóc, ngay trước mũi anh và cũng ngay trước giây phút họ định bỏ trốn và kết hôn. Cũng từ đó, trên con đường giải cứu công chúa, những mộng tưởng viển vông của Abdullah nối tiếp nhau trở thành hiện thực.
Một yếu tố quan trọng làm nên trải nghiệm tuyệt vời của mình đối với cuốn sách này là bản dịch rất mượt, mượt đến bất ngờ khi so sánh với bản dịch của tập 1. Không chút khó hiểu tối nghĩa làm mất mạch đọc và khả năng tưởng tượng, không khí phiêu lưu của Nghìn lẻ một đêm hiện lên rất rõ ràng.
Điều tiếp theo mình thích ở cuốn truyện này là mọi nhân vật đều có vai trò, sứ mệnh rõ ràng, không có sự thừa thãi khó hiểu như ở tập 1. Chỉ hơi tiếc là Michael và Marthan lại không xuất hiện chút nào :(
Điều nữa khiến trải nghiệm của mình thêm trọn vẹn là nhờ kết thúc. Cùng là kết thúc có hậu nhưng mình thấy cái kết ở tập 1 hơi gấp, do không nhìn thấy dấu hiệu báo trước rõ ràng (cũng có thể một phần là do bản dịch) và còn nhiều dấu hỏi lơ lửng trên đầu, nhiều chi tiết nhân vật chưa được giải quyết hay khai thác hết. Tuy nhiên, kết thúc ở cuốn này thực sự làm mình thỏa mãn.
Điều duy nhất mình không thích có lẽ nằm ở yếu tố body shaming cực rõ ràng khi Abdullah “kinh tởm” hai cô gái mà bà họ hàng chuẩn bị làm vợ cho anh vì họ “quá béo” khi so sánh với Hoa Đêm “xinh đẹp (và gầy nữa)” và tác giả thực sự đã dùng mọi khả năng của mình để khiến họ thô tục và xấu xí nhất có thể. Đương nhiên còn có những lý do về sau khiến Abdullah không muốn lấy hai người này ngoài yếu tố ngoại hình như Hoa Đêm thông minh còn hai cô gái này vô duyên, chưa cho thấy “chút tế bào não nào”. Và mình thấy hẳn tác giả chỉ muốn thêm yếu tố kịch tính, gây cười cho câu chuyện thôi nhưng chế nhạo ngoại hình người khác thậm tệ để tôn vinh nữ chính lên chẳng phải ý tưởng hay, phải không? Nhất là khi đây là một cuốn Middle Grade, tức là có đối tượng đọc là trẻ từ 8-12 tuổi, độ tuổi rất dễ học, làm theo và bị ảnh hưởng nhiều bởi những thông tin mà chúng bắt gặp.
P/S: Có một yếu tố trong tập 2 trái ngược với anime.
Yếu tố này chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của nhân vật (vì đó đã xảy ra trong quá khứ) nhưng anime đã khéo léo khai thác và biến nó thành yếu tố tích cực, nhân văn, có yếu tố giáo dục hơn (theo mình là vậy). Đó là trong tập 2 này, ta được biết Howl đã dùng phép thuật để góp phần giúp Ingary chiến thắng nước láng giềng Strangia, trong khi anh hoàn toàn có thể làm nhà vua thay đổi suy nghĩ. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, trong anime Howl đã cố gắng ngăn cản chiến tranh giữa 2 nước, bất chấp mệnh lệnh và sự truy đuổi của nhà vua.
Tổng hợp: Minh Ngọc