"Hồi ức Thiếu Nữ" sẽ đưa bạn trở về một thế giới đã qua, nơi mà ký ức và thời gian mơ hồ chảy vào nhau qua từng trang sách của Annie Ernaux. Tác phẩm này không chỉ là một hồi ức, mà còn là một bản đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự ngây thơ và sự tự nhận thức - một chân dung tâm lý sâu sắc về một nữ nhân vật phức tạp, mạnh mẽ.
Annie D., hay "cô gái của năm 58", không phải là một nhân vật hư cấu. Cô là hiện thân của một thời đại, thuở thanh xuân đầy biến động và những khao khát cháy bỏng. Là "cô gái thành phố S" vào mùa hè 1958, cô bước vào giai đoạn chuyển mình với tâm hồn trẻ thơ và những mộng tưởng về tình yêu, với lòng kiêu hãnh của một thiếu nữ 18 tuổi làm việc tại một trại hè và bất ngờ trở thành "con mồi" của những trò đùa ác ý.
Trái ngược với "cô", chúng ta có "tôi" - phản ánh của Annie Ernaux của hiện tại, người phụ nữ đương đại vào năm 2014, người nhìn lại quá khứ với một ánh nhìn sắc sảo và đầy tự vấn. Hai giọng kể này không chỉ tạo nên một bản hợp xướng về tuổi trẻ mà còn về những vết thương thời gian không thể lành lại, những trượt ngã và sự thờ ơ trước đau khổ.
"Hồi ức thiếu nữ" không chỉ là một cuốn sách; nó là một trải nghiệm xúc động, một cuộc hành trình vào lòng của người thiếu nữ đã dấn thân vào những "trượt ngã hân hoan", và bây giờ, qua lăng kính của thời gian, cô đối mặt và tìm hiểu về chính mình. Nó là sự phản chiếu của một tâm hồn đầy hoài nghi và khát khao, của một người con gái đã từng sống trong sự thuần khiết và giờ đây đứng trước những thách thức của cuộc sống, tình yêu, và sự tự nhận thức.
Theo chính lời của Annie Ernaux, "Hồi ức thiếu nữ" không chỉ là một dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác của bà mà còn là một hành trình táo bạo đối mặt với những nỗi sợ hãi sâu kín nhất khi đặt bút viết ra những trang giấy - một công việc "quá khó và quá nguy hiểm" mà ấn tượng về nó đủ sức định hình tầm vóc của một "chủ nhân" của Giải Nobel Văn học.
Tác giả: Annie Ernaux
Dịch giả: Bảo Chân
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 192
Phát hành: 03-2021
Giá bìa: 90.000đ
Xem thêm: Những tác phẩm hay nhất của Annie Ernaux
Trong từng dòng chữ của "Hồi ức Thiếu Nữ" Annie Ernaux mở cửa vào một quá khứ đầy ám ảnh, nơi cảm xúc tuổi trẻ được khắc họa với một sự chân thực đến rợn người. Chúng ta bắt gặp hình ảnh của một thiếu nữ giữa ranh giới mông lung của niềm vui và nỗi đau, nơi mỗi trang sách như lật giở những trang nhật ký tâm hồn đã phai màu nhưng vẫn đậm nét. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc những dòng chia sẻ cảm xúc về cuốn sách này của đọc giả Hy và Lyn, mời bạn xem review!
“Nó có khả năng tái tạo lại ký ức, làm sống lại những chi tiết về cảm xúc và suy nghĩ ở tận sâu trong tiềm thức con người một cách chân thực nhất, vì thế mà cả chủ nhân của những ký ức ấy và những người khác đều có thể bước vào và sống lại trong ký ức ấy một lần nữa.” Đây là quyền năng đáng sợ của chậu Tưởng Ký - một đồ vật phép thuật quen thuộc với Potterhead. Ngay khi đọc dòng chú thích này mình đã vô cùng ngạc nhiên, vì cách “Hồi ức thiếu nữ” kể ra câu chuyện của Annie Ernaux y hệt như dẫn chúng ta đắm vào trong viễn cảnh của ký ức mà một chậu Tưởng Ký thể hiện ra: chỉ có ký ức đơn thuần và bản thân nó trần trụi, không được tô vẽ, làm giả hay sắp xếp.
Annie Ernaux bị thôi thúc kể những ký ức của mình từ năm 2003, khi nhận ra nó có tháng ngày giống hệt năm 1958 - năm đánh dấu bước ngoặt trong thời thiếu nữ của bà. Bản thân bà xưng tôi, và gọi cô nàng trong ký ức ấy là “cô”. Chẳng những quan sát “cô nàng năm 58” một cách thật cẩn thận bằng con mắt cảm quan và khách quan (từ miệng người này người nọ), bà cũng chẳng hề giấu giếm những suy nghĩ và hành động của cô nàng “cá biệt”, “lẳng lơ” ấy, và cũng chẳng hề nao lòng chút nào về việc có thể bị người khác đánh giá về phẩm giá, phẩm cách của bản thân khi tự mình phô bày những thứ đó ra để tạo nên cái chất riêng cho văn chương của mình.
Bên cạnh những tầng tầng lớp lớp những ký ức, suy tư thật cụ thể và màu sắc ấy, mình từng nghĩ, ngoài sự “chân thật” ra chẳng có chút nghệ thuật nào trong tác phẩm này, trừ những lần liệt kê một danh sách dài những điều nọ kia rất xuất hiện trong cuốn sách, được bỏ viết hoa và cách dòng như một đoạn thơ. Nhưng chính những danh sách liệt kê từ những điều nhỏ nhặt làm cô khác biệt, những biệt danh mà họ gọi cô, đến những suy tư của cô về phụ nữ… này lại là ấn tượng khi nhớ về cuốn sách này.
Tôi nghĩ rằng cô:
Sợ hãi trước bức tranh về thân phận của phụ nữ, thiên sử thi bất hạnh này vẫn trường tồn từ thời tiền sử cho đến hôm nay
bị áp đảo vì quan niệm kinh khủng về những người phụ nữ bị bắt phục tùng giống loài, họ bị đè nặng chính trong nội tại khi đàn ông thoải mái với vị thế siêu việt
càng chán ghét hơn thiên chức làm mẹ, lo sợ chuyện sinh đẻ kể từ khi biết đến cuộc sinh đẻ của Melanie trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, mà cô từng đọc lúc chín tuổi
Ngơ ngác bởi rất nhiều những điều hoang tưởng thêu dệt quanh phụ nữ và có lẽ cảm thấy nhục nhã vì sự ít ỏi của những điều như vậy về đàn ông nhưng dù sao cô cũng cảm thấy nổi loạn khi nhớ đến lời buộc tội: cô là đồ bọ ngựa, mà bọn họ đã hét vào mặt cô ở trại hè
Ngạc nhiên khi nữ tác giả nhấn mạnh sự ghê tởm và hổ thẹn với chu kỳ kinh nguyệt - sự “vấy bẩn” - trong khi lúc ấy cô lại hổ thẹn với bộ đồ trắng tinh khiết của mình không có dính máu.
Tổng hợp: Minh Ngọc