Trong thời đại mà dấu ấn của con người in đậm trên từng centimet của hành tinh xanh, "Đợt tuyệt chủng thứ sáu" của Elizabeth Kolbert không chỉ là một cuốn sách - đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh giữa đêm tối của sự phá hoại môi trường. Khi những đợt tuyệt chủng trong quá khứ giờ đây chỉ còn là những chương đã khép lại trong sách giáo khoa cổ đại, Kolbert đặt ra một giả thuyết đáng sợ: chúng ta, loài vật thống trị thế kỷ, có thể đang tự viết nên đợt tuyệt chủng kế tiếp của chính mình.
Tác giả dẫn dắt chúng ta qua một hành trình khoa học mạo hiểm, từ những rừng nhiệt đới ẩm ướt đến những sa mạc khô cằn, đâu đâu cũng thấy dấu vết của sự suy tàn: loài ếch vàng của Panama, voi răng mấu của châu Mỹ, và cả những loài nhỏ bé như cúc đá. Nỗi ám ảnh của Kolbert không chỉ dừng ở sự kiệt quệ của thế giới tự nhiên mà còn ở những phòng thí nghiệm nơi các nhà khoa học miệt mài tìm kiếm câu trả lời cho nguyên nhân sâu xa của thảm họa. Với bằng chứng không thể phủ nhận về ảnh hưởng của carbon dioxide, sự axit hóa đại dương và việc chặt phá rừng nhiệt đới, Kolbert phác họa một bức tranh khủng khiếp về hành tinh chúng ta đang cư trú.
Với lời khen ngợi từ Cựu Tổng thống Barack Obama rằng: “Thật là một cuốn sách tuyệt vời, và nó làm sáng tỏ rằng những thay đổi lớn đột ngột có thể xảy ra; chúng không hề nằm ngoài phạm vi khả năng. Chúng từng xảy ra trước đây, và chúng có thể lại xảy ra lần nữa,” cuốn sách càng thêm phần trọng đại. Elizabeth Kolbert, với bút pháp sắc sảo của mình, không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà chứng nhân cho thời đại mà chúng ta đang sống, một thời đại mà con người phải đối mặt với một câu hỏi lớn: liệu chúng ta có đang là thủ phạm kiêm nạn nhân của một tương lai mà chính tay mình đã dựng nên?
Tác giả: Elizabeth Kolbert
Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh
Nhà xuất bản: Tri Thức
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 461
Phát hành: 2023 (Tái bản)
Giá bìa: 159.000đ
Mua sách online 'Đợt tuyệt chủng thứ sáu - tái bản' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
Trong vũ trụ mênh mông của các sự kiện địa chất, ít có điều gì bí ẩn và đáng sợ hơn những đợt tuyệt chủng hàng loạt. "Đợt tuyệt chủng thứ sáu" của Elizabeth Kolbert không chỉ là một cuốn sách; nó là một hồi chuông cảnh báo vang lên từ quá khứ sâu thẳm của Trái Đất, đang dần trở thành hiện thực đầy ám ảnh. Khám phá này không chỉ đưa ta vượt qua ranh giới của những hiểu biết thông thường về tự nhiên mà còn hé lộ một chân lý khó chịu – có thể, chính chúng ta đang viết nên kịch bản cho đợt tuyệt chủng tiếp theo. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ cảm nhận về cuốn sách của độc giả, mời bạn tham khảo các review sách dưới đây!
Đợt Tuyệt Chủng Thứ Sáu - Elizabeth Kolbert
Tên sách là đợt tuyệt chủng thứ sáu, vậy 5 đợt tuyệt chủng trước đây đã diễn ra như thế nào. Dưới đây là thông tin mình tìm được:
• Đợt một: Giai đoạn chuyển giao Kỷ Ordovic-Silur. Khoảng 447-443 triệu năm trước, có thể do sự dịch chuyển của siêu lục địa Gondwana làm Trái đất lạnh hơn, nhiều vùng đóng băng và mực nước biển hạ thấp.
• Đợt hai: Giai đoạn Kỷ Devon muộn. Khoảng 375-360 triệu năm trước, các giả thuyết giải thích bao gồm sự lạnh đi của các đại dương, núi lửa phun trào dưới đại dương và thiên thạch.
• Đợt ba: Giai đoạn chuyển giao Kỷ Permi-Trias. Khoảng 251,4 triệu năm trước, nguyên nhân có thể do sự phun trào núi lửa quy mô lớn ở vùng nay là Siberia.
• Đợt bốn: Giai đoạn chuyển giao Kỷ Trias-Jura. Khoảng 199,6 triệu năm trước, các giả thuyết được đưa ra do biến đổi khí hậu từ từ, va chạm của thiên thạch hoặc phun trào núi lửa.
• Đợt năm: Giai đoạn chuyển giao Kỷ Creta-Paleogene. Khoảng 65,5 triệu năm trước, có thể do một thiên thạch rơi xuống Trái đất hoặc do sự gia tăng hoạt động của núi lửa.
Và theo Elizabeth Kolbert, đợt tuyệt chủng thứ sáu đã và đang diễn ra, với tác nhân chính là Homo Sapiens - người hiện đại, chính là chúng ta.
Bắt đầu quyển sách với những nghiên cứu về loài ếch vàng ở Panama, Kolbert đã đưa người đọc đến với thế giới của các loài động vật đang trên đà tuyệt chủng. Việc làm rõ khái niệm tuyệt chủng cũng là một phần tất yếu để người đọc có thể nhận thức được mức độ trầm trọng của những câu chữ ấy. Con người chúng ta đã tồn tại thành công với vai trò của một sinh vật, và đồng thời cũng đang trên đà tự giết chính mình trong vô thức. Sự tác động của con người chúng ta lên thế giới tự nhiên và hậu quả của những hành động ấy không còn là những gì quá mức xa lạ, và những thông tin trong quyển sách này cũng như vậy. Thế nhưng không vì thế mà bỏ qua công sức của tác giả bởi lẽ, Kolbert đã bước chân vào thực tế, cùng đi với những nhà khoa học vào tận những nơi xa xôi hiểm trở, quyển sách này là công sức khảo sát thực tế lên những đối tượng là nạn nhân của loài người, trải rộng từ động vật đến thực vật.
Quyển sách đưa ra lời cảnh báo về một viễn cảnh loài người sẽ diệt vong, một điều mà vô vàn những tác phẩm viễn tưởng nhắc đến, và khi đọc những quyển sách thực tế như thế này mình lại thấy bản thân mình nhỏ bé trước thế giới. Điều này mình đã từng cảm nhận khi đọc sách của Yuval Noah Harari, và có lẽ mình sẽ còn gặp lại ở những quyển sách có chủ đề tương tự. Một quyển sách phù hợp với những bạn khao khát tìm hiểu về sinh vật, con người, về môi trường. Mặc dù trải trên những trang sách là thảm cảnh của vô vàn sinh vật nhưng không hiểu vì cớ gì mình lại không hề thấy đau lòng. Có lẽ về bản chất mình không phải là một nhà môi trường, và vì thế quyển sách này không gây xúc động quá nhiều cho mình.
Cuốn sách với tựa đề có phần u ám nhưng nội dung lại mang một màu sắc thú vị. Một cuốn sách về thiên nhiên, môi trường – tất nhiên là thế rồi – nhưng hoàn toàn không có những lời kêu gọi một cách sáo rỗng và mang tính biểu ngữ, cuốn sách đơn thuần giống như một bút ký về những trải nghiệm thực tế của tác giả trong quá trình khám phá thiên nhiên. Tác phẩm không có nhiều những lời buộc tội nhưng lại có những bản án ẩn sâu trong từng câu chữ.
Quan điểm đưa ra trong tác phẩm là sự sống trên Trái Đất đã trải qua tổng cộng Ngũ đại biến cố đại diện cho năm lần diễn ra sự biến mất của hàng loạt các loài sinh vật vì nhiều yếu tố khác nhau và hiện nay, chúng ta đang ở giữa một đợt tuyệt chủng khác – Đợt tuyệt chủng thứ sáu hay còn gọi là Đợt tuyệt chủng Thế nhân sinh. Homo Sapiens có thể không phải là tác nhân duy nhất của đợt tuyệt chủng thứ sáu nhưng đang đối mặt với rủi ro là một trong những nạn nhân của đợt tuyệt chủng này.
Trong Ngũ đại biến cố, Đợt tuyệt chủng cuối kỷ phấn trắng không phải là đợt tuyệt chủng tồi tệ nhất nhưng nổi tiếng nhất vì đã kết thúc thời đại khủng long và trao sự thống trị vào tay những loài có vú và trong đó có con người – giống loài có khả năng đặt tên cho mọi thứ. Và “đi kèm với năng lực biểu đạt thế giới qua ký hiệu biểu tượng là năng lực thay đổi thế giới, điều hóa ra cũng là năng lực phá hủy thế giới ấy”. Đọc câu này Khoa chợt nghĩ đến việc chúng ta đặt tên cho con Quạ rồi nói nó xui trong khi nó thông minh bậc nhất giới loài chim (chưa kể Quạ cũng liên quan gì đến Họa? và nếu là người nước ngoài thì sẽ không xui?), đặt tên một cái cây là Chuối xong bảo là xui trong khi hàm lượng dinh dưỡng bậc nhất, đặt tên là Phật Thủ rồi cúng vái trong khi nhìn nó xấu gớm và thậm chí không ăn được.
Những kiến thức hay ho:
- Các vùng nước nhiệt đới có khuynh hướng ít dưỡng chất nên nước thường trong hơn nhưng cũng cung cấp ít môi trường sống cho sinh vật biển trừ khi có rạn san hô. Do đó, Rạn san hô được mô tả như một khu rừng nhiệt đới giữa sa mạc, chúng giúp tạo ra một hệ thống mà dưỡng chất được chuyển từ một lớp tổ chức hữu cơ này sang một lớp hữu cơ khác qua đó xây dựng nên kiến trúc của hệ sinh thái. San hô vừa là động vật, vừa là thực vật, vừa là khoáng vật
- Việc đốt than và dầu mỏ đã đảo ngược lịch sử địa chất bằng cách đưa Cacbon trở lại không khí, thứ vốn đã được làm giảm bớt trong hàng trăm triệu năm và được đất mẹ cất giữ. Quá trình CO2 trong không khí hấp thụ ngược lại vào biển gây ra hiện tượng axit hóa biển. Axit hóa đại dương thay đổi cấu trúc của cộng đồng hệ vi khuẩn qua đó thay đổi sự sẵn có của các dưỡng chất then chốt như sắt và nitơ, thay đổi lượng ánh sáng và cả âm thanh truyền qua nước.
- “Những loài không xương sống là những thứ nhỏ bé vận hành thế giới này nhưng những thứ nhỏ bé dễ bị bỏ qua”
- Các cuộc tuyệt chủng của hệ động vật siêu lớn không xảy ra cùng một lúc mà xảy ra theo từng xung nhịp mà vô tình là biên niên sử về sự tuyệt chủng này khớp một cách đáng kể với biên niên sử về sự di cư của con người. (Điều này cũng được Jared Diamond nhắc đến trong Súng, Vi trùng và Thép).
Xuyên suốt tác phẩm, Elizabeth Kolbert kể cho chúng ta nghe về những chuyến đi đến khắp các vùng xa xôi cùng các đoàn nghiên cứu thiên nhiên thực nghiệm. Trong những chuyến đi ấy, bạn đọc sẽ được dạo qua vùng núi Panama, sau đó đến tận vùng rừng rậm Amazon, những hang đá ở Châu Âu và với cá nhân Khoa, địa điểm Khoa thấy thú vị nhất và mong muốn đến thăm một lần là đảo One Tree thuộc rạn san hô Great Barrier (nơi này có diện tích nhỉnh hơn diện tích Việt Nam một chút). Qua những lời kể, chúng ta sẽ có những kiến thức cơ bản về bản chất cũng như cách mà các đối tượng trong thiên nhiên tương tác lẫn nhau và cùng nhau xây dựng nên hệ sinh thái.
Điểm cuối cùng, đối với những bạn đọc thích trekking hoặc du lịch trải nghiệm thì Khoa chắc chắn sẽ rất hứng thú với câu chuyện này vì không chỉ là kiến thức khoa học, tác giả còn cho chúng ta một bức tranh thú vị về công việc của các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu thiên nhiên từ việc nên chú ý gì khi đi vào rừng nhiệt đới, các lớp đất sét giữa các lớp đá có ý nghĩa như thế nào, cách quan sát những loài sinh vật bé nhỏ theo tầng cao như thế nào và thú vị nhất là tìm ra những vận động tinh tế trong các khung cảnh có vẻ yên tĩnh của những khu rừng. Tất cả tạo nên một chuyến trekking từ sách cực kỳ thú vị.
Đợt tuyệt chủng thứ 6 – Elizabeth Kolbert (Trần Trọng Hải Minh dịch)
“Chúng ta lợi dụng bản năng thiêng liêng nhất của nó để mai phục nó, và khi cướp đi sinh mạng của con bố mẹ, chúng ta giáng lên đầu những con con vô vọng cái chết khủng khiếp nhất, chết vì đói. Nếu điều này không phải là sự tàn ác, thì còn là cái gì nữa?”
Trên đây là đoạn trích nói về sự tuyệt diệt của loài chim ăng-ca lớn (tháng 6, năm 1844), đôi chim cuối cùng đã bị con người giết chết, vì chúng chậm chạp, không thể trốn chạy khỏi cuộc truy bắt. Vốn dĩ việc săn bắt loài chim này đã bắt đầu từ lâu trước đó, người thời đó cứ thoải mái săn bắt, giết hại loài chim này, họ không ngờ đó là đôi chim cuối cùng của loài. Cũng không chắc rằng nếu biết trước điều đó thì họ sẽ không xuống tay với đôi chim. Hình như sẽ không bao giờ là đủ cho sự ham muốn, loài chim này bán rất được giá vào thời điểm đó vì chúng đã khan hiếm rồi. Có lẽ cũng vì sự hiếm hoi, con Tê giác Java cuối cùng đã bị một tay săn trộm sát hại ở Việt Nam (2010), đã là muộn màng cho những mong muốn bảo tồn loài này.
Ngoài trực tiếp giết những con vật cuối cùng của một loài nào đó. Con người cũng gián tiếp khiến một số loài bản địa biến mất bởi vô tình hay cố ý, họ mang theo những con vật ngoại lai đến một vùng đất mới, giàu nguồn sống, không có sự cạnh tranh tự nhiên nào kìm hãm sự phát triển của những kẻ xâm lăng này. Chúng chiếm lấy môi trường sống, và đẩy những loài địa phương đến chỗ biến mất. Như loài cóc mía được nhập khẩu vào Úc (1930) trong nỗ lực kiểm soát loài bọ hại mía nhưng lại gây ra thảm họa. “(Cóc mía là loài có độc, và những loài bản địa ngây thơ, như mèo túi phía bắc, ăn những con cóc này sẽ chết)”.
Cuốn sách này với mình là không hề dễ đọc. Vì vậy nên mình không đòi hỏi sự hấp dẫn từ một cuốn sách khoa học thường thức nữa (nếu hấp dẫn thì mừng, mà không thì đọc nó với tâm trí thu lượm kiến thức). Thông qua cuốn sách có nhiều điều mới mẻ, mình chưa từng nghĩ đến rằng con người vẫn đang nỗ lực cứu vớt những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Họ siêu âm cho tê giác Sumatra (tên con tê giác là Suci) nhằm hỗ trợ sự sinh sản của loài này. Hay cố gắng tạo cực khoái cho một con quạ (nhằm bổ sung quỹ gien hạn chế của loài) thuộc loài quạ Hawaii, chỉ còn sống trong môi trường nuôi nhốt, đã biến mất ngoài tự nhiên.
Mặc dù bức tranh toàn cảnh về sự biến đổi mà con người góp phần mang màu ảm đạm, nhưng vẫn còn đó những nỗ lực để cứu lấy hành tinh, hay chính sự tồn vong của loài người. Mang trên vai trọng trách của loài thông minh nhất Trái Đất, con người biết đâu sẽ có thể làm chậm lại những tác nhân gây hại cho môi trường, hoặc không.
Tổng hợp: Minh Ngọc