“Điểm đến của cuộc đời” ghi lại hành trình đồng hành cùng những người cận tự được tác giả Đặng Hoàng Giang gửi gắm vào trong đó những tâm tư, chia sẻ khi được lắng nghe và chứng kiến những câu chuyện đầy mất mát, đau thương nhưng cũng không kém phần tử tể tình người.
“Điểm đến của cuộc đời” xoay quanh ba câu chuyện về những nhân vật khác nhau. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ - Con, Hà và Nam. Là hình ảnh cô gái Liên trẻ trung, đầy nghị lực, đem lại cảm hứng sống cho những người mắc căn bệnh ung thư vú như cô. Là hình ảnh của Vân với trái tim đầy nhân ái, mong muốn được cống hiến cho xã hội vào những giây phút cuối của cuộc đời. Tất cả được mô tả chân thực dưới ngòi bút đầy trắc ẩn của tác giả Đặng Hoàng Giang. Những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở trong tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.
Điểm đến của cuộc đời của tác giả Đặng Hoàng Giang là cuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn sách được bạn đọc yêu thích nhất trong số 5 cuốn của ông đã phát hành. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài tổng hợp các review sách Điểm đến của cuộc đời được đánh giá hay nhất. Cùng tham khảo nhé!
Xem thêm bài viết về sách của Đặng Hoàng Giang
5 cuốn sách hay nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang
Review sách Đại dương đen - Liệu có đên tối như mọi người vẫn nói?
Đánh giá cá nhân: 5/5
Một hành trình dũng cảm. Một cuốn sách tràn đầy tính nhân văn và sức lay động tâm hồn.
Mang theo những băn khoăn về thời khắc cái chết cận kề, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đồng hành cùng những người cận tử và trở thành người ghi chép một phần cuộc đời của họ trước và sau khi chết. Ba cuộc đời với ba cảnh ngộ khác nhau, nhưng dường như họ đều có một điểm chung, một giác ngộ cuộc sống khi biết mình hoặc người thân sắp rời xa cõi đời.
Mình ấn tượng hơn cả là câu chuyện của Hà, khi đứa con trai đầu lòng của chị bị mắc bệnh ung thư xương. Hà đã luôn ở bên cạnh cho đến khi con trút hơi thở cuối cùng. Dù đã chuẩn bị trước cho sự chia xa, nhưng khi nó đến thì chị vẫn bị nỗi đau giằng xé. "Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết" – Nhà tâm lý học Ann G. Smolen quan sát - Nó không tồn tại trong từ vựng của chúng ta. Nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên".
Ngỡ rằng Hà sẽ đầu hàng số phận và chìm trong nỗi đau khổ không thể diễn tả bằng lời, thì chị đã đứng dậy được. Nhờ đâu? Nhờ tâm thế chấp nhận buông bỏ và tinh thần lạc quan. Chị luôn tự nhủ mình may mắn vì con chị đã được ra đi thanh thản, hai mẹ con luôn hòa thuận và yêu thương nhau. Sau sự ra đi của con, chị tìm được ý nghĩa tồn tại của mình và tiếp tục tham gia vào các nhóm tình nguyện phát thức ăn ở bệnh viện, và trở thành một chỗ dựa tinh thần cho các bậc cha mẹ có con bị bệnh.
“Người ta không có tự do để khước từ sự bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra.” Đó là điều đã giúp Hà vượt lên trên nghịch cảnh.
Không chỉ thuật lại những câu chuyện cuộc sống, bác Đặng Hoàng Giang còn cung cấp kiến thức y tế và chia sẻ quan điểm về vấn đề hiến tạng sau khi chết và quyền được sử dụng thuốc giảm đau. Nếu sự ra đi của một người đổi lại sự sống cho người khác thì đây là một điều nên làm; và “Kiểm soát đau được coi là một quyền con người, và morphine nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu do tổ chức Y tế Thế giới WHO ban hành”. Vậy mà sự thờ ơ của một bộ phận y tế trong việc cung cấp thuốc đã khiến nhiều bệnh nhân phải trải qua đau đớn trong khoảng thời gian dài. Họ vốn dĩ không cần phải chịu đau đến vậy.
“Điểm đến của cuộc đời” là một cuốn sách khá mỏng nhưng đã khiến mình phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Mình nhận thức được sự hữu hạn của con người, biết ơn vì được sống, và thêm trân trọng quãng thời gian của mình. Bất cứ ai cũng nên đọc cuốn này ít nhất một lần, vì những giá trị tốt đẹp mà nó mang lại.
Gấp quyển sách lại dòng nước mắt vẫn tiếp tục chảy dài... nhiều cảm xúc đã trào dâng theo từng con chữ, từng cuộc đời của mỗi nhân vật được tác giả chia sẻ.
“Điểm đến của cuộc đời” là những trải nghiệm của tác giả khi được đồng hành cùng những người cận tử. Mỗi nhân vật một câu chuyện nhưng điểm chung của họ chính là họ đang đối mặt với điểm cuối cùng của cuộc đời mình với quỹ thời gian ít ỏi phải đong đếm từng ngày, từng tháng.
Là Nam một cậu bé 9 tuổi, là Liên một thiếu nữ hơn 20 tuổi, là Vân một người mẹ trẻ chưa qua 30 tuổi. Tất cả đều đối mặt với sự lựa chọn cuối cùng của mình một cách thanh thản nhất. Là cách mà người thân họ phải đối mặt với sự mất mát. Cũng có những người không chịu đựng được nỗi đau, không vượt qua được nó phải chọn cách giải thoát cho chính mình bằng cách tướt đoạt mạng sống của chính mình nhưng cũng có người tìm mọi cách để chiến thắng nỗi đau mất mát bằng cách sống tích cực là cho đi để gần hơn với người thân đã mất của mình.
Tác giả đã truyền đi thông điệp hãy trân quý cuộc sống, trân quý những gì là hiện hữu những gì mỗi người đang có để sống có ích hơn. Hãy sống yêu thương để xoa dịu nỗi đau của chính bản thân mình. Dẫu sao phải nhận ra rằng “may mắn” vẫn còn quanh ta. Đừng cố tranh giành, dẫm đạp lên nhau bằng mọi cách để đạt được những ham muốn tầm thường. Tiền bạc, địa vị sẽ chẳng cứu được ai khi tâm hồn đã hoen ố, sự thanh thản an lành có muốn cũng không thể đạt được. Trao yêu thương để nhận lấy yêu thương. Đừng mãi đắm chìm trong lỗi lầm của người khác để mãi suy xét họ trong sự ích kỷ của bản thân. Hãy nhìn nghị lực của những người cận tử để thấy họ khao khát được sống thế nào. Một điều đơn giản với bao người nhưng với họ là điều khó khăn vạn lần.
“Điểm đến của cuộc đời” là câu chuyện của bạn, của tôi hay của bất kỳ ai trong chúng ta vào bất kỳ lúc nào, hãy vượt qua nó với một tinh thần tốt nhất..
Thường thì mình cố gắng viết ra những cảm nhận đầu tiên ngay sau khi đọc xong một cuốn sách. Phần vì muốn lưu giữ chính xác nhất những cảm xúc khi ấy, phần vì sợ sau này lý trí sẽ viết thay con tim và dễ lâm vào những thứ sáo rỗng xa rời thực tế. Nhưng không phải cuốn nào đọc xong cũng có thể viết ngay ra được. “Điểm đến của cuộc đời" là một cuốn sách khiến mình lặng đi, ngồi thần ra mất một lúc thật lâu sau khi đọc xong. Có thể đơn giản nó là tất cả những thứ mình đang cần lúc này.
Cái chết, về cơ bản lúc nào nó cũng quanh quẩn và thường trực trong những suy nghĩ ngày thường của mình. Mình sợ tai nạn giao thông, mình sợ cháy nhà, mình không dám nghĩ đến một ngày mình bị ung thư. Mình sợ chết. Nhưng lẽ đời mà, càng sợ cái gì thì càng tò mò về cái ấy. Đọc ngay chương đầu tiên của sách, mình nhận ra tác giả cũng đang bắt đầu bất an trước những bối rối về cái chết. Rõ ràng là biết chắc một ngày nó sẽ đến, nhưng ai cũng muốn khước từ và chối bỏ nó. Người ta tránh nói với nhau những điều liên quan đến cái chết, như thể không nói thì nó sẽ không bao giờ đến.
Và tác giả, với nền tảng là Tiến sĩ tốt nghiệp tại nước ngoài, ông hiểu mình cần phải học về cái chết. Để hiểu nó, cần phải làm bạn với nó, sờ nắn nó, thân thiện với nó. Người ta, đến một thời điểm nào đó trong đời, mà tốt nhất là thời điểm đó hãy đến sớm một chút, cần phải suy ngẫm thật nghiêm túc về cái chết. Để có thể ý thức hơn về ý nghĩa của sự sống. Nhưng khoan, đây không phải là một tập tiểu luận hay một công trình nghiên cứu khoa học to tát đến vậy. Nó chỉ là hành trình của tác giả trong những dịp được đồng hành cùng những người cận tử.
Đó là chị Hà, là Liên, là Vân (Không biết tại sao các nhân vật tác giả được đồng hành lại đều là phụ nữ). Tất cả đều là bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân ung thư. Trên mỗi hành trình đi tới điểm cuối của cuộc đời, Tiến sĩ đã trân trọng, chân thành, ghi lại những khoảnh khắc, suy nghĩ và mong muốn của những nhân vật ấy. Trong đó chắc chắn có cả những niềm đau của bệnh tật, của mất mát, của cả những cơn giận dữ chối bỏ tất cả. Có cả những câu hỏi rất lớn đặt ra cho nền Luật pháp dân sự về cái chết Nhân đạo, về những mong mỏi thực sự của những người mắc bệnh vô phương cứu chữa. Liệu nằm cắm dây dợ và lay lắt sống giữa những cơn mê sảng, cảm nhận cái đau đớn từ bên trong tế bào, âm thanh duy nhất nghe được là tiếng thở của chính mình, liệu sống như thế có thực sự là mong muốn của bệnh nhân hay không?
Sách cũng đưa ra những quan điểm mới về chính sách chăm sóc và giảm nhẹ triệu chứng cho những bệnh nhân từ chối điều trị hoặc không đủ điều kiện để điều trị. Chính sách nào giúp những ngày tháng còn lại của họ trở nên bớt đau đớn, giúp họ đủ tỉnh táo minh mẫn thực hiện được những nguyện ước cuối đời? Cả vấn đề hiến tạng cũng được tác giả thẳng thắn đề cập đến trong sách, chia sẻ rõ ràng quan điểm và mạnh dạn đối đầu với những quan niệm xưa cũ.
Không giáo điều, không lý luận quá nhiều, điều mình cảm phục là Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, từ sự tò mò về cái chết và quyết tâm tìm hiểu về nó đã dấn thân vào hành trình đầy dũng cảm và nước mắt để có thể cung cấp thêm thông tin cho nhiều người trẻ về cái chết. “Cái nôi úp ngược là nấm mồ”, sự sống và sự chết đối lập và quán chiếu nhau. Nó là sự thật, là chân lý. Người ta dễ dàng nhận biết mình đang sống một cách vật lý. Nhưng chỉ có cái chết và tiến gần hơn tới cái chết mới khiến người ta nhận thấy cái chết cũng có thể đến từ bên trong. Một cuốn sách nên đọc, cần đọc. Hiểu về cái chết là hiểu về sự sống. Suy ngẫm về cái chết khiến chúng ta tự do. Và giá trị của nó là giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa là như thế nào.
[Một trải nghiệm làm bạn vừa đau đớn bất lực, vừa can đảm, vững vàng]
Memento Mori - Hãy nhớ, mi sẽ chết.
Đối diện với cái chết là một trải nghiệm khốc liệt, nhất là khi cái chết đã được dự báo từ trước và diễn ra một cách từ tốn, không hứa hẹn.
Cái chết dạy ta rất nhiều về sự sống.
Nhờ có cái chết, ta nhận ra sự sống là thứ có hạn kì, và cũng nhờ có cái chết, sự sống mới tìm ra ý nghĩa của nó.
Những thói quen thường nhật, những hạnh phúc bình dị giản đơn: "hít thở, vui chơi, lao động”... bỗng trở nên lấp lánh khác thường dưới con mắt của những người bệnh ung thư giai đoạn cuối đang phải hằng ngày đối diện với cái chết.
Chính vào lúc đó, "những trải nghiệm khốc liệt" đã giúp họ nhìn cuộc đời một cách khiêm nhường và bao dung hơn.
Sau tất cả "những thất bại, khổ đau, vật lộn và đã tìm được con đường ra khỏi hố sâu", họ trở thành "những con người tuyệt đẹp", trân trọng và thấu hiểu cuộc đời. Tất cả những gì người ta hướng tới chỉ còn là "ta đã đi qua cuộc đời này thế nào, và đã từ giã nó ra sao".
Dù đã sống nhiều hay ít, nhanh hay chậm, vui hay buồn, dữ dội hay dịu êm, thì đến cuối cùng, cái người ta cần là một cái chết có ý nghĩa, bằng cách ra đi trong thương yêu và tha thứ, như Liên, như Vân. "Tha thứ cho người khác, tha thứ cho bản thân, chấp nhận con người mình, chấp nhận cuộc đời mình đã sống, và cho nó một ý nghĩa".
Cũng chính trong những ngày tháng đầy đau đớn và dữ dội đó, người ta có thêm động lực và can đảm để nói thành lời những yêu thương vốn vẫn "để trong lòng". Cái chết, bỗng trở thành sợi dây hàn gắn và xoa dịu, theo một cách không ngờ.
Quá trình đồng hành với những người cận tử cho tác giả cơ hội được "ngó vào nơi sâu thẳm nhất của con người", nhưng cũng đồng thời đẩy ông vào một cuộc hành trình cảm xúc dữ dội với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Từ đau xót, rối bời, bất lực đến hoang mang, lo sợ; rồi lạc lõng, dằn vặt.
Nhưng vượt qua tất cả, cái còn lại chỉ còn là lòng can đảm, "trưởng thành và vững vàng hơn" khi ta biết bình thản đối diện với cái chết như một phần tất yếu của sự sống...
Nhìn lướt qua thì bìa sách không có gì đặc sắc, nhưng nội dung nó gây ra sự bất an, vì vấn đề nó đề cập đến: "Cái chết".
Quyển sách là một tập hợp những câu chuyện Sống - chết và tâm lý của các bệnh nhân ung thư, từ những giai đoạn đầu, đến khi họ qua đời, và những chuyện xảy ra trong suốt khoảng thời gian đó. Từ đó tác giả đem đến cho ta một góc nhìn gây ám ảnh về "Cái chết", và khiến ta phải rùng mình, vì trong một số hoàn cảnh, nó quá kinh khủng và mang đến những đau khổ, cả cho bệnh nhân, và những người ở lại. Ta có thể lựa chọn việc không nghĩ về nó, về "Cái chết". Thế nhưng, việc từ chối tìm hiểu nó cũng giống như vẽ ra viễn cảnh Utopia, một Thế giới chỉ toàn niềm vui hạnh phúc, nhưng khi bàn tay của Số Phận chạm tới, ta sẽ sụp đổ rất nhanh.
Tác giả đề cập đến những góc khuất của nền y tế Việt Nam, những cơn vật vã của bệnh nhân vì thiếu thuốc giảm đau, và những sang chấn tâm lý dai dẳng của những người ở lại.
Tác giả cho ta thấy một góc nhìn khác của chuyện "Trợ tử". Khi phải đối diện với sự đau đớn hành hạ, có lẽ những người phản đối hăng hái nhất (Như người viết) cũng phải cảm thấy thật khó khăn để đưa ra lựa chọn có nên Trợ tử hay không. Cảm giác trực tiếp đối diện với cơn đau và các tình huống cận tử rất thực tế, rất khác so với việc ngồi trước màn hình máy tính và bàn về triết học về Sự sống, Quyền con người.
Vì sao những quyển sách hay như vậy nhưng ít người biết? Vì nó được viết quá trần trụi, không thèm né tránh việc gây hoang mang, phơi bày mặt tối của tâm lý xã hội Việt Nam: Nói quá ít, và thiếu sự chuẩn bị đúng đắn cho "Cái chết". Sách có thể gây ra sự ghê sợ, cảm giác bất an và mất ngủ, vì nó quá "Đời" và đau đớn, nhưng nó là cần thiết để ta có thể chuẩn bị một tâm lý vững vàng. Tác giả khuyên ta nên dũng cảm nhìn vào những mặt tối đó, để tìm lối thoát cho bản thân, và tự chiêm nghiệm rằng bản thân ta thật hết sức may mắn khi không lâm vào những tình trạng bệnh tật nghiệt ngã như vậy.
Sách của tác giả Đặng Hoàng Giang. Đặt bên cạnh những tác giả Việt Nam khác như Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phan Văn Trường, Nguyễn Dương, thì Việt Nam cuối cùng cũng có một tác giả viết sách Tiếng Việt cho người Việt Nam về những vấn đề xã hội, và Chính luận. Điều này dĩ nhiên là quan trọng, vì các tác giả nước ngoài viết sách cho quốc gia của họ, và khi dịch thuật lại, ta khó có thể hiểu được ý tứ thật sự của tác giả, và cảm thấy xa cách.
Sách tuyệt hay, nhưng khó có thể đọc lại lần thứ hai, vì nó tác động mạnh đến tâm lý, đến mức ta khó có thể đối diện lại với nó.
Một số câu trích đánh động:
"Ánh và gia đình cô đã nhầm khi họ đi tìm sự khuây khỏa, điều cô cần tìm là ý nghĩa cho sự tồn tại tiếp theo của mình".
"Nhưng tôi cũng biết rằng để có thể tiếp tục sống, một lúc nào đó, chúng ta cần buông họ ra, cần phải để họ chết".
"Giá trị của cái chết là nó giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý thức".
“Chúng ta đến thế giới này, tựu trung chỉ có hai việc lớn: Sinh và tử. Một việc đã hoàn thành, chỉ còn lại một thôi, nên không cần phải gấp”. Đây là một câu mình đọc trong cuốn “ Thả trôi phiền muộn” của tác giả Suối Thông. Vậy rốt cuộc Cái Chết chính là điểm đến cuộc đời của chúng ta?
Mình đã đọc nhiều sách về cái chết, góc độ khoa học tự nhiên có, tâm linh có, tôn giáo có… thậm chí tò mò và đọc rất nhiều sách viết về hành trình linh hồn và những gì diễn ra sau khi con người chết đi. Trong suốt cuộc đời , đức Phật cũng bị nhiều nhà thần học và các học giả nhiều lần chất vấn về hai triết thuyết đối nghịch nhau: Bất diệt hay hư không. Khi được hỏi là có đời sống vĩnh cửu hay không thì Đức Phật trả lời: “Không có cái Ngã bất biến”. Khi trả lời về chuyện chết là không còn gì nữa chăng, Đức Phật nói không có gì trở thành hư vô cả. Như vậy, ngài bác bỏ cả hai triết thuyết trên. Về hai triết thuyết trái ngược nhau này, trong cuốn “ Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, thầy Thích Nhất Hạnh nói: “ Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt.Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới”.
Về bối cảnh ra đời của cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Giang cũng băn khoăn về cái chết và thay vì trốn tránh hay hi vọng rằng không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi, tác giả chọn cách tiếp cận ngược lại: Lấy khỏi cái chết sự lạ lẫm của nó, muốn nhìn thẳng vào nó, để làm quen, và cuối cùng, chấp nhận nó, sống với nó một cách bình thản. Đó là lý do tác giả tìm tới những người cận tử, đi cùng họ trong những ngày tháng cuối cùng và viết lại câu chuyện cuộc đời họ. Ý thức về cái chết giúp chúng ta trân trọng cuộc sống hơn, sống có chánh niệm hơn và biết tập trung vào những điều quan trọng. Steve Jobs từng nói :” "Có lẽ, cái chết mới thật sự là phát minh vĩ đại nhất của sự sống. Bởi nó là tác nhân có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta"”
Cuốn sách là những câu chuyện cuôc đời của ba nhân vật chính: Hà , Liên, Vân, và một vài nhân vật khác như Ánh , Hùng. Mỗi câu chuyện là một bị kịch khác nhau và cả ba nhân vật đều đã chiến đấu rất ngoan cường. Câu chuyện của mẹ Hà và Nam, mình đã đọc cách đây 4 năm, từ cuối 2017 trên báo và cũng đã share nhiều hơn một lần. Lần đó, còn tìm thấy cả facebook cá nhân của chị Hà và lần nào vào cũng khóc. Ngay cả khi ngồi gõ lại những dòng này cũng không khỏi xúc động. Smolen viết : “You know how you call a guy whose wife died a widower? Or, if your parents die, you're an orphan. You know, there's no word for someone whose kids die. Because it's like the worst thing that can happen.” “ Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết. Nó không tồn tại trong từ vựng của chúng ta, nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên.”. Mình nghĩ, nếu như một lúc nào đó chúng ta thấy cuộc sống này sao mà tẻ nhạt, con chúng ta sao mà khó bảo, học hành bết bát, công việc chúng ta sao mà trắc trở , khó khan, thì hãy đọc ( hoặc đọc lại) câu chuyện này đi, để thấy những vấn đề đó thật bình thường và đơn giản, còn được ôm con hít hà và thủ thỉ, đã là điều hạnh phúc nhất rồi. Không có thang điểm nào có thể đo lường và đong đếm được nỗi đau đó, nhưng Hà đã vượt qua bởi Hà nhìn thẳng vào thực tế, Hà chọn cách đối diện với nỗi đau và vẫn thể hiện lòng biết ơn, biết ơn vì những tháng năm hạnh phúc của hai mẹ con, biết ơn vì những ngày tháng cuối cùng Nam vẫn có điều kiện ăn uống tốt nhất, không bị suy kiệt thể chất và lần cuối cùng, con vẫn nói được với chị những điều con muốn nói. Hà cũng học được cách chia sẻ và yêu thương, học cách sống vì người khác, chị làm các công việc thiện nguyện để đồng hành cùng cha mẹ và các bệnh nhân nhi bị Ung thư ở bệnh viện K. Khi có một “ lẽ sống”, người ta tồn tại được trong mọi nghịch cảnh.
Nhân vật Ánh thì khác, Ánh trạc tuổi Hà, và con trai Ánh cũng trạc tuổi Nam. Khi con trai qua đời, Ánh vẫn luôn tỏ ra mình ổn, cô vẫn đi du lịch vẫn đăng ảnh gia đình và luôn là người cầm gậy selfie. Nhìn ảnh, thật khó có thể đoán được những gì cô vừa trải qua, cô vẫn đẹp và luôn tươm tất: tóc vén sau tai gọn gang, mắt không thâm quầng, da vẫn trắng, môi đánh son sắc nét, áo lụa đen hở vai lượt là, chuỗi ngọc trai đeo trước ngực, kính râm cài trên trán.. Nhưng… hóa ra đau buồn là một nơi chốn mà không ai biết được, cho đến khi chúng ta tới đó. Chúng ta hình dung ra một mô hình có tên là “ chữa lành”, nhưng thực tế, chúng ta bị những cơn sóng đau buồn tràn tới trước khi có thể bắt đầu quá trình hàn gắn… Ánh tự tước đi cuộc đời của chính mình sau ngày giỗ đầu của con trai một ngày. Chị đã đầu hang trước sự thiếu vắng không có hồi kết và những khoảnh khắc không ngừng nghỉ của sự vô nghĩa.
Câu chuyện cuộc đời thứ hai là câu chuyện của Liên- một chiến binh kiên cường quả cảm. Kém may mắn từ khi mới sinh ra, trong suốt cả cuộc đời non trẻ của mình, cô đã luôn cố gắng. Cô cố gắng đi học lớp Một trên đôi chân ngắn và lẩy bẩy của mình, một tay bám vào thằng em. Cô đã vặn vẹo người trên cái xe đạp khi lên cấp Hai. Năm thứ ba đại học, cô đã về quê bằng chiếc Honda ba bánh của người khuyết tật, để “ đối diện với hàng xóm 1 lần cho xong”… Nhưng, dường như thế vẫn còn chưa đủ, cuộc đời vẫn còn muốn lấy đi của cô thêm nhiều thứ nữa… Phát hiện ung thư vú giai đoạn muộn, Liên ngồi làm đồ án cả ngày trong căn phòng trọ của mình, giữa các đợt truyền hóa chất. Lui bệnh, Liên đi làm ở tập đoàn FPT, cống hiến hết mình trong công việc và cũng đạt được nhiều thành tựu . Khi bệnh tái phát và tiên lượng rất xấu, khi cả gia đình đã tính đến việc chuẩn bị hậu sự thì Liên vẫn gượng dậy, tập đi lại và có thể quay trở lại công việc trong hơn hai năm. Sự kì diệu không kéo dài mãi mãi và cô gái kiên cường ấy đã nhìn thẳng vào cái chết với tất cả sự bình thản và tự do.
“Thôi về đi, đường trần đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa… bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồn những năm xưa..”
Câu chuyện cuối cùng là của Vân, một phụ nữ ở vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa, phát hiện ung thư xương khi bị gãy tay và vào bệnh viện khám. Đọc câu chuyện của Vân mình bị ám ảnh hai điều: Bệnh nhân ung thư họ khổ quá, chặng đường chiến đấu điều trị đã đành, lúc cận tử thì không phải ai cũng được chăm sóc giảm nhẹ. Hoàng- chồng của Vân, đi chạy vạy khắp nơi để có được Morphin , nhiều lúc rơi vào bế tắc chỉ vì không còn cách nào nữa. Hai là định kiến xã hội đối với việc hiến tạng, đôi khi người ở lại còn bị áp lực rằng đã “ bán đi” những phần cơ thể của người thân. Một niềm an ủi duy nhất cho Vân là tình cảm và sự chăm sóc của Hoàng- người chồng khô khan cục mịch của cô. Hoàng nằm co ro ở ghế đá bệnh viện để tiết kiệm 50 nghìn , tiền này Hoàng đưa cho điều dưỡng mỗi khi tiêm thuốc cho Vân ( chi tiết này thực sự xót xa, tất nhiên người đọc cũng không dựa vào đó để đánh giá bất kì điều gì).
“ Tuyệt vời thay, bệnh Vân càng nặng thì tình cảm của hai ngườ lại càng gắn bó. Những ngày cuối, cô liên tục dặn mẹ “ bố mẹ thương lấy chồng con nha. Anh ấy có thế nào thì bố mẹ cũng đừng giận nha”. Tình yêu của hai người đã được nuôi dưỡng bởi sự kiên cường của Vân và lòng kiên nhẫn khổng lồ của Hoàng. Trong chín tháng, Hoàng đã vệ sinh cho Vân hang trăm lần, tiêm thuốc cho cô hàng ngàn lần và xoa bóp cho cô hàng ngàn giờ. Cậu đã trải qua phép thử khổng lồ của cuộc đời với tất cả lòng tự trọng và phẩm giá”. Không phải là ngôn tình, mà là một điều lạ kì và thiêng liêng, Vân và Hoàng đã chứng mình được rằng trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình bằng tình yêu thương.
Trong câu chuyện của Vân xuất hiện thêm nhân vật Hùng, mà theo lời tác giả : tôi càng bất ngờ trước những éo le, chúng còn kì lạ hơn mọi hư cấu”. Thực sự không thể nào không rơi nước mắt với những nhân vật đáng thương ấy.
“Hùng bị ung thư bàng quang từ năm mười bảy tuổi, cuối năm ngoái, Hùng được bệnh viện trả về nhà sau khi các bác sỹ cắt bỏ bang quang và chọc hai ống xông theo niệu quản vào bể thận để nước tiểu chảy ra ngoài. Từ đó, cậu hoàn toàn biến mất khỏi hệ thống y tế, hàng ngày lủi thủi trong căn nhà trống trơn cùng bố mẹ, hai người nông dân cũng bất lực y như cậu.
Vị trí oái oăm của khối u ở bụng khiến Hùng bị đau khi ăn vào, cái đau mà cậu mô tả là “ Như có con gì cắn xé trong bụng”. Để đỡ đau, cậu phải nhịn. Hùng triền miên đấu tranh giữa chịu đau và chịu đói. Ăn cũng chết mà nhịn ăn cũng chết. Cậu uống nước lọc căng bụng, đôi khi them quá, cậu chén một bữa, mỡ bóng quanh mép, rồi lại ân hận ôm bụng co quắp trên giường. Những đợt đau dữ dội, cậu nhịn ăn cả mười ngày. Trong điện thoại của Hà đầy những tiếng kêu của thằng bé: “ Cháu đau quá, cuống rồi. Cô ơi, cháu chừa rồi. Nhà nước thật quá đáng, để bệnh nhân đau như thế này mà không có tiêm chết não…”.
Hùng kinh ngạc trước số phận oái oăm của mình. “ Cháu chưa thấy ai phải nhịn ăn để chết như cháu. Cháu thấy tù nhân trước khi chết cũng được ăn no mà…”.
Ở bên ngoài phòng làm việc của bác sỹ Đoàn Lực, Bệnh viện K2 có câu : “ Không một ai là vô hình”, nhưng vẫn có những người như Vân, như Hùng, cần tới chăm sóc giảm nhẹ mà không được biết tới, là “ Những mảnh đời nằm trong bóng tối”- hidden lives.
Ngày xưa, trước khi đọc nhiều sách của thầy Thích Nhất Hạnh , mình thường trốn tránh những cuốn sách có các câu chuyện buồn, mình luôn hướng đến những nội dung vui vui, tích cực. Nhưng đọc sách của Thầy rồi, lại nhìn cuộc sống theo một cách nhìn khác, “ Hiểu về khổ đau, ta vơi đi nhiều đau khổ “- “ If you know how to suffer, you suffer less”. Đã sinh ra trên đời rồi, thì cứ an yên sống..
“Ta vẫn còn đến-đi thong dong
Có-không, được-mất chẳng băn khoăn
Bước chân ta hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng..”
Tổng hợp: Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Điểm đến của cuộc đời - Đặng Hoàng Giang"