Khi cuộc sống đưa đẩy, Green và bạn gái - người tình bên cạnh cô suốt bảy năm - bất đắc dĩ phải chuyển về sống cùng mẹ. "Về Nhà Với Mẹ" của Kim Hye-jin là một áng văn đầy sức sống, khắc họa hành trình đầy thách thức của ba người phụ nữ thuộc hai thế hệ khác biệt, khi họ cố gắng chung sống dưới một mái nhà. Cuốn sách là một sự kiện văn học, không chỉ vì nó đặt ra câu hỏi về việc liệu sự khác biệt có thể gắn kết mọi người lại với nhau hay không, mà còn vì nó mở ra một cuộc đối thoại cần thiết về tình yêu, sự chấp nhận và lòng khoan dung.
Qua lăng kính của một người mẹ, chúng ta thấy một tấm gương phản chiếu bản thân trong từng trang sách. Việc con cái trưởng thành và dần rời xa vòng tay bảo bọc của cha mẹ không chỉ là một quá trình tự nhiên mà còn là một hành trình đầy nồng nàn của sự buông bỏ. Cuốn sách không chỉ nói về một đứa con gái đồng tính hay cuộc sống đối mặt với những thử thách xã hội, mà còn là tiếng vọng của những rào cản đời thường mà mỗi con người đều phải đối mặt, từ gia đình đến công việc.
Kim Hye-jin đã viết nên một tác phẩm ngắn gọn nhưng sâu sắc, với hơn hai trăm trang sách, "Về Nhà Với Mẹ" chạm đến trái tim người đọc bằng sự chân thực và tinh tế về một chủ đề không bao giờ lỗi thời: gia đình và tình mẫu tử trong khuôn khổ thời đại mới.
Tác giả: Kim Hye-jin
Dịch giả: Bích Ngọc
Nhà xuất bản: Dân Trí
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 212
Phát hành: 2020
Giá bìa: 89.000đ
Mua tiểu thuyết online ‘Về nhà với mẹ’ tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa. Mua ngay!
Trong mỗi trang của “Về Nhà Với Mẹ”, Kim Hye-jin dệt nên một tấm thảm cảm xúc phong phú, nơi những sợi dây tình cảm bị thử thách bởi sự khác biệt văn hóa và thế hệ. Đây không chỉ là câu chuyện về một sự quay về, mà còn là một cuộc hành trình đầy dũng cảm đối diện với những định kiến sâu kín nhất, qua đó mở ra những câu hỏi về bản chất của gia đình, tình yêu và sự chấp nhận. Khi Green cùng bạn đời bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà quen thuộc, một chương mới của cuộc đời cô bắt đầu – phức tạp, đau đớn nhưng cũng đầy hi vọng. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp chia sẽ cảm nhận của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo bên dưới!
Về nhà với mẹ - Kim Hye-Jin
Nghe tên thì ý nghĩa thật đấy, nhưng nghĩa “về nhà” của Kim Hye-jin không phải đơn thuần như thế đâu.
“Mẹ nói thế giới này nhiều đủ loại người, mỗi người đều có một cách sống khác nhau cơ mà? Mẹ còn nói khác biệt không phải chuyện xấu. Nhưng tại sao những lời đó luôn luôn là ngoại lệ đối với con?”
“Về nhà với mẹ” – được nhà văn kể bằng suy nghĩ và giọng văn của chính “người mẹ” trong câu chuyện này. Dưới góc nhìn là người mẹ thương con, người mà “đã đưa con gái (Green) đến thế gian này”. Mang tâm trạng bất an, băn khoăn phủ lên toàn câu chuyện. Ngờ vực về mối quan hệ 7 năm của con gái và người yêu, khiến mối quan hệ giữa bà và con gái trở nên lặng lẽ và nhạt nhoà tự lúc nào không hay.
Mình nhớ trong “Hãy chăm sóc mẹ” có đoạn như thế này “Mối quan hệ giữa mẹ và con gái thuộc một trong hai dạng - hoặc là biết rất rõ về nhau, hoặc là giống như người xa lạ”. “Khoảng thời gian những đứa con trở thành người xa lạ hẳn phải là khoảng thời gian cô đơn nhất của lòng mẹ.” cũng khá giống để miêu tả về mối quan hệ của người mẹ và con gái trong ‘Về nhà với mẹ’.
Bất lực trước gánh nặng công danh, tiền bạc, địa vị. Green, Rain và người mẹ - ba người, hai thế hệ, hai luồng tư tưởng phải lui về ở cùng mẹ. Và “sự khác biệt” cũng chính là lý do mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn cả (bị nhà trường đuổi việc, thu nhập không đủ cho chuyện thuê nhà hằng tháng), vì Green là người đồng tính, và Green và Rain ở trong một mối quan hệ đã hơn 7 năm. Dù cho đã tình cảm của con gái cùng Rain chẳng khác gì một gia đình qua tận ngần ấy thời gian nhưng bà vẫn một mực không đồng ý, nuôi mãi suy nghĩ một ngày nào đó rồi con gái mình sẽ lại sống như một người bình thường.
Mình khá thích tính cách của Rain và thích tình yêu của họ. Rain là một đầu bếp của một nhà hàng. Mặc dù luôn bị ánh mắt của người mẹ xét nét, bị lời nói của người mẹ khinh khi nhưng chưa một lần nào Rain có thái độ lại với bà. Rain luôn dùng tính cách dịu dàng, quan tâm để đối lại. Rain nấu bữa sáng cho cả nhà, pha cà phê và mua cho bà một chiếc bình giữ nhiệt loại đắt tiền,..
Người mẹ làm việc ở một bệnh viện dưỡng lão và bệnh nhân của bà là Jen – người dành cả đời chỉ để làm những chuyện “lớn lao” giúp đời chẳng màng đến bản thân phải già đi trong nỗi cô độc và bức bách. Mình thực sự, thực sự rất cảm động sự tần tảo hết lòng của người mẹ đến tận tâm can đối với Jen đến nỗi Jen luôn miệng xưng với bà là mẹ. Thông qua Jen bà nhìn thấy con gái Green của mình, càng thương con bao nhiêu thì bà lại càng chăm sóc Jen tận tuỵ đến đó. Bà kể cho Green nghe về câu chuyện tuổi trẻ của Green, lo rằng một ngày đã sang hàng bốn hàng năm thì con gái đã già và cứ sống như thế này sao?
Green với mẹ giống nhau ở nhiều chỗ, nhưng bà luôn một mực khước từ điều ấy, bản thân bà luôn đẩy con gái mình ra bởi những suy nghĩ của một bà già nghiêm nghị, cứng đầu. Vì họ là mẹ con, Green được di truyền tự chính nơi người mẹ, mẹ cũng đâu có chịu ngồi im hay lẳng lặng gật đầu khi bệnh viện muốn chuyển viện cho Jen đâu. Gan lì, dũng cảm, đứng lên vì chính nghĩa cũng bắt nguồn từ bà mà ra. Truyện kết thúc bằng những câu hỏi mở, chẳng có sự chấp thuận hay phủ nhận, nhưng sẽ là một câu hỏi mở đầy hy vọng về những điều tích cực…
Về Nhà Với Mẹ - Kim Hye-Jin
“Tại sao phải lấy chồng hay có con mới là lập gia đình? Mẹ, Rain là gia đình của con. Cô ấy không phải bạn bè. Suốt bảy năm qua bọn con đã sống như gia đình. Gia đình là cái gì? Không phải là chỗ dựa tinh thần, là người luôn ở bên cạnh mình sao? Tại sao như thế này được coi là gia đình, như thế kia lại không?”
“Về nhà với mẹ” kể về Green - một cô gái đồng tính nữ, cô và người yêu của mình là Rain đã quen nhau suốt bảy năm. Do gặp phải khó khăn về tài chính, Green dẫn theo Rain dọn về sống chung với mẹ. Từ đây, những mâu thuẫn giữa người mẹ và hai cô gái bắt đầu nảy sinh, ba người, hai thế hệ với những tư tưởng hoàn toàn khác biệt cùng sống chung trong một mái nhà.
Green và Rain là những đại diện cho thế hệ lớp trẻ, đặc biệt là với Green, cô mạnh mẽ và cực kỳ có cá tính, cô đấu tranh cho cuộc đời hạnh phúc của chính mình. Ngược lại thì Rain là một người nhẹ nhàng hơn, đảm đang, lễ phép và biết chăm lo cho gia đình. Trong khi đó, nhân vật người mẹ là đại diện cho thế hệ trước, mặc dù bà lo lắng cho con gái mình nhưng chính điều đó lại vô tình tạo nên khoảng cách ngày càng xa giữa hai thế hệ.
Người mẹ làm việc ở viện dưỡng lão, công việc của bà là hằng ngày chăm sóc cho những người già neo đơn, bệnh tật, không con cái cũng không người thân. Chính vì thế, bà luôn mang một nỗi ám ảnh về sự cô đơn tuổi già, bà nghĩ rằng hai đứa con gái yêu nhau thì chẳng thể nào có hạnh phúc và cũng không thể có con cháu để chăm sóc họ sau này. Bà luôn lo sợ về cái nhìn của người khác với bà và con gái, để rồi bà chưa bao giờ hiểu được con gái mình muốn gì và cần gì.
Xã hội ở trong “Về nhà với mẹ” rất khắc nghiệt, từ những người hàng xóm gần gũi với gia đình Green đến một xã hội lớn hơn, nơi mà Green đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng LGBT. Suy nghĩ của người mẹ chính là điều khiến mình không thích ở quyển sách này, mình nghĩ gia đình phải là điểm tựa cho con cái chứ không phải là nơi khiến cuộc sống áp lực hơn.
Review sách Về Nhà Với Mẹ – Kim Hye Jin
Bạn sẽ chọn hiện tại vui vẻ và tuổi già cô đơn, hay chọn tuổi già có người ở cạnh nhưng hiện tại thì sống trong chán chường?
Về nhà với mẹ của cô Kim Hye Jin kể về câu chuyện của người mẹ và đứa con gái tên là Green). Green là đồng tính nữ nên có bạn gái, sau một biến cố thì cả Green và bạn gái cô phải dọn về sống chung với mẹ. Bà mẹ thì đương nhiên, không bao giờ chấp nhận việc con gái mình là người trong cộng đồng LGBT, bà khinh miệt bạn gái của Green và luôn tỏ thái độ với cô ấy, mặc cho cô ấy có cố gắng thế nào. Cuối cùng thì mẹ của Green có chấp nhận việc con gái mình sống như vậy hay không? Công việc ở viện dưỡng lão của bà có ý nghĩa gì?
Tháng này là Pride month nhưng mình không cố ý mà đọc toàn vào sách có LGBT :3 nhưng cuốn này dark hơn Lấp Lánh ở chỗ, tình yêu đồng tính đang được đưa ra để xã hội cùng phán xét. Nó đã ở mức phức tạp hơn chuyện gia đình của Lấp Lánh rất nhiều. Trong Về nhà với mẹ, các nhân vật đồng tính phải đối mặt với sự miệt thị và chối bỏ của xã hội, mọi người đều coi LGBT là bệnh hoạn, là kinh tởm, không đáng tồn tại trên thế giới này. Và còn đau lòng hơn khi Green phải nhận sự khinh miệt đến từ chính mẹ của mình đầu tiên. Bà mẹ là người thế hệ cũ, nên bà không muốn con bà “khác người” như vậy, mà bà muốn Green lấy chồng sinh con như bao người khác, chỉ để có người chăm sóc và ở cạnh lúc về già. Bà không hiểu và không muốn hiểu.
Bà mẹ Green lúc nào cũng lo lắng cho tuổi già của Green và của chính mình, vì bà ấy làm việc ở viện dưỡng lão ạ, ngày ngày nhìn các cụ già không con cháu đến thăm thì ai chẳng sốt ruột và lo lắng chứ. Có lẽ vì khoảng cách thế hệ và sự âu lo của bà quá lớn nên bà không thể hiểu được cho nỗi lòng của Green và cả bạn gái cô ấy. Đến cuối truyện mới thấy bà ý chịu lay động một chút theo kiểu khiên cưỡng. Bà vẫn không thể vượt qua được nỗi lo của mình.
Cá nhân mình không tận hưởng cuốn sách này lắm, một là vì bà mẹ tự vấn dằn vặt nhiều quá, phần bà ý lo nghĩ độc thoại chắc phải chiếm 40% dung lượng cuốn sách mất. Hai là vì tính cách của bà mẹ đó. Không biết có phải mình trẻ hơn nên thấy vậy không? Nhưng bà ấy cứng nhắc và cổ hủ theo kiểu rất bảo thủ, bà ấy nhất quyết không chịu suy nghĩ và thông cảm cho con gái mà chỉ hướng Green sống theo cái mong muốn của mình thôi. Bà luôn nghĩ con gái bà đang bất hạnh với lối sống khác biệt, nhưng sự thật thì Green có bất hạnh quái đâu?
Câu hỏi mình đặt ra sau cuốn sách này là: các bạn sẽ chọn gì, hiện tại hạnh phúc nhưng về già cô đơn, hay về già có người bên cạnh nhưng hiện tại thì không vui vẻ gì? Mình chọn hiện tại hạnh phúc ạ. Chắc quái cái người bên cạnh mình lúc về già đã mang lại cho mình cảm giác an tâm và được quan tâm? Còn hiện tại sống là chính mình không phải tốt hơn sao? Người bên cạnh mình lúc này về già họ vẫn ở cạnh mình thì sao? Mình thuộc type coi trọng hiện tại nên mình rất cần sự vui vẻ ở hiện tại, cho dù mình có phải trở thành người khác biệt trong xã hội hay bị xì xào đàm tiếu đi chăng nữa. Còn các bạn chọn gì vậy?
Tổng hợp: Minh Ngọc