Review sách Trăm năm cô đơn - Gabriel García Márquez


Review Sách | 12/09/2023 12:16| Minh Ngọc

Lượt xem: 1073

Trăm năm cô đơn – Tuyệt tác từ câu chuyện của dòng họ Buendía

Cuốn sách "Trăm năm cô đơn" của Gabriel García Márquez, một tác phẩm đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, là một hành trình tuyệt vời đưa độc giả vào thế giới ma thuật của văn học. Với một câu chuyện đầy cảm xúc và sự đan xen giữa thực và hư cấu, Marquez mang đến một tác phẩm kỳ diệu về tình yêu, cô đơn và sự sống.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với Gabriel García Márquez mắc kẹt trong một khủng hoảng sáng tác, nhưng một ngày nọ, ông tìm được nguồn cảm hứng. Ông đã hứa với vợ mình rằng sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện đặc biệt, với giọng điệu của bà ngoại khi ông còn nhỏ. Và từ đó, câu chuyện của dòng họ Buendía và ngôi làng Macondo bắt đầu được dệt lên.

"Trăm năm cô đơn" là một hành trình qua trăm năm lịch sử của một dòng họ, một góc nhìn sâu sắc vào Colombia. Từ sự ra đời, phát triển, suy tàn và tận diệt, câu chuyện này tái hiện một phần lịch sử đầy đau thương của đất nước. Dòng họ Buendía bắt đầu với Jose Arcadio Buendía và kết thúc với Aureliano, chàng trai mang trên mình dấu hiệu bi kịch và bị chấp niệm ngay từ lúc mới sinh. Họ buộc phải sống trong sự cô đơn, trốn chạy khỏi tội ác gia tộc.

Cuốn sách đầy cảm xúc này giới thiệu khoảng sáu mươi nhân vật, từ các nhân vật chính đến phụ, kéo dài qua sáu thế hệ. Jose Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán là thế hệ đầu tiên, hai người yêu nhau mặc dù bị gia đình ngăn cản vì mối quan hệ thân thiết giữa hai dòng họ. Tuy nhiên, tình yêu đã thắng lên, và mặc dù Úrsula luôn lo lắng cho sự xuất hiện của những đứa con, bà kiểm tra từng chi tiết nhỏ trên cơ thể chúng để đảm bảo rằng không có dấu hiệu của quá khứ đen tối.

Đối với những người yêu thích văn học, "Trăm năm cô đơn" là một tác phẩm không thể bỏ qua, một cuốn sách kinh điển đầy sức sống và khám phá tinh tế về thế giới của chúng ta.

Review sách Trăm năm cô đơn
Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn được Nhã Nam phát hành tại Việt Nam

Những trích đoạn hay trong Trăm năm cô đơn:

Không ai xứng đáng với những giọt nước mắt của bạn, nhưng nếu có người xứng đáng, anh ta sẽ không làm bạn khóc”.

Con người không chết khi nên chết mà khi có thể chết”.

Hãy luôn nhớ rằng điều quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc mà là sự ổn định”.

Không phải người ta ngừng theo đuổi giấc mơ vì mình già đi, người ta già đi vì ngừng theo đuổi giấc mơ”.

Nếu Chúa không nghỉ vào Chủ Nhật, Người đã có đủ thời gian để hoàn thiện thế giới rồi”.

Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”.

Cuối cùng văn chương cũng chính là nghề mộc. Anh đều làm việc với hiện thực, một vật liệu cũng cứng như gỗ”.

Không, không giàu có. Tôi là người nghèo có tiền, hoàn toàn không giống nhau”.

Vấn đề của hôn nhân là nó kết thúc vào mỗi đêm sau khi làm tình, và phải xây dựng lại nó mỗi buổi sớm trước khi ăn sáng”.

Văn chương hư cấu được phát minh vào ngày Jonas về nhà và nói với vợ mình muộn ba ngày vì bị cá voi nuốt”.

Những điều có ý nghĩa trong cuộc sống không phải là điều gì xảy đến với bạn mà là bạn nhớ gì và bạn nhớ nó như thế nào”.

Hãy hưởng thụ cuộc đời. Nó không phải là buổi diễn tập.”

Nước mắt là những ngôn từ trái tim, không thể diễn tả”.

Xem thêm bài viết: Top 7 tác phẩm hay nhất của Nhà văn Gabriel García Márquez

Xem thêm bài viết: Học cách viết tiểu thuyết qua 7 bài học của nhà văn Gabriel García Márquez

Review sách Trăm năm cô đơn

"Trăm năm cô đơn" là một tác phẩm văn học kỳ diệu, kết hợp giữa thực tế và điều không thể, tạo nên một thế giới ma thuật mà người đọc không thể rời mắt. Marquez đã đưa chúng ta vào một cuộc phiêu lưu đầy mê hoặc, khám phá sâu sắc về con người, tình yêu và cảm xúc. Hãy cùng Review sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn tham khao review chi tiết của hai đọc giả Phát Nguyễn và Ánh Nguyễn dưới đây nhé!

Review sách của Phát Nguyễn

"TRĂM NĂM CÔ ĐƠN" (Gabriel García Márquez) - TUYỆT TÁC KHÔNG THỂ BỎ LỠ

Ngay từ tựa đề, “Trăm năm cô đơn” hiện lên với một sự mệt mỏi, chán chường và sẵn sàng thách thức bất cứ ai có ý định chinh phục gần 500 trang sách của nó. Đó là một nỗi sợ hãi vô hình, sự ngần ngại được tổng hòa từ những yếu tố như: văn học kinh điển; tác phẩm được đánh giá cao nhất của tác giả đạt giải Nobel Văn học năm 1982; những cái tên xa lạ và khó đọc đến từ vùng đất Mỹ La tin; một bảng gia phả chằng chịt khiến ta hoa mắt,… Trên hết, có mấy ai thích nỗi cô đơn, mà lại còn là một trăm năm cô đơn. Thế nhưng thiên tiểu thuyết của Gabriel García Márquez bằng cách khai thác sự cô đơn trong tận xương tủy của một dòng họ 7 thế hệ, đã lôi cuốn người ta đắm mình vào câu chuyện dài dằng dặc kéo dài hơn 100 năm đó. Mình thì không dám nhận xét là cuốn sách này hay hay dở, bởi vì thời gian, những giải thưởng, những lời tán dương mà người ta dành cho nó đã quá đủ để minh chứng cho giá trị của tác phẩm. Bằng cảm nhận và vốn hiểu biết ít ỏi của bản thân mình, bài viết này muốn mang đến cho những ai chưa đọc “Trăm năm cô đơn” một “động lực” để trải nghiệm nó, bằng cách nêu lên một vài điểm mà mình thấy hay trong tác phẩm đồ sộ này của G.G.Márquez.

Cốt truyện của “Trăm năm cô đơn” được gói gọn trong sự hình thành và suy vong của dòng họ Buendía, từ điểm khởi đầu là José Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán vì chạy trốn tội loạn luân mà đi đến vùng đất mới và lập nên làng Macondo, cho đến điểm kết thúc là cậu bé Aureliano có đuôi lợn đã thiệt mạng ngay sau khi được sinh ra vì bị kiến ăn thịt do là kết quả của một mối tình loạn luân. Bao phủ lên 7 thế hệ của cả dòng họ này là một nỗi lo lắng về sự loạn luân (sợ sinh ra những đứa con có đuôi lợn) và đã được hình tượng hóa bằng một đặc tính cố hữu trong tâm lý những người thuộc dòng họ này - thích sự cô đơn. Mình thích cách mà tác giả đã lấy “nỗi cô đơn” của con người ra để làm “xương sống” cho toàn bộ tác phẩm. Mình đã từng thắc mắc về tựa đề, tại sao một dòng họ trải qua đến 7 thế hệ, vợ - chồng - con - cháu - anh - chị - em - cô - dì - chú - bác đủ cả mà sao lại “cô đơn”? Phải chăng đây là cuốn sách viết về một người trải qua một trăm năm trong sự cô đơn hiu quạnh? Thế nhưng sau khi đã đọc, mình nhận ra sự “cô đơn” trong tác phẩm mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Như đã nói, bởi vì hôn nhân của chính mình (cũng là điểm khởi đầu cho dòng họ Buendía) là một mối quan hệ loạn luân nên bà Úrsula Iguarán luôn luôn lo lắng rằng con cháu của mình sinh ra sẽ có đuôi lợn. Rất may là trong cả 6 thế hệ, không có đứa bé nào được sinh ra là kết quả của một mối tình loạn luân, cũng không có cái đuôi lợn nào (cho đến đứa trẻ của thế hệ thứ 7 là Aureliano thì có). Thế nhưng nỗi lo lắng vẫn hiện diện một cách thường trực và đè lên dòng họ này. Tuy không có đuôi lợn, nhưng cái bản chất “thích cô đơn” của những người trong dòng họ lại chính là điểm yếu, là “cái đuôi lợn” mà họ luôn lo sợ. Như một nhát dao chí mạng của số phận, không biết bằng cách nào mà những con người này dù được sinh ra với những đặc tính tốt nhưng cuộc đời luôn phải chịu sự giày vò của nỗi cô đơn sâu trong tâm trí. Sự cô đơn trong tác phẩm được lột tả bằng muôn hình vạn trạng, được nêu lên như là nguyên nhân, là chất xúc tác cho từng hành động, từng suy nghĩ, từng quyết định của nhân vật. Nó xuất hiện nhiều đến mức buộc ta phải đặt câu hỏi rằng liệu nó chỉ đơn giản là thứ biểu trưng cho hình phạt mà cái dòng họ Buendía phải chịu khi chạy trốn tội loạn luân, hay liệu nó còn mang ý nghĩa nào khác khi nhìn toàn cảnh vào toàn bộ tác phẩm.

Bằng câu chuyện tưởng như chỉ đơn thuần là kể về sự thịnh suy tồn vong của một dòng họ, hóa ra cái dòng họ ấy dưới ngòi bút của G.G.Márquez còn là hình ảnh tượng trưng cho mảnh đất và con người Mỹ Latin thời bấy giờ. Đó chính là thứ tạo nên giá trị và tác động to lớn của “Trăm năm cô đơn” ngay từ khi nó mới được xuất bản lần đầu tiên. Từng nhân vật trong dòng họ Buendía (mà nếu đọc qua các bạn sẽ thấy) có những đặc điểm mà ta có thể so sánh với con người Mỹ Latin ngoài đời thực như: ít bảo thủ, nhạy bén, lối sống mãnh liệt cuồng nhiệt, sôi nổi, bị hấp dẫn bởi những cái mới về khoa học kỹ thuật đồng thời cũng có niềm tin vào thế giới tâm linh và tôn giáo. Ngoài ra, cái đặc tính “luôn cảm thấy cô đơn” chảy trong huyết mạch dòng họ Buendía còn là phương tiện để G.G.Márquez lên tiếng về thực trạng của Mỹ Latin thời bấy giờ đó là lối sống cá nhân, vị kỷ. Cùng với việc phản ánh lối sống cô đơn ích kỷ đó, tác giả cũng đồng thời lồng vào câu chuyện các sự kiện về “công ty chuối”, “đoàn tàu hỏa” đã đưa người nước ngoài, khách du lịch, gái điếm,…đến với Macondo, từ đó cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh về hiện thực của Mỹ Latin lúc bấy giờ. Vốn là một khu vực được tìm ra khá trễ, cộng với ngăn cách về mặt địa lý thì Mỹ Latin có phần tụt hậu hơn so với phần còn lại của thế giới. Họ thích thú khám phá những cái mới đồng thời cũng phải tiếp nhận làn sóng giao lưu hội nhập quốc tế. Do đó, tác giả G.G.Márquez muốn cho ta thấy lối sống vị kỷ, cô đơn của con người có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, tương lai và vận mệnh của Mỹ Latin. Đây là một tác phẩm có ý nghĩa bởi nó phản ánh được con người và thời cuộc, nên dễ nhận được sự đón nhận đông đảo từ quần chúng. Giống như tờ nhật báo The Sydney Morning Herald đã nhận xét: “Ở Mỹ Latin, ai ai cũng đọc tác phẩm này, từ các giáo sư cho đến dân lao động và cả gái điếm”. Sẽ là không hề phí hoài nếu bạn bỏ thời gian ra để đọc một tác phẩm có tầm vóc như thế.

Review sách Trăm năm cô đơn
Review sách Trăm năm cô đơn - Ảnh fb Phát Nguyễn

Nếu bạn nghĩ “Trăm năm cô đơn” vì là một cuốn tiểu thuyết kinh điển của một tác giả người Columbia nên sẽ khó đọc và nhàm chán thì bạn đã sai. Truyện không được kể hoàn toàn theo thứ tự thời gian mà đôi lúc có sự hoán đổi, có những thứ được bật mí trước kích thích sự tò mò của người đọc. Cảm tưởng như có một nhà tiên tri đang dự đoán cho chúng ta nghe những chuyện sẽ xảy đến đối với dòng họ này (và nhà tiên tri này….à không, mình nghĩ các bạn nên đọc để biết ). G.G.Márquez sở hữu lối kể chuyện lôi cuốn và đầy hấp dẫn, đan xen giữa những chi tiết hoang đường và hiện thực, phủ lên cuốn sách bầu không khí hư hư thực thực mà sau này đã trở thành một trường phái nổi bật trong nền văn chương Mỹ Latin - “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Đó là một trào lưu nghệ thuật, một lối viết mà những người theo chủ nghĩa này quan niệm rằng bên cạnh thực tại còn có sự tồn tại của các yếu tố tâm linh, tôn giáo, các huyền thoại hay truyền thuyết. Có ý kiến cho rằng bởi vì “Trăm năm cô đơn” chứa nhiều yếu tố hoang đường nên khiến họ cảm thấy phi lý và khó hiểu khi đọc. Tuy nhiên nếu tìm hiểu và chiêm nghiệm những yếu tố này thì ta sẽ thấy tác giả hoàn toàn không tự nhiên mà sáng tạo ra những chi tiết đó. “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” đã giúp G.G.Márquez phản ánh thực tại vào trong trang sách một cách tài tình, tái hiện những tư liệu có thật vào trong câu chuyện của mình thật khéo léo. Ngoài ra nó còn giúp câu chuyện bớt nhàm chán, cũng bằng giọng kể vô cùng thu hút của tác giả đã biến những yếu tố này trở nên lôi cuốn hơn. Vì thế, mặc dù phản ánh khá nhiều sự kiện trong thực tế (như công ty chuối, các cuộc nội chiến, cuộc đàn áp và thảm sát công nhân tham gia đình công,…) nhưng “Trăm năm cô đơn” không hề là một cuốn sách lịch sử khô khan, hơn nữa lại khéo léo tránh đụng chạm những vấn đề nhạy cảm ngoài thực tại.

Hệ thống nhân vật đồ sộ cùng bảng gia phả đầy những cái tên na ná nhau cũng là thứ ngăn cách độc giả đến với cuốn sách. Thế nhưng chỉ cần đọc cùng một sự tập trung nhất định thôi bạn sẽ không còn cảm thấy quá khó khăn trong việc nhớ và phân biệt các nhân vật. Bởi với mỗi nhân vật thì G.G.Márquez không chỉ sáng tạo ra cho có mà ông đầu tư rất nhiều vào các nhân vật của mình. Nói riêng trong dòng họ Buendía, tuy mình cũng hơi thắc mắc là tại sao họ lại tự làm khó mình khi đặt tên cho con cháu giống nhau đến vậy, loanh quanh chỉ có “José Arcadio”, “Aureliano”, “Amaranta”, “Remedios”, Úrsula”,… Nhưng mình nhận ra đó là cách mà tác giả muốn nhấn mạnh và cho ta biết rằng “thời gian là một vòng tròn” và số phận của những người thuộc dòng họ này là giống nhau. Tuy vậy, với mỗi nhân vật tuy nhập nhằng về cái tên giống nhau nhưng lại có những đặc điểm và câu chuyện riêng, đủ cho ta phân biệt họ. Còn nếu xét chung trong toàn bộ tác phẩm, thì những nhân vật còn lại cũng không phải được thêm vào chỉ để cho có mà có một vai trò nhất định. Giả dụ, Melquíades - một người digian vốn không liên quan đến dòng họ lại rất được coi trọng và sau ta sẽ nhận ra vai trò của ông khá quan trọng, ẩn hiện trong suốt 7 thế hệ của nhà Buendía. Hay như Rebeca - một đứa con nuôi không biết từ đâu đến tại sao lại được đưa đến nhà Buendía trong khi nhà này không hề thiếu con? Rebeca là một nhân vật được G.G.Márquez đưa vào để làm đối trọng với toàn bộ những đứa con cháu nhà Buendía. Bởi cũng như Úrsula đã nhận ra, Rebeca tuy không chảy dòng máu của nhà Buendía trong người, nhưng lại là đứa có được thứ mà họ không có - một trái tim yêu thương mãnh liệt. Hoặc như 17 đứa con rơi của Đại tá Aureliano Buendía, tuy được hoài thai với 17 người phụ nữ khác nhau ở từng nơi mà đội quân của Đại tá đi qua, nhưng lại có chung một đặc điểm dễ dàng nhận thấy ở dòng họ - sự cô đơn. Hay như Petra Cotes - người tình suốt đời của Aureliano Segundo (đời thứ 4) cho thấy tuy chỉ là một người phụ nữ không danh phận nhưng lại có trái tim yêu đương sục sôi và lòng vị tha còn to lớn hơn người vợ chính danh của ông. Tóm lại, không có gì để chê đối với hệ thống nhân vật của “Trăm năm cô đơn”, dù nhiều nhưng không trùng lấp, không nhạt nhòa, không thừa thải.

Cuối cùng, điều làm mình nhận ra “Trăm năm cô đơn” vô cùng đáng đọc đó là khi cuốn sách gấp lại, nó kích thích mình muốn tìm hiểu nhiều hơn. Mình tìm đọc những bài phân tích chuyên sâu về tác phẩm, về “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”, cả về văn hóa và con người Mỹ Latin. Một tác phẩm hay và có giá trị là tác phẩm thôi thúc ta nghĩ về nó nhiều hơn sau khi đọc, để sáng tỏ trong ta những điều ta chưa biết.

Review sách của Ánh Nguyễn

CHUYỆN VỀ MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT CÔ ĐƠN

Một viên đạn găm vào cuộc sống buộc anh suốt đời nằm liệt trên giường. Anh chết già trong nỗi cô đơn, không một tiếng rên rỉ, không một lời chửi bới, không một âm mưu bội phản. Anh mòn mỏi sống trong hoàn cảnh bị những kỷ niệm dằn vặt và đàn bướm vàng không để cho anh có lấy một phút yên tĩnh. Anh bị xã hội bỏ rơi vì là một tên ăn trộm gà.”

Trăm năm cô đơn có 492 trang nhưng phải tới trang 346, tức khoảng ¾ cuốn sách và đọc được những dòng kia, mình mới vô tình phát hiện ra có một nỗi cô đơn đang âm thầm ám lên cuốn sách này.

Chuyện bên lề

Trước khi đọc Trăm năm cô đơn, mình đã từng trông đợi về một câu chuyện tình rúng động lòng người mà vì một lý do ngặt nghèo nào đó người ta chia ly, để từ đó tạo nên thiên tình sử mang lại giải Nobel cho Gabriel García Márquez - mà tên ông này cũng là tên một nhân vật trong sách. Mình đã sẵn sàng đón nhận sự trừu tượng tầng tầng lớp lớp cho một cuốn tiểu thuyết kinh điển gắn mác Nobel. Nhưng không! Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, trong số những cuốn sách đạt giải Nobel mà mình đã đọc, khiến mình thực sự cảm nhận được ý nghĩa của nó.

Mình từng đọc được comment của một vài bạn khuyên rằng trước khi đọc cuốn này thì nên tra thật kỹ gia phả ở cuối sách. Và vì thế, mỗi lần có một đứa trẻ được sinh ra hay một người mất đi thì phản xạ của mình sẽ là lật ngay gia phả để tra gốc gác và mối quan hệ. Có những lúc, cả 6-7 đời người cùng tồn tại chung trong một bối cảnh, tới mức cụ cố đời đầu còn sống được tới khi gia đình có cháu chắt chút chít luôn.

Một cuốn sách kỳ quặc...

Ấn tượng của mình khi đọc từ những trang đầu tiên là cuốn sách này thật kỳ quặc, thậm chí có phần gàn dở, từ câu chuyện cho tới cách kể chuyện. Khung cảnh mở ra nó hoang sơ như một thế giới người ta sống bằng bản năng mà chưa hình thành trí khôn hay sự sắc sảo, tinh thông vậy. Đến cả câu chuyện cũng được kể theo một cách khá lộn xộn nếu chẳng may bạn không theo kịp câu chuyện.

Tình dục buông thả, những đứa trẻ ra đời như con rơi con vãi, những công cuộc đầu tư và phung phí của cải để theo đuổi mục tiêu ngớ ngẩn,... Nhưng kỳ thực, khi ngài Buendía đời đầu tiên thất bại sau cuộc khai hoang và chấp nhận thất bại thì kể cũng thật tội, như giấc mơ và hoài bão tự dưng bị vùi dập và tắt ngấm vậy.

Nửa sau của sách thậm chí còn loạn lạc hơn. Người trần thì bay lên trời, người sống thì không ai nhìn thấy, hồn ma thì quay về quẩn quanh, các cụ già sống như sẽ chẳng thể nào chết,... Có những đoạn có thể do lối kể chuyện phóng đại nên câu chuyện vốn dĩ đã kỳ cục còn trở nên kỳ cục gấp bội.

7 thế hệ của một dòng họ chung sống và chồng chéo lên nhau, người này vừa về với lòng đất thì đứa trẻ kia lại được ra đời với những cái tên giống nhau được đặt từ đời này qua đời khác. Cả câu chuyện của cuộc đời họ cũng như một vòng lặp bị dính lời nguyền của gia tộc khi những đứa con, đứa cháu lại trải qua hoàn cảnh và cảm giác của thế hệ cha ông, cụ cố.

Review sách Trăm năm cô đơn
Review tiểu thuyết Trăm năm cô đơn (Ảnh nguồn Internet)

Trăm năm cô đơn

Thật khó để tóm tắt cuốn sách này vì các câu chuyện dàn trải và liên tục nối tiếp nhau xoay vòng. Mình vẫn tiếp tục coi cuốn sách này là kỳ cục cho tới khi đọc được đoạn tả về cái chết của người tình Meme. Lúc này mình mới nhận ra, cả dòng họ Buendia, thậm chí cả những người không cùng huyết thống nhưng có quan hệ yêu thương hay thân cận với gia đình họ, đều chịu chung một “lời nguyền” về sự cô đơn.

Càng về nửa sau của cuốn sách thì hầu như chương nào cũng kết thúc bằng cái chết của một ai đó, và đều chết trong sự cô đơn. Đặc biệt là cái chết của Đại tá Aureliano, người từng chết đi sống lại, khiến mình liên tưởng tới Heathcliff trong Đồi gió hú, người cả đời tìm mọi cách hòng đạt được mục tiêu của bản thân cho tới khi gần chạm tới nó thì lại chết chìm trong cảm giác cô độc và trống trải. Đại tá cũng tương tự như thế, cũng đã có thời huy hoàng chinh chiến để rồi những ngày cuối đời về lại Macondo dưỡng lão với tinh thần "buông bỏ tất cả".

Làng Macondo, nơi chứng kiến trăm năm cô đơn của dòng họ Buendia cho tới những ngày cuối cùng của gia tộc ấy cũng gần như trở về hư không, cô đơn hiu quạnh.

Kết lại

Trăm năm cô đơn thực ra không phải là một cuốn sách quá khó đọc nếu mọi người bám sát vào cốt truyện và gia phả như mình. Nó là một cuốn tiểu thuyết cô đơn - cô đơn như chính cái tên của nó vậy - và có khả năng lan tỏa cái năng lượng cô đơn ấy tới những người khác. Nhưng để đổi lấy một câu chuyện về “những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này” thì chịu đựng cảm giác cô đơn ám ảnh ấy có lẽ cũng đáng…

Tổng hợp: Minh Ngọc

Cảm ơn bạn đã xem bài viết “Review sách Trăm năm cô đơn

Sản phẩm liên quan
Trăm Năm Cô Đơn (Nhã Nam) 30%

Trăm Năm Cô Đơn (Nhã Nam)

139.300đ

199.000đ

(0)

Bài viết liên quan
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Review sách Kẻ theo dõi bí ẩn - Lisa Jewell
Review sách Kẻ theo dõi bí ẩn - Lisa Jewell

01/06/2024 01:09Minh Ngọc

Trong "Kẻ theo dõi bí ẩn" của Joey Mullen, những bí mật đen tối và mối quan hệ phức tạp…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả