"Totto-chan bên cửa sổ" của Kuroyanagi Tetsuko là một chuyến phiêu lưu kỳ diệu vào thế giới trẻ thơ, kể về cuộc đời của Totto-chan, một cô bé với tâm hồn tự do, không ngừng khám phá. Kể từ khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã trở thành người bạn đồng hành của nhiều thế hệ trên toàn thế giới, ghi dấu ấn bởi sự ấm áp, chân thành và tràn đầy cảm hứng.
Sau khi bị đuổi học vì tính cách hiếu động và những trò nghịch ngợm như mời gánh hàng rong vào lớp, Totto-chan tìm thấy một ngôi nhà thực sự tại trường Tomoe. Trường học này, với các lớp học trong toa xe điện cũ và phương pháp giáo dục mở, đã khuyến khích cô bé thể hiện cá tính và theo đuổi đam mê của mình. Tại đây, Totto-chan được thầy hiệu trưởng lắng nghe và hiểu, giúp cô bé phát triển thành một người trưởng thành mạnh mẽ và toàn diện. Cuốn sách không chỉ là hồi ức về một thời thơ ấu đáng nhớ mà còn là sự khẳng định về giá trị của việc giáo dục phải đi đôi với việc hiểu và chấp nhận tính cách riêng của mỗi đứa trẻ.
"Totto-chan bên cửa sổ" đã chinh phục hàng triệu trái tim và trở thành một hiện tượng toàn cầu, được dịch ra 33 thứ tiếng và bán ra hơn 9,3 triệu bản tại Nhật Bản. Sự ấm áp, hài hước, và tính nhân văn sâu sắc của cuốn sách là nguồn cảm hứng bất tận cho bất cứ ai tìm kiếm cái nhìn tích cực về cuộc sống và giáo dục.
Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko
Dịch giả: Trương Thùy Lan
Nhà xuất bản: Văn Học
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 356
Phát hành: 2019
Giá bìa: 98.000đ
Đặt sách trực tuyến ‘Totto-chan bên cửa sổ’ tại Nhà sách online Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa. Mua ngay!
Khi Kuroyanagi Tetsuko viết "Totto-chan bên cửa sổ", cô đã không chỉ tạo ra một cuốn tự truyện đầy cảm hứng mà còn vẽ nên bức tranh của một trường học mơ ước. Đây là câu chuyện về một cô bé nhí nhố, Totto-chan, và hành trình tìm kiếm một môi trường giáo dục thực sự hiểu và chấp nhận cô. Với bối cảnh lạ lùng là những toa xe điện cũ, Kuroyanagi đã khám phá một phương pháp giáo dục mở, nơi mỗi đứa trẻ được khuyến khích phát triển cá tính riêng biệt của mình. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ cảm nhận của độc giả về tác phẩm, mời bạn tham khảo review sách bên dưới!
Totto-Chan Bên Cửa Sổ - Kuroyanagi Tetsuko
“Education is the kindling of a flame, not the filling of a vessel.”
(Tạm dịch: Giáo dục là thắp sáng một ngọn lửa, không phải lấp đầy một bình nước.)
Và “Totto-chan bên cửa sổ” chính là minh chứng sống động nhất cho câu nói này.
Nếu nói về một chi tiết làm mình vô cùng xúc động trong “Totto-chan bên cửa sổ” thì mình sẽ nói về buổi tiệc trà (chương áp cuối). Trong mưa bão chiến tranh, có một ngôi trường nhỏ sừng sững chiến đấu, có những người thầy cô giáo lặng lẽ cống hiến, có những đứa trẻ trong sáng vô ngần. Một khung cảnh đầy đối lập: bên ngoài là mưa bão đạn bom, bên trong là cầu vồng rực rỡ. Thử hỏi có điều gì vừa đắng cay vừa ngọt bùi đến thế? *chấm nước mắt lần thứ n*
Cuối cùng, chương cuối khép lại là một tấn bi kịch tràn về. Mình chưa bao giờ nghĩ đến, chưa bao giờ tưởng tượng rằng chương cuối sẽ khép lại như thế, vừa đớn đau vừa rực rỡ. Những dòng cuối cùng là những câu chữ xót xa, đổ gục trái tim mình giữa bầu trời mưa gió Sài Gòn những ngày này.
"Khi máy bay B29 dội bom xuống ngôi trường Tomoe vào năm 1944, thầy Kobayashi đã đứng cạnh con trai thầy, Tomoe, và hỏi cậu: “Thế lần tới ta sẽ xây một ngôi trường như thế nào?”. Khi đó Totto-chan đã nhận ra rằng: “Tình yêu của thầy Kobayashi với trẻ em, lòng nhiệt huyết của thầy với sự nghiệp giáo dục còn lớn hơn ngọn lửa đang bao trùm ngôi trường kia” (trang 314, Totto-chan bên cửa sổ, bản dịch của Trương Thùy Lan năm
Mong rằng mỗi đứa trẻ trên đời đều nhận được sự ủng hộ và yêu thương từ gia đình như Totto-chan.
Mong rằng mỗi đứa trẻ trên đời đều gặp được người thầy dẫn đường, lắng nghe chú tâm và trân trọng hết mức như Totto-chan.
Mong rằng mỗi đứa trẻ trên đời đều có cơ hội đến trường, có cơ hội được nói rằng “Em sẽ là một đứa trẻ ngoan” như Totto-chan.
Và mong rằng, cả chúng ta, những-người-lớn-đã-từng-là-đứa-trẻ cũng sẽ có một tuổi thơ dữ dội như thế.
Đánh giá cá nhân: 4.5/5
Có lẽ không ai còn lạ lẫm gì với cái tên Totto-chan đâu nhỉ!
Cái tên Totto-chan có lẽ đã trở thành một biểu tượng, mà những người đọc sách luôn dễ dàng bắt gặp cho dù đã đọc hay là chưa.
Mình đọc quyển này với môt tâm thế khá tò mò, vì đây là một quyển thiếu nhi kinh điển của Nhật Bản. Đây ko phải là một quyển truyện dài, mà chính là những dòng hồi kí của tác giả, chính vì vậy nó vừa chân thực, gần gũi với những điều diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của bé Totto-chan, tuy nhiên chính vì là hồi kí nên những kí ức đôi lúc hơi mơ hồ, mang hơi hướng vừa hư vừa thực, chính vì vậy mà có những kỉ niệm dù buồn nhưng vẫn đẹp biết bao.
Quyển sách không phải là một câu truyện kể liền mạch, mà là những mảng kí ức, những truyện ngắn được chắp nối theo những kí ức đôi phần hơi lộn xộn của tác giả.
Quyển sách được đánh giá cao không chỉ vì nội dung mà còn qua thông điệp mà nó truyền tải.
Câu chuyện về một ngôi trường đặc biệt, khi phòng học là những toa tàu cũ, với những bạn học sinh cá biệt (những em như Totto-chan, năng động, nghịch ngợm và đôi phần hơi vô kỉ luật), những bạn học sinh có khuyến khuyết về thể chất (mà nếu học ở những trường bình thường các em có lẽ sẽ không theo nổi).
Quyển sách cho chúng ta thấy rằng, những tháng năm tuổi thơ của một đứa trẻ hết sức quan trọng, hãy để các em tự trải nghiệm, để chúng được làm những gì mà mình mong muốn, được phát huy những khả năng của mình, quan trọng hơn là hãy biết lắng nghe, vì trẻ em tuy nhỏ bé nhưng kì thực có rất nhiều chuyện để chia sẻ, và dường như những điều chúng nói lúc nào cũng quan trọng cả (tuy với người lớn chỉ là những chuyện cỏn con và chẳng đáng bận tâm).
Khi đọc quyển sách này, mình chợt nhớ rằng, trong kí ức của tuổi thơ, mình cũng từng mơ về một ngôi trường giống như ngôi trường của Totto-chan, khi học sinh được học môn học mà mình thích trước hết, từ đó có thể phát huy sở trường một cách tốt nhất, khi học sinh không phải lo lắng về những bài tập về nhà, khi mà giờ ra chơi kéo dài hơn cả giờ học,… có lẽ đây là ngôi trường mà mọi trẻ em luôn tìm kiếm và khao khát.
Không chỉ vậy, quyển hồi kí còn là những câu chuyện cảm động về tình bạn, sự san sẻ yêu thương hồn nhiên của những đứa trẻ. Và điều mình rất thích đó chính là sự tôn trọng của người lớn đối với trẻ em. Như cách phản ứng của Ba mẹ Totto-chan với cô bé khi chú chó của gia đình cô bé qua đời, như khi Thầy hiệu trưởng bắt gặp Totto-chan trước những tình huống dở khóc dở cười.
Những ai đã là giáo viên, đang là giáo viên hoặc đang có ước mơ thành một người nuôi dạy trẻ, thì đây chính là một quyển sách gối đầu mà họ nên sở hữu. Một quyển truyện, một quyển hồi kí và một giáo trình về trẻ em.
Totto-chan bên cửa sổ - Kuroyanagi Tetsuko
"Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy phải sớm tìm ra 'phẩm chất tốt' ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính."
Có thể thấy đây là phương châm giáo dục tập trung vào nuôi dưỡng nhân cách của đứa trẻ. Điều này phải làm rất sớm, chú trọng vào giai đoạn mầm non và tiểu học, khi mà đứa trẻ bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh, bắt đầu vẽ ra những nét đầu tiên cho cuộc đời chúng. Trường tiểu học Tomoe mà Totto-chan theo học ở thời điểm đó là một ngôi trường như vậy. Các tiết học được bắt đầu vào buổi sáng, buổi chiều là dành cho việc đi dạo, hái rau, vẽ tranh, nghe thầy cô kể chuyện, ca hát... Những tiết học thực tế, là trải nghiệm thật sự cách trồng rau, người thầy bây giờ là bác nông dân gần trường.
Tất nhiên đây là phương pháp giáo dục rất khác với ngôi trường mà Totto-chan bị đuổi học, thậm chí phương pháp này đã phải hứng chịu rất nhiều sự phản đối từ những người cùng ngành giáo dục. Nhưng hơn hết, thầy hiệu trưởng Kobayashi vẫn kiên quyết giữ lấy cách dạy và học như vậy. Thầy Kobayashi đã trăn trở rất nhiều về nền giáo dục nước nhà và với kinh nghiệm của mình, ông biết rằng đây là cách đúng đắn để nuôi dưỡng những mầm non, tương lai của đất nước.
Về cuối câu chuyện là sự tang thương của chiến tranh. Đồng cảm với nỗi đau đó, khép lại quá khứ, tiến đến tương lai. Nhưng cũng không phủi sạch xương máu của đồng bào ta đã đổ xuống trong thời gian quân Nhật ở Việt Nam. Dù là thắng hay thua thì chiến tranh vẫn rất tàn khốc và đau thương. Vậy mới thấy hòa bình và độc lập là đáng trân quý biết bao.
Tổng kết lại thì Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách hay và rất đáng tham khảo cho sự nghiệp trồng người, ở đây có nhiều điều để chúng ta học hỏi, để cải thiện chính mình. Không thể thay đổi ngay ở tầm xã hội thì mỗi người cha người mẹ cũng nên cân nhắc và tham khảo cách nuôi dạy trẻ ở quyển sách này. Và mình tin rằng ở Việt Nam, vẫn có những người luôn trăn trở về nền giáo dục nước nhà. Hy vọng rằng những công trình nghiên cứu của họ sẽ được nhìn nhận một cách khách quan và cẩn thận.
Tổng hợp: Minh Ngọc