Khi công lý truyền thống lâm vào bế tắc, liệu một người cha có quyền tự mình làm thẩm phán và thi hành án? "Thanh gươm do dự" của Higashino Keigo không chỉ là một tác phẩm trinh thám thông thường mà còn là một chuyến hành trình sâu vào lòng đau thương và tìm kiếm công lý của một người cha. Người đọc sẽ bắt gặp câu hỏi "Thanh gươm công lý liệu có đang vung đúng hướng?" như một tiếng vọng xuyên suốt cuốn sách.
Ema, cô con gái duy nhất của Nagamine, được tìm thấy đã không còn sinh mạng bên bờ sông Arakawa sau một đêm hội pháo hoa kinh hoàng. Cái chết bi thảm của cô bé là kết quả của một vụ bắt cóc và cưỡng hiếp mà kẻ thủ ác là nhóm nam sinh vị thành niên. Qua một cuộc điện thoại bí ẩn, Nagamine biết được danh tính thủ phạm và quyết định tự tay trả thù. Câu chuyện sau đó trở thành một cuộc rượt đuổi không chỉ của cảnh sát mà còn cả của giới truyền thông, đồng thời đặt ra câu hỏi về bản chất và giới hạn của công lý.
“Thanh gươm do dự” là cuốn sách đầy kịch tính và những cú twist không thể đoán trước, một minh chứng cho sức mạnh của văn học trinh thám trong việc khám phá những chiều sâu tâm lý phức tạp. Higashino Keigo, tác giả của những cuốn sách bán chạy hàng đầu ở Nhật Bản, đã không ngần ngại chạm vào những chủ đề nặng nề trong xã hội, và chính điều này đã khiến "Thanh gươm do dự" trở thành một hiện tượng văn học, được đón nhận nồng nhiệt không chỉ ở quê hương mà còn trên toàn thế giới.
Với hơn 1,7 triệu bản in và đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình, cuốn sách không chỉ là một tác phẩm giải trí mà còn là một bản án sâu sắc về xã hội hiện đại. Hãy cùng đắm chìm vào thế giới mà Higashino Keigo - một trong những cây bút trinh thám vĩ đại nhất thời hiện đại, người đã được vinh danh qua nhiều giải thưởng lớn như giải Edogawa Rampo, giải Mystery Writers of Japan và giải Naoki - đã tạo dựng nên. “Thanh gươm do dự” không chỉ là một cuốn sách để đọc; nó là một trải nghiệm để sống, để suy ngẫm về giá trị của công lý và lòng người.
Tác giả: Higashino Keigo
Dịch giả: Mộc Miên
Nhà xuất bản: Hà Nội
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 475
Phát hành: 11-2022
Giá bìa: 199.000đ
Mua sách giá rẻ ‘Thanh gươm do dự - Higashino Keigo’ tại nhà sách online Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
Trong mê cung của nỗi đau và sự tìm kiếm công lý, "Thanh gươm do dự" của Higashino Keigo không chỉ là một tác phẩm trinh thám thông thường. Nó khắc họa một bức tranh đầy xúc động về thử thách tinh thần mà một người cha phải trải qua khi đối mặt với tội ác không thể dung thứ. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review cuốn sách này của một số độc giả đã đọc sách và chia sẻ cảm nhận. Mời bạn xem chi tiết review sách bên dưới!
Higashino Keigo | Thanh Gươm Do Dự
Đánh giá cá nhân: 8.5/10
Bên cạnh những tác phẩm thuần trinh thám thời kỳ đầu thì rất nhiều tác phẩm sau này của Higashino Keigo chỉ sử dụng trinh thám như chất liệu để viết ra nỗi lòng trăn trở của mình về các vấn đề hiện thực xã hội, đào sâu vào hang cùng ngõ hẻm trong tâm lý của con người. Thanh Gươm Do Dự cũng là một tác phẩm như vậy, vẫn là một KEIGO mà mình luôn yêu thích. Một cuốn sách nặng nề, đau buồn, u uất và bất lực đến ám ảnh.
Thanh Gươm Do Dự mở đầu bằng một vụ án bắt cóc, hãm hiếp, giết người. Motif vụ án tuy không mới lạ, những kẻ phạm tội đang ở trong độ tuổi vị thành niên, chơi bời, lêu lổng và thiếu sự quan tâm giám sát từ gia đình. Nhưng vấn đề mà tiên sinh Keigo đi sâu vào trong suốt gần 500 trang sách chính là lỗ hổng trong hệ thống tư pháp của cả một đất nước. Đó là luật Thiếu niên. Bộ luật này quy định nếu hung thủ gây án đang ở tuổi vị thành niên thì không những không bị công bố danh tính mà còn không bao giờ bị xử tử hình.
Luật Thiếu niên không đứng về phía người bị hại, cũng không phải để ngăn ngừa tội phạm. Dựa trên tiền đề là trẻ vị thành niên mắc lỗi, bộ luật tồn tại để cứu vớt chúng. Bộ luật không phản ánh nỗi buồn, sự thất vọng của nạn nhân mà chỉ rặt những quan điểm đạo đức hão huyền, phớt lờ thực tại.
Đây là một vấn đề hóc búa gây ra nhiều tranh cãi và khó để có một câu trả lời đúng sai rõ ràng.
Trước đây trong Cuộc Diễu Hành Thầm Lặng, Higashino Keigo cũng đưa ra vấn đề về luật pháp của Nhật Bản khi cho phép nghi can được thực hiện quyền im lặng để có thể bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên chính điều này đã khiến những tên tội phạm mưu mô, gian xảo có khả năng thoát tội từ chính những lỗ hổng đó. Và trong Thanh Gươm Do Dự, nơi luật Thiếu niên tập trung dùng để bảo vệ và cải tạo những tên ác quỷ trẻ thơ này chứ không phải mang đến cho gia đình nạn nhân sự quan tâm và chia sẻ đã khiến chúng ngày càng ngang tàn, thách thức. Chính hệ thống xét xử không màng đến gia đình nạn nhân đang trở thành vấn đề bức xúc của dư luận xã hội.
Nhưng hình phạt dành cho tên đó sẽ nhẹ tới mức ngạc nhiên. Có khi còn chẳng thể gọi là hình phạt nữa. Vì mục đích chỉ là để cải tạo hoặc cho về với xã hội. Chế độ đó không phản ánh nỗi oán hận của người bị hại.
Sự trừng phạt của luật Thiếu niên đối với những tên tội phạm vị thành niên này liệu có công bằng hay chỉ cho thấy sự bất lực của pháp luật, của ngành công an đối với những thành phần rác rưởi này. Chính sự nhân đạo của pháp luật dành cho chúng lại càng khiến cho những tên ác quỷ này hiểu rõ sức mạnh của mình để lợi dụng làm ra những điều đáng ghê tởm mà không sợ bất cứ thứ gì vì chúng biết bức tường của luật Thiếu niên sẽ bảo vệ chúng.
Gã biết mình không có quyền luận tội. Đó là việc của tòa án. Nhưng liệu tòa án có trừng trị hung thủ giúp ngã không?
Đọc Thanh Gươm Do Dự, đã có những lúc mình phải rơi nước mắt vì xót xa và cay đắng cho nhân vật người cha khi phải chứng kiến đoạn video ghi lại cảnh những tên cầm thú c.huốc t.huốc, b.ức h.ại, làm n.hục con gái của mình. Dù có mạnh mẽ đến đâu thì bất cứ ai cũng dễ dàng gục ngã vào chính giây phút đó. Nên mình tin rằng, ai cũng hiểu và cảm thông với hành động của người cha khi đã nhân danh công lý để đòi lại công bằng cho con gái. Tiếng lòng và tình cảm của người cha trên hành trình trả thù dường như đã là nguồn sức mạnh từ trái tim to lớn phát ra để chi phối mọi người xung quanh, khiến ngay kể cả lực lượng cảnh sát cũng bị dao động và nao núng. Mặc dù chính gã cũng biết tự tay rửa hận là trái pháp luật. Nếu ai cũng tự mình xét xử tội phạm như gã thì xã hội sẽ loạn mất. Nhật Bản là nhà nước pháp quyền, dựa trên pháp luật để bắt những người làm điều ác phải đền tội nhưng gã tin có những thành phần sẽ không bao giờ biết hối cải.
"Nếu hỏi gã đã bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về tội phạm vị thành niên chưa, đã làm gì để giải quyết vấn đề chưa thì gã không trả lời được.
Nagamine nhận ra gã cũng chính là đồng phạm tạo nên xã hội này. Mỗi đồng phạm đều có thể phải trả giá tương đương nhau. Và lần này, kẻ được chọn chính là gã.
[…]
Nếu chúng ta đã sinh ra loại rác rưởi như Sugano Kaiji thì cũng chính chúng ta phải tiến hành loại bỏ nó. Có nhiều cách để loại bỏ. Có người sử dụng những từ như "cải tạo". Nhưng với Nagamine, gã không chấp nhận được suy nghĩ đó. Năng lực của con người không thể đưa những con quỷ mà hệ thống này tạo ra, trở lại làm người được."
Vậy nếu pháp luật không thể mang lại công bằng cho nạn nhân, ai sẽ là người trừng trị cái ác. Chính những điều tra viên, cảnh sát đại diện cho lẽ phải, cho những người bảo vệ cái thiện, trừng trị cái ác cũng phải do dự và tự hỏi liệu có phải toàn bộ cuộc điều tra, truy bắt có đang giúp những tên tội phạm vị thành niên kia không?
"Oribe nghĩ về khẩu súng mà anh đang giữ. Khẩu súng này là để bảo vệ mạng sống của Sugano. Khẩu súng để giữ cho kẻ hại chết Nagamine Ema không bị bố cô bé trả thù.
Oribe tự hỏi rốt cuộc thì những người như anh là gì đây. Công việc của cảnh sát là bắt giữ những người phạm pháp trên danh nghĩa diệt trừ cái xấu.
Nhưng làm thế này thì liệu cái xấu có bị diệt trừ không? Việc bắt và tách tội phạm khỏi xã hội, nếu nhìn từ góc độ khác thì lại là một hình thức bảo hộ. Sau một thời gian được “bảo hộ”, những tên tội phạm sẽ quay về thế giới trước đây khi mà xã hội chẳng còn mấy ai nhớ tới chúng. Rất nhiều kẻ trong số đó sẽ lại phạm pháp. Vì bọn chúng biết, dù có phạm tội thì cũng không phải trả giá và sẽ được nhà nước bảo vệ.
Oribe nghi ngờ không biết thứ mà cảnh sát các anh tin là thanh gươm công lý liệu có đang vung đúng hướng không? Giả sử vung đúng hướng thì đó có phải là gươm thật? Có đủ sức mạnh để chặt đứt cái ác?"
Bên cạnh chủ đề chính được khai thác rất kỹ, tác giả còn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh. Ai cũng muốn bảo vệ con mình, luôn dành hết lòng tin cho con. Trong mắt đấng sinh thành, con cái luôn ngoan ngoãn. Họ tin không riêng gì con mình mới làm những chuyện bất thường mà bất kỳ đứa trẻ nào ở lứa tuổi nổi loạn đều như vậy. Bố mẹ dù đều không hoàn toàn tin tưởng con mình thậm chí họ biết có thể con mình đã làm chuyện xấu nhưng ai cũng cố bênh vực. Tất cả đều gián tiếp xô ngã con mình xuống dưới vực thẳm của tội lỗi.
Higashino Keigo cũng một lần nữa nhấn mạnh đến truyền thông như một con dao hai lưỡi. Một mặt truyền thông có vai trò rất lớn trong việc định hướng dư luận. Báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh và chuẩn xác để mọi người có cái nhìn toàn diện nhất về vấn đề. Nhưng mặt khác chính việc đưa tin bất chấp, chạy theo độ xu hướng của câu truyện mà bỏ qua quyền cá nhân của con người, phớt lờ đạo đức nghề nghiệp, gây xáo trộn cuộc sống của những người trong cuộc thì lại là một hành động xấu, đáng lên án.
Thanh Gươm Do Dự đi đến một cái kết buồn và ám ảnh. Một tiếng thở dài đầy uẩn ức mà chẳng le lói một chút ánh sáng của hy vọng. Nó mơ hồ và dang dở như câu hỏi công lý là gì? Việc đi tìm câu trả lời vẫn là một hành trình dài, khó khăn, nhiều tranh cãi tựa như hành trình trả thù đau xót tới tận tâm can của một người cha mất con.
"Đó. Chính là thế đó." Hisatsuka nói. "Chúng ta không có được câu trả lời. Rốt cuộc thì ai dám nói với những người vừa có con bị giết rằng hãy cố mà chịu đi, vì pháp luật quy định thế rồi?"
[…]
"Tôi vẫn sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi công lý là gì."
Thanh Gươm Do Dự (Higashino Keigo)
Một vụ bắt cóc, cưỡng hiếp đến chết rồi thả trôi sông. Hung thủ là một nhóm nam sinh tuổi vị thành niên.
Hận thù & công lý. Vô cảm & tử tế.
Giáo dục ở đâu khi những đứa trẻ vị thành niên lạc lối trong mê cung của lối sống hưởng thụ. Sự quan tâm của gia đình đang ở phương nào khi không thấy sự thay đổi có phần lệch lạc của con cái.
Pháp luật là gì nếu tội ác vẫn chưa bị trừng phạt. Nỗi đau tận xương tủy, mất mát đến mức hủy hoại cả tâm hồn, thể xác mà hung thủ vẫn nhởn nhơ thì chỉ có báo thù mới có thể xoa dịu những đớn đau. Sự trả thù, trên một phương diện nào đó có thực sự là cách tồi tệ nhất, có đáng bị nên án khi luật pháp còn nhiều lỗ hổng mà không cho thấy sự quyết đoán để thay đổi.
Truyền thông vô cảm, thể hiện sự quan tâm nửa vời để che dấu việc bới móc thông tin bằng mọi cách, sẵn sàng cường điệu hoá sự thật để giật tít, ngoan cường dối trá nếu thấy cần thiết, họ đang cố làm điều gì vậy, đạo đức nghề nghiệp, hoài bão của tuổi trẻ của họ đã mất phương hướng từ bao giờ. Khi không phải là người trong cuộc, không cảm nhận được sự đớn đau, mất mát thì mọi phán xét đều là vô nghĩa, chỉ làm dày thêm nỗi đau và đẩy sự hoảng loạn đến vô cực.
Chậm rãi, không cao trào, chẳng twist xoắn não, Plot Twist trong tầm suy luận của các mọt trinh thám. Cuốn sách, như đúng cái tên, thiếu sự nghiêm khắc & những điều luật đặc thù cho tội phạm vị thành niên. Như “Thánh Giá Rỗng”, một lần nữa Keigo lại thử sức một chủ đề nặng nề và buồn - tâm lý phạm tội của trẻ vị thành niên & hành lang pháp luật cho tội ác đáng báo động này.
Không cổ xuý việc trả thù coi thường pháp luật, nhưng đôi khi cứ chơi sòng phẳng như motif người mẹ bị mất con trong tác phẩm Thú Tội của Minato Kanae lại thấy lòng thanh thản hơn. Luật pháp chưa thể hiện sự nghiêm minh, đừng trách cái tôi sao ích kỷ, tàn nhẫn.
Vẫn rất ám ảnh và đậm đặc chất trinh thám tâm lý xã hội, vẫn cực chất với hành văn miêu tả diễn biến tâm lý phức tạp có chiều sâu, một cuốn sách khá hay, đáng đọc và đem lại nhiều suy ngẫm.
Tổng hợp: Minh Ngọc