Hãy tưởng tượng bạn đang bước chân vào một thế giới nơi vũ trụ lấp lánh Asgard chiếu sáng không gian tăm tối, nơi các vị thần như Thor mạnh mẽ, Odin đa nghệ thuật, và Loki quỷ quyệt sống động như chưa từng thấy. Neil Gaiman, tâm hồn đầy mê hoặc của thể loại giả tưởng, đã đánh thức huyền thoại Bắc Âu từ giấc ngủ dài trong tập sách "Thần thoại Bắc Âu".
Không chỉ là một bản tóm lược khô khan, mỗi chuyện kể trong số 16 câu chuyện ngắn gọn này đều thấm đẫm cá tính và sự hài hước đặc trưng của Gaiman, khiến cho lịch sử của các vị thần vùng lãnh nguyên không chỉ gần gũi mà còn vô cùng sống động. Đây là hành trình qua các cảnh giới từ Yggdrasil – Cây tần bì thiêng liêng, qua những người khổng lồ, người lùn, đến những trận chiến huyền thoại và triết lý sâu xa của các vị thần.
Gaiman đã dùng ngòi bút của mình không chỉ để tái hiện lại các câu chuyện mà còn để khắc họa một bức tranh đầy màu sắc về một nền văn hóa độc đáo, qua đó giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về nguồn gốc của những hình tượng đã ăn sâu vào tiềm thức phương Tây. Cùng Gaiman, hãy đắm chìm trong cuốn sách mà ở đó, mỗi trang giấy là một bước chân khám phá về một thế giới cổ xưa, hùng vĩ, nơi băng giá và lửa cháy tạo nên cả sự sống lẫn cái chết.
Xem thêm: Những cuốn sách hay nhất của Neil Gaiman
Tác giả: Neil Gaiman
Dịch giả: Lê minh Đức
Nhà xuất bản: Văn Học
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 316
Phát hành: 2022
Giá bìa: 110.000đ
Mua sách online giá rẻ 'Thần thoại Bắc Âu' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa
Khi Neil Gaiman cầm bút, thần thoại không còn là trang sử khô khan mà biến hóa thành một thế giới huyền bí mở ra ngay trước mắt bạn. "Thần thoại Bắc Âu" là cuốn sách đưa bạn lạc vào mê cung của những câu chuyện thời hùng vĩ, nơi vị thần sấm sét Thor, Odin đầy trí tuệ, và Loki, kẻ nghịch ngợm, hồi sinh qua từng trang giấy. Đắm mình vào sự tái hiện sống động này, bạn sẽ cảm nhận từng dấu chân của các vị thần đi qua lịch sử, và hơi thở của vùng đất băng giá nay đã ấm áp bởi ngôn từ đặc sắc của Gaiman. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review chia sẻ cảm nhận về tác phẩm của độc giả, mời bạn tham khảo các review sách bên dưới!
“Thần thoại Bắc Âu là thần thoại về một nơi lạnh giá, với những đêm đông dài thật dài và những ngày hè vô tận, thần thoại của một dân tộc không hoàn toàn tin tưởng hay thậm chí là yêu quý các thần, tuy vẫn kính trọng và e sợ họ. Theo như những gì chúng ta biết thì các thần của Asgard có nguồn gốc từ Đức, họ tủa ra khắp Bắc Âu, rồi đến những vùng khác do người Viking thống trị - đến Orkney và Scotland, Ireland và miền Bắc nước Anh - nơi những kẻ xâm lăng để lại những địa danh đặt theo tên Thor hoặc Odin.”
Thần thoại Bắc Âu là một trong ba thần thoại mình từng có cơ hội đọc và tiếp xúc, (cùng với thần thoại Hy Lạp và Ai Cập), và cũng là thần thoại mình thích nhất. Ngày bé, mình đến với những thần thoại này qua truyện tranh (truyện tranh vẽ đẹp lắm, nhưng giờ hình như không bán nữa, có thể đọc trên mạng), nên trong đầu đã có sẵn hình dung về dáng hình và câu chuyện của các vị thần. Về Asgard, về cây tần bì Yggdrasil nối liền cửu giới, về những người lùn và người khổng lồ, về ngày tận thế Ragnarok,... tất tần tật những điều đó.
Trong cuốn sách này, cậu sẽ thấy rất nhiều thứ. Về sự khởi sinh của con người và thế giới, và rằng thần Odin, Cha của các thần, đã trả giá những gì để có được trí tuệ và sự khôn ngoan, để tạo ra và cai quản thế giới này. Về những đứa con của Loki - những người sẽ thúc đẩy Ragnarok đến gần hơn, đứng ở phe đối lập với những vị thần. Về sự khéo tay và tài hoa của những người lùn dưới lòng đất, họ đã tạo ra cây búa Mjollnir của Thor - thứ vũ khí hùng mạnh mà bất cứ ai nghe đến cũng phải e sợ; họ nấu ra thứ rượu của thi ca với máu của thần Kvasir, thứ rượu mà bất kì ai uống xong cũng có thể trở thành thi sĩ lỗi lạc...
“Thần thoại Bắc Âu” của Neil Gaiman, cuốn sách này tái hiện gần toàn bộ những gì đã được đọc thời thơ bé, và cung cấp cho mình những kiến thức và góc nhìn mới - một cách sâu sắc hơn. Qua ngòi bút của Neil Gaiman, “Thần thoại Bắc Âu” được phục dựng một cách đầy đủ và đáng kinh ngạc. Thần thoại Bắc Âu không đồ sộ và nổi tiếng như thần thoại Hy Lạp, không có những trường ca dài và ý thơ bay bổng. Rất nhiều các vị thần đã bị lãng quên. Tên của họ. Hình dáng của họ. Chức vụ và trách nhiệm của họ. Neil Gaiman - với lòng mê say và trân trọng của mình, đã cố gắng dựng lại một thế giới thần thoại kì diệu đó cho chúng ta. Mình nghĩ rằng, các vị thần, nếu như Ragnarok không xảy ra, thì họ cũng sẽ “chết”, nếu không còn được nhớ đến. Trong trường hợp đó, “Thần thoại Bắc Âu” là một trong những tác phẩm nhắc nhở chúng ta về sự tồn tại của họ. Về những dáng hình mà người Đức, người Viking đã nhìn thấy (biết đâu đấy), hoặc tưởng tượng ra, trở thành một hệ thống thần thoại phản ánh thế giới tinh thần của người Bắc Âu. .
Tóm lại, nếu cậu muốn có thêm kiến thức, hay chỉ đơn giản là tò mò, hay cậu là fan của Loki đẹp trai do Tom thủ vai trong Avengers, thì recommend cậu hãy đọc “Thần thoại Bắc Âu”. Chỉ có một lưu ý nhỏ xíu rằng, ban đầu có thể sẽ hơi rối vì quá nhiều cái tên lạ xuất hiện và cậu sẽ mất chút thời gian “tiêu hoá” chúng, sau đó mới theo cùng mạch truyện được. Vì mình đã đọc Thần thoại Bắc Âu từ trước đó nên không gặp khó khăn, nhưng với những người lần đầu tiếp xúc thì có thể hơi bối rối tẹo. .
Nếu không thì, gợi ý cậu có thể đọc bản truyện tranh trước để nắm hệ thống nhân vật và địa danh cho dễ, rồi quay lại đọc “Thần thoại Bắc Âu” của Neil Gaiman nha.
Thần thoại Bắc Âu – Neil Gaiman
Đánh giá cá nhân: 4/5
Thật kỳ lạ và (có phần hơi xí hổ) khi đây là cuốn sách đầu tiên tớ đọc của Neil Gaiman. Tớ lựa ngay cuốn này khong chần chừ do đã đọc Thần thoại Bắc Âu bản truyện tranh ngày xưa của NXB Kim Đồng rồi nên (hy vọng) sẽ có cái nhìn khái quát hơn chút đỉnh. Và đọc mới thấy, giọng kể của tác giả trong cuốn sách này hay ho quáaaaaa thể đáng. Tớ cứ nghĩ cuốn này là non-fiction, tức đơn thuần chỉ cung cấp thông tin cho người đọc thôi, ấy thế mà không, Neil Gaiman đã thổi phù một luồng gió sống động vào những câu từ con chữ, làm thế giới của các vị thần Bắc Âu “sống” dậy, hấp dẫn và sinh động cực kỳ. Nhiều lúc đọc tớ còn ngạc nhiên bởi tác giả kể duyên ghê, thích mê tơi người ơi.
Trong Thần thoại Bắc Âu, Neil Gaiman sẽ dẫn dắt độc giả đi từ thuở sơ khai, khi chỉ có thế giới sương mù và thế giới lửa cho tới lúc các các vị thần đầu tiên được sinh ra, Trái Đất được hình thành và con người xuất hiện. Chúng ta sẽ được nghe kể về thần Odin – vị thần đứng đầu và nhiều tuổi nhất, về thần Thor hùng mạnh luôn cầm trên tay cây búa Mjollnir mạnh mẽ, về Loki – một nhân vật phức tạp, là kẻ giúp các vị thần ra khỏi rắc rối nhưng cũng là kẻ đem rắc rối lại cho họ. Và hơn nữa, độc giả sẽ được Neul Gaiman dẫn qua cửu giới hay vùng đất của các tên khổng lồ và những người lùn. Và đặc biệt chúng ta sẽ biết về tận thế Ragnarok – hoàng hôn của các vị thần, là tàn cuộc, là nơi các vị thần ngã xuống.
Điểm sáng nổi bật của Thần thoại Bắc Âu ngoài câu chuyện về các vị thần phải nói tới giọng kể hấp dẫn và đan xen cả sự hài hước của Neil Gaiman. Tớ thật sự rất thích ngôn từ của Neil Gaiman và cách dùng câu chữ thực sự linh hoạt và lôi cuốn của vị tác giả tài hoa này luôn ấy, ngôn từ chẳng phải hoa mĩ hay văn thơ bay bổng gì mà cuốn hút thực sự, đỉnh hết nấc. Vì thế mà tớ chỉ tiêu tốn vài ba tiếng trong duy nhất một buổi chiều để quẩy xong cuốn Thần thoại Bắc Âu thôi á trời.
Quả thực, nếu đem Thần thoại Bắc Âu của Neil Gaiman và Thần thoại Bắc Âu bản truyện tranh lên bàn cân thì mỗi truyện lại hay theo kiểu khác nhau. Tuy nhiên, tớ vẫn thích bản truyện tranh ngày xưa nhỉnh hơn một tí tị tì ti, chắc do cả tuổi thơ gắn liền với bộ truyện tranh ấy hehe.
Thần thoại Bắc Âu của Neil Gaiman được viết bằng câu từ hài hước và lôi cuốn, tuy nhiên đọc thì có vẻ như bản của Neil Gaiman có đôi chút bị "thiếu hụt" về cảm xúc của các vị thần. Ví dụ như niềm ghen ghét các vị thần của Loki từ lâu đã bén rễ trong y không được đề cập rõ ràng (tiếc ghê), sự hận thù các vị thần của ba đứa con của Loki cũng chưa thực sự được đặc tả. Đại loại như đùng cái cả đàn con rủ nhau gây ra tận thế Ragnarok và chưa hiểu lòng hận thù bắt nguồn từ đâu. (Trong phiên bản truyện tranh cũ của NXB Kim Đồng có đề cập tới sự nung nấu thù hận của ba đứa con này nên sẽ gâu thuyết phục hơn cho độc giả chút đỉnh.) Và ngoài ra câu chuyện về cái chết của thần Balder có vẻ như cũng bị thiếu hụt về cảm xúc, nhất là ở trường đoạn các vị thần khóc thương cho Balder và nỗi lòng của nữ thần Frigg - mẹ của thần Balder cũng không được làm rõ ràng. Thêm nữa là tình yêu của nữ thần Nanna dành cho chồng - tức vị thần Balder - cũng chưa được gợi tả.
Nhưng dù vậy, như Neil Gaiman đã viết, mỗi người đều có cách để kể ra những câu chuyện thần thoại riêng, và mỗi cách kể lại chứa đựng hàng ngàn những điều hay ho và kỳ thú khác nhau. Hơn cả, vì “đó chính là niềm vui của thần thoại”, “niềm vui đến từ việc được tự mình kể lại chúng”, “hãy đọc những câu chuyện trong sách rồi biến chúng thành của mình[…]”. Tóm gọn, Thần thoại Bắc Âu của Neil Gaiman rất hấp dẫn, rất đẹp, tuyệt vời, highly recommend cho các anh chị mẹ bạn dì gần xa nhennnnn! Những ngày cuối tuần mưa rơi rả rích, không khí đầu thu se se lạnh rồi ngồi ôm cuốn sách này thêm tách cà phê bên cạnh nữa thì ôi thôi cuộc sống dui dẻ hết nấc.
Mình thích thần thoại Bắc Âu từ lúc đọc bộ 20 quyển truyện tranh của Kim Đồng. Kết dã man kết.
Với bản Thần thoại Bắc Âu do Neil Gaiman kể lại làm tăng sự yêu thích nữa chứ. Neil Gaiman như một người hát rong ngồi bên bậc cửa mời chúng ta nán lại nghe ông kể chuyện trong một ngày đông lạnh giá.
Nhiều chi tiết làm ta bật cười, có đoạn làm ta ngỡ ngàng đấy. Do mình đã đọc bộ truyện tranh từ bé, nên đọc dễ hiểu và nhanh hơn. Vài chi tiết khác đi một chút nhưng không thay đổi nội dung.
Nếu Odin - Vị thần tối cao một mắt không hoảng sợ vì giấc mơ tiên tri mà tách ba đứa con của Loki đi liệu có ngăn được ngày huỷ diệt Ragnarok - ngày định mệnh cuối cùng?
Loki - một kẻ đáng thương nhất - một kẻ cần được hưởng sự yêu thương nhất. Cũng là kẻ gián tiếp có công nhất, kẻ sống với các vị thần nhưng không phải thần, kẻ cứu các vị thần và cũng huỷ diệt họ.
Thor - hmm thật sự (: chỉ có sức mạnh tàn phá là đáng nể nhưng chàng ơi ngậm miệng lại, chàng thở ra câu nào là làm mọi người thở dài thườn thượt à.
Các câu chuyện được kể lại đều đúng với các bản khác, một cách nhẹ nhàng và thần thoại đậm chất thi ca dễ hiểu. Nhưng mình thích tâm lý các vị thần được thể hiện rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn. Trong cốt truyện khác, nỗi lo sợ của Odin rõ rệt hơn, sự tàn ác khi ném ba đứa con của Loki đi cũng chân thực hơn và cả niềm đau của Loki cũng dự dội hơn so với bản này.
Tuy vậy, bản này vẫn hoàn hảo theo cách riêng của Neil Gaiman, “băng giá và lửa cháy buổi đầu vũ trụ cho tới lửa cháy và băng giá đã kết thúc thế giới”. Đây không phải là tận thế. Chưa bao giờ là tận thế. Đây chỉ là kết thúc của thời xưa và khởi đầu của thời kỳ mới. Tái sinh luôn sẽ tiếp diễn sau cái chết.
Tổng hợp: Minh Ngọc