Trong một thế giới văn học ngập tràn những câu chuyện mạnh mẽ và náo nhiệt, "Tàn ngày để lại" của Kazuo Ishiguro lại như một làn gió lạ thổi qua, mang theo hương vị của sự trầm lắng, sâu lắng và đầy tinh tế. Cuốn sách không chỉ là hồi ức của Stevens - một quản gia người Anh điển hình với đức tính tận tụy, chỉn chu và lòng trung thành không đổi - mà còn là chân dung của một thời đại đã qua, dưới lớp vỏ bề ngoài hoàn hảo của một dinh thự Anh quý phái.
"Tàn ngày để lại" không chỉ kể về một vị quản gia người Anh – Stevens – đã dùng cả cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp. Đây còn là câu chuyện về những chuyến đi qua Miền Tây nước Anh, nơi mỗi chặng đường mở ra những trang ký ức, để Stevens ngẫm lại về những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ huy hoàng dưới thời của Huân tước Darlington, vào những năm 30, ngay trước cảnh ngộ đen tối của Thế chiến thứ 2.
Kazuo Ishiguro, với bút pháp điêu luyện của mình, đã đạt tới "một sự cân bằng phi thường giữa lời kể bình thản, điềm tĩnh và nỗi hoang mang dữ dội cùng niềm tiếc nuối mênh mông". Ông đã khéo léo bóc tách cái "ảo tưởng tót vời" mà nhân vật chính đã dâng hiến cả đời mình cho nó, và phơi bày rằng, ẩn sau lý tưởng kia, thực chất là sự ngây thơ "rất đẹp nhưng cũng rất khờ dại" trong một thời đại khắc nghiệt, không thể quay trở lại. "Tàn ngày để lại" không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một bức tranh phản chiếu cuộc đời, sự nghiệp và những ảo vọng mà con người tạo dựng lên trong suốt hành trình của mình.
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
Nhà xuất bản: Văn học
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 286
Phát hành: 02-2021
Giá bìa: 169.000đ
Đặt sách online 'Tàn ngày để lại' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
Khi ánh hoàng hôn buông xuống trên những trang giấy, "Tàn ngày để lại" của Kazuo Ishiguro không chỉ mở ra một câu chuyện, mà còn là cánh cửa dẫn vào linh hồn của Stevens, một quản gia nguyên tắc, người đã dành trọn đời mình cho một thế giới đang dần bị lãng quên. Trong từng dòng chữ, Ishiguro khéo léo đan xen giữa hồi ức và hiện thực, đưa chúng ta đến với trái tim của nghệ thuật kể chuyện - nơi mỗi kí ức đều có sức mạnh tái tạo cả một kỷ nguyên. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ cảm nhận về cuốn sách này của một số độc giả đã đọc tác phẩm, mời các bạn xem các review sách dưới đây!
Tàn ngày để lại - Ishiguro Kazuo
Đánh giá cá nhân: 4/5
"Tàn ngày để lại" với cốt truyện bề mặt đơn giản đến ngỡ ngàng. Mọi chuyện xoay quanh một quản gia Stevens khi về già, lên phương án cứu vãn dinh thự trên đà sụp đổ cả về người lẫn vẻ bề ngoài. Ông quyết định lái xe lên đường đến nơi ở của nữ nội quản, một đồng nghiệp gắn bó với ông một thời xa xưa. Xuyên suốt quyển sách là hồi ức của Stevens về Huân tước Darlington, vị chủ nhân cũ của dinh thự, sinh hoạt thường nhật và đời sống của tôi tớ trong một gia đình quý tộc Anh thời xưa. Đặt trong quãng thời gian biến động của lịch sử càng khiến cho sự xung đột giữa lý tưởng, nhân sinh quan của các thế hệ và giai tầng xã hội tiếp xúc với nhau.
Mạch truyện khá là chậm, đi từ những chiêm nghiệm của Stevens về nghề quản gia và thứ "phẩm cách" mà ông coi là điều cốt yếu làm nên một quản gia vĩ đại cho đến những câu chuyện nhỏ vụn về chính ông và cha của mình. Từ những tiếp xúc mẫu mực của ông với huân tước, với những vị khách hợm hĩnh, với cô nội quản, với người làm, Steven dựng lên một hàng rào phòng thủ được đắp bằng lý tưởng sống thừa hưởng từ cha. Những câu chuyện cha kể ông nghe đã bồi đắp một thế hệ những quản gia kì cựu vĩ đại được quyết định bởi phẩm cách và sự khiêm cung. Để cho đến cuối cùng, chính bức tường ấy cũng đã ngăn cách ông với hiện thực đời sống, ngăn cách ông tiến bước về phía hạnh phúc, ngăn cách ông nhìn nhận thế giới.
Gấp lại những trang cuối cùng, ta nhận ra một điều hiển nhiên rằng hướng nhìn của người kể chuyện không phải bao giờ cũng đúng. Chẳng qua Stevens đã bị che mờ bởi chính những lý tưởng của ông, khiến cho câu chuyện của ông đã trở nên đúng như những gì ông muốn. Đỉnh cao nhất không phải lừa người mà là đánh lừa chính bản thân mình. Bên trong những hành vi lời nói của Stevens và những người xung quanh là những tâm tư giấu kín, là sự tách biệt của con người với xã hội, với thế giới. Lan tràn qua những con chữ là tàn tích của một thời quá vãng. Không khí của một buổi chiều tà khiến cho người đọc như cảm được sự hoang hoải của một kiếp người. Sự não nề như nắng chiều khiến cho người ta uể oải thương tiếc, còn lại gì sau một đời cố chấp. Stevens sẽ bước tiếp với lý tưởng của ông về một người quản gia vĩ đại, và khóa chặt những gì thuộc về một con người bình thường, ông đã vào vai, mãi mãi chẳng thể gột rửa.
Mình khá là ám ảnh với cảnh người già cô đơn. Ở Nhật với cái chết cô độc, ở Việt mình có ra đường cũng sợ phải nhìn thấy cảnh những người lớn tuổi còn phải mưu sinh kiếm sống, không chỉ bởi vì sự lao động vất vả, mà cái mình sợ là sự cô đơn. Cái cảnh sống lụi cụi một thân một mình, loay hoay trong hồi ức, sống với nỗi cô đơn mênh mông như nhấn chìm chúng ta trong vô thức. Và quyển sách này không chỉ đem lại nỗi cô đơn đó, mà còn ở một tầng cao hơn, khi chúng ta nhận ra lý tưởng sống của mình hóa ra không gì hơn một sự sai lầm. Khi nhận ra sự thật muộn màng ấy, chúng ta chỉ còn nỗi cay đắng tận cùng, ý nghĩa cuộc đời không gì khác một con số 0 tròn trĩnh. Nhìn thấy tương lai vụn vỡ của bản thân ngay trước mắt như vậy, bạn sẽ chọn bước tiếp, hay từ bỏ? Con người chúng ta được đắp nặn bằng da bằng thịt chứ nào phải gỗ đá mà có thể phong kín cảm xúc của bản thân và trở nên trơ lì mãi. Sự lựa chọn của Stevens cũng chính là bản án trói ông vào nhà tù do chính ông dựng nên. Không còn lối thoát.
Đánh giá cá nhân: 4.5/5
Đây là review cuốn Tàn ngày để lại
Như vậy, có lẽ lời khuyên của ông ta cũng có chút nào hợp lý, rằng tôi nên thôi nhìn lại quá nhiều, rằng tôi nên chọn lấy một cái nhìn tích cực hơn và cố gắng để tận hưởng càng nhiều càng tốt quãng tàn ngày để lại cho tôi. Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn?
‘Tàn ngày để lại’ không phải là cuốn sách đầu tiên mình đọc của Kazuo Ishiguro, nhưng lại là cuốn mình đọc xong trước, cũng là cuốn mình đang rất yêu thích của tác giả này.
Trước khi đọc, mình chưa có bất kì định kiến hay mong chờ gì về ‘Tàn ngày để lại’, nên mình đã rất ấn tượng với giọng văn đậm chất phương Tây của tác giả, để rồi phát hiện ra tác giả là người Anh— không phải Nhật Bản như mình vẫn mặc định.
Câu chuyện được kể lại qua góc nhìn của Stevens, một quản gia ở tuổi trung niên với niềm tự hào nghề nghiệp vô cùng rõ ràng, nên từng trang viết đều chứa đựng những nét trang trọng pha với một chút đáo để khiến mình bật cười ở nhiều đoạn. Xuyên suốt cuốn sách, độ yêu thích của mình với cách kể chuyện càng tăng thêm, nhất là khi về cuối, màu sắc của sự chiêm nghiệm phảng phất nỗi cay đắng chiếm thế thượng phong và đưa câu chuyện sang một bầu không khí sâu lắng khác với sự giản đơn bình thản ở đầu sách.
Mình rất mê những phần truyện mà trong đó, Stevens mải mê theo đuổi những kí ức xưa về các đồng nghiệp, cấp dưới hay về người cha cũng từng là một quản gia giàu kinh nghiệm. Những phút giây hồi tưởng ấy cũng là khi Stevens để cho người đọc dần hiểu được con người ông và cái nhìn của ông về công việc cũng như người chủ của mình.
Suốt cuộc đời làm quản gia và theo đuổi cái phẩm giá mà với Stevens, chỉ có những quản gia người Anh mới có được, liệu ông có thực sự cảm thấy hài lòng với công việc mà ông luôn tự hào hay không? Hay tất cả những điều xấu xí ông muốn quên đi vì cái phẩm giá ấy vẫn ẩn trong tiếng thở dài sau những bận rộn thường ngày? Những khoảng lặng trầm ngâm của câu chuyện thực sự gây ấn tượng cho mình, và cũng là thứ khiến mình nghĩ ngợi sau khi gấp sách lại.
Một cuốn rất đáng thử cho anh em
Tàn ngày để lại - Kazuo Ishiguro
“ Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn.”
“ Có ích gì khi người ta trăn trở quá nhiều rằng mình đã có thể hay chẳng thể làm gì để nắm giữ tiến trình của cuộc đời mình?”
Ánh nắng cuối ngày là thứ không phải chỉ nhìn nhận bằng mắt thường mà phải cảm nhận trong lòng, ấm áp ra sao, tàn nhẫn thế nào? Họ nói rằng, đối với nhiều người hoàng hôn là phần hay nhất trong ngày, là lúc mà họ mong chờ nhất. Thật vậy “tàn ngày” chính là thời khắc, ta thấy dường như mình sống chậm lại. Đó là lúc một mình, người ta sẽ trở lại mà ngâm nghĩ về những điều đã qua. Đôi khi người ta hình dung ra một cuộc đời tốt đẹp hơn mà có thể mình đã có.
“Tàn ngày để lại” được nhà văn Kazuo Ishiguro thuật lại qua lời kể của người quản gia tận tuỵ và trung thành, phục vụ gần như cả cuộc đời mình trong dinh thự Darlington. Stevens đã trở ngược về quá khứ, những năm tháng huy hoàng ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt nhất lịch sử hiện đại. Ông cũng cũng là một nhân chứng lịch sử, một ảnh hưởng không chính thức đến vận mệnh của toàn châu Âu.
Stevens là một quản gia vĩ đại, như chính cái cách ông tự thừa nhận về mình với một giọng điệu pha chút tự hào. Một người luôn cần mẫn, tận tuỵ, cống hiến cả đời cho công việc. Ông hiểu rõ vị trí của mình và coi hai từ “phẩm cách” là chân lý của cuộc đời. Nhưng chính sự chuyên nghiệp đó đã khiến ông bỏ lỡ nhiều thứ trong đời, nhìn lại nó khi đã xế chiều, ông mới ngậm ngùi nhận ra. Nếu như những người quản gia bình thường sẽ rời bỏ con người nghề nghiệp trở về với con người cá nhân khi công việc kết thúc. Họ giống như vai kịch trên sân khấu. Stevens thì khác, ông luôn đặt con người nghề nghiệp của mình lên trên tất cả. Bởi vậy, ông đã đóng vai kịch của mình hoàn hảo cả đời mà không hề bỏ lớp mặt nạ kia xuống.
Những lời yêu thương chưa bao giờ được cất lên, những nỗi lòng chưa bao giờ được bày tỏ. Vì sao? Hả ông Stevens, vì sao cơ chứ, vì sao mà ông lúc nào cũng phải che giấu mình? Ông lúc nào cũng tiết chế cảm xúc một cách hoàn hảo. Ông phớt lờ dấu hiệu của tình yêu không phải vì trái tim đã hoá đá. Ông vẫn thi thoảng đọc những câu chuyện tình ướt át, điều đó càng chứng tỏ ông vẫn là một người bình thường, vẫn khao khát một thứ tình yêu nào đó. Nhưng ông không chịu rút mình ra khỏi con người nghề nghiệp một chút nào cả. Hai từ “phẩm cách” đã quá ám ảnh ông. Ông kể lại câu chuyện của mình một cách đầy tiết chế, và có chút ngạo nghễ trong đó. Nhưng dần đi về cuối thì sự điềm tĩnh ấy đã bắt đầu trở nên hoang mang. Có lẽ ông không hối hận, mà chỉ tiếc nuối. Cay đắng khi phải tự thừa nhận rằng mình đã tự đánh rơi hạnh phúc của chính bản thân.
“ Suy cho cùng, đâu có thể quay ngược thời gian được nữa. Người ta không thể ngân ngợi mãi những gì có thể đã xảy ra. Người ta cần phải nhận ra mình đang có một thứ cũng tốt gần bằng thế, thậm chí còn hơn thế, và biết cảm kích về điều đó. “
Hành trình của quản gia Stevens cứ thế tiến về phía Tây của Anh quốc, cũng là hướng mặt trời lặn. Chính ông đang đi về phía “ngày tàn” của bản thân. Dưới ánh nắng heo hắt của một ngày, ông hồi tưởng, ngẫm nghĩ lại quá khứ mà bỗng nhận ra chính bản thân ông cũng đang chuẩn bị sang phía bên kia sườn dốc của cuộc đời. “Ngày tàn” ở đây cũng hiểu như sự tàn lụi của cả một thế hệ, một tư tưởng đã không còn giữa được giá trị xưa cũ. Nhìn sang nơi Kazuo đã sinh ra, chúng ta liên tưởng ngay đến Tà Dương của Dazai Osamu. Cũng bối cảnh hậu chiến, cũng là sự suy vong của một lớp người. Ánh hào quang cuối cùng đã vụt tắt. Những tầng lớp quý tộc phải tự thừa nhận, bây là là thời đại mới, họ không còn ảnh hưởng như xưa cũ được nữa. Một “tà dương tộc” được Kazuo đưa vào “Tàn ngày để lại” một cách rất tự nhiên và rất chất Nhật. Một nỗi buồn heo hắt tâm can người ta. Đã gần hết một ngày, thời gian đã điểm, ngày đã tàn trên “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”.
Tổng hợp: Minh Ngọc