Trong cuốn sách "Sau Động Đất", Haruki Murakami không chỉ đưa ta đến những vùng đất chịu sự tàn phá của thiên tai mà còn mời gọi ta khám phá những ranh giới mơ hồ giữa hiện thực và huyền bí. Tháng Một năm 1995, trận động đất đã phá hủy tất cả trong chớp mắt. Thế rồi đến tháng Hai, thế giới bắt đầu xảy ra những cộng hưởng lặng lẽ... từng dòng mô tả như vẽ nên bức tranh đầy ám ảnh của một thế giới đang dần hồi sinh từ đống đổ nát.
Murakami đưa chúng ta đi từ Kushiro – nơi người đàn ông cõng theo chiếc hộp nhỏ, đến Tokyo – nơi cuộc chiến giữa Ếch và Giun diễn ra ngay dưới lòng đất, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép của cuộc sống, của số phận và sự tự vực dậy sau bi kịch. Ngôn từ của ông tỏa ra ánh sáng trong màn đêm sâu thẳm, tựa như ánh lửa của một đống củi nhỏ không chỉ thắp lên ngọn lửa hi vọng mà còn làm lay động trái tim người đọc.
"Sau Động Đất" không chỉ là một tập truyện ngắn – nó là chứng nhân cho khả năng miêu tả tâm lý nhân vật phi thường và phong cách kể chuyện độc đáo của Murakami. Mỗi trang sách là một chuyến đi vào thế giới tâm hồn, nơi nỗi đau và mất mát làm nền cho sự hồi sinh kỳ diệu. Khi bạn khép lại cuốn sách, có thể bạn sẽ nhận ra rằng trong bạn "sẽ có điều gì đó thay đổi".
Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Mai Khanh
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: Đang cập nhật
Phát hành: 2024
Giá bìa: 110.000đ
Mua sách online giá rẻ ‘Sau động đất’ tại nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa
Trong cái tĩnh lặng sau cơn chấn động kinh hoàng của động đất, "Sau Động Đất" của Haruki Murakami mở ra như một cánh cửa lạ lẫm dẫn vào những góc khuất tâm hồn con người. Chẳng phải mỗi trang sách đều như một dư chấn nhẹ nhàng, khiến trái tim chúng ta rung động và suy ngẫm về sự tồn tại trên thế giới này sao? Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ review sách của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo bên dưới!
Sau Động Đất - Haruki Murakami
Đừng chọc giận Giun Đất!
Sau những mất mát và tổn thương, chúng ta sẽ làm gì để chữa lành những vết nứt đó? Có người quay về tự nhìn nhận mình để hiểu rõ bản thân, cũng có người cho rằng đó là lỗi của người khác và không ngừng oán thán. Có người để cho nỗi đau đó yên nghỉ và dùng thời gian để xóa nhòa, cũng có người không ngừng tranh đấu tiến về phía trước để giải quyết dứt điểm hoặc quyết tâm trở thành một con người khác,… Không có đúng hoặc sai, chỉ là mỗi người đều có một giới hạn và cách hành xử khác nhau khi đứng trước nỗi đau.
“Nỗi đau” hay “biến cố” được Haruki Murakami ví như một “Trận động đất”. Từ một sự kiện có thật, Hanshin-Awaji là một trận động đất lịch sử đã rung chuyển một cách hung bạo dưới đôi chân của hàng triệu con người Nhật Bản tại Kobe vào tháng 01/1995, và là một chất liệu cực kỳ chân thật để khắc họa cho những sang chấn hay mất mát. Haruki Murakami muốn mở ra một hành trình để tìm hiểu về tâm lý và cái cách mà người ta đối diện lẫn vượt qua khổ đau. “SAU ĐỘNG ĐẤT” là một tuyển tập đặc biệt, vốn không phải là một tiểu thuyết dài mà bao gồm sáu truyện ngắn được ông viết và tập hợp lại với mục đích biểu thị cùng một chủ đề. Không phải là về trận động đất, cũng không phải là câu chuyện về việc đi tìm hiểu xem thương vong bao nhiêu hay những đớn đau về thể xác mà con người phải gánh chịu ra sao? Trận động đất chỉ là một cột mốc biểu tượng, mà điều ông quan tâm chính là, kể từ đó, những người còn lại đã bước tiếp như thế nào. Dù là truyện ngắn, nhưng đây vẫn là những tác phẩm đậm chất “Haruki Murakami” với những đặc điểm quen thuộc trong văn chương của ông. Sáu câu chuyện dù ngắn và giản đơn nhưng vẫn là một sự thách thức không nhỏ để độc giả có thể hiểu và cảm nhận, điều đó vẫn quen thuộc như cái cách mà ông luôn chơi đùa với tâm trí của chúng ta.
Nếu đã đọc được kha khá tác phẩm của Haruki, thì không khó để có thể nhận ra câu chữ của ông chỉ qua những dòng, những đoạn đầu tiên. Cách kể chuyện luôn gãy gọn và trực diện, dù là truyện dài hay truyện ngắn thì hầu như ta đều có thể nắm bắt bối cảnh cũng như nhân vật một cách nhanh chóng. Nói về nhân vật, dường như các nhân vật chính hay kể cả tuyến nhân vật phụ trong mỗi câu chuyện của ông đều được xây dựng theo một mô típ có phần tương tự nhau. Tuy vậy, cái hay của Haruki đó là dù xây dựng từ một “công thức” quen thuộc hoặc mang lại cảm giác có phần tương đồng nhưng “kết quả” cho ra thì luôn bảo đảm được sự khác biệt và mới lạ (nói cho dễ hiểu thì đó là một cảm giác mà khi đọc, bạn có thể dễ hình dung đến những nhân vật từng đọc trước đây để có thể vỗ đùi nhận ra “đây là kiểu nhân vật mà chắc chắn là ổng tạo ra!” nhưng đồng thời vẫn nhận diện được nhân vật mới này). Ở một góc độ nào đó, tôi cho rằng cái hay trong nghiệp sáng tác của Haruki không phải là ở việc ông sáng tạo ra được tình huống hoặc nhân vật nào đó không đụng hàng, mà là nằm ở những hình ảnh ẩn dụ cùng những chi tiết kỳ ảo mà ông cài cắm vào để biểu đạt quan điểm hoặc triết lý của mình.
Thú thật là, cho đến khi đọc được “Sau động đất”, tôi vẫn có phần khá khó chịu khi đọc truyện của Haruki Murakami. Cách kể chuyện của ông là đưa ra khá ít thông tin, cho ta thấy thật nhiều những cảm nhận và suy nghĩ của nhân vật, cài cắm thật nhiều tình tiết kỳ ảo không đầu không đuôi (cứ như thể chuyện đó xảy ra là vô cùng tự nhiên) và không-cho-biết-kết-cục. Tôi tin rằng nhiều người cũng như mình, sẽ cảm thấy khó chịu khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết mà trong đầu không có được lời giải chính xác, thậm chí là đôi khi còn không hiểu liệu chuyện gì đã diễn ra? Thế nhưng, trải nghiệm lần đầu đọc truyện ngắn của Haruki Murakami đã cho tôi một góc nhìn khác. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng Haruki có nói, khi viết văn ông không muốn mình đóng vai của Chúa. Theo tôi hiểu, ông không muốn kể tất tần tật mọi thứ, không muốn tỏ ra là ông hiểu quá rõ về nhân vật của mình như thể ông là chính “họ”. Từ đó, tôi lại nhận ra, liệu bất cứ lúc nào đọc một câu chuyện, mình cũng nhất định phải biết kết quả hay không? Việc đọc không chỉ là giải trí, việc đọc còn có thể là quá trình soi rọi bản thân ta vào nhân vật để rồi tự suy ngẫm. Haruki Murakami đưa ra đề bài và những biến số, còn câu trả lời là nằm ở độc giả. Ông không muốn đóng khung nhân vật lẫn độc giả của mình vào bất kỳ đáp án dọn sẵn nào, bạn có thể hiểu và quyết định kết cục theo những gì bạn cảm nhận được. “Sau động đất” cũng là một kiểu như thế, và càng rõ ràng hơn khi nó là truyện ngắn. Mỗi câu chuyện trong đó đều có số lượng nhân vật ít ỏi, diễn biến tập trung, ngắn gọn (và điên rồ!) rồi kết thúc nhanh chóng với những chi tiết hay câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nó là sáu câu chuyện về những hoàn cảnh, tình huống phải đối mặt hay những phương cách khác nhau mà con người dùng để xử sự, với điểm chung là sự ảnh hưởng (trực tiếp hay âm thầm) từ hậu quả của trận động đất. Chúng ta có thể là bất cứ ai xuất hiện trong sáu câu chuyện đó. Vì vậy, “Sau động đất” là một trò chơi nhập vai cho ta thử ướm mình vào đó và trả lời cho câu hỏi: “Nếu đó là bạn thì mọi chuyện sẽ ra sao?”
Trong các câu chuyện, Haruki Murakami đã sử dụng rất nhiều hình ảnh và những chi tiết ẩn dụ khác nhau. Huyền ảo, độc đáo và ấn tượng nhất, mang tính biểu tượng nhất cho tinh thần chung của cả tập “Sau động đất” có lẽ chính là câu chuyện về Ếch chiến đấu với Giun Đất trong lòng đất để bảo vệ Tokyo khỏi mối nguy của một trận động đất khác. Câu chuyện không chỉ tạo nên sự hấp dẫn bởi chi tiết một chú Ếch biết nói (và còn có lý tưởng giải cứu thế giới nữa), mà còn là bởi sự lý giải hết sức đơn giản đến mức ngô nghê về nguyên nhân của những trận động đất. Nếu con giun khổng lồ đang ngủ yên dưới lòng đất sâu bị chọc giận và thức giấc, cái cựa mình của nó sẽ làm mặt đất rung chuyển! Đây là một chi tiết mà khi ngẫm lại, tôi cảm thấy cực thích thú và tâm đắc. Với Haruki, “nỗi đau” đôi khi chỉ đơn giản như thế thôi! Tổn thương của con người có thể đến từ những lý do hết sức nhỏ bé hoặc những chi tiết mà ta cho là tầm thường đến mức không đáng kể. Chỉ một chấn động nhỏ cũng có thể cộng hưởng và làm đổ nát hết những tường thành mà con người xây dựng nên, kéo theo rất nhiều thứ cùng rất nhiều người. Như Katagiri – một thanh niên đã được Ếch tìm đến để nói chuyện về việc giải cứu thế giới trong câu chuyện trên – một người mà đến chính bản thân anh ta cũng nghĩ là mình tầm thường và không thích hợp với cái sứ mệnh trên. Nhưng Ếch quả quyết người như anh là phù hợp và hoàn toàn có khả năng. Đúng vậy, bất kỳ ai cũng sẽ có đủ khả năng để “giải cứu” chính bản thân và cả thế giới nữa. Nhưng như cách mà câu chuyện khép lại, nếu ta không thể “giải cứu” được, hoặc ta có gánh chịu nhiều thương tổn đi nữa thì mọi chuyện không hẳn đã là tồi tệ. Tokyo đã được an toàn!
Không chỉ riêng câu chuyện về Ếch giải cứu Tokyo mà ở các câu chuyện khác, dường như đều có một lối thoát hoặc một con đường dẫn đến sự an yên trong tâm hồn của mỗi nhân vật. Đặc biệt, “Bánh mật ong” là câu chuyện cuối tác phẩm, câu chuyện duy nhất mà tôi có thể biết rõ được hành động của nhân vật, đó là một sự quyết đoán và cái khao khát chủ động sửa chữa mọi thứ để mọi chuyện có thể tốt đẹp hơn. “Sau động đất” là một trải nghiệm tuy hơi đen tối, mơ hồ và kỳ ảo nhưng lại là quá trình chữa lành cho những tâm hồn bị nứt nẻ. Haruki Murakami và những câu chuyện huyền bí của ông khiến người đọc có thể tạm thời tách mình ra khỏi thực tại, tạm quên đi những lo âu thường ngày và bắt đầu quá trình chiêm nghiệm. Có thể đây cũng chỉ là những suy nghĩ và trải nghiệm của riêng tôi, có thể đúng, có thể sai, có thể là sự ngộ nhận. Nhưng tôi biết rằng văn chương Haruki Murakami luôn cho tôi cái quyền được cảm nhận theo cách của mình, và tôi mong mọi người cũng vậy.
Sau động đất - Haruki Murakami
Đánh giá cá nhân: 4/5
“Có khi nào cô nghĩ là mình sẽ chết ra sao chưa?”
“Nếu sau này cô vẫn chỉ dành nhiều sức lực cho việc sống thì cô sẽ không thể chết một cách yên ổn được đâu.”
Thực sự là hiếm khi mình đọc sách hot mới xuất bản, nhưng đợt này thấy 2 cuốn của bác Murakami với cuốn Ngày mai nổi quá nên cũng fomo xíu. Đọc vài cuốn Murakami rồi nhưng đây là lần đầu mình đọc truyện ngắn của bác. Đánh giá tổng quan thì “Sau động đất” hay và đáng đọc ạ.
Mình vẫn nhớ hồi còn bé xíu, với những hình dung còn mơ hồ về thế giới ngoài kia, cái duy nhất về nước Nhật mà mình biết là những trận động đất. Nghĩ lại cũng chẳng rõ sao không phải là hoa anh đào, núi Phú Sĩ mà lại là thảm hoạ thiên nhiên đầy đau thương kia nữa. Hồi đó xem thời sự đưa tin động đất, mình hỏi bà nội sao ở Nhật lại bị như kia mà chỗ mình lại thì không. Bà chỉ giải thích vu vơ để thoả mãn một đứa nhóc hay thắc mắc là tại ở Nhật có nhiều sumo, họ nặng nên mới vậy… Sau này lớn được học được biết thêm nhiều thứ, mình mới hiểu những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên thực sự do đâu và đáng sợ như thế nào.
“Sau động đất” gồm 6 truyện ngắn, lấy bối cảnh trận động đất xảy ra tại Kobe vào năm 1995, gây nhiều mất mát lớn cả về người và của. Cái hay của cuốn này là ở chỗ nó không ghi lại các sự kiện của trận động đất hay kể về những con người trực tiếp đối diện với thảm hoạ, nhưng vẫn khiến người đọc cảm nhận được những đau đớn, mất mát to lớn mà nó gây ra. Mỗi câu chuyện ở đây đều có một sợi dây liên kết mơ hồ với trận động đất, xoay quanh những con người dù không ở trung tâm của thảm hoạ nhưng vẫn phải gánh chịu một nỗi đau tâm lý, tinh thần nào đó từ nó. Nhờ vậy, tác giả không chỉ khắc hoạ sâu sắc những đau đớn mà con người nơi đây phải gánh chịu, mà còn đề cập đến cả những vấn đề quốc gia, chiêm nghiệm về sự sống - cái chết, giấc mơ - hiện thực, ảo ảnh - thực tại,…
1. Khung cảnh có bàn ủi
2. Thái Lan = Bánh mật ong (thực sự thích bằng nhau hong chọn được)
4. Ếch giải cứu Tokyo
5. Tất cả những đứa con của thần đều nhảy múa
6. UFO đáp xuống Kushiro
Tổng hợp: Minh Ngọc