Trong cuốn sách "Quái đàm", tác giả Lafcadio Hearn mang đến cho chúng ta một bữa tiệc tinh hoa từ truyền thống văn hóa Nhật Bản. Với tình yêu mãnh liệt dành cho đất nước này, ông đã chấp nhận nhập tịch, kết hôn với một phụ nữ Nhật và có cái tên mới là Koizumi Yakumo. Trong Quái đàm, ông thu thập và kết hợp những câu chuyện cổ xưa về yêu ma, quỷ quái mà dân gian Nhật Bản truyền tai nhau từ thời xa xưa.
Cuốn sách được chia thành hai phần chính: "Yêu quái" và "Dị trùng". Đó là cánh cửa mở ra một thế giới đa sắc, đầy màu sắc về những câu chuyện kỳ ảo, sự xuất hiện của yêu quái, hiện tượng siêu nhiên và con người. Những câu chuyện này đã được truyền miệng từ thời xa xưa, nhưng cách mà yêu quái hoạt động và tác động đến con người thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Trong trang sách này, bạn sẽ được trải nghiệm những truyện kỳ quái về loài hoa anh đào, biểu tượng của Nhật Bản, và lòng kiên cường của người dân Nhật qua hình ảnh bà vú hy sinh để cứu mạng cho một cô gái trẻ, hay sự đánh đổi sinh mệnh của một người đàn ông để mang lại sự sống cho loài hoa. Bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện đáng sợ về con lửng có khả năng biến hình thành con người nhưng thiếu hoàn toàn ngũ quan, hay những yêu quái cổ đại với khả năng lừa dối con người và ăn thịt.
Từ nàng tuyết Yuki mang trong lòng lòng hận thù đến câu chuyện tình đầy cuồng nhiệt của nàng liễu Aoyagi với một samurai tài năng... Quái đàm không chỉ đơn thuần là một tập hợp các câu chuyện dân gian đã qua, kể lại bởi những người vô danh. Nó còn là câu chuyện của ngày nay, tiếp tục tồn tại trong quá trình thời gian.
Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là một bản ghi chép, mà còn là một tác phẩm đích thực, được tác giả chăm chút, tạo ra từ những câu chuyện truyền miệng. Với sự hòa quyện giữa hình thức hiện đại và tinh túy cổ điển, "Quái đàm" mang đến cho chúng ta cảm nhận vẻ đẹp Đông - Tây, cung cấp cả giá trị thưởng thức lẫn kiến thức.
"Quái đàm" sẽ là một hành trang tuyệt vời để khám phá và tìm hiểu về những điều kỳ bí của văn hóa Nhật Bản, đồng thời mở ra cánh cửa cho sự hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc về con người và thế giới xung quanh chúng ta. Hãy cùng chuyên mục Review sách của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn khám phá cuộc hành trình này và lạc vào thế giới kỳ ảo của truyền thống Nhật Bản qua bài review sách Quái đàm của độc giả Nguyễn Việt Hà bên dưới!
Kể ra mà đọc được Quái Đàm vừa lúc hạ sang thì thật là hay, bởi đây là tuyển tập những câu chuyện mà người ta thường quây quần kể cho nhau nghe lúc đêm đương oi bức. Xin trích một đoạn giới thiệu sách như sau:
“Vào những tối nồng nực ấy, người Nhật thường quây quần lại kể cho nhau nghe chuyện yêu quái, hoặc chơi trò thử lòng can đảm bằng cách gọi ma. Các nghệ sĩ kabuki hoặc rakugo cũng hay để dành cho hè những vở diễn có đề tài kinh dị.”
Dù giờ trời đã vào thu, song tôi vẫn tìm được cái thú khi nghiền ngẫm từng câu chuyện và suy nghĩ của Lafcadio Hearn trong Quái Đàm. Truyện ma không chỉ là truyện ma. Chúng là văn hoá, cũng như Việt Nam ta có cổ tích, thần thoại, thì Nhật Bản cũng có những tích truyện ma quỷ được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành đặc trưng mà người ta gọi là “fuubutsushi” (tức “phong vật thi” mùa hè).
Quái Đàm gồm 17 truyện về yêu quái và 3 truyện về dị trùng. Đọc cuốn sách này là bước vào thế giới u linh kỳ bí, nơi thần linh, yêu ma và con người đều nằm trong một mối liên kết kì lạ. Trong “Chuyện chàng Hochi cụt tai”, người đọc được theo chân chàng mù tới tấu đàn cho một dòng dõi danh giá, nhưng sau mới biết phủ đệ tráng lệ chỉ là những nấm mồ được đắp lên sau cơn biến loạn Jisho-Juei. Đến “Quỷ ăn thịt người”, ta lại được biết nguồn cơn vì sao tại một làng quê nọ, hễ có người chết là đêm ấy cả làng phải bỏ đi. Đọc “Nàng Tuyết”, có khi độc giả lại đâm sợ những đêm bão bùng mà phải lên núi, bởi nếu chạm trán Tuyết Nữ thì rất có thể sẽ chuốc lấy kết cục bi thảm.
Ngoài những tích rùng rợn, Quái Đàm cũng không thiếu những truyện nhẹ nhàng và cảm động, nhưng vẫn đậm màu sắc tâm linh kì bí. Như chuyện cầu xin thần linh cho mình được chết thay những người yêu quý; chuyện linh hồn của samurai hoá thân vào cây anh đào, nở bung những đóa ngọt ngào, tràn trề sức sống; hay chuyện nàng Otei và vị hôn phu hứa hẹn với nhau tới kiếp sau, quả thật đã tìm thấy nhau theo cách rất đỗi lạ kì.
Với tôi, Quái Đàm không chỉ là truyện dọa ma để thử thách lòng can đảm, vì trong mỗi câu chuyện đều ẩn chứa thông điệp ý nghĩa về cách làm người. Do là văn học dân gian dành cho đại chúng, những tích này nhìn chung không khó hiểu, nhưng tôi vẫn đọc say mê. Bên cạnh yếu tố ma quỷ được hư cấu, những câu chuyện trong Quái Đàm cũng ít nhiều gắn đến một sự kiện lịch sử hay địa điểm có thật, do vậy tôi cũng “bỏ túi” thêm được một vài thông tin thú vị về văn hóa Nhật Bản.
Qua Yêu quái thì đến Dị trùng. Nếu *Yêu quái *đa phần là các tác phẩm được Lafcadio Hearn tổng hợp lại từ nhiều tài liệu và nghe người bản xứ kể, thì *Dị trùng *là những gì ông đúc rút được về Bướm, Muỗi và Kiến khi gắn bó với mảnh đất này. Ở Dị trùng, cách viết của Hearn khác hẳn với Yêu quái, thiên về cảm nghĩ của tác giả về ba loài côn trùng này trong văn hoá và đời sống Nhật Bản hơn là tập hợp tích xưa về chúng, lượng thông tin cũng đậm đặc hơn nhiều.
Trong văn hóa của đảo quốc phương Đông, bướm là một hình ảnh quen thuộc. Người ta thường đặt tên có liên quan đến chúng, bướm cũng đi vào nhiều tác phẩm văn học (thơ, văn xuôi, kịch) và gắn với linh hồn con người trong tín ngưỡng dân gian (khá thú vị là có khá nhiều điển tích về bướm ở Nhật tương đồng với Trung Quốc, ví dụ chuyện chàng Akinosuke và giấc mộng Nam Kha).
Còn một điều khác khiến tôi ấn tượng ở Quái Đàm: tác giả của nó không phải một người Nhật Bản.
Lafcadio Hearn vốn sinh ở Hy Lạp và lớn lên ở Ireland. Tại xứ sở mặt trời mọc, ông được xếp vào hàng ngũ những người có đóng góp lớn lao nhất trong vòng một trăm năm qua trong việc thúc đẩy sự giao lưu văn hoá Đông - Tây.
Trong mười bốn năm cuối cùng của cuộc đời, Hearn cần mẫn dịch và giới thiệu văn hóa Nhật Bản ra thế giới, đồng thời không ít lần bày tỏ sự nuối tiếc khi những giá trị cổ xưa bị mai một trước sự đổ bộ của công nghiệp phương Tây. Tình cảm của Hearn với Nhật Bản sâu sắc đến mức nào, đọc “Muỗi” trong Quái Đàm ắt người đọc thấy rõ. Ông muốn được nghe mãi tiếng chuông thấm đẫm phong vị cổ xưa của đảo quốc phương Đông này, dẫu chỉ dưới hình hài một con muỗi, quẩn quanh trong những két nước và lọ hoa tại nghĩa trang tịch mịch. Và rồi cuối cùng, Hearn đổi sang quốc tịch Nhật Bản và chọn đây làm nơi yên nghỉ.
*Quái Đàm *là một cuốn sách thú vị, phù hợp với những ai muốn tìm hiểu thêm về văn hoá dân gian Nhật Bản, hay chỉ đơn giản là thích đọc những truyện tâm linh kì bí.
Tổng hợp: Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Quái đàm - Lafcadio Hearn"