Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người - bell hooks


Review Sách | 22/04/2024 02:50| Minh Ngọc

Lượt xem: 146

‘Nữ quyền cho tất cả mọi người’- Nâng cao nhận thức, thay đổi thế giới

Trong thế giới đầy biến động và thách thức như ngày nay, hiểu biết về nữ quyền không chỉ là một lợi thế mà còn là một nhu cầu thiết yếu. "Nữ Quyền Cho Tất Cả Mọi Người" của bell hooks không chỉ là một cuốn sách; nó là một cuốn cẩm nang bỏ túi cần thiết cho bất kỳ ai muốn bắt đầu hoặc sâu sắc hơn hiểu biết về phong trào nữ quyền.

Xuất phát từ một nhà nữ quyền, nhà hoạt động xã hội có tiếng, bell hooks đã dành hơn ba thập kỷ để nghiên cứu và chiến đấu cho quyền của phụ nữ. Trái với nhiều tác phẩm học thuật khô khan, hooks đã viết cuốn sách này với một giọng văn gần gũi, truyền cảm, làm cho nó dễ tiếp cận và hiểu được cho mọi độc giả, dù là mới bắt đầu hay đã am hiểu sâu sắc.

Cuốn sách không chỉ điểm lại lịch sử và các mâu thuẫn đã hình thành nên phong trào nữ quyền, mà còn đào sâu vào việc trình bày những quan niệm đúng đắn về giới và cách thức nữ quyền đối mặt với những thách thức hiện tại. Từ giáo dục giới, sự đoàn kết giữa phụ nữ, đến tự do tính dục và chống lại bạo lực và áp bức, hooks không chỉ dừng lại ở đó mà còn phân tích những vấn đề ít được quan tâm như tâm linh trong nữ quyền và quyền của phụ nữ đồng tính.

Hơn nữa, bell hooks cũng không ngại ngần chỉ trích những hướng đi sai lầm trong các phong trào nữ quyền hiện đại, khi lý thuyết bị biến tướng phục vụ cho lợi ích nhóm, chia rẽ phụ nữ thay vì thống nhất họ. Cuốn sách mở ra một diễn ngôn mạnh mẽ, thách thức mọi vấn đề mà nữ quyền hiện nay phải đối mặt, với mục đích cuối cùng là giải phóng phụ nữ khỏi các ràng buộc của bạo lực, sắc tộc, giai cấp và lao động nặng nhọc.

Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người

"Nữ Quyền Cho Tất Cả Mọi Người" của bell hooks là một cuốn sách đáng để đọc và suy ngẫm, không chỉ cho những người quan tâm đến nữ quyền, mà cho bất kỳ ai đang tìm kiếm một hiểu biết sâu sắc hơn về một trong những vấn đề quan trọng nhất của xã hội hiện đại.

Thông tin sách:

Tác giả: bell hooks
Dịch giả: Trần Ngọc Hiếu
Nhà xuất bản: Phụ nữ Việt Nam
Số trang: 246
Phát hành: 2018
Giá bìa: 94.000đ

Mua sách online ‘Nữ quyền cho tất cả mọi người’ tại Nhà sách Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa. Đặt ngay!

Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người

Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, "Nữ quyền cho tất cả mọi người" của bell hooks không chỉ là một tiếng nói dịu dàng nhắc nhở về sự cần thiết của bình đẳng giới. Cuốn sách này là một tiếng gọi mạnh mẽ, thách thức mọi quan niệm cũ kỹ và mở ra một chân trời mới về hiểu biết và hành động nữ quyền. Đọc nó không chỉ là trải nghiệm một cuốn sách, mà là bước vào cuộc đối thoại sâu sắc về cách chúng ta xây dựng và hiểu thế giới xung quanh mình. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review sách của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo chia sẻ cảm nhận bên dưới!

Review sách của A Giác

Nữ quyền cho tất cả mọi người - bell hooks

bell hooks (tác giả chủ ý không viết hoa) sinh năm 1952, mất năm 2021. Tên thật của bà là Gloria Jean Watkins. Bà sinh ra tại Hopkinsville, Kentucky, Hoa Kỳ. Bà là một tác giả sách, giáo sư, nhà nữ quyền và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ gốc Phi. Những vấn đề mấu chốt trong nghiên cứu và viết lách của bà là chủng tộc, giới, giai tầng xã hội cũng như mối tương quan giữa các vấn đề này. Ngoài ra, bà thường tập trung đề cập tới phụ nữ da đen, đấu tranh cho quyền lợi và định hình tính nữ của bộ phận phụ nữ này.

Chứng kiến những làn sóng nữ quyền trong thời đại mình sống, đồng thời bản thân cũng là một nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực này, bell hooks luôn muốn đại chúng có thể tiếp cận với nữ quyền một cách đầy đủ nhất, thay vì biết đến các vấn đề liên quan một cách gián tiếp thông qua truyền thông (đã ít nhiều bị bóp méo). Chính vì thế, bà quyết định viết Nữ Quyền Cho Tất Cả Mọi Người. Tác phẩm này ra đời với mong muốn sẽ là một cuốn cẩm nang cô đọng, dễ hiểu, mà theo bell hooks, “Nó mời gọi tất cả chúng ta đến gần hơn với nữ quyền luận.”

Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người của A Giác

Cho đến hiện tại, dù nữ quyền vẫn luôn nhận được sự quan tâm của công chúng và truyền thông, song vẫn có rất nhiều người không thực sự hiểu mục đích của phong trào này, cũng như chưa thể trả lời được một câu hỏi cơ bản nhất: Nữ quyền là gì? Theo bell hooks, “Nữ quyền luận là một phong trào tư tưởng và xã hội nhằm chấm dứt tất cả những hình thức của định kiến giới, bóc lột và đàn áp giới.” Đây là một định nghĩa rất cô đọng, và nó phản ánh đúng tính chất của phong trào nữ quyền. Cùng với định nghĩa này, bell hooks cũng phủ nhận nữ quyền không phải là một phong trào chủ trương “chống lại đàn ông”, mà đối tượng duy nhất nữ quyền muốn lật đổ chính là định kiến giới.

“Mỗi người trong chúng ta, dù là đàn ông hay đàn bà, đều đã bị xã hội hoá từ lúc sinh ra để chấp nhận những tư tưởng và hành động mang định kiến giới. Hệ quả là, phụ nữ cũng có thể là những người mang định kiến về giới như chính đàn ông. Và tuy điều này không biện hộ hay bào chữa cho sự thống trị của nam giới nhưng nó cho thấy sẽ là ngây thơ và nhầm lẫn nếu các nhà nữ quyền xem phong trào này chỉ đơn giản tạo điều kiện để phụ nữ chống lại nam giới.”

Cần khẳng định rằng trong quá khứ và ngay cả hiện tại, nữ quyền luận đã bị hiểu nhầm rất nhiều, mà phần lớn “công lao” thuộc về truyền thông đại chúng. Đa phần người ta biết đến nữ quyền luận thông qua hình ảnh truyền thông đắp nặn thay vì các lớp học thực tế và có hệ thống, trong khi đó truyền thông Mỹ lại phát triển và bị tư tưởng gia trưởng thống trị. Những cuộc biểu tình, hành động đòi bình đẳng của phụ nữ bị truyền thông thổi phồng, ngầm đánh lận một bộ phận ấy đại diện cho làn sóng nữ quyền. bell hooks cũng tâm sự trong cuốn sách rằng khi gặp những người tỏ ra ác ý với các nhà hoạt động nữ quyền, bà hỏi họ rằng họ biết gì về nữ quyền và biết qua các nguồn nào, thì câu trả lời bà nhận được là: qua các nguồn trung gian.

Một điều đáng buồn hơn nữa là, những hiểu lầm sai lệch từ những nguồn trung gian ấy không chỉ khiến những người đứng ngoài làn sóng nữ quyền hiểu nhầm phong trào, mà ngay cả những người tự nhận mình là nhà hoạt động nữ quyền cũng vậy. Nhiều người tham gia phong trào mang tư tưởng bài xích đàn ông rất cực đoan, không ít người nghĩ phong trào chỉ có thể đạt được thắng lợi khi khiến đàn ông phải nhận thua, hay nhún nhường với mình. Trong khi thực tế, nữ quyền luận hướng đến một thế giới có thể không bình đẳng tuyệt đối, nhưng tất cả mọi người bất kể màu da, giới tính đều tôn trọng lẫn nhau.

Bên cạnh đó, ta cần hiểu, đấu tranh của nữ quyền luận không chỉ ở việc bộc lộ các hành vi, mà còn phải đấu tranh trong suy nghĩ. Chừng nào chính những người tham gia phong trào vẫn còn mang định kiến giới và nghi ngờ về bản thân, vậy chừng đó phong trào vẫn chưa thể thành công. Ta cần học cách yêu bản thân và chấp nhận toàn vẹn con người mình, thay vì chịu sự gò bó và cố gắng thay đổi bản thân theo các khuôn mẫu của tư tưởng cổ điển, gia trưởng. Ta cần đoàn kết để đấu tranh, bởi đoàn kết là sức mạnh. Thực tế, có nhiều nhà hoạt động nữ quyền đã dừng đấu tranh khi thấy cuộc sống của mình đã được cải thiện, song họ không nhận ra rằng vấn đề chưa được giải quyết triệt để, định kiến giới vẫn sừng sững ở đó. Đi từ khởi đầu của nữ quyền - Chính trị nữ quyền - Nơi ta đứng (mục một của cuốn sách) đến tương lai Nữ quyền luận nhìn xa (phần kết), bell hooks diễn giải các vấn đề về định kiến giới, bản thể và tính dục, sự được lựa chọn và chăm sóc cơ thể, tự do đời sống… mà ở đó, nữ quyền luận hiện lên với một diện mạo tương đối toàn vẹn, có thể trên diện mạo ấy có những góc nhìn bạn chưa từng biết đến.

Nữ Quyền Cho Tất Cả Mọi Người chỉ dày hơn hai trăm trang, được chia làm 19 phần vừa đọc, bell hooks đưa người đọc đi qua lịch sử của nữ quyền, những giá trị mà phong trào này tạo ra và các biến tướng của nó, cùng với nỗ lực đưa nữ quyền luận trở về với đúng bản chất và mục đích ban đầu. Không dừng lại ở việc khái quát phong trào, bell hooks còn mở rộng phạm vi của nữ quyền luận khi cho rằng nữ quyền không chỉ dành cho phụ nữ, và nếu như phong trào hoạt động theo cách đó thì ấy là một phong trào thất bại. Một người đàn ông cũng có thể là một người ủng hộ nữ quyền, một đồng minh quý giá trong hành trình chống định kiến giới và tái thiết chế xã hội (thực tế, đàn ông cũng có thể là nạn nhân của định kiến giới). Đồng thời, bà còn lên án những nhà nữ quyền cải lương và khuyến khích chúng ta hành động để đấu tranh.

Đối với mình, Nữ Quyền Cho Tất Cả Mọi Người là một cuốn sách dễ đọc. Cách bell hooks viết và đặt vấn đề rất cô đọng, dễ hiểu và có hệ thống. Thực ra các luận điểm trong cuốn sách này không mới, giống một bản tổng hợp các thông tin về nữ quyền hơn, nhưng cũng hợp lý, vì sách “dành cho tất cả mọi người” mà. Dù bạn chưa biết gì về nữ quyền, nhưng bạn vẫn có thể hiểu cuốn sách này và qua đó, ít nhất là có thể trả lời được câu hỏi: Thế nào là nữ quyền?

Ban đầu mình định đánh giá cuốn này 3/5 vì thông tin cô đọng, dễ hiểu, nhưng không quá mới mẻ. Có điều sau đó mình quyết cộng thêm 1 vì thích tinh thần của tác giả khi cố gắng đưa nữ quyền đến gần với đại chúng hơn. Vậy nên chốt, đánh giá: 4/5. Một cuốn sách bổ ích, và tấm lòng tác giả thật đáng trân quý.

Review sách của Cường

bell hooks (1952 - 2021) tên thật là Gloria Jean Watkins, sinh ra tại Hoa Kỳ, là một nhà văn, giáo sư, nhà nữ quyền, nhà hoạt động xã hội có nhiều đóng góp nổi bật trong bối cảnh đương đại. Trong số những vấn đề được bell hooks đặt mũi nhọn nghiên cứu, bà đặc biệt chú ý tới các “địa hạt” như giới, chủng tộc, giai tầng xã hội và các mối tương quan, bện xoắn giữa các phạm trù này. Đặc biệt, việc đề cập tới quyền của phụ nữ/trẻ em gái, nhất là bộ phận phụ nữ da màu và phụ nữ ở các giai tầng thấp hơn trong nấc thang xã hội, chính là vấn đề được bà dành thời gian nhắc tới nhiều hơn cả.

Tiếp nhận lý thuyết nữ quyền để tiến tới thực hành nữ quyền từ trước tới nay luôn là một vấn đề được quan tâm rộng rãi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, để tìm thấy một công trình nghiên cứu có tính chất tổng quát và đại chúng cao nhìn chung vẫn là một vấn đề tương đối nan giải. Được khởi xướng từ môi trường học thuật, nữ quyền luận sớm trở thành một để tài nghiên cứu được luận bàn vô cùng sôi nổi, dẫu vậy, do những đặc trưng cố hữu của một sản phẩm khoa học hàn lâm, trong nhiều thời điểm, nó khó có khả năng để thoát ly khỏi tính chất kinh viện, khô khan và khó nắm bắt, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng công chúng độc giả muốn tiếp cận lý thuyết nữ quyền ở góc độ càng giản lược, càng bình dân thì càng hiệu quả.

Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người của Cường

Xuất phát từ đặc điểm đó, bell hooks viết  sách Nữ quyền cho tất cả mọi người như một nỗ lực đầy thiện chí nhằm mục đích giải kinh viện về các đặc điểm chính yếu, lịch sử thành tạo và thực trạng hiện thời của phong trào nữ quyền, cung cấp cho người đọc những cái nhìn khái lược, bao quát nhất về một số vấn đề tồn đọng của phong trào này, từ đó tạo tiền đề phổ biến rộng rãi lý thuyết nữ quyền tới công chúng. Chính bởi lý do đó, ngay từ ở tiêu đề phụ, bell hooks đã gọi đường hướng khai mở vấn đề trong cuốn sách của mình như là một “passionate politics”, một đường lối chính trị say mê, nhiệt thành, dễ dàng tạo khả năng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng tiếp nhận. Cụm từ này dần trở thành kim chỉ nam trong cách khơi gợi vấn đề của bell hooks, bởi vậy, từ cấu trúc triển khai tới cách kiến giải vấn đề, bà đều cố gắng sử dụng lối hành văn đặc biệt sôi nổi, đi kèm với những diễn giải có độ khái lược hóa cao nhưng không kém phần chính xác.

Trong cuốn sách này, bell hooks, ngay sau phần dẫn luận, đã vạch rõ được những cách định nghĩa, những đặc trưng cơ bản nhất của phong trào nữ quyền. Theo tác giả, phong trào nữ quyền trước hết là một phong trào chính trị xã hội. Phong trào nữ quyền không chủ trương tấn công đàn ông, bởi vậy, thực hành nữ quyền hoàn toàn không phải là chống lại đàn ông, vận động nữ quyền cũng không giống như việc thưởng thức một cái bánh mà người này có cơ hội thì người kia sẽ bị giành phần, mà đối tượng phong trào hướng tới là chế độ gia trưởng, đặc biệt được kết tụ trong hình thái tư bản thượng tôn da trắng với đầy những định kiến, đàn áp, bóc lột dựa trên cơ sở giới.

Bằng phương pháp lịch đại, bell hooks phân nhỏ đối tượng nghiên cứu theo từng giai đoạn cụ thể. Tác giả nhận thấy được rằng môi trường phát triển của nữ quyền luận, vốn dĩ được xuất phát từ các “câu lạc bộ sách”, là sự tập hợp của một nhóm phụ nữ (thường là phụ nữ da trắng trung thượng lưu) có những quan điểm tiến bộ về sự phân chia vai trò và quyền lực xã hội. Theo thời gian, thuyết nữ quyền dần trở thành một vấn đề nghiên cứu chính ngạch được đem vào giảng dạy ở các chương trình đại học, đặc biệt là các trường nữ sinh. Dần dà, khi đã thực sự phát triển thành một phong trào xã hội, thuyết nữ quyền mới bắt đầu có cơ hội để đơm hoa kết trái trong sự tiếp nhận của đông đảo công chúng bình dân. Chính bởi có lịch sử ra đời và phát triển như vậy, nên trong suốt chiều dài lịch sử của chính bản thân nó, phong trào nữ quyền luôn có sự gắn bó mật thiết với thuyết nữ quyền và do đó, khó có thể tránh khỏi đặc trưng phức tạp, rối rắm, nhiều thuật ngữ chuyên môn của một đối tượng nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, theo chiều đồng đại, bell hooks lại phân nhỏ vấn đề trên cơ sở phân cấp của các giai tầng xã hội. Theo cách tác giả lập luận, phong trào nữ quyền vốn dĩ không dành “cho tất cả mọi người”, mà thường chỉ được nghiên cứu, thảo luận và thực hành ở một nhóm cộng đồng người, một tập hợp các cá nhân có cùng địa vị, cùng chủng tộc hoặc thậm chí là cùng khuynh hướng tính dục. Sự tương đồng lẫn khác biệt giữa các nhóm đối tượng này là nguyên nhân chính khiến phong trào nữ quyền có xu hướng bị rẽ nhánh. Nó phục vụ cho những mục đích, động cơ chính trị không giống nhau, thậm chí, nhiều khi có thể không trong sáng. Cách lập luận này hoàn toàn trùng khớp với tôn chỉ nghiên cứu của bell hooks, đó là luôn nhìn nhận phong trào nữ quyền trong sự tổng hòa khăng khít với các vấn đề giai cấp và chủng tộc, xem xét các vấn đề về giới trong một hệ thống các vấn đề xã hội cần phải được luận bàn và giải quyết.

Nhìn từ góc độ đó, bell hooks thấy rõ được điều cần thiết phải được thực hiện không phải là để cao phong trào này để “dìm chết” phong trào khác, mà phải luôn coi phong trào nữ quyền là một phong trào rộng rãi, sôi nổi, được tích cực chung tay tham gia không chỉ bởi phụ nữ, xây dựng dựa trên tình ái hữu chị em (sisterhood), mà còn cần cả sự hợp lực của nam giới tiến bộ, góp phần để phong trào, giống như cách tác giả nếu bật ở ngay tựa sách: là dành cho tất cả mọi người.

Minh rất thích ngôn ngữ và lập luận của bell hooks trong Nữ quyền cho tất cả mọi người, tuy nhiên, khác với một công trình chuyên khảo hoàn chỉnh, việc thiếu nguồn dẫn (lack of citations) chính là một điểm yếu chí tử khiến cho độ tin cậy của các thông tin mà tác giả cung cấp trở nên thiếu thuyết phục hơn hẳn. Không chỉ có vậy, chính bởi độ lùi thời gian, nên nhiều vấn đề như quyền của các nhóm tính dục thiểu số người chuyển giới, phi nhị giới chưa được tác giả thật sự chú ý.

Cuối cùng, một số khái niệm chủ chốt, mà dễ thấy nhất là hình thái chính trị “tư bản thượng tôn gia trắng”, chưa được bell hooks cắt nghĩa một cách đẩy đủ, để khiến cho nhiều độc giả, nhất là nhóm đối tượng lần đầu tiên tìm tới các công trình nghiên cứu quyền nữ, không khỏi cảm thấy bối rối.

Bởi vậy, nhìn chung, nếu xem Nữ quyển cho tất cả mọi người đơn giản chỉ như một cuốn cẩm nang bỏ túi cung cấp các kiến thức căn bản nhất về phong trào nữ quyền, mình nghĩ cuốn sách này đã làm tương đối tốt phong trào của nó. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cuốn sách như một công trình khoa học có tính giới thuyết, dường như cuốn sách cũng còn tồn tại nhiều điểm cần phải cải thiện để có thể trở nên hoàn hảo hơn chăng?

Tổng hợp: Minh Ngọc

Bài viết liên quan
Review sách Khi hơi thở hóa thinh không
Review sách Khi hơi thở hóa thinh không

05/05/2024 00:12Thanh Nhã

Trong khoảnh khắc cuộc đời bỗng nhiên rẽ ngang, Paul Kalanithi đã viết nên "Khi hơi thở hóa thinh không"…

Xem tiếp
Review sách Gỗ mun - Ryszard Kapuściński
Review sách Gỗ mun - Ryszard Kapuściński

03/05/2024 00:13Minh Ngọc

Trong "Gỗ mun" Ryszard Kapuściński không chỉ kể lại những câu chuyện, mà còn dệt nên những bức tranh sống…

Xem tiếp
Review sách Hai mặt của gia đình - Choi KwangHuyn
Review sách Hai mặt của gia đình - Choi KwangHuyn

23/04/2024 23:56Minh Ngọc

Trong cuộc sống gia đình, không phải lúc nào cũng chỉ có những khoảnh khắc ấm áp và hạnh phúc;…

Xem tiếp
Review sách Hạt ngọc trai - John Steinbeck
Review sách Hạt ngọc trai - John Steinbeck

23/04/2024 23:23Minh Hằng

Cuốn tiểu thuyết 'Hạt ngọc trai' của John Steinbeck không chỉ là một câu chuyện giản dị về một ngư…

Xem tiếp
Review sách Tên gọi khác của nhà -Jasmine Warga
Review sách Tên gọi khác của nhà -Jasmine Warga

19/04/2024 01:45Minh Hằng

Trong một thế giới nơi những biến động không ngừng nghỉ, 'Tên gọi khác của nhà' của Jasmine Warga là…

Xem tiếp
Review sách Chú bé mang Pyjama sọc - John Boyne
Review sách Chú bé mang Pyjama sọc - John Boyne

18/04/2024 16:51Minh Ngọc

Trong thế giới của những câu chuyện kể, ít có tác phẩm nào làm chúng ta phải đối mặt với…

Xem tiếp
Review sách Sự trung thực của xác chết - Hajime Nishio
Review sách Sự trung thực của xác chết - Hajime Nishio

17/04/2024 16:06Thanh Nhã

Trong thế giới tĩnh lặng của phòng giải phẫu, nơi mỗi câu chuyện cái chết được kể lại không lời,…

Xem tiếp
Review sách Dưới cánh cửa thầm thì - TJ Klune
Review sách Dưới cánh cửa thầm thì - TJ Klune

16/04/2024 12:02Minh Hằng

Trong cuộc sống đầy bộn bề và xô bồ, đôi khi chúng ta cần một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng…

Xem tiếp
Review sách Vào vùng nước xoáy - Edgar Allan Poe
Review sách Vào vùng nước xoáy - Edgar Allan Poe

16/04/2024 00:50Minh Ngọc

Khi bước vào thế giới của 'Vào Vùng Nước Xoáy' bạn không chỉ đơn thuần đọc một cuốn sách; bạn…

Xem tiếp
Review sách Hòn đá mù – Natalie Haynes
Review sách Hòn đá mù – Natalie Haynes

12/04/2024 16:04Thanh Nhã

Trong màn đêm của những huyền thoại cổ xưa, 'Hòn Đá Mù' của Natalie Haynes đã phá vỡ mọi khuôn…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả