Nhật ký Anne Frank không chỉ là một cuốn sách; nó là một biểu tượng của hy vọng và nhân loại trong bối cảnh của một trong những thời kỳ tối tăm nhất lịch sử nhân loại. Viết từ năm 1942 đến 1944, trong những năm tháng Đức Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan, Anne Frank, cô bé chỉ mới 13 tuổi đã ghi lại cuộc sống thường ngày của mình và gia đình trong "Nhà Phụ Bí Mật". Từng trang nhật ký không chỉ là những suy nghĩ, mà còn là bản chất con người, đầy ắp tình yêu và niềm tin vào tương lai.
Cuốn nhật ký này là một cuộc đối thoại không ngừng với bản thân, nơi Anne Frank trút bầu tâm sự mà cô cảm thấy không thể bộc bạch với bất kỳ ai. Trong bóng tối của chiến tranh và diệt chủng, giọng văn của Anne vẫn giữ được sự trong sáng và lạc quan đáng kinh ngạc. Cô viết về tình bạn, tình yêu đầu đời, những trăn trở về tương lai, và cả những suy tư sâu sắc về xã hội và nhân tính.
Sau khi bị phát hiện và bị bắt vào năm 1944, chỉ có người cha của Anne là sống sót sau đau thương của trại tập trung. Cuốn nhật ký sau đó được bảo tồn và xuất bản bởi ông Otto Frank, trở thành một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất thế kỷ 20, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2009.
"Nhật ký Anne Frank" không chỉ là một cuốn sách về chiến tranh; nó là bằng chứng cho thấy ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, con người vẫn có thể giữ gìn phẩm giá, hy vọng và tử tế. Anne đã viết, không chỉ để giải trí, mà để chứng minh rằng trong mọi hoàn cảnh, tâm hồn con người vẫn có thể tỏa sáng.
Tác giả: Anne Frank
Dịch giả: Tạ Huyền
Nhà xuất bản: Thế Giới
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 440
Phát hành: 2019
Giá bìa: 118.000đ
Đặt sách online 'Nhật ký Anne Frank' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa. Đặt ngay!
Trong trang sách của lịch sử tối tăm nhất, "Nhật Ký Anne Frank" tỏa sáng như một ngọn đuốc hy vọng, khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước sức mạnh phi thường của tâm hồn non trẻ. Với từng dòng chữ chân thật và đầy cảm xúc, Anne Frank không chỉ kể lại cuộc sống bí mật dưới ách nazi mà còn khắc họa một bức tranh đa sắc về tình yêu, tuổi trẻ và khát vọng sống. Blog sách hay gửi của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ cảm nhận của độc giả đã tác phẩm, mời bạn tham khảo bên dưới!
Nhật Ký Anne Frank – Anne Frank
Đây là cuốn nhật ký của cô bé Anne từ khi em 13 tuổi, tường thuật lại quá trình gia đình em cùng với bốn người khác sống ẩn nấp trong suốt những ngày của cuộc chiến bài người Do Thái của Hitler.
Đọc câu chuyện của Anne, mình liên tưởng rất nhiều đến chú bé Bruno trong “Chú bé mang pyjama sọc”. Cả Anne và Bruno đều là nạn nhân của Hitler theo cách này hay cách khác. Dù không phải sống ẩn nấp như Anne vì cha phục vụ dưới quyền Hitler nhưng Bruno cũng đã phải trải qua quãng thời gian buồn bã nhất trong cuộc đời cậu. Cậu bé Bruno 9 tuổi đã chết ngay trước ngày được trở về nhà, và cô bé Anne 15 tuổi đã chết chỉ vài tuần trước ngày người Do Thái được tự do. Cái chết của Anne làm mình thật sự hụt hẫng, một cô bé thông minh, có cá tính riêng và trưởng thành với những suy nghĩ sắc sảo, với một tài năng còn chưa được khám phá đã phải kết thúc cuộc đời. Anne trưởng thành hơn cái tuổi của cô bé rất nhiều trong cả suy nghĩ, lời nói, và hành động. Trong suốt cuốn nhật ký, ngay cả khi không gian sống bị giới hạn thì Anne vẫn cho thấy em chỉ coi đó như một sự bất tiện nhỏ tạm thời, Anne luôn tin một ngày em được tự do. "Mình đứng nhìn anh làm việc... Nhưng mình cũng nhìn cả ra ngoài cửa sổ nữa, nhìn ra một khu vực rộng lớn của Amsterdam, nhìn qua những mái nhà và nhìn ra phía chân trời, một màu xanh nhè nhẹ khiến người ta không thể phân biệt đâu là đường chân trời. Chỉ cần những cái này vẫn còn tồn tại, và mình còn sống để được ngắm nhìn nó, ánh mặt trời này, bầu trời trong vắt không một gợn mây này, một khi tất cả những cái đó còn tồn tại thì mình không thể không hạnh phúc."
Có một điều mà mình vô cùng ngưỡng mộ những con người trong cuốn sách này, đó là tinh thần học tập và lòng tốt vô điều kiện của họ. Trong suốt gần hai năm sống ẩn nấp trên Chái nhà bí mật, Anne và mọi người vẫn hàng ngày làm việc, đọc sách, nghiên cứu lịch sử một cách rất chăm chỉ. Bản thân Anne không chỉ đọc sách, em còn học tiếng Anh, tiếng Pháp, học Lịch sử, Đại số, học viết tốc ký, học các công việc văn phòng, nghiên cứu gia phả các dòng họ nổi tiếng, và học nhiều những điều khác nữa. Cũng trong suốt khoảng thời gian đó, những người Hà Lan tốt bụng như cô Miep, chị Ellie, chú Kraler, chú Koophuis,… đã giúp gia đình Frank cũng như gia đình Van Daan và ông Dussel ẩn náu mà chưa lần nào kêu ca hay phàn nàn. Những chi tiết đó quả thực giúp mình có cái nhìn khác hơn về tình cảm, về lòng chân thành giữa người với người.
Một cuốn sách thực sự đáng đọc!
Nhật ký Anne Frank - ANNE FRANK
(Dịch giả: Tạ Huyền)
"Chúng tớ đã được nhắc đi nhắc lại rằng chúng tớ là những người Do Thái bị xiềng xích - bị xiềng xích vào một địa điểm, không có bất cứ quyền nào, mà chỉ có cả ngàn nghĩa vụ. Chúng tớ phải nén những cảm xúc của mình lại; chúng tớ phải can đảm và mạnh mẽ, chịu đựng sự thiếu thốn mà không kêu ca, làm bất cứ việc gì trong khả năng của mình và tin tưởng vào Chúa. Rồi sẽ có ngày cuộc chiến khủng khiếp này kết thúc. Rồi sẽ có ngày chúng tớ lại được là con người chứ không phải người Do Thái! "
"Nhật ký Anne Frank" có thể coi là một trong những tác phẩm hay nhất của thế kỷ 20. Đây là cuốn nhật ký do chính Anne Frank viết trong suốt 2 năm liền đi lẩn trốn do cuộc tàn sát Người Do Thái nổ ra (1942-1944). Kể từ lúc viết nhật ký (Anne coi cuốn nhật ký này như một người bạn và gọi nó là Kitty), cho dù lớp học có hơn ba chục người bạn nhưng cô chẳng có nổi một người bạn thân thiết nào để chia sẻ hay trò chuyện tâm sự. Anne thuộc tuýp người rất thẳng thắn, cô bé này luôn có quan điểm cá nhân rất rõ ràng. Đó cũng là một cá tính khá hay, bởi vậy ngay từ những trang nhật ký đầu tiên cô bé này làm mình rất hứng thú...
Gia đình Anne là người Đức nhưng vì nạn diệt chủng người Do Thái mà cả nhà đã phải di cư sang Hà Lan. Tất cả người Do Thái đã bị Hitler tước mất quốc tịch - không có mối thù nào sâu sắc trên trái đất này giống như người Đức và người Do Thái. Vào tháng 7 năm 1942 Anne cùng bố mẹ, chị gái Margot đã phải đi trốn tại một nơi ẩn náu được bố trí tại toà nhà văn phòng công ty của bố Anne được gọi là "Nhà phụ Bí mật". Họ phải sống trong im lặng, không được phép đi ra ngoài phố hay ló đầu ra ngoài, sự bức bối kéo dài khiến ai trong số họ đều cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Thế nhưng so với những người bạn, người quen của họ thì việc bị bắt đi và phải ngồi trên chiếc xe chở súc vật đến trại tập trung thì còn khiến họ tuyệt vọng hơn gấp bội.
“Nghĩ về nỗi đau khổ của những người mà cậu yêu quý có thể sẽ khiến cậu rơi nước mắt; thật ra cậu có thể khóc cả ngày nữa kia. Nhưng điều duy nhất cậu có thể làm là cầu Chúa ban phép mầu để cứu ít nhất là một vài người trong số họ. Và tớ hy vọng rằng tớ đang cầu nguyện đủ!”
Anne - một cô bé chỉ mới 13 tuổi đã luôn phải mang một cảm giác gần như bất lực với cuộc sống hiện tại. Cho dù đôi lúc cô phải đấu tranh với chính bản thân để không trở thành nô lệ cảm xúc do chính mình tạo ra. Anne thường xuyên bất mãn vì bị mọi người xem thường, chê bai, giáo huấn thậm chí họ còn cho rằng bố mẹ Anne đã không biết cách dạy dỗ cô sao cho đúng đắn... chính cô bé còn không biết mình đã làm gì nên tội để phải gánh chịu những lời lẽ nặng nề, cái nhìn mỉa mai và giễu cợt của họ. Có lẽ cũng chỉ vì Anne có cá tính khá mạnh, nghĩ gì nói nấy và luôn tin tưởng vào khả năng nhận thức mọi vấn đề dù tuổi còn nhỏ nên mới bị mọi người chỉ trích như vậy.
Anne nhận thức được rằng mình chẳng thể tâm sự cùng ai, cũng không một ai thông cảm và an ủi Anne mỗi khi cô buồn bã, nên chỉ có chính bản thân cô sẽ trở thành một người tốt mà chẳng cần phải bắt chước theo một hình mẫu nào cả. Nhưng nó sẽ giúp Anne trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cho dù cô bé cảm thấy mình thật yếu đuối, cần được che chở vỗ về nhưng rốt cục chỉ có cuốn Nhật ký này mới kiên trì bên cạnh cô mà thôi. Viết là cách khiến Anne giải tỏa được rất nhiều khi không thể nói ra, thậm chí cô còn tự mình sáng tác truyện. Một niềm đam mê viết lách, được đến trường sau khi chiến tranh kết thúc là động lực lớn giúp Anne lạc quan hơn về những tháng ngày này.
“Tớ thường xuyên cảm thấy chán nản, nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng. Tớ xem cuộc sống ẩn náu của chúng tớ là một chuyến phiêu lưu kỳ thú, đầy nguy hiểm và cũng không thiếu phần lãng mạn, và mọi sự thiếu thốn chỉ càng tô điểm thêm cho cuốn nhật ký của tớ... Trải nghiệm của tớ ở đây là một khởi đầu tốt cho một cuộc sống thú vị, và đó là lý do - lý do duy nhất - tại sao tớ phải cười trước cái khía cạnh khôi hài của những khoảnh khắc nguy hiểm nhất."
Chi tiết mà Anne nhấn mạnh khiến cho cô có thêm niềm tin vào cuộc sống này chính là con người cô. Một Anne luôn vui vẻ, hoà đồng, trẻ và khoẻ mạnh, cô có đầy đủ cha mẹ đó là niềm hạnh phúc. Anne thấy chính mình phải trở nên lạc quan hơn nữa, coi cuộc sống ở đây như một cuộc phiêu lưu đầy mới mẻ. Cô học hỏi và tự mình đấu tranh rồi trưởng thành, một người luôn có cái nhìn tích cực, luôn nhìn thấy sự tốt đẹp của những người xung quanh cô. Anne rất biết mình mắc phải sai lầm gì, khuyết điểm ra sao nhưng cô tin một điều cô sẽ thay đổi được nó và phát triển bản thân bằng chính cái món quà mà Chúa ban tặng cho cô (điều này sẽ được Anne nói rõ hơn ở trong những trang Nhật ký gần cuối). Tuy có lúc bản thân trở nên chán chường nhưng Anne chưa bao giờ cảm thấy hết hy vọng. Nhất là mỗi khi Anne ngước nhìn lên bầu trời, vẻ đẹp của thiên nhiên luôn khiến cô bé tràn trề hy vọng và cảm thấy thật thanh thản. Đây là một yếu tố rất quan trọng giúp Anne vuợt qua được mọi thứ. Hoà mình vào thiên nhiên, cảm thấy bản thân có thể chạm vào nó và để nó chữa lành tất cả.
“Hãy để một chuyện gì đó sớm xảy ra, kể cả có là một trận không kích. Chẳng điều gì có thể huỷ diệt ta hơn lả sự khắc khoải. Hãy để cái kết, dù tàn nhẫn, đến luôn đi. Ít nhất lúc ấy chúng tớ sẽ biết mình là những người chiến thắng hay chiến bại.”
Những tháng ngày cuối cùng khi Anne viết nhật ký diễn ra vào tháng 8 năm 1944. Sau 2 năm trải qua nhiều sự đột nhập bất ngờ, những mối đe doạ từ bên ngoài đã khiến mọi người lo sợ và hoảng hốt biết chừng nào. Và rồi định mệnh dường như cũng đã được sắp đặt sẵn. Tất cả bọn họ đều bị bắt và đem đến một nhà tù ở Amsterdam rồi chuyển đến trại trung chuyển dành cho người Do Thái ở phía Bắc Hà Lan. Sau đó họ bị trục xuất và bị đưa tới trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) ngay sau đó. Lúc bị bắt thì cuốn nhật ký của Anne vứt tung toé trên sàn nhà và được Miep Gies giấu kỹ. Sau chiến tranh, 8 người chỉ còn bố Anne là Otto Frank sống sót, Miep đã trao nó cho ông. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn may mắn được đọc cuốn "Nhật ký Anne Frank" này. Ngay từ lời tựa của tác phẩm mình đã biết số phận của họ nhưng bởi vậy mình lại càng thôi thúc phải đọc ngay. Bởi vì mình khao khát được biết về cuộc sống của những người Do Thái tội nghiệp trong nạn diệt chủng như thế nào, họ phải đương đầu đấu tranh với nó ra sao. Và đây lại là một cuốn nhật ký nữa nên mọi điều đã được tái hiện gần như rõ ràng nhất về hoàn cảnh của họ lúc bấy giờ.
Tổng hợp review: Minh Ngọc