Trong một thế giới bị đồng nhất đến tận cùng, nơi mọi cảm xúc và ký ức bị giam cầm, tồn tại một cuộc phiêu lưu không thể tin nổi. "Người truyền ký ức" của Lois Lowry đưa chúng ta vào cuộc hành trình của Jonas, một cậu bé trẻ sắp đến ngưỡng tuổi quan trọng nhất cuộc đời, lễ nhận Nhiệm vụ vào ngày tròn Mười Hai.
Tuy nền sống cộng đồng êm đềm của Jonas đã khắc sâu trong tâm trí mọi người, nhưng một số biến đổi đột ngột xảy ra và làm rung động thế giới của cậu. Một giấc mơ đơn giản về việc tắm cho Fiona lõa thể trong bồn nước đã khiến cậu nhận ra một điều bình thường như thế vẫn có thể mang đến niềm vui và sự kỳ diệu. Bị ám ảnh bởi trải nghiệm đó, Jonas đã phải uống một loại thuốc triệt cảm xúc để quên đi một lần cho mãi mãi.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi Jonas đã nhìn thấy một cái gì đó vượt ra ngoài biên giới an toàn của cộng đồng. Đó là lúc cuộc truyền ký ức thực sự bắt đầu. Jonas trở thành người tiếp nhận Ký ức, học từ một ông già đã tiếp nhận những ký ức từ những người tiền nhiệm. Nhưng những ký ức ấy không chỉ là những hình ảnh đẹp và niềm vui trong cuộc sống, mà còn mang trong mình cả những nỗi đau của chiến tranh, đói nghèo và mất mát.
Đau khổ và bàng hoàng, Jonas phải đối mặt với sứ mạng nặng nề của mình và gánh vác những cơn dày vò đang hành hạ người thầy của cậu. Trước quyết định khó khăn đó, cậu không dám xin phóng thích, lo sợ rằng như cô gái trước đó, việc trả lại cảm xúc sẽ gây ra sự rối loạn chưa từng có trong cộng đồng. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi một người khách bí ẩn trong gia đình cậu bị Hội đồng quyết định phóng thích vì đã khóc trong đêm.
"Người truyền ký ức" là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầy kịch tính và sức lôi cuốn, đưa chúng ta vào cuộc hành trình của Jonas khi cậu phải đối mặt với những quyết định đen tối và những sự hy sinh không thể tránh khỏi."Cùng bước vào một thế giới bị khống chế, nơi những ký ức và cảm xúc bị chôn vùi, cuốn sách "Người truyền ký ức" của Lois Lowry sẽ mang bạn vào một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ và kịch tính.
"Người truyền ký ức" của Lois Lowry là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầy sức thu hút, khiến ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của những cảm xúc. Hãy cùng Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn khám phá những giá trị của cuốn sách Người truyền ký ức qua bài tổng hợp review sách của những độc giả được yêu thích nhất. Mời bạn xem chi tiết review sách!
"Điều tồi tệ nhất của việc giữ những ký ức không phải là nỗi đau, mà là sự cô độc. Ký ức cần phải được chia sẻ".
Ký ức nơi lưu giữ những khoảnh khắc vui tươi, hạnh phúc cùng nỗi khổ đau, mất mát ... Cuộc sống hòa trộn nhiều cung bậc cảm xúc khiến con người ta đôi khi muốn thoát khỏi thế giới thực, đi đến một nơi không còn buồn đau, không có những giọt nước mắt. Nhưng liệu rằng một cuộc sống như thế có làm ta hạnh phúc hơn chăng!
Trong trang sách Người Truyền Ký Ức do Lois Lowry tạo ra là một thế giới khác, một xã hội giả tưởng, nơi mọi thứ đều đồng nhất. Jonas - cậu bé 12 tuổi, người được chọn thực hiện nhiệm vụ Người Tiếp Nhận Ký Ức . Cuộc sống mà Jonas đang trải qua cùng gia đình và những cư dân trong cộng đồng là một thế giới vô cảm, nơi mọi người được phân chia nhiệm vụ cụ thể, không biết thế nào là tình thương, sự chia sẻ và cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác ... mọi thứ đều được đồng nhất, không có sự lựa chọn và điều đáng sợ nhất là họ không muốn thay đổi.
Không có ký ức thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Jonas nhận ra điều đó trong suốt quá trình được người truyền thụ chuyển giao ký ức. Từ đó, tư duy của cậu thay đổi, cậu biết phân biệt màu sắc, cảm nhận cái lạnh của tuyết, sự ấm áp của ánh nắng dịu nhẹ, có thể gọi tên chính xác những cảm xúc mình đang trải qua, những mảnh ký ức đẹp đẽ, dịu dàng và tràn ngập niềm hạnh phúc. Cùng với đó ký ức được tiếp nhận giúp cậu biết thế nào là chiến tranh, cô độc, nỗi đau thể xác và cả sự lãng quên.
Ký ức được sẽ chia, niềm thương, nỗi nhớ, hạnh phúc cần được lan tỏa cùng mọi người, kể cả những giọt nước mắt, nỗi đau ... Thế nhưng mọi cảm giác ấy, Jonas-người Tiếp nhận ký ức phải một mình chịu đựng, cậu muốn được giải phóng ...
Tác phẩm được viết trên nền thế giới giả tưởng nên đối với mình hơi khó đọc hiểu ở những trang đầu cuốn sách, nhưng càng về sau càng cuốn, mình đã lưu lại rất nhiều cảm xúc ra giấy ... cuộc sống tươi đẹp đang chờ Jonas ở phía trước, nơi ấy miền ký ức được sẻ chia.
"Người đàn ông tôi đặt tên là Người truyền ký ức đã truyền lại cho cậu bé hiểu biết, lịch sử, ký ức, màu sắc, nỗi đau, tiếng cười, tình yêu và sự thật. Mỗi lần bạn trao một cuốn sách vào tay một đứa trẻ, bạn cũng đã làm điều đó.
Đó là một điều mạo hiểm.
Nhưng mỗi lần đứa trẻ mở một cuốn sách ra, nó đã đẩy cánh cổng ngăn cách mình và Nơi khác. Và điều này đưa đến lựa chọn. Đưa đến Tự Do"- Lois Lowry
Mình đã từng đọc tác phẩm này cách đây khá lâu, nhưng là đọc lậu. Ngày ấy mình còn nghèo và không có nhiều tiền dành cho sách, bây giờ thì mình vẫn nghèo nhưng đã sống có trách nhiệm hơn và muốn bù đắp lợi nhuận cho tác giả cũng như nhà xuất bản, nên trước thềm sinh nhật, hễ có ai muốn tặng quà mình đều đòi được tặng sách vì biết đầu tư cho sách luôn luôn là một món hời. Và cuốn sách này đã được bổ sung vào giá sách mình cũng theo cách ấy, nó đến từ một người bạn xinh đẹp mà mình quen qua mạng.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về độ nổi tiếng cũng như danh tiếng của “The giver - Người truyền ký ức” – một trong những tác phẩm tiêu biểu theo trường phái “Phản địa đàng”. Truyện thiếu nhi nhưng lại không quá thích hợp khi đọc ở độ tuổi trẻ con, bởi nó cần nhiều sự chiêm nghiệm và suy nghĩ hơn là chỉ đọc thoáng qua để nắm bắt phần nội dung chẳng mấy hồi hộp của tác phẩm.
Nói là không hồi hộp bởi tác phẩm thiếu vắng những cú “plot twist” vốn là đặc sản thường có trong mọi cuốn sách hay bộ phim, nhưng kết cục thì vẫn gợi nên những sự khó đoán định nếu người đọc không đi đến tận cùng. Câu chuyện theo chân Jonas, một thiếu niên sắp bước qua tuổi mười hai, đang vừa háo hức vừa lo sợ buổi lễ trưởng thành sắp tới gần ở cộng đồng mà cậu đang sống. Một cộng đồng nơi những đứa trẻ không được sinh ra bởi bố mẹ cùng nhà, mà được cho ra đời bởi những người chuyên làm nhiệm vụ sinh đẻ để duy trì nòi giống cho cộng đồng được gọi là “Mẹ đẻ”, với giới hạn tối đa là năm mươi “bé mới” trên một năm. Với từng độ tuổi, những đứa trẻ sẽ được trao tặng các món quà ứng với sự trưởng thành, và khi đạt đến độ tuổi mười hai, chúng sẽ được hội đồng định hướng cho công việc tương lai phù hợp với khả năng của mỗi đứa. Trái với các bạn, Jonas không được trao bất cứ nhiệm vụ định hướng nào ở lễ mười hai, bởi cậu đã được lựa chọn để trở thành người lưu giữ ký ức của cả cộng đồng. Từ đó cậu gặp “Người truyền thụ” và bắt đầu thấu hiểu những điều mà chẳng ai trong cộng đồng hiểu, nhìn thấy những thứ mà không một ai trong cộng đồng từng thấy. Rồi cậu nhận ra nơi mình sống vốn chẳng phải là địa đàng mà là một xã hội rập khuôn thiếu vắng nhiều xúc cảm, mang phần nhiều sự vô nhân đạo dưới cái lốt hạnh phúc đều đặn mỗi ngày.
Cốt truyện không hề có cao trào, nhưng người đọc vẫn đoán được rằng sẽ có một sự kiện gì đó xảy ra ở phần kết của tác phẩm, một sự kiện gì đó mở màn cho thức tỉnh, để cộng đồng của Jonas chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Mình đã chờ đợi sự kiện này xảy ra, và đáng buồn là nó không được như mình mong đợi. Cái kết tập trung nhiều vào nhân vật chính mà không hề đưa ra bất cứ gợi ý nào về sự chuyển biến của cộng đồng sau sự kiện ấy. Vậy nên sau tất cả mình không quá thỏa mãn với cái kết của tác phẩm, đó là lý do mình trừ điểm đánh giá cá nhân cho tác phẩm này.
Tuy nhiên tác phẩm có rất nhiều điểm sáng. Đầu tiên, cái cách mà Lois Lowry miêu tả những điều vốn bình dị trong cuộc sống của chúng ta trở thành những thứ quái dị mà các nhân vật trong tác phẩm chưa bao giờ được trải nghiệm là một sự tài tình và tự nhiên đến nỗi chính mình cũng phải mơ hồ vài giây để chắc rằng mình đã hiểu đúng về ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng, cảm xúc… trong cuộc sống này. Mình cũng rất thích sự chỉn chu bà dành cho từng chi tiết, dù là nhỏ nhặt, ví dụ như những món quà mà các đứa trẻ được nhận khi bước sang tuổi mới đều có ý nghĩa riêng của nó, hay những luật lệ khắt khe nhằm duy trì trạng thái xã hội ổn định để tránh mọi xung đột và sự cố có thể xảy ra. Nhưng mình nghĩ điều khiến tác phẩm này đặc biệt hơn cả chính là xã hội “phản địa đàng” dưới lốt “địa đàng” được tác giả khắc họa nên, nó không quá trần trụi và đau buồn như “Chuyện người tùy nữ” của Margaret Atwood nhưng vẫn mang những nét ám ảnh khiến người ta cứ phải suy nghĩ hoài.
Đầu tiên là về tính riêng biệt của từng cá nhân, con người có thể đấu tranh để trở nên bình đẳng, để xóa bỏ khoảng cách giữa các tầng lớp, hay sắc tộc…nhưng chẳng có ai đấu tranh để loại bỏ bản ngã của chính mình, để sống một cuộc đời bị sắp đặt từ khi sinh ra tới lúc già cỗi. Sẽ thế nào nếu một xã hội phát triển vượt xa cả sự bình đẳng và trở thành đồng nhất tuyệt đối, nơi người ta mặc những bộ đồ giống nhau, ăn những bữa ăn được chuẩn bị sẵn không một chút khác biệt, tham dự những buổi lễ và kỷ niệm với tâm thế của những con chiên ngoan đạo bị đặt trong luật lệ chung của cộng đồng?
Sự vô nhân đạo xảy ra mà người ta còn không hề biết đến khái niệm "vô nhân đạo" này. Thể hiện qua việc "phóng thích" ở cộng đồng, họ có thể phóng thích bất cứ ai, từ những người lớn tuổi đã cống hiến cả cuộc đời mình đến một đứa trẻ sơ sinh khi nó "không đạt đủ tiêu chuẩn của cộng đồng". Nơi mà những người sống chung dưới mái nhà không được gọi là “gia đình” mà là “TỔ gia đình”, một tập hợp của những cá thể chẳng có liên kết gì với nhau bằng máu mủ hay tình cảm mà là bằng nghĩa vụ và luật của cộng đồng. Rồi những đứa trẻ ấy khi lớn lên cũng không có trách nhiệm gì với người bố mẹ đã nuôi dưỡng chúng, họ lãng quên lẫn nhau và lại có cho mình “Tổ gia đình” mới.
Loại bỏ những thứ mà con người cho là ko cần thiết, là bất cập, là cổ lỗ...khiến ta nghĩ rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn, nhưng thực tế thì nó biến con người thành những con rối rập khuôn hời hợt, mất nhiều nhận thức và thiếu thốn kinh nghiệm sống. Con người là động vật bậc cao bởi cảm xúc phức tạp, phân hóa đa dạng, xã hội với cấu trúc cầu kỳ và chuyên biệt, có khả năng cảm nhận sâu sắc…khi loại bỏ những thứ đó, con người còn lại gì?
Hơn hết, cuốn sách cũng có những suy tưởng rất thực tế, có thể đặt ở bất cứ xã hội và thời gian nào, điều đó thể hiện qua những lời thoại hết mực thông thái:
“Ta biết rằng trong quá khứ đã có những thời kỳ - những thời kỳ khủng khiếp – người ta vội vàng hủy diệt nhau, vì sợ hĩa, và rốt cuộc lại đưa đến sự hủy diệt chính mình”
Người ta có thể làm bất cứ điều gì để đảm bảo quyền lợi của bản thân, chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt và rồi sẽ phải hối hận về những hệ lụy mà hành động ấy mang lại. Chẳng cần đâu xa, lấy chiến dịch “Diệt chim sẻ” của Mao những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước làm ví dụ, chỉ một bước sai lầm và 30 triệu người đã bỏ mạng. Khắp chiều dài lịch sử bất tận của nhân loại, liệu sẽ có thêm biết bao nhiêu hậu quả đau lòng xảy đến từ những quyết định thiếu sót đầy ích kỷ của chính giống loài chúng ta?
"Điều tồi tệ nhất của việc giữ những ký ức không phải là nỗi đau, mà là sự cô độc. Ký ức cần phải được chia sẻ"
Chẳng ai muốn trải qua đau đớn, nhưng cũng chẳng ai muốn đắm mình trong cô độc, không một ai sinh ra trên đời để bị lẻ loi hay “xứng đáng được” tách mình khỏi cộng đồng. Bất cứ cá nhân nào, ở độ tuổi hay giới tính nào, cũng có quyền được đào sâu gốc rễ và được sống với những cảm xúc nguyên bản nhất.
"Nhưng chúng ta không có quyền lựa chọn... Ta có vinh dự rất lớn. Cậu cũng sẽ như vậy. Nhưng cậu sẽ hiểu rằng điều đó không giống với quyền lực"
Có vinh dự và được chúc tụng, sống trong sự kính trọng và những lời tán thưởng đôi khi cũng chỉ là con rối nằm trong quyền kiểm soát của người múa rối, không có tiếng nói, không thể phản kháng và sống với bất lực đeo bám tâm hồn.
Sau tất cả, những con người trong cộng đồng chấp nhận sống không cần ký ức để trốn tránh mọi nỗi đau mà họ có thể phải trải qua. Nhưng liệu điều đó có thực sự khiến họ hạnh phúc? Khi mà những cảm xúc về tình yêu, về cái đẹp, về sự rung động… đều chưa một lần lướt qua tâm thức họ? “Người truyền ký ức” – nơi địa đàng không hẳn là địa đàng, một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc để chiêm nghiệm, để tự rút ra những bài học cho chính mình từ câu chuyện về một cậu bé mười hai tuổi, rằng điều gì là cần thiết và quan trọng nhất đối với chính ta?
Tổng hợp: Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Người truyền ký ức - Lois Lowry"