Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian là cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng lá thư người con trai gửi cho bà mẹ không biết chữ một chữ tiếng Anh nào, ấy vậy mà người mẹ đó đã nuôi anh lớn lên trưởng thành trên đất Mỹ. Một lá thư dày đặc chữ, dày đặc hình ảnh và suy nghĩ của anh, về những điều mẹ anh chưa biết, không biết hoặc đã biết. Những sự kiện, những mảnh vụn ký ức cứ thế nối liền nhau. Không đường biên, không rào trước, những hình ảnh liên tiếp tràn đến như thuỷ triều, tự xếp cho mình chỗ đứng của nó, chờ những đợt sóng khác dội tiếp lên, và cứ như thế mãi. Miên man nào là những ký ức. Miên man nào là hình ảnh. Miên man nào là những miêu tả sắc cạnh nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ.
Ocean Vuong viết về người mẹ mang tên một loài hoa - hoa Hồng. Rose. Một bông hoa Hồng mọc ra từ một nhành Lan. Bà ngoại anh tên Lan. Đó là tên bà đã tự đặt cho mình sau khi chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt. Một loài hoa mà như Ocean Vuong đã nói: Khi nở ra trông như bị xé rách. Mình nghĩ đó là lần đầu tiên trong đời, bà đã rực rỡ, với một thân mình tự do và cái tên bật ra từ chính mình.
Anh viết về những hậu chấn tâm lý chiến tranh của Ngoại và mẹ. Một người bà lú lẫn luôn nghĩ chiến tranh vẫn còn nổ ra ngoài kia. Người thường đột ngột bật dậy trong đêm để kéo Chó Con của bà núp gần cửa sổ, chờ loạt pháo bắn trong đầu bà dần tắt. Nhưng dẫu vậy, bà vẫn luôn biết vấn đề trong đầu óc của mình, và cả vấn đề trong đầu óc của con gái.
Ocean Vuong tên thật là Vương Quốc Vinh sinh năm 1988 ở Sài Gòn. Mang trong mình những ước mơ của một nhà thơ từ những năm cấp 3, anh đã bước vào thành công khi được nhận vào trường Brooklyn College thuộc Đại học thành phố New York. Anh đã xuất bản hai tập thơ mỏng (chapbook) No (2013) và Burnings (2010) cũng như tham gia nhiều cuộc biểu diễn thơ (open mic) trước khi tập thơ đầu tay, Night Time with Exit Wounds, giành được giải thưởng trong một cuộc thi và được chính thức xuất bản, biến anh trong chớp mắt thành một ngôi sao. Tiểu thuyết đầu tay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được cả đống báo lớn kể tên trong danh sách các cuốn sách đáng mong chờ nhất năm 2019, khi ra đời lập tức nhảy vào danh sách Bestseller của New York Times cùng được bầu chọn là Cuốn sách của năm của vô số báo, tạp chí, trang văn học mạng, và càn quét cả đống giải thưởng (chi tiết xem ở đây: https://www.oceanvuong.com/copy-of-home). Anh sắp cho ra mắt tập thơ mới với tựa đề Time is a Mother, nhiều bài trong đó nói về nỗi đau mất mát khi mẹ anh qua đời năm 2020.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong là cuốn sách được nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả kể từ khi ra mắt. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp các bài viết Review sách Một thoáng rực rỡ ở nhân gian được mọi người yêu thích và đánh giá cao!
Một cuốn tiểu thuyết không dày nhưng lại có thể chứa đựng được ngần ấy chủ đề: Chiến tranh, nhập cư, phân biệt chủng tộc, tình mẫu tử, LGBT+, nghiện thuốc,...
Thể hiện qua những hình ảnh ẩn dụ giàu chất thơ, nổi bật xuyên suốt cuốn sách là các biểu tượng về "Ký ức". Bản thân cuốn sách chính là một loạt ký ức như cơn lũ: ký ức về cuộc sống xa lạ ở Mỹ của Chó Con, về chiến tranh Việt Nam của bà Lan, về người chồng vũ phu của mẹ Hồng,...
Ký ức có thể là di sản để sinh tồn qua các thế hệ như những con bướm vua. Ký ức cũng có thể đem đến sự hủy diệt như đàn trâu noi bước nhau lao mình khỏi vách đá, như cái cách hàng ngàn người Mỹ chết vì nghiện thuốc sau khi chứng kiến người thân ra đi theo cách tương tự. Ký ức được gieo trồng cũng có thể trở nên sống động, như chiếc bàn hay người bố mà Chó Con chỉ nhớ mơ hồ. Ký ức cũng có thể mạnh mẽ đến mức in sâu vào cơ thể, như người phụ nữ với chiếc chân giả, khăng khăng mình vẫn cảm nhận được nó.
Cuối truyện, Chó Con nghĩ về những con trâu biến thành bướm vua, với mong muốn từ kinh nghiệm người đi trước, cậu, mẹ và những người khác có thể ngăn bản thân rơi xuống vách đá, "trái ngược với đàn trâu". Và mong rằng ở một cuộc đời khác, mẹ Hồng sẽ đọc được cuốn sách tràn đầy ký ức này và nhớ ra cậu.
"To be gorgeous, you must first be seen, but to be seen allows you to be hunted."
Đây là câu văn ấn tượng nhất đối với mình. Chó Con là đại diện cho mọi vấn đề xã hội mà Ocean Vuong nêu ra: da vàng, nhập cư, đồng tính, rối loạn lưỡng cực và nghiện thuốc,... Tất cả các khía cạnh trên khiến Chó Con bị khinh thường, bạo hành từ bé, còn nguy hiểm tới mạng sống (như mẹ Hồng lo sợ). Bà luôn muốn cậu ẩn mình đi, hòa lẫn vào đám đông. Tuy vậy, Chó Con vẫn hy vọng chấp nhận được tất cả những điều trên, những điều khiến cậu trở nên “khác biệt” và rực rỡ, tự hào rằng mình đẹp dù mình đầy khiếm khuyết. Dù việc để lộ bản thân mình chính là cơ hội cho kẻ khác lăng mạ, săn đuổi cậu.
Như bông hướng dương, can đảm vươn mình rực rỡ dù chẳng có thứ gì chống đỡ sự tấn công.
"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" quyển sách mình review nhưng không khuyến khích các bạn đọc. quyển này mình thấy khá kén người đọc nhưng mà nếu bạn mua và đọc thấy hợp thì tin mình, nó sẽ như một cây súng được lên nòng một cách thầm lặng bắn vào trong các mạch cảm xúc của bạn khiến chúng vỡ ra.
Quyển sách theo mình nó thực sự không quá dày chỉ vỏn vẹn ba trăm lẽ hai trang mà trong những trang sách là các cung đường của ký ức được tác giả vạch ra, dẫn chúng ta đi vào theo từng con chữ để tham quan chẳng theo một trình tự thời gian hay không gian nhất định, đôi lúc sẽ gây khó hiểu cho người đọc.
Với bản thân mình thì quyển sách này nó mang đậm tính thơ và nghệ thuật như một bản ballad du dương cuốn người đọc vào từng con chữ. vỡ ra rồi tái sinh.
"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là quyển tự truyện viết dưới dạng lá thư của một người con đem hết nỗi lòng viết ra để gửi cho mẹ mình, một người mẹ không biết đọc. quyển sách là quá trình trưởng thành của người con, hậu quả sau chiến tranh, tình cảm gia đình và cả tình yêu mới lớn. ở phần đầu tác giả đã viết như một lời tự thú trước mẹ mình rằng "mẹ ơi, con viết thư này để đến gần mẹ thêm - dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ con rời xa mẹ hơn", chỉ dòng đầu tiên này làm mình phải đứng lại mà đọc đi đọc lại nó, bởi lẽ mình thật sự đã nghĩ về việc khi những sự thật của mình được nói với mẹ và gần lại hay xa thêm là một chuyện mình không lường được.
Trở lại với quyển sách, mình đã thấy cái khủng khiếp của chiến tranh qua hai con người là ngoại lan - mẹ hồng của tác giả. hai con người dù đã bước qua chiến tranh không bị tổn hại về thể xác nhưng bên trong nơi tinh thần đang ngự trị lại bị tổn thương một cách nặng nề và, như cái cách để lại dấu ấn của mình chiến tranh đã để lại bên trong họ nổi sang chấn tâm lý "đã từng có một cuộc chiến tranh, rằng nó một khi đã chui vào ai thì sẽ không bao giờ ra - mà chỉ lặp lại trong tiếng vọng". gia đình anh di cư sang mỹ và thật lạc loài làm sao.
Những nỗi đau được anh ẩn dụ rất nhẹ nhàng tinh tế nhưng có lúc lại trào dâng mạnh mẽ đến độ bóp nát tâm can người đọc. tác giả viết về những gì anh trải qua và mình đọc trên những chặng đường mà tổn thương của anh còn in lại.
Trên đất mỹ đó có tình thương được nuôi nấng bằng bạo lực dùng để dạy bảo một đứa bé. người mẹ bảo với đứa con của mình "mẹ không phải quái vật" chiến tranh đi qua trên những năm tháng tuổi thơ của mẹ để lại hậu chấn tâm lý mà mẹ hay dùng bạo lực với đứa con của mình và cũng là mẹ, một đứa trẻ yếu đuối từng bị phân biệt vì màu da trên chính đất nước của mình bởi, mẹ là một đứa con lai cha của mẹ là một người lính mỹ nào đó. đánh đứa con khi nó bị phân biệt y như mình trên đất nước mỹ, rồi bảo rằng "con phải lớn hơn, phải mạnh mẽ hơn, nghe con?".
Các câu chuyện của ngoại lan người phụ nữ bị chứng tâm thần phân liệt từng bị ép gả cho một người bản thân không yêu rồi ngoại bế theo đứa con trốn chạy về nhà mẹ đẻ, để rồi nhận lại được câu nói cũng tức là định kiến lúc bấy giờ "gái không chồng như rác như rơm" đó là bản án tử hình gián lên cuộc đời ngoại "phụ nữ không chồng như rác như rơm" ngoại đi bán dâm cho lính mỹ để có tiền nuôi con, còn gì đau đớn hơn thế? cái tôn nghiêm của một con người ngoại đặt xuống để ngoại có tiền để nuôi đứa con của mình. một người mẹ, một người bà cho dù ở trên đất mỹ vẫn giữ cái truyền thống văn hóa của việt nam thông qua cách bà đặt tên cho cháu của mình một cái tên giả là "chó con". văn hóa của mình là khi một đứa trẻ chào đời ta tìm cái tên thật xấu xí để đặt cho nó để ma quỷ nghe tên xấu quá chẳng dám đến gần và "chó con" là một cái tên cũng như là tấm khiên mà người bà dựng lên để bảo vệ cho đứa cháu của mình. "vậy nên, yêu thương một thứ gì đó là đặt cho nó một cái tên thật thảm hại đến mức có thể nó sẽ không bị động đến - và nhờ đó mà sống sót. một cái tên, mong manh như không khi , cũng có thể là khiến chắn".
Từng câu chuyện của đất nước được ngoại truyền lại qua những lời nói rồi hiện ra thành một bộ phim trong trí tưởng tượng của đứa cháu ngây thơ. nước mỹ, tiếng việt và tiếng anh được giao thoa với nhau giữa hai nền văn hoá, ở nhà chó con dùng tiếng mẹ đẻ nhưng khi giao tiếp cậu lại tháo tiếng mẹ đẻ mà lắp vào loại ngôn ngữ mà mẹ cậu chắng biết chút gì. nói tiếng anh không phải chỉ cho cậu mà là cho cả mẹ vì với cậu khi người ta nhìn vào mặt cậu tức là người ta đang nhìn vào mẹ. đất nước mà mẹ hay bà cậu chào đời là đất nước mà cậu phải mượn về qua các câu chuyện được nghe kể lại từ những khói lửa mưa bom.
Trong quá trình trưởng thành chó con làm việc tại nông trại thuốc lá rồi tại đây cậu gặp gỡ mối tình đầu của mình là một chàng trai người mỹ da trắng, tình yêu này chẳng phân biệt chủng tộc hay màu da thậm chí là giới tính.
Mẹ cậu người phụ nữ từng vung tay tát cậu cùng những điều bạo lực lại dịu dàng trước lời thú nhận về giới tính của đứa con. không la mắng hay trách cứ tại sao con thích người đồng giới mà chỉ hỏi tụi nó có giết con không? tụi giết mấy đứa bận đầm" người mẹ không quan tâm việc cậu con trai thích ai mà quan tâm cậu có sống không. bởi người mẹ nào cũng mong điều tốt đẹp nhất đến với con mình, và sống là một điều thật sự rất tốt.
Mình khóc nấc lên vì một đoạn là lúc ngoại lan bệnh, mẹ cậu hỏi bà cần gì thì bà bảo "cơm, cơm gò công" điều này bất khả thi nhưng rồi cơm vẫn được đem ra dù chẳng phải là loại cơm ngoại mong. ngoại ăn và ngoại thốt lên rằng "ngon quá, gạo xứ mình ngọt quá". mình nghẹn lại vì tình yêu quê của bà. có lẽ không phải cơm ngọt, mà ngọt là vị của quê hương mình, tình cảm của con người việt nam tạo nên vị ngọt nơi hạt cơm ấy.
Quyển sách cho mình hiểu là hãy sống thật rực rỡ dù một thoáng thôi, cũng đáng giá vô cùng. và hãy yêu hết lòng, yêu hết lòng.
Có một ngày, mình tình cờ đọc được đoạn trích của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Vào trước khi sách được xuất bản tại Việt Nam, nên đây là cuốn sách mình đã chờ đợi mỗi ngày cho đến khi Nhã Nam phát hành. Đoạn mình đọc được đấy, là cái ngày mà Ocean Vương thú thật với mẹ rằng, “con thích trai”, rằng “nếu mẹ không chấp nhận thì con có thể đi.” Giọng văn của Ocean Vương mang cái gì đấy tha thiết lắm, nên mình đã nhớ đến mãi.
Trong quá trình đọc mình từng nghĩ, là ở đây, mình đang tìm kiếm điều gì nhỉ. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không gói gọn cốt truyện cụ thể. Cuốn sách được miêu tả, là viết dưới dạng lá thư gửi cho người mẹ không biết chữ. Viết cho những cảm xúc, những ký ức, đôi khi rời rạc và đứt quãng. Tựa như những mảnh vỡ của thời gian mà Ocean Vương đã lưu giữ mỗi ngày trong cuộc đời. Điều ấy tạo nên những trang viết hết sức buồn thương, “Mẹ à. Mẹ từng nói với con ký ức là lựa chọn. Nhưng nếu mẹ là Chúa, mẹ sẽ biết ký ức là con lũ.” Nhiều khi mình đâu thể chọn nhớ, hay chọn lãng quên đi, khi mà ký ức ấy sẽ chọn mình để quay trở lại.
“Con lại nghĩ về cái đẹp, về việc một số thứ bị săn đuổi bởi vì ta cho là chúng đẹp”. Người ta hay ví sự tồn tại của cá thể với một cái chớp mắt, quá ngắn ngủi so với lịch sử nơi chốn này. Rực rỡ trọn một cuộc đời, hoá ra chỉ tương tự một thoáng ngắn ngủi. Với Ocean Vương, buồn đau lớn nhất đâu chỉ của riêng mình, những vấp váp của mình, mà còn là khi phải nhìn thấy nó qua những người mà ta yêu thương. Là ngoại Lan, ngược dòng về bốn mươi năm trước, đối diện với một khẩu M-16 chĩa vào mặt, sống và chết, trong hoàn cảnh đấy, không được phép lựa chọn.
Là khi nghĩ đến mẹ mình, người đã núp sau bụi chuối, nhìn ngôi trường nhỏ đổ nát sau cuộc rải bom napalm của Mỹ. Ở tuổi lên 5, chưa hề được đến trường, thế nên, “tiếng mẹ đẻ của mình không thể che chở cho mình - vì cả nó cũng mồ côi”. Có một cuộc chiến tranh đã kết thúc từ lâu lắm, nhưng nó đâu có biến mất, nó ở lại trong con người ta. Như những vết thương vẫn đang còn tồn tại, dù cho đã bị năm tháng lấp đầy đến nỗi không thể nhìn thấy.
Là một Trevor, cậu trai thương mến, người đã bỏ nhà đi, bỏ lại ông già nghiện vodka của cậu. Để nép mình dưới cầu tuột kim loại hình con hà mã, vì có nơi nào khác để rời đi khi người ta mười sáu tuổi. “Mình nghĩ làm mặt trời không sung sướng gì vì lúc nào cũng cháy.”
Có những cảm xúc, chỉ ai đã từng trải qua mới thực sự biết được, nó xé lòng đến nhường nào. Với mình, cuốn sách ấy da diết như vậy không phải vì nó đã viết quá nhiều về những nỗi đau, những trăn trở, mà vì nó đã hoá những nỗi buồn thành thi ca.
“Con biết mẹ tin vào đầu thai. Con không biết mình có tin không nhưng con mong là nó có thật. Bởi vì như vậy có lẽ lần tới mẹ sẽ lại là Rose, và mẹ sẽ có căn phòng đầy sách, có cha mẹ kể chuyện cho mẹ nghe trước giờ đi ngủ, trong một đất nước không bị chiến tranh chạm tới. Có lẽ khi đó, trong cuộc đời đó và ở tương lai này, mẹ sẽ tìm thấy cuốn sách này và sẽ biết chuyện gì xảy ra cho mình. Và mẹ sẽ nhớ được con. Có lẽ.”
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian - Bức thư của ký ức, nỗi nhớ, giấc mơ và sự thật.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On earth we're briefly gorgeous) là tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vuong - một nhà thơ người Mỹ gốc Việt. Tác phẩm được trình bày dưới hình thức một lá thư của người con trai Chó Con (Little Dog), gửi cho người mẹ không biết chữ của mình.
Điều đầu tiên cần làm rõ, cuốn sách này không phải là "hồi ký" hay "tự truyện" của Ocean Vuong, như nhiều người nhầm lẫn, Chó Con và tác giả không phải cùng một người. Trong một buổi phỏng vấn, Ocean Vuong nói rằng, anh không muốn viết và bán đi câu chuyện riêng tư của gia đình, không muốn thương mại hoá nó. Nên tất cả những gì bạn đọc, dẫu chân thật đến khó tin, vẫn hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng, chứ không phải là ghi chép lại hiện thực. Vì lý do này, mình có rất nhiều niềm tin với Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, tất cả những xáo trộn ký ức làm nên cuốn sách không phải có sẵn, mà là được chủ ý tạo ra. Ocean Vuong không đơn thuần là người sở hữu câu chuyện cá nhân xúc động, anh là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia, một người nghệ sĩ thực thụ, với khả năng sáng tạo vô cùng.
Giờ thì trở lại với nhân vật chính - Chó Con. Có rất nhiều cách để miêu tả Chó Con, và cách nào cũng làm cho bức thư cậu viết trở nên đáng đọc. Một đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà vắng bóng đàn ông, với tình yêu khắc nghiệt của hai người phụ nữ mắc kẹt trong cuộc chiến tranh đã cũ. Một cậu bé da vàng đồng tính trên đất Mỹ, nơi người ta cư xử với những đặc điểm khác loài như là tội lỗi cần phải rửa trôi đi. Một thiếu niên mới lớn với chuyện tình đầu tiên, người tình đầu tiên ở nhà kho, nóc lán dụng cụ, một trang trại thuốc lá. Một đứa con không biết cách và không thể nói thật với mẹ mình.
Chó Con, kẻ sinh ra từ cái đẹp, kẻ bị săn đuổi, kẻ phải vật lộn với mất mát để lớn lên. Lớn lên trở thành một cái đẹp khác.
"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" không hẳn là một cuốn tiểu thuyết rành rọt, dễ hiểu. Mọi thứ được khúc xạ qua thứ gọi là ký ức, cong vênh, đứt gãy, thiếu chắc chắc và rất khó để xếp lại thành một câu chuyện rõ ràng. Ký ức của cả ba thế hệ. Nhớ, nhớ, nhớ và nhớ. Ký ức lặp lại của ngoại Lan, ký ức mơ hồ của mẹ, ký ức (rất có thể là) huyễn hoặc của Chó Con. "Có phải con đã tự bịa ra tất cả, trong cơn mơ, chỉ để thức giấc và thấy nó ăn sâu vào da mình?"
Rất khó để tóm tắt. Rất khó để bắt đầu kể từ một điểm cụ thể. Cũng rất khó để nói với mọi người cuốn sách này đẹp và xúc động như thế nào. Ngôn từ, cảm xúc, câu chuyện, những ẩn dụ, mặt trời, mùi táo xanh, đàn trâu lao xuống vực, cây sồi bị đâm nát, đàn bướm, tiếng con thú bị thương, cái bàn, bài hát, bài thơ, cuộc chiến,... Chỉ còn cách đọc, mới cảm thấy tất cả những điều đó, nghĩa là gì, hoặc không có nghĩa là gì.
Cuốn sách này mở đầu bằng "Dành tặng mẹ" và kết thúc bằng "Cảm ơn mẹ".
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian - Ocean Vuong
Mình nên gọi cuốn sách này là gì, một tiểu thuyết, một tự truyện hay một bức thư? Hay một giấc mơ được làm bằng những mẩu ký ức của tuổi thơ và tuổi trẻ?
Ngôn từ của Ocean Vuong như những mảnh thủy tinh, tình cảm, tha thiết, đẹp lộng lẫy và sắc như muốn cắt vào lòng. Nằm dưới lớp vỏ ngôn từ là câu chuyện của cậu, được kể bằng từng lời thì thầm cẩn trọng. Những câu chuyện nối dài từ ngoại Lan, mẹ Hồng, bác Mai, ông ngoại Paul, Chó Con hồi nhỏ, câu chuyện từ mảnh đất quê nhà xa xôi thuở chiến tranh, câu chuyện được mang qua Mỹ, chảy vào dòng máu của cậu trai da vàng đơn độc được nuôi lớn bởi mẹ và bà ngoại. Những câu chuyện về đàn bướm vua, đàn trâu, con nai, về cậu trai hổ báo mà dịu dàng, mọi thứ nhìn qua mắt cậu đều ngấm một nỗi buồn xưa cũ.
Không có cốt truyện, nhưng bằng những chi tiết rời rạc sáng lên đó đây, mình đã có cả câu chuyện. Mình có thể nghe và hiểu cảm xúc của cậu, phần lớn là nỗi buồn. Nỗi buồn lặng lẽ lắng xuống đáy rồi lại cuộn lên khi có thứ gì khuấy động, mà những khuấy động ấy thì thường xuyên lắm. Có những nỗi buồn bé nhỏ vụn vặt bám vào ta như hạt bụi không chịu rời đi, có những cái nặng nề nhấn chìm ta xuống đáy nước lạnh lẽo và ngộp thở. Mình đã hình dung điều đó khi nghĩ về cách Chó Con lớn lên.
Mình không thích những câu chuyện buồn. Nhưng mình thích cái đẹp. Và nỗi buồn ở đây thì rực rỡ, không phải vẻ đẹp buồn mượt mà của văn học Nhật, mà cùng lúc vừa đẹp vừa dữ dội đến đau lòng. Có phải thế giới mà Ocean Vuong bước vào quá khắc nghiệt, hay bởi tại trái tim đa cảm của cậu mà mỗi sự việc đều biến thành một vết cứa? Cậu không cường điệu cũng không che giấu, chỉ là đôi mắt cậu nhìn mọi thứ dưới góc nhìn âu yếm đến độ tôn thờ. Những nỗi đau lấp đầy bằng sự dịu dàng, dắt cậu sống qua nó, bằng cách gặm nhấm nó.
Ngôn từ là một niềm an ủi, mình tin là thế. Nên việc kể lại câu chuyện luôn là một sự chữa lành, cả khi ta không làm được gì cho người kể ngoài lắng nghe. Đọc cuốn sách này là lắng nghe từ ngữ tự tìm chỗ đứng, chúng lặng lẽ bước ra khỏi ký ức, sắp hàng trên trang giấy. Chúng được viết ra và được đọc lên để an ủi, ôm ấp, để sẻ chia, đồng cảm. Dù rằng giữa chúng ta có những ký ức chung hay không, thì mỗi từ cũng đã làm phần việc của chúng. Và mình cũng được an ủi rằng, Chó Con sẽ ổn hơn khi viết ra những dòng này.
Chúng ta, bất cứ ai, cũng chỉ là một thoáng rực rỡ ở nhân gian, cho đến khi lụi tàn trong chính khoảnh khắc rực rỡ ấy.
Nhà phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn
Dịch giả: Khánh Nguyên
Số trang: 306
Giá bìa 195.000đ
Kích thước: 14x20.5 cm
Đặt mua online sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm 30% giá bìa
Tổng hợp : Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian - Ocean Vuong"