Trong mê cung của những trang sách văn học Pháp, "Lời hứa lúc bình minh" của Romain Gary là một viên ngọc quý, phản chiếu cuộc đời đầy màu sắc của chính ông - một nhà văn xuất sắc đã vinh dự nhận hai lần giải Goncourt. Tác phẩm này không chỉ là một bản hòa ca đầy xúc cảm về tuổi thơ và cuộc đời ông mà còn là một lời tri ân sâu sắc tới hình ảnh người mẹ đơn thân với lòng can đảm phi thường, Nina.
Nina không giống như bất kỳ người mẹ nào khác; bà là một người phụ nữ đầy tham vọng và niềm tin mù quáng vào con trai mình, Romain. Bà muốn ông trở thành người hùng, "kẻ vĩ đại nhất" mặc cho hoàn cảnh nghèo khổ và tầm thường mà họ phải đối mặt. Bức tranh vẽ nên một Romain luôn được tô điểm bởi những giấc mơ và kỳ vọng của mẹ, đấu tranh với việc tìm kiếm bản sắc thực sự và định danh của mình trong khi cố gắng trở thành niềm tự hào của Nina.
Cuốn sách là một hành trình của hai mẹ con đi tìm vinh quang và danh tiếng, một con đường đầy chông gai và thử thách, nhưng cũng là một câu chuyện về tình yêu, hy sinh và lòng kiên định. "Lời hứa lúc bình minh" không chỉ kể về một cuộc đời đầy gian khổ, mà còn là một minh chứng cho thấy rằng, cuối cùng, con người có thể vượt qua mọi thứ - từ nghèo khó, cô đơn, thậm chí là cái chết - để đạt được vinh quang rực rỡ nhất.
Phong cách tự sự của Romain Gary trong tác phẩm này không chỉ dừng lại ở việc kể một câu chuyện; ông đã chuyển tải một cách nghệ thuật, tạo nên một thực tế sống động, tinh tế và cực kỳ cảm động. "Lời hứa lúc bình minh" không chỉ là một tác phẩm văn học - nó là một bản tình ca về cuộc sống, một lời hứa giữa bình minh và hoàng hôn của số phận con người.
Tác giả: Romain Gary
Dịch giả: Nguyễn Duy Bình
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 442
Phát hành: 2016
Giá bìa: 98.000đ
Mua sách online giá rẻ ‘Lời hứa lúc bình minh’ tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa
Khi ánh bình minh tỏa sáng qua từng trang sách, "Lời hứa lúc bình minh" của Romain Gary không chỉ đánh thức tâm hồn độc giả bằng những câu chuyện đầy màu sắc về tình mẫu tử và lòng quả cảm, mà còn thách thức chúng ta suy ngẫm về giấc mơ và thực tại. Cuốn sách mở ra như một lá thư từ quá khứ, tiết lộ nghị lực phi thường của một người mẹ đơn thân và khao khát trở thành "người hùng" của cậu bé Romain, trong một thế giới mà họ dường như luôn lạc lõng. Đây không chỉ là một câu chuyện, mà là một hành trình đầy biến động của tình yêu, sự hy sinh, và ước mơ vươn tới những vì sao. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review chia sẻ cảm nhận của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo review sách bên dưới!
Bạn này, bạn thử nói xem: Điều gì là cao quý nhất trên cuộc đời này?
Mình đọc “Lời hứa lúc bình minh” hơn một năm trước.
Mình quá thích cuốn sách này, thích đến mức chẳng ngần ngại giới thiệu đây cuốn sách hay nhất về tình mẫu tử mà mình được đọc, thích đến mức hơn một năm qua đã không biết viết gì, bởi mình biết từ ngữ của mình chẳng đủ sâu sắc để nói, mình sợ sẽ không lột tả được cái hay của cuốn sách.
Nhưng chính điều đó làm mình day dứt, mình nhận ra mình nợ Romain Gary những lời cảm ơn. Mình mắc nợ ông như cái cách ông mắc nợ người Mẹ vĩ đại của Ngài. Vậy nên hôm nay, lấy hết can đảm, mình ngồi viết những dòng này, có thể sẽ chưa hay, chưa đủ sâu sắc, nhưng ít nhất mình sẽ không còn day dứt vì ý nghĩ chưa hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng.
Romain Gary tốt nghiệp cử nhân ngành Luật, sau khi tốt nghiệp ông tham gia Không quân Pháp. Thời gian phục vụ trong quân đội, ông được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và Huân chương giải phóng (hai huân chương cao quý nhất của Pháp). Chiến tranh kết thúc, Romain Gary trở thành thành viên Bộ Ngoại giao Pháp, và không lâu sau đó chính thức thành Đại sứ quán Pháp tại Hollywood. Tại đây, ông bắt đầu tham gia làm phim và trở thành đạo diễn.
Về sự nghiệp văn chương, Romain Gary là tác giả duy nhất trên Thế giới hai lần đoạt giải Goncourt (trao cho hai tác phẩm Rễ trời và Cuộc sống ở trước mặt), trở thành tác giả kinh điển trên toàn Thế giới với rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng trên nhiều thể loại.
Điều đáng nói ở đây không phải ở những thành tựu ông đạt được, mà ở việc vì sao ông đạt được những điều này? Mình tin rằng chỉ duy nhất một lý do thôi: Ông là con của Mẹ ông, ông được sinh ra, được nuôi nấng bởi chính người phụ nữ này. Một người Mẹ quá vĩ đại nhưng cũng quá kiêu hãnh, quá hoài bão, quá tham vọng, quá mạnh mẽ, tâm hồn quá nghệ sĩ và thậm chí bà cũng quá cổ hủ.
Vì sao người Mẹ ấy lại vĩ đại? Vì ngay từ khi Romain Gary còn nhỏ, bà đã tin tưởng mãnh liệt con trai bà chắc chắn sẽ trở thành một thiên tài. Bà tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con, không ngần ngại để con thử sức nhiều lĩnh vực, thậm chí bà còn dám làm những điều người khác cho là “xấu hổ”, “mặt dày”, là “đáng khinh”, nhưng với bà những điều đó không hề “xấu hổ”, không hề “mặt dày”, không hề “đáng khinh” – chỉ để con được tham gia ở một lớp học, để con được tiếp xúc với những tri thức cao quý. Một người Mẹ đơn thân, phải chạy vạy mọi cách, kinh tế chưa khi nào là dư dả nhưng chỉ cần là vì con, để con không phải thua kém bất kì đứa trẻ nào, thì dù có vất vả, có khổ sở đến thế nào, bà cũng có thể vượt qua.
Vì sao người Mẹ ấy lại kiêu hãnh, lại quá tham vọng? Hy sinh vì con không ít nhưng áp lực bà tạo ra cho con cũng không hề nhỏ. “Con sẽ trở thành Đại sứ quán Pháp, con chắc chắn sẽ có Huân chương Bắc đẩu bội tinh, con phải đoạt giải Nobel và trở thành một nhà văn nổi tiếng, …” Nghe con đọc thơ nhưng trong đầu bà tràn ngập hình ảnh cậu bé ấy sẽ là một nhà thơ vĩ đại, đọc văn con viết và niềm tin mãnh liệt con sẽ là một Victo Hugo thứ hai. Bà luôn nói với con trai mình, và khẳng định những điều ấy với mọi người, người thân, hàng xóm, hay cả những người mới quen. Dù chẳng là nhà tiên tri cũng chẳng có phép thuật nhưng bà đã “tạo” ra những thành tựu cho cho con trai ngay khi con vẫn là một đứa trẻ.
Vì sao lại quá cổ hủ? Trong suy nghĩ của người phụ nữ ấy, con trai bà không ai khác sẽ là người đàn ông che chở cho cuộc đời bà. Người phụ nữ ấy không ngần ngại nói muốn con trai phải trở về nhà trong tình trạng người bê bết máu me, phải được người ta cáng về nhà nếu nghe thấy ai đó xúc phạm đến bà. Bà cũng chẳng ngần ngại can thiệp vào chuyện yêu đương của con, con sẽ yêu ai, trong mối quan hệ với cô gái nào, với bà đó là bổn phận, là trách nhiệm to lớn của người Mẹ.
Nhưng cũng chính nhờ những sự hi sinh vĩ đại ấy, những tham vọng bà tạo ra ấy, những thứ niềm tin đến mức cuồng loạn ấy, chính những điều ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến Romain Gary. Dù ông đang làm công việc gì, dù có đang là ai, dù ông có ở Anh hay Pháp ở châu Phi hay Xích đạo, dù Mẹ ở gần bên hay không thì những gì về Bà đã hằn sâu trong tâm trí ông. Suy nghĩ của bà chính là suy nghĩ của ông, linh hồn bà chính là linh hồn ông, cuộc đời bà chính là cuộc đời ông. Ông nợ người phụ nữ ấy quá nhiều thứ, ông nợ những hi vọng, ông nợ một tương lai, ông nợ một cuộc đời, giờ đây ông đang sống để thực hiện lời hứa với Mẹ của mình.
Khoảnh khắc khi gấp cuốn sách lại, mình biết ơn chính mình vì đọc cuốn sách thực sự là quyết định đúng đắn mình có. Một cuốn sách chậm rãi, quyến luyến và cảm động. Ông chỉ kể về những câu chuyện thôi, có gì đâu sao mà mình khóc, sao mà mình buồn, sao lại khiến mình suy nghĩ nhiều đến thế. Mình tự hỏi có điều gì mà một người Mẹ không dám làm cho con mình không? Không gì cả. Không một điều gì cả. Cũng như việc chẳng điều gì ngăn cản Mặt trời tỏa ánh nắng xuống Trái đất, một vài ngày không có nắng không phải do Mặt trời không còn ánh sáng, mà nó chỉ đang đợi để sau đó tỏa nắng ấm mãnh liệt hơn, chói chang hơn, và tình yêu mà một người Mẹ dành cho con cũng vậy, cứ tràn đầy, cứ mênh mông để sẽ chẳng khi nào con cảm thấy cô đơn. Cuộc đời Romain Gary nhiều thăng trầm, nhưng văn chương ông không tuyệt vọng, không một chút bất lực. Cái cách ông sử dụng ngôn từ đã đạt đến đỉnh cao, vừa gây nuối tiếc lại vừa tạo nên hi vọng, vừa trách oán lại vừa biết ơn, vừa nhẹ nhàng nhưng cũng đầy day dứt. Một cuốn sách vĩ đại về một người Mẹ vĩ đại, người Mẹ sống cả cuộc đời vì con, làm tất cả vì con. Câu hỏi “Điều gì là cao quý nhất trên cuộc đời này?”, giờ mình đã có câu trả lời: “TÌNH MẸ”.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, cảm ơn vì đã lắng nghe những tâm sự của mình. Xin nhắn nhủ điều cuối tới bạn: rằng chúng ta ai cũng có một người Mẹ thật tuyệt vời. Chúc mừng Ngày của Mẹ!
Lời Hứa Lúc Bình Minh - Romain Gary
“- Con nghe cho rõ. Nếu lần tới con bị như vậy, nếu người ta hạ nhục mẹ con trước mặt con, mẹ muốn người ta cáng con về nhà. Con hiểu chứ?
Tôi ngồi đó, miệng há hốc. Gương mặt mẹ hoàn toàn khép kín, đanh thép. Mắt mẹ không hề lộ ra chút gì gọi là thương hại. Tôi không thể tin được người đang nói chuyện với mình chính là mẹ mình. Chả lẽ tôi không phải là Romouchaka của mẹ, là hoàng tử bé của mẹ, là báu vật của mẹ sao?
- Mẹ muốn người ta chở con về trong tình trạng máu me đầy mình, con nghe rõ chưa? Ngay cả khi con không còn cái xương nào nguyên vẹn, con nghe rõ chưa?
Mẹ lên giọng, cúi xuống tôi rồi hai mắt long lên, mẹ gần như gào thét:
- Nếu không thì không cần đi làm gì...Không cần đến đó làm gì..”
Không phải là những dòng văn hay nhất trong “Lời hứa lúc bình minh” của Romain Gary, nhưng đoạn trích trên lại gây ấn tượng sâu đậm nhất với mình. Chưa bao giờ mình đọc một cuốn tiểu thuyết - tự sự về cuộc đời một nhà văn mà nhân vật chính chiếm trọn những khoảnh khắc chói sáng trong tác phẩm lại không phải chính nhà văn ấy. Nhưng Romain Gary lại làm vậy. Có cảm tưởng, khi phác hoạ lại cuộc đời mình từ tấm bé, Romain Gary đã vứt bỏ mọi tôn vinh ông nhận được khi ở đỉnh cao sự nghiệp để trở về với con người yếu ớt, mẫn cảm, ngây thơ và yêu thương cùng tin tưởng mù quáng vào người mẹ của mình. Ông nhường lại sân khấu cho người phụ nữ đáng lẽ phải toả sáng trên đó, còn ông chỉ là một tác phẩm giẹo giọ của bà, may mắn được bà đẩy lên thay mình mà thôi. [...]
Chúng ta hẳn ai cũng mơ ước được đến Pháp - kinh đô hoa lệ đó một lần trong đời. Nhưng với mẹ của Romain Gary, nước Pháp còn hơn cả một sự yêu thích thông thường, nó là một nỗi niềm ám ảnh suốt cuộc đời bà. Đó là nơi duy nhất xứng đáng sống dưới trần thế này, tất cả mọi điều về nước Pháp đều là hoàn hảo, là tuyệt đối, là tấm gương để noi theo. Không chồng, không nghề nghiệp ổn định, bà vẫn quyết tâm bươn chải kiếm sống để một ngày hai mẹ con bà sẽ được định cư ở đó. Nhưng bà cũng sẵn sàng từ bỏ giấc mộng cả đời ấy, nếu con trai bà không lớn lên thành con người mà bà mong đợi: tài năng, đa tình, và dũng cảm. Đã không biết bao lần trong tác phẩm, khi ta thấy cậu bé Romain Gary chỉ muốn trốn đi khỏi thế giới này vì những khoảnh khắc đáng xấu hổ khủng khiếp, chính mẹ của cậu lại bắt cậu đương đầu với nó: cậu không giỏi đàn, mẹ vẫn bắt cậu hàng tuần cắp đàn đến nhà thầy học; cậu không giỏi quần vợt, mẹ vẫn hùng hổ kéo cậu đến khoe với Hoàng gia Thuỵ Điển rằng cậu là tài năng xuất chúng thế nào;... Ta có thể thấy đó là ép buộc. Nhìn nhận từ quan điểm của giáo dục hiện đại, có lẽ ta còn thấy đó là tra tấn tinh thần con trẻ. Nhưng mẹ của Romain Gary không quan tâm đến điều đó. Bà điên cuồng đi tìm kiếm, nơi con trai mình, một tài năng chờ ngày nở rộ làm choáng ngợp thế giới này. Một lòng tìm kiếm hư vinh của bà đã lưu dấu ấn lên tính cách của Romain Gary, và sau này chính ông cũng đã trở thành một con người như vậy. Ông không định che giấu những mặt xấu xa của bản thân trong cuốn tự sự này, song luôn dành ngôn từ yêu thương và kính trọng nhất cho mẹ của mình, nên những điều không tốt đẹp của bà cũng chỉ như các mảng màu tối trên một bức hoạ dù nhìn ngắm thế nào cũng vẫn rất đẹp mà thôi.
Có thể thấy Romain Gary là một người sống rất nhiệt liệt, ít nhất là trong tâm tưởng và khi đặt bút, vì ông không hề tiết chế cảm xúc của mình. Mỗi một ký ức để lại nhiều ấn tượng với ông (đôi khi có những kỷ niệm mình nghĩ ông vẫn nhớ rành rọt dù đã bao nhiêu năm trôi qua), Romain Gary lại trải những trang ngồn ngộn chữ và tình cảm không thấy một lần xuống dòng ngắt quãng nào. Đôi lúc những đoạn văn như lải nhải điên loạn vậy, nhưng nó truyền tải thứ cảm xúc tột cùng mà hiếm ai có được. Giữa những trang chữ như liên miên không dứt ấy, rồi người đọc sẽ thấy một chi tiết bất thần được giở lại, kết nối với lần xuất hiện trước, ta sẽ thấy ý nghĩa của nhiều điều trong cuộc đời với Romain Gary. Mình nhớ nhất là khi ông so sánh đỉnh cao trong nghề nghiệp cũng như số bóng tung hứng cùng một lúc mà người nghệ sỹ có thể làm được: nó có giới hạn, rồi cùng lúc lại như không có giới hạn. Ta đạt đến một ngưỡng nào đó, rồi lại không biết có còn ngưỡng nào nữa mà khi vượt qua ngưỡng trước rồi, ta lại tiếp tục khắc khoải chờ đợi ngày vượt qua được. Cuộc truy đuổi đỉnh cao là cuộc truy đuổi bi kịch. Ta không bao giờ cam chịu giới hạn, luôn cầu thứ kịch cùng, nhưng rồi có lẽ sẽ phải dừng lại ở đâu đó mà thôi. Người nghệ sỹ tung hứng bóng là một chi tiết rất nhỏ trong cuốn sách gần 4-500 trang này, nhưng thật sự rất đáng để người đọc ghi nhớ và ngâm cứu, vì mình tin là mỗi người đều sẽ rút ra được điều gì đó cho bản thân. Và cuối cùng thì mình muốn nói là, “Lời hứa lúc bình minh” có rất nhiều những chi tiết nhỏ làm nên những giờ khắc suy tư lớn của chúng ta như thế. Công việc của người đọc chỉ đơn giản là cầm sách lên, dành thời gian tĩnh lặng bên nó, và bắt đầu công cuộc đãi vàng tìm kim cương thôi.
Tổng hợp: Minh Ngọc