Trong vũ trụ văn chương của Kurt Vonnegut, không có gì là bình thường, và "Lò Sát Sinh Số 5" không nằm ngoại lệ. Tác phẩm này không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một bản anh hùng ca về sự phi lý của chiến tranh qua lăng kính độc đáo của một anh lính Mỹ, Billy Pilgrim. Anh ta không chỉ chống chọi với hậu quả tàn khốc của Thế chiến thứ Hai mà còn với những chuyến du hành xuyên thời gian khó tin, mà mỗi bước chuyển mình lại càng khắc sâu chấn thương tâm lý và mơ hồ về thực tại.
Khi thực tại của Billy Pilgrim bị xé toạc bởi những đợt sóng thời gian, chúng ta cùng anh ta trải qua từng mảnh đời, từng cảnh chiến trường đến thời bình, từ sự cụt lủn của chiến tranh đến những khoảnh khắc tĩnh lặng trong cuộc sống đời thường. Vonnegut đã không chỉ viết ra một câu chuyện, mà ông đã thổi hồn vào một bức tranh đầy màu sắc với những nét vẽ đậm chất trào phúng và hài hước đen - một hình thức chống đối lại sự tàn bạo và ngu ngốc của chiến tranh.
Tác phẩm này, ra mắt trong bối cảnh nước Mỹ đang dậy sóng với những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, đã trở thành tiếng nói của một thế hệ. Và giờ đây, "Lò Sát Sinh Số 5" vẫn còn đó, như một nhân chứng lịch sử, như một lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình và sự điên rồ của chiến tranh. Vonnegut, qua từng dòng chữ, không chỉ là một nhà văn mà còn là một người hòa giải, một tiếng vọng từ quá khứ nhắc nhở chúng ta về những sai lầm của loài người.
Tác giả: Kurt Vonnegut
Dịch giả: Quân Khê
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 270
Phát hành: 2019
Giá bìa: 116.000đ
Mua sách online giá rẻ ‘Lò sát sinh số 5’ tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa
Khi mở đầu cuốn "Lò Sát Sinh Số 5" của Kurt Vonnegut, bạn không chỉ lật giở một trang sách, mà còn mở ra một cánh cửa dẫn tới những suy ngẫm sâu sắc về chiến tranh và con người. Đây không phải là một hành trình thông thường; nó là một cuộc phiêu lưu qua những khoảnh khắc lịch sử, nơi ký ức và thực tại đan xen không theo bất kỳ trật tự nào, đưa chúng ta vào trung tâm của một vũ trụ mà ở đó, thời gian dường như mất đi ý nghĩa của nó. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ review của đọc giả về tác phẩm này, mời bạn tham khảo bên dưới!
Lò sát sinh số 5 – Kurt Vonnegut
Có những quyển sách chúng ta đọc nhưng phải tìm hiểu về tác giả hay về tình hình đương thời mới có thể thấy được những giá trị và thông điệp ẩn sau những câu chữ hiện trên từng trang giấy. Để đọc “Lò sát sinh số 5” mình đã được khuyên tìm hiểu về tác giả trước, rồi hẵng đọc để có thể hiểu rõ hơn tư tưởng quan điểm của ông. Mặc dù vậy điều này vẫn không phải là dễ.
"Lò sát sinh số 5" được viết theo kiểu không gian xen kẽ, dù dòng chảy chính vẫn là cuộc đời của anh lính Billy từ khi còn nhỏ, khi gia nhập quân ngũ chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai và tới khi về già. Mặc dù có những mốc thời gian như vậy nhưng chuyện trên không theo tuyến chính, người đọc ở đoạn đầu tiên có thể đang ở thời điểm ấu thơ của Billy, nhưng đoạn tiếp theo đã thấy anh đang chiến đấu khốc liệt, đoạn sau lại là khoảng thời gian anh làm việc tại phòng khám thị lực, rồi lại quay trở lại ánh nhìn của một tù binh chiến tranh. Điểm đặc biệt ở đây là chính Billy cũng nhận thức được mọi việc, và anh mang trong mình một khả năng xuyên qua thời gian, bằng cách đột ngột nhảy vào dòng chảy cuộc đời của chính anh và tiếp tục sống trong một khoảnh khắc, rồi rời đi.
Trải qua vô số lần xuyên qua thời gian như vậy, Billy dần nhận thức và thấu tỏ về lẽ sống, về cuộc đời, rằng thì dù có phản kháng đấu tranh hay làm gì thì mọi sự vẫn xảy ra như một lẽ đương nhiên, và rằng “đời là thế”. Chính việc tác giả đưa ra định luật giả tưởng về thời gian thông qua người ngoài hành tinh của Billy, rằng thời gian không phải chỉ có một chiều như ta vẫn nghĩ, rằng thời gian không phải đi qua rồi không bao giờ có lại mà Billy sống trong những dòng thời gian song song, đồng thời, đan xen giữa Billy Ấu Thơ, Billy Tù Binh, Billy Trong Bảo Tàng Người. Việc nhảy cóc qua những phân đoạn như vậy vừa có khả năng làm rõ những điều băn khoăn của độc giả nhưng cũng có thể dễ dàng làm cho độc giả hoang mang khó mà bắt kịp tuyến thời gian nhất định theo lẽ thường.
Nếu nói Billy có khả năng du hành thời gian, hay những nhận định và phát ngôn của ông ta về người ngoài hành tinh là di chứng của PTSD thì cũng không ai phản đối nhiều bởi sự tương đồng ấy. Liệu ông có thật sự du hành thời gian? Liệu những điều ông kể về có nửa phần gian dối? Và rằng người ngoài hành tinh đã bắt cóc ông và ép ông ăn nằm với cô diễn viên nổi tiếng kia có là sự thật? Hay tất cả chỉ là sự hoang tưởng của Billy, một sự trốn tránh xã hội khi không thể hòa nhập được với cuộc sống của một người dân thông thường?
Quyển sách này nổi bật trong dòng văn học phản chiến với sự châm chọc về quyền lực con người, chạy đua vũ trang và sự vô nghĩa của chiến tranh. Vì chiến tranh mà những đứa trẻ đang tuổi ăn học bị gửi ra tiền tuyến, những ông lão gầy gò không được hưởng chế độ an sinh mà cặm cụi mang súng vác gươm để rồi trở thành những tù nhân biệt lập. Chiến tranh tàn khốc đã để lại gì ngoài những hoang tàn đổ nát, ngay cả trong tâm hồn con người.
My rate: 9.5/10
Nguyên tác: Slaughterhouse-Five (1969)
"So it goes"
"Đời là thế"
Câu nói xuất hiện 160 lần trong toàn bộ tác phẩm. Chẳng phải câu cảm thán mà là trần thuật, hững hờ, nhẹ tênh, thậm chí còn vương chút ý nhếch mép cười.
“Lò sát sinh số 5” là một quyển bán tự truyện của Kurt Vonnegut với những ký ức thời đệ nhị thế chiến, đồng thời là tiểu thuyết viễn tưởng kiêm hài đen với nào là du hành thời gian, nào là kẻ ngoài hành tinh bắt cóc mà trong đó nhân vật chính Billy dưới con mắt thế tục chính là một kẻ nhạt nhẽo ẩn trong người mầm mống bệnh tâm thần phân liệt...
Nhân đọc được quyển sách này, mình chợt nhận ra rằng thực sự ra Billy chính là người trí huệ nhất!
Uhm, hồi trước mình quyết định bỏ việc hẳn ở công ty để có thời gian suy nghĩ vài thứ. Năm năm trôi qua trong yên tĩnh, mình vẫn chẳng hiểu được ý nghĩ cuộc đời, cái gì mà 'to be or not to be' cũng chỉ là một khối sương mù... Gần đây càng ngày mình càng cảm thấy mệt. Không phải cơn mệt vật lý mà đơn thuần chính dạng tuyệt vọng với nhân sinh, chẳng muốn làm gì, chẳng thấy có gì lý thú... cái trạng huống này Sylvia Plath có nói trong “The Bell Jar” như sau: '... tôi thấy ngày nối tiếp ngày phía trước mặt chỉ còn như một đại lộ thênh thang, trắng xóa và tột cùng hoang vu. Và có vẻ thật ngớ ngẩn nếu tôi phải giặt giũ hôm nay rồi lại tiếp tục phải làm chính việc ấy vào hôm sau. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ làm tôi phát mệt. Tôi ước sao việc gì cũng chỉ làm một lần là xong vĩnh viễn.'
Vậy nhưng Billy, kẻ đối diện với những biến cố kinh hoàng nhất, những khoảnh khắc tươi đẹp cũng như đau khổ của cuộc đời lặp đi lặp lại bằng một thái độ bình thản tột cùng. Nhìn bằng con mắt của cuộc sống thế tục, anh ta đúng là một kẻ vật vờ vô cảm xúc, một người theo chủ nghĩa hư vô. Nhưng không phải vậy, mà là anh ta đã nhìn thấu, xuyên qua thời gian và không gian sự phi lý - phù du của kiếp làm người. Billy chấp nhận mọi thứ bởi nó 'vốn là', 'phải là', 'luôn luôn là' như vậy. Trí tuệ của anh ta đã bao trùm lên hoàn toàn tâm lý và tính cách. Bởi vậy không có tuyệt vọng, chẳng có đau khổ, chẳng hề mệt mỏi, chỉ duy nhất là sự Bình Thản. Đó chẳng phải là tâm thế của Thần Nhân hay sao!!
Còn lại gì sau chiến tranh...
Đọc "Lò sát sinh số 5" trong những ngày cuộc chiến tranh 20 năm ở Afghanistan kết thúc, mình nghĩ về những thành phố đã bị tàn phá, số phận đầy bất ổn của người dân thường và cả người lính sau cuộc chiến. "Tình cờ" lần này lại gặp hình ảnh những người lính Mỹ hồi quốc. Họ có bị trăn trở, ám ảnh bởi cuộc chiến như Billy - nhân vật chính của truyện?
Hàng chục năm sau khi giải ngũ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào -giàu sang, danh vọng hay bị dè bỉu, vùi dập- Billy cũng bị "gọi" giật về thời khắc chiến tranh ấy (hay như cách anh gọi là du hành thời gian). Sự kinh hoàng, thảm khốc mà vô nghĩa của cuộc chiến khiến cho mọi sự kiện khác trong đời anh trở nên không còn quan trọng. Giống như cuộc đời đã bị tách khỏi anh, và anh tham gia vào các cảnh với sự thờ ơ, không cảm xúc bất ngờ, hạnh phúc hay đớn đau nữa.
Tất cả những chi tiết sci-fic về du hành thời gian trong truyện là vỏ bọc của một tâm hồn bị xé nát bởi chiến tranh. Người lính giải ngũ với băn khoăn tìm ra lời giải thích cho sự kiện Dresden và cả cuộc chiến nói chung: "ai là người ra lệnh, bao nhiêu máy bay tham gia, tại sao lại làm thế, kết quả mong muốn là gì?". Không ai có thể giải thích, tất cả được bao biện rằng "Đời là thế". Vậy nên người lính đành tạo ra câu truyện này để tự giải nghĩa. "Cả hai đều thấy cuộc đời vô nghĩa, một phần vì những gì họ chứng kiến trong chiến tranh.... Thành thử họ đang cố tái tạo bản thân cũng như vũ trụ của mình. Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng rất chi là có ích".
Tổng hợp: Thanh Nhã