Có bao giờ bạn tự hỏi, cuộc đời này bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu chưa? Hầu hết chúng ta tin rằng cuộc sống bắt đầu từ khi sinh ra và kết thúc khi chết đi. Chúng ta tin rằng từ Không chúng ta đến, và về với Không khi chết đi. Và từ đó, sợ hãi về cái chết, về sự hư vô bao trùm lên tâm trí chúng ta.
Trong cuốn sách "Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi", Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống. Ngài tin rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Chúng ta bị khổ não chính vì đặt những ý niệm ấy lên ngôi. Ngài dạy rằng không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Khi chúng ta thấu hiểu rằng mình không bị hủy diệt, chúng ta không còn lo sợ. Đó chính là sự giải thoát.
Dựa trên chính trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc của mình, Thầy Nhất Hạnh đã viết nên cuốn sách này như một hành trình khám phá sự tự do tâm linh, đồng thời là một lời khuyên vô giá về cách thực hành thiền quán trong cuộc sống hàng ngày.
Là một thi sĩ, Thầy Nhất Hạnh đã sử dụng từ ngữ một cách tinh tế và nhẹ nhàng để giải thích về các sự trái ngược trong cuộc sống, giúp chúng ta nhìn thấy rằng sự sợ hãi về cái chết chỉ xuất phát từ hiểu biết sai lầm của chính chúng ta. Ông đã vén bức màn vô minh ảo tưởng, giúp chúng ta thấu hiểu rằng cuộc đời không chỉ là sự đến đi, lui tới, mà còn là một hành trình thú vị để khám phá và thưởng thức.
"Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi" không chỉ là một cuốn sách, mà là một nguồn cảm hứng, một lời khuyên, giúp chúng ta đối mặt với sự sợ hãi, với cái chết và với cuộc sống một cách bình an hơn, một cách trọn vẹn hơn. Đi vào từng trang sách, bạn sẽ khám phá được một con đường mới tới sự giải thoát, bình an, và hạnh phúc thật sự.
Tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản: Nxb Thế giới
Nhà phát hành: Saigonbooks
Số trang: 224
Phát hành: 2022
Mua sách online "Không diệt không sinh đừng sợ hãi" tại Nhà sách Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
Chúng ta đều sống trong sự sợ hãi về cái chết, về sự hư vô sau khi cõi đời này kết thúc. Nhưng nếu có một cuốn sách có thể thay đổi toàn bộ cách nhìn của bạn về sự sống và cái chết, bạn có dám mở nó ra không? Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook gửi tới bạn đọc một vài review sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của các độc giả đã đọc cuốn sách này, mời bạn xem review!
“Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành không. Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.”
Khi liếc qua tiêu đề cuốn sách, tôi đã tưởng rằng đây sẽ lại là một cuốn sách giáo điều nhàm chán, nặng nề những tư tưởng Phật giáo, những quan niệm nhân sinh cao siêu… Nhưng khi mở cuốn sách, ngay từ những câu chữ đầu tiên, tôi đã cảm thấy một sự cuốn hút đến lạ kỳ. Từ những lời tựa đề đầu tiên đã là một câu chuyện, bước vào cuốn sách cũng là một lời tự thuật về cuộc sống. Không hề giáo điều phi nghĩa, cũng không nặng nề, từng câu từng chữ mang đậm dấu ấn cá nhân của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng cũng đồng thời là tiếng lòng của biết bao nhiêu con người đang cùng hiện diện trên thế giới này.
Đọc hết cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, tôi lại nhớ về câu thơ “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua” trong bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu. Quả thật đúng, có sinh sẽ có diệt, có tử có lão, có tuần hoàn cuộc sống. Tuy nó là lẽ tất yếu của cuộc sống, nhưng ai trong chúng ta cũng sợ nó. Nhưng đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh, “chết” chỉ là một ý tưởng, “chết” chỉ là sự biểu hiện khác nhau của đời người.
“Bản chất thực của chúng ta là bản chất không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi mình không hiện hữu, đổi được cái lo trở thành hư không”.
Xuyên suốt quyển sách, những quan niệm mà tôi vốn bấu víu cả cuộc đời bỗng chốc bị phơi bày, bị hoài nghi. Những ý niệm về nhân duyên, về cái thực cái hư, đến những khái niệm tôn giáo xa lạ như cõi niết bàn,.... tất cả đều được định hình lại, nhưng không phải bởi những giáo lý của một con người cả đời xa rời trần thế, dành cả tâm trí tu tâm niệm phật, mà bởi chính những lý lẽ, nhưng hiện hữu đời thường. Hiểu thêm về Niết Bàn, qua ví dụ về trái mít, trái sầu riêng, qua đồng xu, qua sóng qua nước, tưởng chừng như vô thực.
Cuốn sách cũng không chỉ gói gọn về sự sinh sự diệt, mà nó còn là toàn cảnh bức tranh cuộc sống. Cảm giác như thể chúng ta đã đi qua nửa cuộc đời mà giờ mới được đánh thức. Ta cứ cho rằng những gì mình biết là đúng, ta cứ mặc định rằng mọi sự phải như thế mà chưa một lần chất vấn căn nguyên của chúng. Chính những quan niệm đã gây dựng nên cuộc sống của ta, lại được thiền sư Thích Nhất Hạnh đem ra bàn luận trong cuốn sách.
Nếu bạn là một fan cuồng sách Phật thì không thể không nghe đến thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông là một thiền sư, nhà văn, giảng viên và đặc biệt hơn ông còn là người vận động cho hòa bình Việt Nam.
Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Tâm tình với đất mẹ, Thiền sư và em bé 5 tuổi,... Thì cái tên thu hút đông đảo giới trẻ săn đón tìm đọc là quyển "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi".
Nếu bạn là một người có nỗi sợ sâu thẳm về sinh ly tử biệt, hay có những thắc mắc về mặt tối của cõi tử. Thì đây hẳn là cuốn sách mà bạn nên tìm hiểu.
Sách gồm 9 chương, mỗi chương có khoảng 9-10 mục nhỏ, mỗi mục sẽ có một trải nghiệm và lí giải cho nội dung trong chương. Ngôn từ thầy sử dụng không quá gần gũi nhưng cũng không khó để hiểu sâu về nội dung. Khi đọc sách, bạn cần có một tâm trí thoải mải, và một không gian yên tĩnh để linh hồn của sách có thể chữa lành vết thương trong tim bạn.
"Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần phải đi tìm nước vì chính nó là nước!"
"Sinh lão bệnh tử". Bạn nghĩ "sinh ra" có nghĩa là gì?
Thường ta sẽ nghĩ đó là sự bắt đầu hiện hữu của một sự vật mà trước đó nó không hiện hữu. Từ 'không là gì' trở thành 'một con người'. Đa số chúng ta luôn định nghĩa từ "sinh" như thế. Nhưng khi tìm hiểu sâu vào, ta lại thấy nó không đúng lắm.
Trước cái ngày bạn sinh ra, vốn dĩ bạn đã hiện hữu trong cơ thể mẹ, khoảnh khắc ra đời chỉ là sự tiếp nối. Đến đây, bạn có thể tìm được thời điểm nào từ "không" mà bạn trở thành "có" không. Lúc mẹ bắt đầu thụ thai? KHÔNG ĐÚNG! Vì bạn đã có trong cha một nửa và mẹ một nửa. Hoặc cũng có thể trong cha 1/3, trong mẹ 1/3 và trong vũ trụ 1/3. Vậy nên chúng đã có sẵn ở đó, chúng không cần được sinh ra. Khi mẹ sinh con ra, không phải là lúc con mới được sinh ra đời, mà là lúc con chui ra ngoài từ bụng mẹ.
Các thiền sư thường ưa hỏi: "Trước khi bà ngoại hay bà nội ra đời, thì mặt mũi bạn ra sao? Hãy tự hỏi chính mình, bạn sẽ thấy được sự tiếp nối trong bạn.
Đây là những nhận định chung của mình về toàn bộ sách, tuy nhiên để rõ hơn từng phần, mình sẽ review các mục ở một bài viết khác. Nếu có cơ hội bạn có thể tìm đọc vì thật sự nó rất hay và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Tổng hợp: Minh Ngọc