Nằm trên ngọn đồi cô quạnh, "Đồi Gai" không chỉ là tên gọi của một cô nhi viện cũ kỹ mà còn là bối cảnh chứa đựng những câu chuyện ám ảnh về tuổi thơ mất mát và cô đơn. Cuốn sách mở ra với hình ảnh của Mary, một cô bé 13 tuổi với ánh mắt chứa chan nỗi buồn và âm thầm chịu đựng sự bắt nạt không thể kể xiết tại nơi mà cô gọi là nhà. "Nó" đã làm mọi thứ với Mary - từ chế nhạo đến lừa gạt, từ những trò chơi khăm độc ác đến những cơn ám ảnh trong đêm tối - nhưng Mary không bao giờ lên tiếng. Nỗi tuyệt vọng của cô bé dường như đã bị chôn vùi sâu trong những bức tường lạnh lẽo của Đồi Gai.
Sau đó, không gian của cuốn sách dịch chuyển, đưa chúng ta đến với năm 2017, khi Ella - một cô bé khác với cuộc sống đầy vết thương tâm hồn - bắt đầu nhìn ngắm Đồi Gai từ cửa sổ phòng mình. Những mảnh đời và bí mật cũ kỹ của cô nhi viện dần dần được Ella khám phá. Với sự đan xen giữa văn tự và tranh minh họa, "Đồi Gai" không chỉ là một cuốn sách đọc; nó là một trải nghiệm đa giác quan, khiến người đọc như đang lạc bước vào hai thế giới, hai mảnh đời, hai dòng thời gian - một bằng chữ, một bằng hình ảnh.
Đồi gai không chỉ là một tác phẩm tiểu thuyết đồ họa hiếm hoi tại Việt Nam mà còn là một cuốn sách độc đáo, mở ra cánh cửa vào tâm hồn của những đứa trẻ mồ côi, giúp độc giả, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc và nhận thức về những vấn đề xã hội sâu kín. "Đồi Gai" hứa hẹn sẽ là một hành trình đầy cảm xúc, gợi mở nhiều suy tư và là một khoảng lặng để chúng ta chiêm nghiệm về giá trị của tình thân và ánh sáng của hy vọng trong bóng tối rộng lớn.
Tác giả: Pam Smy
Dịch giả: SEAL
Nhà xuất bản: Nxb Kim Đồng
Số trang: 552
Phát hành: 2018
Giá bìa: 139.000đ
Khi những bức tường cổ kính của cô nhi viện Đồi Gai thì thầm về quá khứ, chúng ta tìm thấy mình giữa những trang của "Đồi Gai" - tác phẩm đồ họa độc đáo và đầy sức hút. Dưới bàn tay tài hoa của Pam Smy, câu chuyện về Mary và Ella mở ra như một bức tranh đa sắc, nơi ánh sáng và bóng tối kết hợp tạo nên một bản giao hưởng cảm xúc, khiến người đọc không thể không bị cuốn hút từ những dòng đầu tiên. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gởi tới bạn đọc tổng hợp một vài review chia sẻ của đọc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn xem tham khảo review bên dưới!
Đồi Gai (THORNHILL) – Pam Smy
“Việc cố gắng nén khóc cũng làm mình đau. Mình không cho phép nó khiến mình khóc. Không bao giờ. Nhưng mình muốn khóc. Muốn để nước mắt lăn dài xuống hai gò má khi đang kể với ai đó là mình đã sợ đến mức nào. Muốn có người hiểu được mình thấy bản thân vô giá trị ra sao..”
Cốt lõi của hoàng hôn là thê lương, cốt lõi của cơn gió thoảng qua Đồi Gai là sự thống khổ bi kịch.
Nếu để chia sẻ những điều có thể sẽ gây thu hút mọi người ở Đồi Gai, chắc chắn là cái vibe có vẻ u ám, một cuốn graphic novel tuy hơn 500 trang nhưng mà đa phần là tranh nên sẽ dễ đọc, đọc một lượt chắc cũng tầm 1-2 tiếng là xong. Vì cốt truyện đơn giản, nhân vật ít nên mình vẫn mong nếu có thể mọi người nên đọc thẳng vào sách chứ không đọc bất cứ một cái review nội dung nào cả, và ở đây mình cũng không review nội dung luôn.
Cảm nhận của bản thân mình khi đọc cuốn graphic novel này: trong gần 1 tuần, mình đã phải đọc lại Đồi Gai 3 lần, không phải vì không hiểu, mà vì mình nghĩ mình đã bỏ sót ở đâu đó, cái gì đó khiến mình thấy cuốn này không như kỳ vọng của mình. Cho dù ý nghĩa, cách "thiết lập" cuốn sách vô cùng ổn, cái kết cũng ổn, hình ảnh ổn, tất cả mọi thứ đều "ổn". Nhưng mà thực sự thực sự thì, tất cả chỉ dừng lại ở cái mức "tạm ổn".
"Đồi Gai" đem lại cho mình một số hình ảnh mãn nhãn (như là mấy cái hình nhân búp bê chẳng hạn vì mình hứng thú mấy cái đó.) Cái cảm giác đỡ phải nhớ nhiều nhân vật vì nhân vật ít và đa phần xoay quanh nhân vật trong dòng nhật ký, và nhân vật trong tranh.
"Đồi gai" có đem lại cảm xúc cho mình không? Không hề, cho dù rõ ràng mình đang đọc nó ở thời điểm mình thực sự rất stress, suy nghĩ về cái chết nhiều, cực đoan và cô đơn. Nhưng đáng lẽ thông thường mình sẽ cảm nhận được gì đó từ một cuốn sách cũng nhắc tới những cảm xúc ấy, thì mình lại chẳng cảm nhận được cái đó của cuốn sách này. Và thực sự khi tới lần đọc thứ 3, mình đã có suy nghĩ rằng cuốn sách này tuy theo motif nhật ký (và một cái khác xen lẫn vô), nhưng tâm lý miêu tả rất chán, nên không tạo được cảm xúc cho mình.
Về mặt "rợn người"? Có lẽ mình đã đọc quá nhiều những cuốn sách "rợn" hơn, nên đối với cá nhân mình, Đồi Gai chưa đủ. Mình đọc được một review trên Goodreads nói rằng nếu bạn thích Coraline chắc hẳn bạn sẽ thích cuốn sách này. Nhưng ngay kể cả Coraline mình cũng không thấy nó rợn, thì mình cũng đủ hiểu cuốn sách sẽ không tạo cảm xúc trong vấn đề "rợn" được. Hơn nữa, nếu nói rằng sự rợn người không nằm ở yếu tố u ám kinh dị, thì tất nhiên rồi, cuốn này không có những chi tiết ấy (hoặc mình thấy thế), và cũng không rợn kiểu len lỏi vào suy nghĩ tới mức ám ảnh.
Nhưng nó không quá tệ. Nói chung như ban đầu mình đã nhắc tới, nó ở mức "ổn", và "ổn" thì để 3.5 là quá hợp lý rồi.
Có thể ở một thời điểm khác, mình lại thấy cuốn này ổn hơn thì sao? Mình vẫn nghĩ tới một thời gian sau sẽ dành cho Đồi Gai một cơ hội nữa.
Vì quả thực, khi một cuốn sách làm mình nhớ tới một điều gì đó nghĩa là mình vẫn không quá ghét nó.
"Cốt lõi của hoàng hôn". Mình cứ nghĩ mãi về cụm từ này. Cảm giác đúng rằng, cốt lõi tác giả muốn truyền tải rằng "Đồi Gai" là một thảm kịch của những đứa trẻ bị bỏ rơi, về mặt tâm hồn, cô đơn tới cùng cực, (có vẻ tác giả muốn miêu tả những đứa trẻ này bị coi là lập dị, nhưng mình không thấy một xíu sự lập dị nào trong cuốn sách này cả.)
Nếu đã là cốt lõi bi kịch liên tục tái diễn, mình mong tất cả những người trong cuốn sách này (ý là những người gặp "thảm kịch" sẽ có một thế giới nào đó được sống ổn hơn.)
Vì suy cho cùng, Đồi Gai vẫn là một cuốn sách nhân văn. Mình không thấy nó cực đoan, u ám, rợn người hay biến thái dị hợm một chút nào cả. Cho nên đừng tin hoàn toàn vào các review bảo cuốn này vibe u ám nữa.
Đồi gai_Pam Smy
“Họ không muốn biết. Mình tự hỏi tại sao họ lại không muốn biết. Điều gì ngăn cản họ ngồi xuống cạnh mình và hỏi “Em có gặp vấn đề gì không?” hay “Mọi chuyện ổn chứ?”. Mình cho rằng người lớn sợ nhận được một câu trả lời thành thật và rồi họ sẽ phải làm gì đó, phài nhùng tay vào.”
Qua những dòng nhật ký, cô nhi viện Đồi Gai hiện, với một căn gác mái nhỏ, một cô bé với chứng câm chọn lọc, Mary. Một căn gác mái bị vây lấy bởi những cơn ác mộng, cô bé liên tục bị bắt nạt bởi những người bạn sống cùng ở cô nhi viện. Cô bé xô độc đến tột cùng, tại nơi nhân danh là mái nhà tình thương cho những đứa trẻ không nơi nương tựa.
Dù vậy, bên trong căn gác mái, thế giới nhỏ của Mary, những con búp bê nhỏ xinh, những giây phút tỉ mẩn nặn đất sét, hay may đồ cho những người bạn nhỏ, những thứ giản đơn đó cứu rỗi Mary khỏi sự u tối của Đồi Gai. Nhưng mà có lẽ ngần ấy không thắng được sự đau thương ngày một lớn lên.
Ella một cô bé chuyển đến nơi ở mới cùng bố, qua cửa sổ cô bé thấy được Đồi Gai tồi tàn cũ nát giữa một khu vườn rậm rạm bị bỏ hoang, u ám và có chút quỷ dị. Cô bé sống với bố, nhưng cả một cuốn sách, cô bé gần như luôn xuất hiện một mình, giống như đang dần trôi vào quên lãng.
Về hình thức, cuốn sách rất dày dặn, với ngập tràn các hình ảnh minh hoạ sống động, lúc cầm trên tay mình đã có chút choáng ngợp, mình không nghĩ nó sẽ dày như vậy.
Cá nhân mình rất thích hình ảnh minh họa của cuốn sách, hình ảnh được trau chuốt và mang đậm chất u tối quỷ dị của toàn bộ câu chuyện. Với 2 màu chủ đạo trắng đen, mình cảm thấy không khi kinh dị của cuốn sách gần như hoàn toàn dựa vào phần hình ảnh. Và có lẽ do hình ảnh được minh họa quá tốt, vậy nên đôi khi mình cảm giác, Ella còn u buồn và cô độc hơn cả Mary. Cô bé luôn một mình, loay hoay với thế giới riêng và khao khát có một người bạn.
Mình đã đặt kì vọng khá cao vào cuốn sách, và có lẽ do thế mà mình có chút thất vọng, nội dung theo mình cảm nhận đều khá lưng chừng, và không có điểm nào thực sự được khắc họa sâu để làm mình ấn tượng. Về khía cạnh kinh dị mình cũng cảm thấy khá bình thường, mặc dù chi tiết các tiếng “thình thịch” vào cửa là một lựa chọn tốt để gây ám ảnh, nhưng mình vẫn thấy nó chưa thật sự đủ. cá nhân mình rất dễ ảnh hưởng hay bị tác động bởi những cuốn sách có màu u tối hay buồn, nhưng mình lại không cảm thấy được sự ngột ngạt hay “rợn người” nên có.
Nhưng mà không thể phủ nhận rằng, ý tưởng câu chuyện khá là tốt, mình thích cách tác giả làm 2 tuyến nhân vật song song. Và mình cũng khá ấn tượng việc tác giả xây dựng 2 nhân vật Kathleen và Jane, 2 nhân vật gần như tương phản hoàn toàn nhau.
Một cô Jane thờ ơ, ngoài mặc niềm nở hiền hòa, trong lòng lại tự lừa mình chẳng có gì nghiêm trọng, sợ phiền phức. Đáng lẽ cô ấy có thể làm gì đó, nhưng cô ấy lờ đi, lờ đi sự cầu cứu của Mary. Thật ra việc cô Jane thích những đứa trẻ ngoan ngoãn, luôn vui vẻ cơ bản chẳng sai, nhưng dù có trầm mặc hay “kỳ lạ” như thế nào trong mắt người lớn, Mary vẫn là một đứa trẻ, một đứa trẻ khao khát tình yêu thương.
Một cô Kathleen dịu dàng, ấm áp, nhưng lại chẳng thể dứt khoát lôi Mary ra khỏi bóng tối. Mình nghĩ cô ấy sẽ dằn vặt nhiều hơn Jane, dù cho Jane có sai nhiều hơn đi nữa.
Tổng hợp: Thanh Nhã