Đại gia Gatsby, còn được gọi là Gatsby vĩ đại, là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nước Mỹ do nhà văn F. Scott Fitzgerald viết và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1925. Cốt truyện bắt nguồn từ ký ức của nhân vật Nick Carraway về những gì đã xảy ra vào mùa hè năm 1922.
Năm 1922, "thời đại nhạc Jazz" là thời điểm mà bối cảnh của “Đại gia Gatsby” bắt đầu diễn ra trên Long Island của thành phố New York. Do nhu cầu để bù đắp những mất mát từ chiến tranh, lượng hàng hóa được sản xuất tăng cao kỷ lục, nước Mỹ đang trải qua thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế. Khi họ thắng chiến tranh, bán vũ khí cho các quốc gia châu Âu và cũng là chủ nợ của các quốc gia đó, Mỹ đã có được sự giàu có đáng kể này. Trong khoảng thời gian này, việc buôn bán và sản xuất rượu bị cấm đã dẫn đến sự gia tăng các tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế có tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội. Xã hội bắt đầu tập trung vào vật chất, đánh giá con người dựa trên tiền bạc và địa vị. New York trở thành một thành phố tuy giàu sang nhưng đầy ngột ngạt nhờ những cuộc chơi thâu đêm tại nhà Gatsby và những vũ trường gái nhảy, rượu bia và khói thuốc tỏa ra khắp nơi.
Gatsby đại diện cho những người đã vượt qua những thách thức và "ước mơ" của họ là gia nhập vào thiên đàng của "giới thượng lưu". Tuy nhiên, những người giàu có ba đời trong xã hội này, bao gồm cả Tom Buchanan, luôn coi thường những nỗ lực của Gatsby. Tom, người thừa kế của một gia tộc giàu có và danh giá bậc nhất ở Hoa Kỳ, luôn dè bỉu và "độc mồm độc miệng" khi gặp Gatsby. Họ luôn mỉa mai để che lấp đi nỗi sợ khi gặp những người như Gatsby, những người có nghị lực phi thường và sẵn sàng làm những gì những người sống trong nhung lụa khác không dám làm.
Trên toàn thế giới, The Great Gatsby (F. Scott Fitzgerald) được coi là cuốn sách "phải đọc". Trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20, tiểu thuyết này đứng thứ hai. Tiểu thuyết này đã được tạp chí Time vinh danh là một trong mười tác phẩm văn học nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Không phải ngẫu nhiên mà Đại gia Gatsby đứng thứ 2 trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20 đo Modern Library bình chọn. Cuốn sách dù ra đời từ bối cảnh cách đây 100 năm những nó vẫn luôn giữ được sức hút đặc biệt dành cho độc giả. Đại gia Gatsby cũng luôn nằm trong danh sách yêu thích của những những nhà văn nổi tiếng như Haruki Murakami. Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp review sách Đại gia Gatsby được yêu thích và đánh giá cao cộng đồng những người thích đọc sách. Mời bạn đọc các review sách bên dưới.
"Gatsby chỉ là đại gia. Người tạo ra Gatsby mới thật sự vĩ đại.” - Trịnh Lữ.
Gatsby (đối với mình) là một cuộc đời thú vị để tìm hiểu, chứ mình không nghĩ nhân vật này vĩ đại. Mà như Trịnh Lữ viết thì nhân vật vĩ đại nhất cuốn sách này lại là Nick Carraway, hay có thể hiểu trong trường hợp này là tác giả.
Đại gia Gatsby là một bản miêu tả về một thời kì hào nhoáng của nước Mĩ, thời kì Jazz, và giấc mơ Mĩ mà Gatsby, hay vợ chồng Wilson, và có lẽ là Nick của ngày trẻ đã mơ về. Vợ chồng Buchanan hay Baker đại diện cho giấc mơ Mĩ hào nhoáng ấy. Những con thiêu thân đánh đổi cả mạng sống chỉ để phụng sự cho sự xa hoa, để rồi nhận lấy một kết cục thương tâm. Đại gia Gatsby tưởng như là một câu chuyện tình lâm ly bi đát, nhưng Gatsby có lẽ chẳng yêu Daisy đến mức ấy. Một Daisy vốn sinh ra đã là sự hào nhoáng mà Gatsby muốn phục tùng và trở thành. Và Daisy vẫn sẽ chỉ là Daisy. Cái trịch thượng của tầng lớp tinh anh khiến cho những người như Gatsby sẽ chẳng thể nào chạm đến.
Fitzgerald vĩ đại vì đã khắc hoạ một Gatsby điên cuồng, có thể cao thượng nhưng cũng thấp hèn trong một tích tắc. Một thế giới phân tầng và sự vô lí của nó, những loại người và những đam mê hào nhoáng. Nick Carraway vĩ đại ở cách anh ta nhìn nhận mọi sự trong đôi mắt không phê phán, và rồi nhận ra cái ngờ ngệch vô nghĩa của giấc mơ hào nhoáng, sự tầm thường của bờ Đông. Sự thức tỉnh của Nick hay của Gatsby có lẽ cũng là đích đến cho tác phẩm này.
Để bàn riêng ra những phân đoạn mình thích thì chắc có lẽ là đoạn mở đầu của tác phẩm. Cái cách Nick nói về lòng bao dung và sự không phê phán của anh ta khiến ta nhận ra anh ta không bao dung như thế. Không phê phán từ lòng bao dung đã trở thành một sự dửng dưng và khinh khi thầm lặng nhờ vào tư tưởng phân cấp. Nhưng sau cuộc gặp gỡ với Gatsby, hay nói cách khác là sự va chạm toé lửa giữa những tầng lớp, Nick nhận ra sự tàn khốc đến vô lí ở cái thứ gọi là giấc mơ Mĩ, mà nguyên nhân sâu xa của tất thảy đều đến từ sự phân cấp sâu sắc trong xã hội. Chuyển biến tâm lí ấy cùng với những miêu tả vừa hào nhoáng vừa đau thương về một Gatsby bí ẩn khiến người đọc ngay lập tức chìm vào thế giới của miền Đông và miền Tây, của ranh giới mong manh mà xa vời giữa Gatsby và Daisy.
Có lẽ đây là trải nghiệm đọc thú vị nhất trong những tháng này của mình.
Đặt mua online sách "Đại gia Gatsby" tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn được 30% giá bìa
Đại gia Gatsby - Biểu trưng của thời đại
Có một lần tôi nghe một người Mỹ nói, một người Mỹ khác đã mỉa mai rằng: “Giấc mơ Mỹ (American Dream) chỉ có thể nhìn thấy được khi ngủ”. Khi tôi đọc xong Gatsby câu nói này lại bỗng nhiên xuất hiện trong đầu. Dù phải nói rằng đây là một cuốn sách khó đọc, bởi nó mang quá nhiều ẩn dụ và tinh thần của một thế kỷ trước, cũng đã không ít đoạn tôi phải đọc đi đọc lại chỉ để thực sự nắm được ý mình đang đọc. Nhưng khi đọc xong những lời của Trịnh Lữ bộc bạch về chính tác giả và cốt cách lấp ló ẩn hiện của một danh tác phía sau cái tên Đại gia Gatsby thì tôi nghĩ khó có bản dịch nào có thể thể hiện chính xác hơn nữa về Đại gia Gatsby.
Phải nói tôi rất thích cách chuyển ngữ của tác giả cho The Great Gatsby là Đại gia Gatsby, đó cũng là suy nghĩ của tôi khi đọc cuốn sách này: Rốt cuộc The Great trước từ Gatsby ở đây nên được hiểu như thế nào. Và việc chuyển ngữ The Great Gatsby thành Đại gia Gatsby theo tôi là đưa người đọc vào một sự suy tư nhiều hơn về bối cảnh, về thời đại và về những con người như Gatsby vào “Thời đại Jazz”. Nó đưa câu chuyện trở thành một bức màn bí ẩn và hư ảo về cuộc đời cũng như nhân cách của Gatsby, mà chính người dẫn chuyện vẫn luôn tự hỏi. Và hỡi ơi, may sao cái tiêu đề của chuyện là Đại gia Gatsby chứ chẳng phải Gatsby vĩ đại, vì có lẽ vào cái thời mà tiền bạc không trở thành một thứ khiến cho con người ta trở nên vĩ đại như hai thập niên đầu của thế kỉ 21 thì cái tên Đại gia nó trung lập và hợp thời hơn nhiều.
Xuyên suốt câu chuyện, ngoài bối cảnh ly kỳ và cái thực tế trần trụi, trống rỗng của thời đại, đồng tiền lên ngôi và sự suy đồi của đạo đức, thì những suy tư của chính người kể chuyện kéo ta lại tránh xa cái thói đời phù phiếm, vật chất ấy. Cũng chính nhờ người kể chuyện mà Gatsby ngoài sự giàu có và những lời đồn thổi, thì người đọc cũng được chứng kiến một Gatsby khác, một Gatsby với sự lúng túng khi lần đầu gặp lại Daisy, một Gatsby cô đơn trước dinh thự vắng bóng tiệc tùng, và một Gatsby cũng không nằm ngoài những ám ảnh của thời đại. Cuộc đời Gatsby là biểu trưng mạnh mẽ cho khát khao và tinh thần của Mỹ quốc những thập niên đầu thế kỷ 20. Đối diện với đỉnh cao của tiền bạc, sự phụ thuộc vào đồng tiền, tiêu chuẩn đạo đức bị tiền chi phối, sự mất cân bằng của một xã hội đề cao vật chất, cũng suy tàn nhanh và quạnh quẽ như chính cuộc đời Gatsby.
Ban đầu tôi không ưa Daisy, nhưng cho đến cuối cùng thì tôi nghĩ nhân vật này chẳng có gì đáng để nói đến. Có chăng thì chỉ được nói đến qua Gatsby và tôi nghĩ đoạn văn nhiêu đây là đủ để nói về mối tình này: “Khi ra chỗ hai người chào tạm biệt , tôi thấy cái vẻ kinh ngạc ngẩn ngơ đã lại ở trên mặt Gatsby, như thể ông bỗng thoáng thấy nghi ngờ không biết niềm hạnh phúc hiện tại của mình là thật hay giả. Gần 1 năm trời còn gì! Chắc hẳn có những lúc ngay ở chiều hôm đó Daisy đã không đúng như ông vấn mơ tưởng - không phải nó có lỗi gì, mà chỉ là vì ảo mộng của ông sinh động khủng khiếp quá. Nó vượt quá cả Daisy, vượt quá mọi thứ. Ông đã quăng mình vào nó với một say đắm đầy sáng tạo, lúc nào cũng trang hoàng thêm thắt, chẳng bỏ sót dù chỉ một vẩy lông chim sặc sỡ tình cờ vương trên lối ông đi. Thật là không có lửa nào đủ nóng, cũng chẳng tươi mới nào đủ nồng so với những ám ảnh chứa chất trong lòng một kẻ nam nhi.”
Đứng trước bức tranh lớn về thời đại như Đại gia Gatsby có lẽ tôi cũng chỉ có thể nói được bấy nhiêu đây, còn về văn phong có lẽ cần đọc nhiều hơn những mảnh ghép cùng thời khác để có thể yêu cách hành văn của Fitzgerald (hoặc có thể là cách dịch). Dù sao tôi cũng rất trân trọng bản dịch của Trịnh Lữ vì tôi có tham khảo các bản dịch khác và ngôn từ cũng như cách diễn đạt của ông ấn tượng hơn rất nhiều.
Tôi tìm đọc cuốn này vì biết đây là một trong những quyển được Haruki Murakami yêu thích nhưng ngay sau khi đọc xong, tôi vẫn chưa hiểu được lý do ông thích và những điều xung quanh cuốn sách.
Tôi đọc bản dịch của Trịnh Lữ, là một dịch giả mà theo tôi là có kinh nghiệm. Tên gốc của cuốn sách là “Great Gatsby” sau nhiều lần Francis Scott Fitzgerald cân nhắc, được Trịnh Lữ dịch thành “Đại gia Gatsby” cũng sau rất nhiều đắn đo. Tuy nhiên, có nhiều dịch giả khác dịch là “Gatsby vĩ đại” và tôi thấy tên này hợp lý hơn.
Nội dung cuốn sách không phức tạp nhưng quả thực, nếu không đọc thêm về hoàn cảnh ra đời cũng như các câu chuyện quanh nó, sẽ khó có thể hiểu được hết các tầng nấc mà nó đề cập đến. Về nhân vật Gatsby, đó là một người có nguồn gốc nghèo khó, yêu Daisy, một cô gái thuộc gia đình giàu có và chính vì sự khác biệt về gốc gác đó đã không thể cưới được cô. Gatsby sau đó vươn lên làm giàu với mong muốn chiếm được Daisy nhưng cuối cùng lại chết một cách lãng xẹt và trong cô đơn. Câu chuyện đã để lại cảm giác trống rỗng, vô nghĩa…. và đằng sau nó là xã hội Mỹ những năm 1920, khi sự giàu sang, hào nhoáng lên ngôi, là bức chân dung của “thời đại Jazz”, của “giấc mơ Mỹ”. Trên thực tế, những điều Gatsby mong muốn chỉ là giấc mơ. Quá khứ là cái đã qua đi, không bao giờ có thể làm lại. Nguồn gốc, gia cảnh là những điều không thể chỉnh sửa. Còn nữa, muốn giàu có nhanh chóng, chẳng có cách nào khác là buôn lậu. Và Daisy cũng chỉ là một phụ nữ hời hợt, thích giàu sang và an toàn. Cái đốm sáng xanh mà Gatsby ngày ngày đứng từ nhà mình nhìn về phía nhà Daisy ấy, chính là ẩn dụ về giấc mơ, là điều chẳng bao giờ với tới được.
Nhân vật “tôi”, Nick Carraway là người kết nối chúng ta với Gatsby, là cái nhìn của chính tác giả về các câu chuyện trong xã hội Mỹ thời kỳ đó.
Trong một lần nói chuyện, Haruki Murakami đã nói về cuốn sách: “Đúng vậy, tôi đã đọc cuốn sách kia khi 17, 18 tuổi lúc còn đi học. Đó là cuốn sách về giấc mơ, cách hành xử khi giấc mơ tan vỡ, một chủ đề quan trọng với tôi. Đó không phải là giấc mơ của người Mỹ mà là giấc mơ chung của những người trẻ.” và thực sự ông cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi cuốn sách khi viết các câu chuyện của mình. Quyển gần đây nhất tôi đọc là “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ”, chính nhân vật Menshiki là hình ảnh rõ nét của Gatsby.
Đọc sách đã thú vị, thú vị hơn là khoảng trống giữa các quyển sách. Đó chính là khi việc “đọc sách” kết thúc, ngồi nán lại một chút tìm hiểu, suy ngẫm thêm các câu chuyện xung quanh quyển sách, trước khi bắt đầu một cuốn sách mới. Với “Gatsby vĩ đại”, tôi còn xem luôn cả phim nữa và rất ưng ý với Gatsby của Leonardo Dicaprio.
Tổng hợp: Minh Ngọc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Đại gia Gatsby - F. Scott Fitzgerald"