Review sách Con gái - Camille Laurens


Review Sách | 01/03/2024 12:47| Minh Ngọc

Lượt xem: 371

‘Con gái’ – Hành trình định nghĩa sự tự do

Khám phá sâu sắc về cuộc đời và những thách thức của người phụ nữ trong "Con gái – Fille" một tác phẩm xuất sắc của Camille Laurens. Mượn lời người kể Laurence Barraqué, chúng ta theo chân một người phụ nữ Pháp trải qua bốn thập kỷ thay đổi, từ khi còn là một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình tầng lớp trung lưu tại thành phố Rouen, cho đến khi cô trở thành người mẹ của chính con gái mình.

"Không, tôi có hai đứa con gái" – câu nói của người cha năm 1964 đã vô tình vẽ nên bức tranh đầu tiên về sự phân biệt giới tính mà Laurence phải đối mặt. Nó không chỉ là một câu chuyện cá nhân, mà còn là tiếng vọng của hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới, những người mỗi ngày đều phải vật lộn với những kỳ vọng và hạn chế mà xã hội áp đặt lên họ.

Laurens đưa chúng ta qua một hành trình văn chương đa ngôi kể, từ ngôi thứ hai của tuổi thơ, qua ngôi thứ nhất lúc tự khám phá bản thân trong suốt quãng đời vị thành niên, cho đến ngôi thứ ba khi mô tả cảm giác tách biệt sau những tổn thương sâu sắc. Chúng ta không chỉ đọc về những suy nghĩ và cảm xúc của Laurence, mà còn được chứng kiến cách cô tìm kiếm sức mạnh nội tại để định hình lại cuộc sống của mình và con gái cô.

Review tiểu thuyết Con gái

"Con gái" không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một tuyên ngôn về sự tự do và quyền lực của người phụ nữ. Laurence, qua mỗi trang sách, dần chứng minh rằng người con gái không chỉ đơn thuần "trở thành", mà còn có quyền "tái định nghĩa" chính họ. Camille Laurens, với ngòi bút điêu luyện và cái nhìn sắc sảo, đã tạo nên một tác phẩm mà mỗi chương, mỗi đoạn văn, đều thôi thúc độc giả suy ngẫm về hành trình đầy thách thức nhưng cũng không kém phần oanh liệt của người phụ nữ trong thế giới đương đại.

Thông tin sách:

Tác giả: Camille Laurens
Dịch giả: J.B
Nhà xuất bản: Phụ nữ Việt Nam
Số trang: 260
Phát hành: 2023
Giá bìa: 132.000đ

Mua tiểu thuyết online ‘Con gái của Camille Laurens’ tại Nhà sách Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa

Review sách Con gái

Trong một thế giới nơi định kiến và hình mẫu vẫn cứ dai dẳng bám lấy từng bước chân của phụ nữ, "Con gái – Fille" của Camille Laurens không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà là một lời kêu gọi mạnh mẽ đến tự do cá nhân. Mỗi trang sách như một mảnh ghép tinh tế, khắc họa cuộc đấu tranh để tìm kiếm và bảo vệ bản ngã giữa bộn bề những quy chuẩn xã hội. Laurens đã sử dụng ngòi bút của mình để vẽ nên một bức tranh sống động, đầy màu sắc về hành trình định nghĩa lại "tự do" qua lăng kính của một người con gái. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ cảm nhận của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo các review sách bên dưới!

Review sách của Tờ

Là con gái

Thông báo không cảm xúc nhưng lặng lẽ khoét một vết nứt lên mối quan hệ vợ chồng đã có 2 mặt con gái. Phôi thai con trai là do công sức của người chồng, mất đi một đứa con trai thì điều được quan tâm là cảm xúc của kẻ làm cha, khi một gã đồi bại xâm hại trẻ em thì người ta cũng nghĩ ra được cách cảm thông.

Xã hội trong quyển sách này là thế, dựa vào giới tính của đứa con mà đối xử với người mẹ, đứa con gái còn mong gì hơn từ một người mẹ cũng thấm nhuần tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Dù con là con gái, nhưng con có thể sinh con trai” - đây là một câu an ủi ?

Review sách Con gái của Tờ

Hành trình trưởng thành cùng với việc tiếp thu ngôn ngữ của Claude là một góc nhìn mới cho vấn đề phân biệt giới tính. Những từ ngữ đi cùng chúng ta qua tháng năm, dùng lòng quan tâm của cô bé Claude mà ngẫm nghĩ thì lại ngộ ra là bất công khó hiểu đã tồn tại từ thuở người ta biết dùng kí tự để giao tiếp.

Sự tinh tế trong phân tích của tác giả còn thể hiện qua việc chọn dùng linh hoạt cả 3 ngôi kể, dù trọng tâm là viết cho nữ quyền nhưng vẫn cài cắm nam tính độc hại vào, mình thích tư duy không hạ thấp điều đối lập để nâng tầm vấn đề của bản thân lên.

Khi làm mẹ, Claude dù cô đã đặt ra nhiều dấu hỏi từ tấm bé cũng không thoát được suy nghĩ là con gái phải công dung ngôn hạnh, phải sánh đôi với một chàng trai. Qua những gì đã bộc bạch, có thể nói Claude xuất phát từ một vùng tự do tâm hồn, không bị rằng buộc về mặt sinh học. Cô tìm tòi những khúc mắc sâu xa, mở lòng quan sát thế giới, lắng nghe bản thân và cuối cùng lựa chọn trở thành một cô gái.

Nữ quyền với mình là thế - để phụ nữ tự do trong tất cả mọi phương diện, bất kể điều gì cũng không thể trói buộc.

Nó cười như thể cười với một kỉ niệm – “thậm chí, tuyệt vời, con gái ấy ạ”.

Giới tính không phải là một vấn đề thiếu khuyết, mọi thành lũy cố chấp đề sụp đổ trước sự trong trẻo trong giọng nói của con gái cô.

Chỉ có một việc phải làm, và Claude đã làm, đã nói:

“Con nói đúng, con yêu, một cô gái, điều đó thật tuyệt vời”

Review sách của Xuxu

“Là con gái” hay “là con trai" là đặc quyền tuyên bố của bà mụ hoặc bác sĩ, trước thời có kỹ thuật siêu âm thai. Còn ở nước Pháp những năm 1960, bối cảnh chính của truyện, “là con gái” còn là một lời nguyền. Nó gần như định trước tương lai của đứa bé từ khi lọt lòng. Là con gái đồng nghĩa với chẳng là gì, coi như không có, luôn thấp hơn nam giới.

Bằng câu chuyện đời của người kể chuyện Laurence Barraque, kéo dài từ 1959 đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tác giả Camille Laurens đã kể hết những bất công, bất tiện, những thiên kiến định kiến, những hiểm nguy rình rập, và cả những nỗi đau, bi kịch mà phụ nữ phải đối mặt/gánh lấy, từ khi là em bé, đến tuổi nhi đồng, thiếu niên, rồi trưởng thành, làm vợ, làm mẹ.

Review sách Con gái của Xuxu

Con gái cho người đọc thấy một phiên bản Pháp của câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Khi được hỏi ông có con không, người cha trả lời “không, tôi có hai con gái”. Tác giả tinh tế khai thác sự thống trị của nam giới có ngay từ ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ có từ giống đực hay giống cái như tiếng Pháp.

Bà đưa ra một sự thật lạ lùng: có một từ riêng để chỉ con gái (giới tính) và con gái (của bố mẹ) lại là một điều xa xỉ với nhiều ngôn ngữ. Tiếng Pháp dùng fille cho cả 2, trong khi tiếng Anh có các cặp son/boy, daughter/girl. Số từ giống đực áp đảo giống cái, và quy tắc ngữ pháp cũng ưu tiên giống đực (mình nhớ bài học tiếng Pháp khi xưa: một nhóm lẫn lộn thì chia động từ theo giống đực).

Cả cuộc đời, Laurence sống để vượt lên cái “số phận rỗng tuếch” định sẵn cho một người con gái; mình sẽ không nói ra để tránh tiết lộ nội dung, nhưng tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra cho những thứ vừa kể, đều sẽ xảy ra với cô. Những bi kịch, biến cố đó không mới - chúng xuất hiện ở khắp nơi, từ văn chương đến ngoài đời - nhưng tác giả đã cô đọng lại, kể lại chúng, với sự đảo ngôi kể liên tục - lúc thì con/bạn, lúc thì tôi, khi thì cô ấy (mà mình nghĩ nên dịch là “em" thì hơn). Mỗi lần đổi ngôi kể là một giai đoạn mới của cuộc đời, và là dụng ý của tác giả.

Người dịch chọn dịch ngôi thứ 2 ở phần đầu là con, nhưng đến phần sau thì dịch là bạn, theo mình cũng khéo. Nếu đọc tiếng Anh mình có lẽ không nghĩ trong đầu như thế.

Thật ra mình đã kỳ vọng nhiều hơn với phần mở đầu của truyện, đến đoạn giữa thì thấy cũng bình thường, vì như đã nói, những diễn biến đó khá quen thuộc, cho đến phần cuối, khi dòng thời gian đã đến thời chúng ta đang sống, mọi thứ đột nhiên dữ dội hơn.

Phần sau của tác phẩm hoàn toàn đối lập với trước đó, trước hết vì tính lịch sử: nửa cuối thế kỷ 20 tất nhiên khác nhiều với những năm đầu thế kỷ 21 - những người từng giải phóng bản thân khỏi sự thống trị của nam giới, để xây dựng danh tính của mình rốt cuộc cũng phần nào thấy được phái nữ có được sự tự do đó, ở thế hệ con cái của họ.

Những người từng hoang mang khi số phận gán cho mình làm con gái, giờ có thể vui sướng khi thế hệ sau đón nhận bản dạng giới đó, hay bất an khi chúng có vẻ từ chối, không muốn làm con gái. Bằng cách kể chuyện đời của Laurence, theo phong cách giả tự truyện (có cả hư lẫn thực từ đời thật tác giả), Camille Laurens đã kể lại được cách mà người ta nói về giới tính, tình dục và tranh đấu cho nữ quyền trong hàng chục năm qua.

Tiểu thuyết kết thúc bằng câu "một cô gái, điều đó thật tuyệt". Từ chỗ “là con gái" với sắc thái ê chề thất vọng đến được kết cục này, là cả quá trình tranh đấu, mà Camille Laurens đã tài tình kể lại bằng chuyện đời của Laurence, mà cũng có thể là chuyện của bất kỳ phụ nữ

nào.

Review sách của Tâm Anh

5/5 sao trọn vẹn cho ‘con gái’, một tác phẩm quá đỗi tuyệt vời!

Con Gái của nhà văn Camille Laurens chính là một trong những tác phẩm HAY và XUẤT SẮC NHẤT tớ đọc trong năm 2023!!! Chắc chắn các bạn sẽ thấy tần suất xuất hiện của cuốn này còn nhiều, nhiều, và nhiều hơn nữa trên kênh của tớ, vì tớ yêu cuốn sách này bằng tất cả con tim mình. Đến độ mà tớ trộm nghĩ sau này kể cả khi ngỏm rồi, mà đột nhiên con cháu tớ nghe thấy tiếng thổn thức từ đâu đó vọng lại, thì chắc mẩm đó là tiếng khóc của linh hồn tớ ở nơi bên kia dội về khi đọc lại cuốn sách Con Gái!

Hãy thử tưởng tượng, khi nhắc đến khái niệm nữ quyền, bạn nghĩ đến điều gì? Hình ảnh người phụ nữ với câu cửa miệng rằng “con gái phải thật mạnh mẽ” chăng? Một người phụ nữ tuyên bố đàn ông chính là kẻ thù của nhân loại? Hay hình ảnh người phụ nữ hạ bệ đàn ông để tâng bản thân mình lên? Chà chà, nếu những hình ảnh tương tự như vậy lướt qua tâm trí bạn thì rất có thể bạn là đã vô tình sa vào cái bẫy của truyền thông bẩn, những chiến dịch rập khuôn phụ nữ với hình ảnh “bá đạo tổng tài”, “rắn cả bên trong lẫn bên ngoài”, “thượng đẳng hơn đàn ông” và bài trừ tính nữ của họ.

Với tớ, khái niệm nữ quyền đơn giản là việc hãy để phụ nữ tự do theo đuổi và làm những gì họ muốn mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì. Có người mong muốn trở thành người nổi tiếng, có người khao khát được theo đuổi đam mê, hay có người mơ về tổ ấm hạnh phúc gia đình... Tất cả những ước muốn ấy của phụ nữ đều đáng được trân trọng và họ hoàn toàn có quyền tự do chinh phục các ước mơ và trở thành bất kỳ ai họ muốn, miễn là họ cảm thấy hạnh phúc.

Review sách Con gái của Tâm Anh

Đó cũng là thông điệp mà tác giả gửi gắm qua Con Gái, bên cạnh việc khắc họa thực tế trần trụi một xã hội theo chế độ phụ quyền, nơi mà con gái được xem như một phế phẩm, một nỗi thất vọng hay là “thứ để mua vui chỉ vì họ không sở hữu cái nằm giữa hai chân như của con trai.

“Họ thật sự chẳng bị gì cả. Vấn đề của họ là như vầy - tại sao họ không có gì ở cái chỗ mà đàn ông có một cái gì đó. Sự khác biệt này hủy hoại họ, họ không thuận theo sự sắp đặt. Nó khiến cả thể xác lẫn tâm hồn họ quặn thắt mà không biết tại sao.”

Theo chân Laurence, nhân vật chính của cuốn sách từ thuở mới sinh đến lúc trưởng thành, độc giả sẽ được chứng kiến sự phân biệt đối xử tàn nhẫn đến đau đớn chỉ vì cô là con gái. Không chỉ trở thành nỗi thất vọng, hổ thẹn và chán chường của cha, tư tưởng trọng nam khinh nữ, thật đau lòng làm sao khi thậm chí nó đã đóng đinh trong tâm trí của những người phụ nữ nơi này. Họ rập khuôn rằng phụ nữ phải thật xinh đẹp, dịu dàng và phải thật gầy, rằng phụ nữ nên biết thân biết phận ngồi yên để cho đàn ông giở trò đồi bại, vì đó là bản năng của đàn ông nên họ có quyền làm thế. Rằng nếu sinh con trai thì công là của chồng, còn nếu là con gái thì tội lỗi thuộc về người vợ, rằng họ chẳng thèm quan tâm đến chuyện phụ nữ là người mang nặng đẻ đau, họ chỉ quan tâm đến cảm nhận của người chồng khi vợ mình sinh ra con gái. Rằng con gái thì phải hy sinh và biết điều, vì đó là trách nhiệm của phụ nữ.

“Lại là con gái nữa: Con gái là một cái tin gây thất vọng. Người ta không chờ đợi con.”

Có lẽ bởi cùng là con gái nên tớ rất cảm thông và thấu hiểu với những giày vò và bứt rứt của những người phụ nữ trong câu chuyện này. Trong quá trình đọc Con Gái, đôi khi tớ cảm thấy bất lực đến quặn thắt trước những bất công mà phụ nữ phải gánh chịu, rằng tại sao có thể nhồi nhét vào đầu phụ nữ rằng sứ mệnh của họ là phải phục tùng đàn ông mà không nói rằng bản thân họ cũng đáng được coi trọng và yêu thương, rằng tại sao phụ nữ khi ngủ với đàn ông thì bị coi là hư hỏng trong khi đàn ông ngủ với phụ nữ thì được coi là chiến công, rằng tại sao cơ thể và tính mạng của phụ nữ lại trao quyền cho người khác định đoạt; và đôi lúc tớ lại cảm thấy phẫn nộ cùng cực khi rõ ràng phụ nữ là nạn nhân nhưng cớ gì lại bảo họ phải im lặng không được lên tiếng? Vì hà cớ gì lại vu oan và sa thải một y tá lâu năm mang-giới-tính nữ và thế chỗ bằng một người đàn ông chưa hề có kinh nghiệm gì vào vị trí của cô ấy? Tại sao lại kiềm chân phụ nữ và giam cầm họ trong cái lồng của định kiến và gán lên họ những hình tượng xấu xa nhất như “quỷ cái”?

Ngoài lề một chút, nếu bạn để ý thì những clip nhạy cảm bị rò rỉ thì đa phần giang cư mận đều tò mò và bình phẩm về người phụ nữ, cho rằng phụ nữ dễ dãi và “không cẩn thận” nên mới bị như vậy, trong khi người đàn ông thì hầu như không ai quan tâm đến. Wow, sự khác biệt đó!

“Tôi đã ở đó dưới ánh mắt của họ... Tôi thấy một cô bé đang vùng vẫy trong sự bất lực, cúi đầu, vỗ cánh, tôi thấy cô bé ấy đang vật lộn với chiếc lồng, không thể tự giải thoát cho bản thân, hai lần, ba lần, rồi chậm lại, rồi bỏ cuộc. Phải chăng đây là số phận chung của những con bướm và cô gái?”

Không chỉ vậy, tớ cảm thấy có một sự một sự liên kết sâu sắc giữa mình và những cô gái trong tác phẩm này. Đó là sự ám ảnh về ngoại hình, cân nặng, về những điều phi lý như phụ nữ phải trẻ mãi không già, về việc phụ nữ phải biết chăm chút vẻ đẹp để làm vừa mắt đàn ông. Thật buồn khi phải nói rằng đây là một thực tế vẫn tồn tại ở thế kỷ 21 chứ chẳng đâu xa.

Con Gái cũng là tác phẩm làm nổi bật sự đa dạng của tính nữ và ca ngợi tình mẫu tử. Bên cạnh nỗi trăn trở và giày vò của Laurence được lột tả cực kì chân thật, tớ rất ấn tượng khi tác giả Camille Laurens đã chủ ý đưa vào tác phẩm của bà hai “trường phái” đối lập nhau. Đó là hình ảnh một Laurence luôn phải hạ mình thỏa thiệp với gia đình về nghĩa vụ “làm con gái” và một Alice - con gái của Laurence - đã tự tay phá đi cái kén của mình và tự do hướng đến “hình tượng” người phụ nữ mình muốn. Đây là chi tiết đắt giá nhất trong Con Gái, vì Alice không còn chịu nhún nhường trước định kiến và áp đặt lên phụ nữ mà em đã chủ động học hỏi cũng như nâng cao hiểu biết về sự bình đẳng và nhân quyền, hứa hẹn một tương lai đổi mới và văn minh, nơi bình đẳng về quyền và cơ hội sẽ rộng mở cho mọi người mà không nề hà gì về giới tính họ mang.

Đặc biệt, cuốn sách Con Gái còn đề cập đến yếu tố nam tính độc hại mà tớ tin rằng nếu dạo qua internet thì có thể dễ dàng bắt gặp các quan điểm như “con trai khóc thì chẳng khác gì đàn bờ”, “con trai phải thích màu xanh”, “con trai đừng có ẻo lả”, “con trai nói nhiều thì mua váy mặc đi”, vân vân và mây mây. Những luồng ý kiến này không chỉ trực tiếp gây áp lực lên các chàng trai, mà còn gián tiếp hạ bệ và gán ghép những điều không tích cực lên phụ nữ.

Tổng hợp: Minh Ngọc

Sản phẩm liên quan
Con Gái 30%

Con Gái

92.400đ

132.000đ

(5)

Tuyến Hoả Xa Ngầm 30%

Tuyến Hoả Xa Ngầm

79.800đ

114.000đ

(0)

Bài viết liên quan
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis

04/08/2024 16:43Minh Ngọc

Gambit Hậu của Walter Tevis là một kiệt tác văn học đầy mê hoặc, khắc họa hành trình gian nan…

Xem tiếp
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả