Trong một thế giới đầy rẫy những định kiến về hạnh phúc và thành công, "Cõi Người Dưng – Nomadland" của Jessica Bruder là một làn gió mới mẻ, kể về cuộc sống của những người Mỹ đã chọn lối sống du mục hiện đại, nơi tự do là niềm tin tất thắng. Jessica Bruder, qua năm tháng miệt mài theo chân những "nomad", đã chắp bút nên một tác phẩm không chỉ là nghệ thuật mà còn là tiếng nói của sự thật trần trụi.
"Cõi người dưng" không chỉ đưa bạn đến những chân trời mới, mà còn mở rộng tầm nhìn về cuộc sống "không địa chỉ". Từ bài báo "The End of Retirement – When you can’t afford to stop working" đã đánh thức dư luận, Bruder bước vào cuộc sống của những người lựa chọn không còn gò bó bởi một ngôi nhà cố định, không bị vướng bận bởi những kỳ vọng xã hội. Họ là hình ảnh của bản lĩnh và tinh thần lao động, dù công việc thời vụ chỉ đổi lấy một chỗ cắm trại miễn phí và "ít tiền công bèo bọt".
Đi sâu vào cuộc sống của những nhân vật thực sự như Linda May, Swankie và Bob Wells, Bruder không chỉ đơn giản kể lại cuộc sống của họ, mà còn tôn vinh tinh thần cộng đồng – nơi mọi người vẫn "quan tâm lẫn nhau" dù cho cuộc sống có vẻ "cô độc". Cuốn sách là một cuộc phiêu lưu, mở cửa trái tim độc giả trước những câu chuyện không được kể của nước Mỹ, và nhấn mạnh vào triết lý sống tối giản, mà ở đó, giá trị tinh thần nổi trội hơn hẳn vật chất.
"Cõi Người Dưng" không chỉ là một hiện tượng văn hóa, mà còn là một tiếng vang lớn về những thay đổi xã hội, kinh tế ở Mỹ. Đây là một tác phẩm đáng đọc, không chỉ cho những người yêu sách mà còn cho bất kỳ ai khao khát hiểu rõ hơn về những diễn biến sâu kín của thời đại chúng ta.
Tác giả: Jessica Bruder
Dịch giả: Y Khương
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 400
Phát hành: 2023
Giá bìa: 180.000đ
Mua sách online 'Cõi người dưng' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm 30% giá bìa
Trong "Cõi Người Dưng," Jessica Bruder mở cánh cửa vào thế giới ít ai biết đến của những nomad Mỹ, nơi tự do không chỉ là một lựa chọn mà còn là một cách sống. Cuốn sách này không chỉ là một hành trình đầy cảm hứng qua những con đường mòn của Mỹ, mà còn là một chân dung đắt giá về sự kiên cường và độc lập trong tâm hồn những người dám sống khác biệt. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review chia sẻ của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo bên dưới!
Cõi Người Dưng: Đời Du Dân Mỹ Thế Kỷ 21 - Jessica Bruder
Ngồi giữa bốn bức tường, nhấn chìm trong thanh âm đô thị, tôi lặng lẽ viết về “Cõi người dưng”. Như một ảo vọng thoát ra khỏi nhịp sống chật vật của đô thị, tôi mong chờ chuyến lãng du trên xe mang đầy sự thơ mộng của chủ nghĩa lãng mạn, nhưng đây là một câu chuyện khác. Rất khác.
Mở đầu cuốn sách, cô Jessica đã đập tan mọi kỳ vọng ảo của tôi về hành trình phiêu bạt này. Không, chả có mấy người trẻ đâu. Không, họ chẳng phải đi “phượt” gì cả. Tất cả đều là hệ quả của một hệ thống vụn vỡ, với cốt lõi sâu xa thuộc về kinh tế và chính trị cùng những bóng ma quá khứ của một xã hội Mỹ huy hoàng nay bẽ bàng lăn dọc đường đất. Theo chân cô, ta khám phá ra được những cung đường nước Mỹ hùng vĩ mà rải rác theo đó là những con người đáng tuổi cha tuổi mẹ tôi, vẫn miệt mài lăn lộn mỗi ngày để giữ cho bánh xe lăn đều, không phải chỉ chạy trốn khỏi sự kiệt quệ do áp lực kinh tế gây nên mà còn để chạy về phía tương lai mơ hồ. Tương lai của những con người đã thôi được xem là tầng lớp lao động chính yếu, tương lai của sự phông bạt đáng lẽ nên là trải nghiệm của tuổi trẻ.
Đọc đến đoạn này thì mong mọi người chưa vội đánh giá. Đây chẳng phải một tuyển tập Humans of Nomadland với những câu chuyện bi thương gì cả. Tác phẩm này là công trình dấn thân vào thực tế được viết với sự cẩn thận và có chiều sâu. Không chỉ cho ta hiểu về cuộc đời của những du dân thế kỷ 21 mà còn mở ra bức tranh toàn cảnh: lịch sử của những cuộc di dân, nước Mỹ với huy hoàng và lụi bại biến nhà cửa thành xa xỉ phẩm và con đường thành ngôi nhà mới… Phân tích thấu đáo dựa trên những sự kiện có thật, cô Jessica cố gắng giữ phong thái trung lập, hoặc nếu có thiên kiến hoặc thiên vị đều là từ các nhân vật ra. Với thái độ chuyên nghiệp và sự dấn thân của tác giả như thế, có thể thấy “Cõi người dưng” hoàn toàn xứng đáng trở thành một hiện tượng.
Không chỉ mở mang thêm về câu chuyện du dân, “Cõi người dưng” còn khai thác dưới góc độ nhân văn khi chính tác giả đã trở thành người đồng hành cùng các cộng đồng du mục suốt 3 năm, đủ để nhìn thấy và thấu hiểu. Khi cô tiếp xúc gần gũi như một người bạn với các nhân vật, người đọc được thấy cận cảnh những thứ mà bức tranh toàn cảnh nêu trên tác động cụ thể đến từng con người ra sao. Mỗi câu chuyện với các nhân vật đều sinh động bởi sự chân thật và nhân ái trong cách tiếp cận; có thể thấy đây là mặt “mềm mại” và “con người” hơn của tác phẩm này, bên cạnh những thông tin và phân tích. Và với khía cạnh này, những giới hạn và định kiến dường như tự phá vỡ: Những người “già”, những người không thuộc thời đại này thực ra chẳng cần một nơi nghỉ hưu, dưỡng già; cuộc sống vẫn còn với họ, với đầy những âu lo và đam mê không khác gì tuổi trẻ. Miễn còn sống, cuộc sống vẫn có cách khiến bạn hoang mang, và chỉ cần đủ nghị lực thì con người (hoặc rất nhiều con người) cũng tìm ra cách để thích nghi.
Cuốn sách được chú thích rất kỹ càng về những dữ kiện và đưa ra những nguồn thông tin để độc giả tra khảo và có nhận định cho riêng mình (tôi thì lười nên đoạn nào hay thì mình mới ngồi mò). Tuy lượng thông tin cung cấp khá nhiều và cũng thuộc những chủ đề không mấy gây thú vị với tôi (kinh tế, chính trị, xã hội - có cả chuyện build xe) nhưng bất ngờ là tôi đọc không thấy chán, vì cách đặt để khá là hợp lý và đủ thuyết phục để tôi không đọc lướt. Phim thì tôi chưa xem, nhưng lúc tôi mang cuốn này đến tham dự một phòng đọc thì có vẻ mọi người biết có phim chứ không biết có sách (chỉ trỏ trầm trồ cũng dữ), nên sẽ dành thời gian xem phim thử.
Trong phần giới thiệu có nhắc đến McCandless mà tình cờ là ngay trước cuốn này tôi đọc và xem “Vào trong hoang dã”, nói thật là đọc cuốn này cũng phần nào nghĩ tới tác phẩm đấy. Vậy thì hẹn dịp nói về “Vào trong hoang dã” sẽ nhắc lại “Cõi người dưng” nhé!
Chào thân ái từ tinh cầu nóng chảy!
“Từng có thời tồn tại một khế ước xã hội quy định rằng nếu chúng ta làm theo đi học, có công ăn việc làm và lao động chăm chỉ, mọi thứ sẽ ổn”, ông chia sẻ với họ. “Ngày nay khế ước ấy chẳng còn đúng. Bạn có thể làm tất tần tật mọi thứ theo đúng yêu cầu của xã hội, mà rốt cuộc vẫn không một xu dính túi, cô đơn và không nhà, không cửa.” Theo Bob, dọn vào xe van hay vào phương tiện khác giúp họ trở thành những con người nhiệt tâm phản đối cái xã hội đã ruồng rẫy mình. Họ có thể “tái sinh” vào cuộc đời đầy tự do và phiêu lưu.”
“Cõi người dưng - Đời du dân Mỹ thế kỷ 21” là cuốn sách của Jessica Bruder - một nữ nhà báo Mỹ - người đã đi khắp đất nước trong suốt ba năm để ghi chép lại câu chuyện của những du dân Mỹ, và đặc biệt là nhân vật Linda May. Du dân là những người tháo chạy khỏi áp lực về tiền thuế, tiền thuê nhà để bắt đầu cuộc sống trên những chiếc ô tô cũ, lưu lạc nay đây mai đó, làm những công việc với đồng lương ít ỏi để đổi lấy một cuộc sống tự do. Hầu hết trong số đó là những người lớn tuổi, vốn dĩ nên được hưởng cuộc sống an nhàn ở tuổi về hưu.
Đối với mình, chủ đề cuốn sách khá thú vị bởi những câu chuyện này rất ít được phát hiện và khai thác. Khi đọc, thứ mình cảm nhận không chỉ là đời sống vất vả của các nhân vật trong bài viết, mà là hậu quả của các đợt khủng hoảng kinh tế, của khoảng cách giàu nghèo thấm đẫm trong lòng xã hội nước Mỹ. Những hậu quả đó không dừng lại ở mặt tài chính, mà nó tác động mạnh lên sức khỏe tinh thần và mối quan hệ của các du dân với người thân của họ.
Mình thấy tâm huyết của nhà báo Jessica trong việc khai thác chủ đề này, cô sống cùng họ, nói chuyện với họ, thậm chí đăng ký làm những công việc họ làm. Chính vì thế nên cô mới có thể mô tả đời sống một cách chi tiết và sống động đến vậy. Manh nghĩ cậu có thể đọc thử để cảm nhận vì từng câu chữ khiến cậu tưởng tượng ra mọi khung cảnh, từ cuộc sống trong xe, đến khung cảnh làm việc ở Amazon, thậm chí là cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi những du dân lẩn trốn và suy nghĩ về những lúc cuối đời. Ngoài ra, các tư liệu đều có trích dẫn rất đầy đủ và đáng tin cậy đúng chuẩn báo chí. Cuốn sách này mà biến thành phim phóng sự thì hay biết mấy.
Cõi Người Dưng -Jessica Bruder
Đánh giá cá nhân: 4/5
Cõi người dưng là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và là một thử thách vượt khỏi vùng an toàn của mình, khiến mình vừa háo hức vừa hoang mang khi lần đầu cầm nó trên tay. Đây là bút ký của nhà báo Jessica Bruder, người đã đi hết chặng đường 24.000 cây số trong 3 năm ròng rã để ghi chép lại đời sống của du dân Mỹ giữa thế kỷ 21.
Du dân là những người không nhà cửa và không có công việc ổn định. Họ sống nay đây mai đó trên xe và tìm việc thời vụ làm kế sinh nhai. Họ đúng là những kẻ phiêu lãng sống tự do không gì ràng buộc giống như chúng ta vẫn nghĩ, khi ta nhìn họ từ khoảng cách xa. Nhưng du mục giữa thế kỷ 21 và giữa lòng nước Mỹ thì sao? Liệu khi thu hẹp lại một khái niệm và tiếp xúc với họ ở cự ly gần như nhà báo Jessica đã làm thì đời sống của những du dân đó có giống như chúng ta vẫn tưởng?
Có giống. Một phần nào đó. Vì họ tự gọi mình là "những cá nhân tiên phong yêu chuộng tự do", là "những nhà du hành hiện đại" và "những kẻ chọn sự từ bỏ có suy nghĩ và có chủ ý". Tuy không được tô vẽ hào nhoáng hay thi vị hóa lên cho lung linh lấp lánh, đời sống của những du dân này vẫn có một vẻ đẹp tự nhiên khiến người ta nhìn vào không khỏi ngưỡng mộ. Vẻ đẹp đó đến từ sự lạc quan và khả năng thích nghi tuyệt diệu. Những con người ấy biết cách trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để sinh tồn. Họ biến phương tiện di chuyển thành một mái nhà di động tương đối tiện nghi, với hệ thống sưởi, máy phát điện, bếp và chỗ ngủ. Họ hình thành một nhóm văn hóa, tạo dựng nên các phong tục riêng, có những cuộc hội họp hằng năm "Đại hội Lãng du trên bánh cao su" và chia sẻ cùng nhau những bí kíp về cuộc sống ở mặt trái của nền kinh tế.
Nhưng chớ có nghĩ đây là quyển sách "truyền cảm hứng" về "giấc mộng thoát ly" hay "cuộc cách mạng thầm lặng" của những kẻ mộng mơ lãng mạn. Chớ có cho rằng những du dân này là những nhà phiêu lưu vô lo vô nghĩ đang tận hưởng lối sống tối giản và gần gũi với thiên nhiên. Trên thực tế, để kiếm sống, họ phải làm việc quần quật trong các nhà kho rộng hàng ngàn mét vuông của Amazon, hay thu hoạch củ cải đường và quản lý các bãi cắm trại - những công việc thời vụ nặng nhọc với đồng lương còm cõi. Và cũng không phải vì một thôi thúc tự do lãng mạn nào đó mà họ bỏ lại tất cả để lên đường. Hầu hết bọn họ ra đi với hai bàn tay trắng, có thể vì phá sản, hôn nhân sụp đổ hoặc mất hết phương hướng. Đa số họ là những người lớn tuổi, đã làm lụng cả đời và mất hết nhà cửa cùng toàn bộ tiền tiết kiệm vì khủng hoảng tài chính. Người thì có cả bằng cao học nhưng bị sa thải giữa độ tuổi ngũ tuần và không thể kiếm được việc làm. Một số người trẻ thì không trả nổi món nợ học phí cho một tấm bằng mà họ mãi mãi không thể tốt nghiệp để được nhận. Hoặc không có cơ hội để gầy dựng sự nghiệp, hoặc sự nghiệp họ gầy dựng cả đời phút chốc đều tiêu tan. Chính hiện thực phũ phàng đưa họ lên xe đến với miền du mục, chứ chẳng phải vì giấc mơ phiêu lưu phi thực tế nào như chúng ta thường đọc trong những tiểu thuyết hư cấu.
"Họ mua ngôi nhà có giá 340.000 đô ở đỉnh thị trường và đổ thêm vào đó 20.000 đô. Rồi bong bóng nhà đất vỡ toang, giá trị ngôi nhà giảm xuống chỉ còn 260.000 đô. Hai người chẳng đời nào hình dung nổi sẽ bỏ phần đời còn lại để trả khoản vay cao hơn giá trị căn nhà của mình. Thế là họ tậu một chiếc trailer Cardinal 2003 và lên đường. "Chúng tôi bỏ lại tất cả đằng sau," Anita kể lại. "Chúng tôi tự nhủ: 'Mình cóc chơi trò này nữa.' "
Nhưng điều thực sự làm mình ấn tượng về quyển sách này là nó đã chạm tới những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Chính những vấn đề đó là lý do đưa đẩy các nhân vật đến với đời du dân, khiến họ phải "từ bỏ mái ấm thân thương, ba công việc bán thời gian và luôn cả bất kỳ thứ ảo tưởng nào về sự an toàn mà cái tàn tích tả tơi của giấc mơ Mỹ hãy còn đưa tới tâm hồn quặn thắt của người ấy."Ẩn trong câu chuyện đời của từng nhân vật là bức tranh kinh tế xã hội bất ổn của nước Mỹ, nơi mà việc tuân theo luật chơi là vô nghĩa, mọi định nghĩa về ổn định và an toàn đều chỉ là ảo tưởng
"Từng có thời tồn tại một khế ước xã hội quy định rằng nếu chúng ta làm theo (đi học, có công ăn việc làm và lao động chăm chỉ), mọi thứ sẽ ổn. Ngày nay khế ước ấy chẳng còn đúng. Bạn có thể làm tất tần tật mọi thứ theo đúng yêu cầu của xã hội, mà rốt cuộc vẫn không có một xu dính túi, cô đơn và không nhà không cửa"
Cảnh tượng trong một nhà kho Amazon chắc hẳn sẽ để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc về nền văn hóa tiêu dùng. Hơn 90.000 mét vuông diện tích của nhà kho này chất đầy những món đồ quái gở như "phích cắm hậu môn gắn đuôi cáo lộng lẫy, bộ quần lót vải bông có bốn lỗ "quần lót cho 2 người", và dương vật giả lấy cảm hứng từ truyện tranh Batman". Chẳng thứ nào có giá trị, tất cả rồi sẽ vào bãi rác. Những giờ làm việc ở đó khiến những du dân cảm thấy ngán ngẩm. Nhưng tiền thì chẳng quan tâm xuất xứ, và còn cách nào khác để họ kiếm được số tiền mong muốn mỗi khi cần?
"Cảm giác hệt như một tên cướp nhà băng thực hiện phi vụ cuối cùng trước khi giải nghệ. Cực đoan, tôi biết chứ, nhưng đây chính là những gì diễn ra trong đầu mỗi khi tôi đi làm. Chẳng có một thứ gì trong cái kho hàng ấy có giá trị. Nó nô dịch người mua dùng thẻ tín dụng của họ để rước rác rưởi về. Khiến bọn họ phải làm công việc mà họ căm ghét để trả nợ. Thật sự ngán ngẩm khi ở đó."
Ở chặng sau của chuyến hành trình, tác giả Jessica đã có một quyết định khác. Cô đã bị lôi cuốn và dấn thân khá sâu vào đời du dân, đến mức không thể dừng lại khi chưa có một trải nghiệm hoàn chỉnh, trọn vẹn: Cô phải trở thành một người trong số họ. Vậy là Jessica đã sắm cho mình một chiếc xe van, cắm trại cùng các nhân vật trong nhiều tháng và cũng tham gia vào các công việc thời vụ như một du dân đích thực. Vì vậy nên mình thấy những chương cuối có phần hấp dẫn hơn vì nó là trải nghiệm cá nhân của chính tác giả. Lời kể cũng giàu cảm xúc hơn vì mối quan hệ giữa tác giả với nhân vật Linda May đã trở nên vô cùng gắn bó. Jessica đã trở thành nhân vật trong câu chuyện của chính mình chứ không còn là người quan sát và kể lại nữa. Cô thật sự yêu quý và lo lắng cho Linda, không biết giấc mơ lớn nhất của cuộc đời bà liệu có thành hiện thực hay chỉ là một giấc mộng hoang đường.
Quyển sách có một kết thúc cảm động khi Linda bắt đầu thực hiện ước mơ của mình ở tuổi 67. Bà đã sở hữu được một mảnh đất và bắt đầu xây dựng căn nhà Earthship. Con người vốn là loài sinh vật như thế, dẫu cho khao khát tự do có lớn đến đâu thì thật ra cũng đều muốn an cư lạc nghiệp. Cũng như một cái cây không thể sống và phát triển xanh tốt nếu không có mặt đất vững vàng và màu mỡ để cắm rễ. Đời du dân chẳng qua là do hoàn cảnh đưa đẩy buộc họ phải thích nghi. Nền kinh tế tước đoạt nhà cửa và của cải của họ nên họ mới lên đường, từ bỏ tất cả như một cách chống đối. Khát vọng sâu thẳm nhất của con người vẫn là đất đai và một mái ấm ổn định.
Tổng hợp: Minh Ngọc