"Chiến Binh Cầu Vồng" là một tác phẩm tuyệt vời của Andrea Hirata, một câu chuyện đầy cảm hứng về sự kiên trì, lòng can đảm, và sức mạnh của giáo dục. Lấy bối cảnh tại một ngôi trường Hồi giáo xập xệ, nguy cơ sụp đổ hay bị máy xúc phá hủy để dò mạch thiếc luôn rình rập mỗi ngày. Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết và lòng quả cảm của các học sinh, họ đã chống trở lại tất cả những thách thức và khó khăn.
Mỗi ngày, các "Chiến Binh Cầu Vồng" này phải đạp xe hàng chục cây số, vượt qua đầm cá sấu đáng sợ, đương đầu với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm và cám dỗ của cuộc sống khắc nghiệt. Tuy nhiên, họ không bao giờ từ bỏ ước mơ học tập của mình. Bên cạnh đó, tác phẩm còn gợi mở những câu chuyện tình yêu tuổi học trò trong sáng, những trò đùa tinh quái và một bức tranh chân thực về sự chênh lệch giữa giàu và nghèo.
Hứng thú từ trải nghiệm thực tế trong thời thơ ấu của chính mình, Andrea Hirata đã tạo nên một tác phẩm văn học xuất sắc, khắc họa sinh động những nỗ lực không ngừng của thầy trò trường làng trong cuộc chiến với nghèo khó và vì quyền học tập cơ bản của con người. Tác phẩm đã bán được hơn năm triệu bản và được dịch ra 26 thứ tiếng, trở thành một trong những tượng đài văn học Indonesia hiện đại.
Tác giả: Andrea Hirata
Dịch giả: Dạ Thảo
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 428
Phát hành: 10-2020
Giá bìa: 109.000đ
Mua sách online “Chiến binh cầu vồng” tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
‘Chiến Binh Cầu Vồng’ của Andrea Hirata không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một bản ca ngợi sức mạnh của giáo dục và tình yêu đối với học vấn. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài tổng hợp review cuốn sách này của một vài đọc giả đã đọc sách và chia sẻ cảm nhận, mời bạn xem review sách chi tiết bên dưới!
CHIẾN BINH CẦU VỒNG – ÁNH SÁNG TRI THỨC ĐẾN MỌI SỐ PHẬN
Chiến binh cầu vồng là câu chuyện biến tôi thành một kẻ gàn dở với mớ cảm xúc hỗn độn, lúc thì khóc rung rức, lúc lại cười rồi lại xót xa. Nhưng câu chuyện cũng đã khiến tôi phải hò reo như thể tôi đang tham gia trong chính những trận đấu trí tuyệt vời ấy.
Bất cứ ai chán học và hỏi tôi rằng một cuốn sách tiếp thêm động lực để học tập, thì tôi sẽ vui vẻ giới thiệu với họ về Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata. Cuốn sách đại diện tiêu biểu cho các tác phẩm văn học hiện đại của Indonesia được in ra nhiều thứ tiếng, và nó vẫn đang truyền cảm hứng học tập mỗi ngày cho các bạn trẻ trên toàn thế giới.
“Học tập không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh văn minh”.
Định nghĩa về học tập của thầy Harfan trở thành tôn chỉ cho việc học tập tại ngôi trường Hồi giáo Muhammadiyah. Bởi vì, tất cả đều đặt niềm tin vào giáo dục và tri thức như vậy, nên xuyên suốt cuốn sách chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của cậu bé Lintang đạp xe 40 cây số mỗi ngày để đến lớp, con đường đến trường không chỉ xa xôi mà con ẩn chứa đầy hiểm nguy khi những con cá sấu đói khát luôn chực chờ để ăn thịt bất kỳ ai phá đi bầu không gian yên tĩnh của chúng. Đôi lúc tôi bật cười trong cay đắng vì số phận đang làm khó một cậu bé hiếu học vô cùng, nhưng cũng rất đỗi ngưỡng mộ tinh thần vượt khó của cậu.
“Nhà không có đồng hồ nên Lintang dựa vào đồng hồ tự nhiên. Có lần, nó vội vã cầu kinh sáng vì nghe gà đã gáy. Cầu kinh xong nó hấp tấp vọt lên xe đạp cắm đầu cắm cổ đạp tới trường. Đi đến giữa rừng, nó ngờ ngợ vì không khí vẫn còn lạnh, trời vẫn tối um, rừng im ắng đến lạ lùng. Chẳng có chim chóc gọi bình minh gì ráo. Lintang nhận ra rằng, con gà nhà nó nổi cơn gì đó nên gáy sớm, chứ lúc ấy vẫn còn đang nửa đêm. Nó ngồi lại bên dưới một cái cây giữa khu rừng đen tối ấy, bó gối, người run lên vì lạnh, kiên nhẫn chờ tới sáng.”
Có lẽ niềm tin vào tri thức đã giúp cậu bé nhỏ thó ấy vượt qua bao hiểm nguy, và dành thời gian học tập mỗi ngày sau giờ làm culi nạo cùi dừa. Không chỉ có Lintang mà còn rất nhiều đứa trẻ như Kucai, Mahar, Ikal, Samson đặt niềm tin rằng giáo dục có thể giúp chúng thay đổi một phần số phận nghèo khổ của cư dân đảo Belitong. Cô Mus và thầy Harfan tiếp tục là những người cổ vũ cho niềm tin đấy trở thành sự thật, khi họ cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Harfan đã đạp xe cả trăm cây bán những giỏ trái cây, cô Mus cặm cụi mỗi đêm may đồ để chuộc đứa học trò bỏ học đi làm culi.
Hãy tin vào sức mạnh của tri thức, đó là cách duy nhất dìu ta qua những khó khăn trên con đường học vấn. Đừng đem tri thức so sánh với tiền bạc, vì học tập không giúp chúng ta kiếm được một công việc nhiều tiền, mà học tập biến ta thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
“ Nhờ Mahar mà chúng tôi đủ dung khí để đua tranh, nhờ Lintang mà chúng tôi dám ước mơ”.
11 cậu bé, cô bé sinh ra trong những gia đình truyền đời làm culi (ngoại trừ Flo – cô bé cá tính và tin tưởng bản thân mình), chưa bao giờ dám nói ra ước mơ của chính mình. Nhưng sau những chiến thắng, nỗ lực vượt qua hai cuộc thi tưởng chừng nắm chắc phần thua, họ đã dám đứng lên nói lên ước mơ của chính mình. Hẳn ước mơ vẫn luôn âm thầm cháy trong trái tim họ, nhưng cái nghèo đã khiến trái tim chẳng bao giờ dám nhìn nhận ước mơ một cách trang nghiêm. Kucai – ước mơ trở thành nhà lập pháp, Ikal trở thành giáo viên, Syahdan mong muốn trở thành diễn viên, Lintang ước mơ là một nhà toán học,… Tất cả họ đều đã tự tin để nói lên ước mơ của mình, và dường như đã vạch sẵn con đường cần đi để trở thành phiên bản mình mong muốn. Tuy quá nửa số ước mơ ấy bị hiện thực cuộc sống vùi dập không thương tiếc nhưng phải công nhận không ít người đã thực hiện được điều không tưởng bằng nỗ lực của chính mình.
Hãy biết ước mơ, dù cho đó là một ước mơ người khác cho rằng ngớ ngẩn, hay chính bạn cũng chưa từng dám nghĩ tới nó, Nhưng hãy tìm cho mình một ước mơ, biến nó thành lẽ sống bạn tin tưởng, để nó có thể vực bạn đứng lên từ những hoàn cảnh trớ trêu của số phận.
Người đàn ông có tấm lòng bao lai như trời biển – thầy Harfan.
Cô giáo nhỏ đầy ắp nghị lực trong ánh mắt – cô Mus.
Họ cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục cho những đứa trẻ nắm chắc số phận culi tại đảo Belitong, có lẽ Đấng toàn năng đem họ đến để xoay chuyển một chút cuộc sống bị phân biệt đối xử ở cái ốc đảo xa hoa này.
“Thầy Harfan không bao giờ từ bỏ nỗ lực thuyết phục chúng đến trường. Thậm chí thầy còn mang sách ra ngoài khơi. Thầy tìm chúng trên song nơi chúng đang xảm thuyền. Thầy đợi chúng bên dưới những câu tiêu. Nhưng không đứa nào đáp lại cái tình đó của thầy. Thỉnh thoảng ông chủ của chúng, ngay cả chúng, còn xua cả thầy Harfan đi nữa.”
Cho dù chỉ còn một học sinh đến lớp, thầy cô vẫn cố gắng dạy học. Thật may mắn, đáp lại sự cố gắng ấy đã có một học sinh thề rằng sẽ học đến khi cái cột thiêng chống đỡ ngôi trường sụp xuống. Một tia hy vọng đã lóe lên, và may mắn thay có một ngôi sao đã đón lấy nó.
Đã gần đến tháng 11 – tôn vinh những cống hiến của nhà giáo. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần phải cảm ơn họ mỗi ngày vì đã không ngừng nỗ lực cho sự nghiệp khai sáng tri thức của nhân loại. Suốt cả con đường học vấn của tôi, đã rất may mắn vì từng được tiếp xúc những nhà giáo có tâm như thầy Harfan và cô Mus, và họ đã truyền lửa tinh thần học tập cho tôi.
“Một đứa vẫn còn ham học, dù lốp xe mòn vẹt, dù xích xe được buộc chặt bằng dây bện nhựa, và hai lượt đi về thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị cá sấu tấn công – đó là Lintang. Nó không mảy may để ý đến mấy đứa trong lớp thi nhau trốn học và cả chuyện mấy cái máy xúc nữa. Nó vẫn cố đến lớp sớm nhất và về nhà cuối cùng.”
“Tao sẽ không làm cha mẹ mình phải thất vọng, Ikal à. Họ muốn tao tiếp tục đi học. Tụi mình phải biết ước mơ, những ước mơ cao đẹp, Boi, và học là con đường để chúng ta đi đến những ước mơ ấy. Đừng bỏ cuộc, Boi. Đừng bao giờ, bỏ cuộc.”
Tôi thấy giận Đấng toàn năng vô cùng, có lẽ Người đã chọn lựa Lintang trở thành một thiên tài của Indonesia, nhưng Người lại để số phận quật ngã tài năng ấy, để cho thiên tài bị gánh nặng nuôi sống gia đình giết chết ước mơ trở thành nhà toán học lỗi lạc. Tuy thế, Lintang vẫn trở thành người đàn ông với đôi mắt sáng ngời của ánh sáng tri thức, và không ngừng truyền cảm hứng học tập cho những người xung quanh. Tôi tin, Lintang vẫn giành thời gian mỗi ngày để xây dựng ước mơ của chính mình. Thật may mắn, khi lời động viên của Lintang cuối cùng trở thành niềm cảm hứng tiếp tục học tập cho Ikal.
Hãy tiếp tục học tập, dù bạn đã không còn đến trường. Hãy tiếp tục học tập từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, góp nhặt từng chút kiến thức để biến bản thân trở nên uyên bác hơn mỗi ngày. Hãy cố gắng, dù cho nhu cầu cuộc sống quấn lấy bạn mỗi ngày, hãy giành một chút thời gian để mài giũa trí tuệ của chính mình.
‘Chiến binh cầu vồng’ kể về sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc dạy và học của thầy cô trường Tiểu học Muhammadiyah thuộc đảo Belitong, Indonesia.
Trường chỉ có 1 thầy hiệu trưởng 1 cô giáo tên là Mus, 15 tuổi. Trường bị Phòng giáo dục dọa sẽ đóng cửa nếu không có đủ 10 em học sinh mới. Ngày khai giảng là một ngày hồi hộp và lo âu của thầy hiệu trưởng Harfan, cô giáo Mus khi đến 11h30 mà vẫn chỉ có 9 em. Cô Mus nước mắt lưng tròng vì cô rất yêu quí nghề dạy học. Đến phút cuối cùng, học sinh thứ 10, Harun xuất hiện. Harun là cậu bé thiểu năng đã cứu sống cả trường.
Trường Muhammadiyah là một ngôi trường xập xệ, lúc nào cũng chực đổ. Nếu một con bò có điên lên mà húc vào thì trường sẽ sụp ngay. Chỉ có thầy hiệu trưởng và cô giáo Mus thay nhau dạy cho các học trò của mình. Thầy Hafran và cô Mus không có lương. Thầy kiếm sống bằng việc trồng hoa màu ở nhà. Còn cô Mus kiếm thêm bằng việc tối đi làm thêm.
Thầy Hafran không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn, người dìu dắt tinh thần cho học sinh. Bằng ngôn ngữ khiêm nhường, mãnh liệt như những giọt mưa, thầy mang đến cho đám học sinh của mình sự công bằng. Thầy khơi gợi sự ham học hỏi. Thầy khuyên học sinh không bao giờ đầu hàng trước khó khăn, gian khổ.
Truyện còn kể về cậu học sinh Litang, nhà rất nghèo. Em phải đi xe đạp cà tàng 40 cây số đến lớp. Lốp xe vá chi chít, xích thì tuột liên tục và mỗi lần tuột là phải bỏ đi một mắt xích. Xe hỏng, em phải đi bộ 40 cây số đến lớp từ tờ mờ sáng. Vì nhà không có đồng hồ nên gà gáy là đi. Có hôm con gà dở chứng gáy lộn, em phải đi học từ nửa đêm. Để rút ngắn quãng đường, em phải đi qua vùng đầm lầy toàn cá sấu. Đám cá sấu sẵn sàng lao ra để xẻ thịt em. Mẹ Litang, vì thương con, vì mong ước cái chữ sẽ cứu đời con nên quyết bán cái nhẫn duy nhất có giá trị trong nhà để em mua xích và lốp đi học.
Khi lớn lên, bài học quí giá nhất từ những năm tháng diệu kỳ ở trường Muhammadiyah mà thầy Hafran dạy cho học sinh được nhớ mãi: “Chúng tôi thấm nhuần tinh thần cho hết sức mình chứ không phải nhận hết sức mình. Chúng tôi luôn biết ơn bài học ấy, ngay cả trong nghèo túng. Thầy Hafran và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất và tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thật sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn gọi là trường học”.
‘Chiến binh cầu vồng’ là tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Indonesia.
CHIẾN BINH CẦU VỒNG | Andrea Hirata
“Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước."
"Chiến Binh Cầu Vồng" - Bức tranh đầy màu sắc kể về
hành trình diệu kỳ, đậm tính nhân văn của 10 cô cậu học trò, cùng nhà giáo già
Harfan và cô Mus trẻ tuổi tại một ngôi trường nhỏ ở làng Gantong, thuộc
Belitung, Indonesia. Tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ trải nghiệm thực tế thời
thơ ấu của chính tác giả, Andrea Hirata đã khắc họa sinh động những cố gắng, nổ
lực không ngừng nghỉ của thầy trò trường làng. Họ vừa phải chiến đấu với cái
nghèo vừa phải đấu tranh cho quyền cơ bản của con người, đó là quyền được học tập.
Chính trong sự tận cùng của nghèo khó, mình lại càng cảm phục
nghị lực, sự ham học hỏi của các cô cậu học trò, bất chấp nghịch cảnh họ vẫn
không thôi nuôi ước mơ, khao khát tri thức, vươn đến những điều tốt đẹp trong
cuộc sống. Qua đó, tác phẩm phần nào khẳng định, chất lượng giáo dục chịu ảnh
hưởng từ nổ lực của chính học trò, hơn là yếu tố vật chất bên ngoài.
"Chiến Binh Cầu Vồng" sẽ đưa bạn qua nhiều cung bậc
cảm xúc, từ thương cảm, hạnh phúc cho tình bạn, tình thầy trò thiêng liêng; đến
thắp lên niềm hy vọng để rồi kết thúc trong tiếc nuối cho từng mảnh đời của
nhân vật. Thầy Harfan suốt một đời tận tâm, nhiệt huyết với nghề kết thúc cuộc
đời ngay trên bàn làm việc; Lintang, một cậu học trò nghèo, hiếu học, giỏi dang
nhất lớp nhưng cậu vẫn không thể chiến thắng được số phận ... đọc đến đây, mắt
mình đã nhòe đi.
Nhưng đâu đó, khi khép sách lại, mình cảm nhận thấy những hạt
mầm hy vọng vẫn âm thầm sinh sôi, những tia nắng nhỏ nhoi vẫn đang chiếu rọi đến
tương lai học sinh ... Nơi nào ta luôn đặt niềm tin vào giáo dục thì nơi đó ngọn
lửa tri thức, ước mơ sẽ không bao giờ lụi tắt.
"Chiến Binh Cầu Vồng" một cuốn sách nhỏ mở ra một
thế giới lớn, một thế giới đầy sắc màu, làm sống lại tuổi học trò đầy mộng mơ,
hoài bão, tinh thần hiếu học, thái độ nhiệt tình và nghiêm túc trong hành trình
đi tìm con chữ.
Tiểu thuyết thích hợp là một món quà tri ân nho nhỏ dành tặng thầy cô. Nếu các cô cậu học trò là những chiến binh cầu vồng thì chính thầy cô là người sẽ giúp cầu vồng tỏa sáng.
Tổng hợp: Minh Ngọc