Review sách Anh em nhà Karamazov - Fyodor Dostoyevsky


Review Sách | 28/07/2023 00:21| Minh Ngọc

Lượt xem: 418

Giới thiệu sách Anh em nhà Karamazov

Anh em nhà Karamazov” là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Fyodor Dostoyevsky, được coi là tác phẩm vĩ đại nhất của ông trước khi qua đời. Fyodor Dostoyevsky cũng là một tác giả thuộc hàng hiếm hoi mà càng về cuối đời sự nghiệp sáng tác của ông là càng phát triển tới đỉnh cao.

Tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov" mô tả mối quan hệ mục ruỗng trong một gia đình trong bối cảnh xã hội Nga đang dần suy thoái vào những năm 1870. Cốt truyện xoay quanh một ông bố có ba người con, một đứa con hoang và ba người con chính thức. Cả gia đình, trừ người con trai thứ ba, gần như sống trong sự căm thù lẫn nhau, dẫn đến một bi kịch gia đình khủng khiếp. Tuy nhiên, có thể thấy cuốn tiểu thuyết cũng đề cập đến những vấn đề khác mà xã hội Nga đang gặp phải vào thời điểm đó, bao gồm nỗi đau khổ và con đường có thể đi đến hòa đồng xã hội.

Đỉnh cao của câu chuyện là khi người cha Fyodor Karamazov và con cả Dmitri Karamazov cùng yêu nhau và muốn giành được một người con gái cũng như tài sản mà mẹ Dmitri để lại. Đặc biệt, Dmitri đã nhiều lần yêu cầu giết cha mình trong sự chứng kiến của mọi người. Dmitri không giết cha mình khi Fyodor chết đột ngột, nhưng anh ta nhận tội vì muốn trả giá cho ý định giết cha mình, và kết quả là anh ta bị lưu đày. Chính thằng con ngoài giá thú của Fyodor là kẻ giết người cha, người đã chọn tự tử. Ivan Karamazov, người sai đã giết cha đứa con ngoài giá thú, cuối cùng chỉ nhận kết cục bị điên. Alyosha, người lượng thiện, cuối cùng cũng trở thành một thầy giáo.

Anh em nhà Karamazov
Tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov" - kiệt tác của Fyodor Dostoyevsky

Review sách Anh em nhà Karamazov

Tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” là kiệt tác lớn nhất của Fyodor Dostoyevsky, tác phẩm đã đưa tên tuổi của Dostoyevsky lên đỉnh cao của tài năng và trở thành một đại văn hào kiệt xuất trong thời đại của mình. Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp những bài review tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov được đánh rất cao của đọc giả. Mời bạn xem review sách bên dưới!

Review sách của Đặng Xuân Lương

Cuốn sách nhất định bạn phải đọc một lần trong đời.

“Anh em nhà Karamazov” là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Dostoevsky, là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của văn hào, có thể nói không ngoa rằng nó là kết tinh tất cả những gì tinh hoa nhất trong cả cuộc đời viết lách của Dostoevsky. Nhắc đến “Anh em nhà Karamazov” ai ai cũng phải thừa nhận đây là một tác phẩm đồ sộ cả về hình thức và nội dung, tư tưởng. Về hình thức tổng thể, đây là cuốn sách khổ lớn chia làm 5 phần và dày ngót nghét 1000 trang. Về nội dung, cuốn sách kể lại một bi kịch lớn của gia đình Karamazov đồng thời khiến người đọc phóng chiếu từ bi kịch đó ra bức tranh cả xã hội Nga trong thời kỳ hỗn loạn, u ám cuối thế kỷ XIX. Về tư tưởng, cuốn sách phơi bày trên sân khấu của nó những trào lưu tư tưởng đặc trưng của mọi tầng lớp xã hội đang trực tiếp ảnh hưởng lên xã hội đương thời: chủ nghĩa khoái lạc; chủ nghĩa duy lý; chủ nghĩa vô thần; chủ nghĩa duy tâm vv... Đại diện của các dòng tư tưởng không ngừng ma sát nhau, tranh biện để phủ định nhau khiến tác phẩm từ một tiểu thuyết đã trở thành một tác phẩm triết lý, tư tưởng. Với giá trị tư tưởng bao trùm rộng khắp như vậy, tôi tin mọi bạn đọc khi đọc “Anh em nhà Karamazov” sẽ đều tìm thấy mình trong đó. Như nhà văn Henry Miller đã nói: “Hẳn bạn vẫn nhớ cái buổi chiều khi bạn lần đầu đọc Dostoevsky” bởi vì ngay từ cái buổi chiều đó bên trong bạn đã có sự thay đổi.

Review cuốn sách “Anh em nhà Karamazov” cực khó bởi vì Dostoevsky đã viết thiên tiểu thuyết của ông với sự tận tâm tới từng chi tiết vụn vặt, ông kiến giải, cắt nghĩa rõ ràng động cơ của từng hành vi nhân vật, cội nguồn khởi phát của mọi luồng tư tưởng, suy nghĩ vi tế, cụ thể hóa từng mâu thuẫn, dằn vặt tận sâu bên trong nội tâm vv... sự tận tâm của ông khiến mọi điều người review định viết ra đều gây cho y cái cảm giác: Dostoevsky đã viết rõ ràng về vấn đề này rồi mà, nhắc lại làm gì (thả icon mặt buồn). Tuy nhiên về phía bạn đọc, sự tận tâm này là động lực khích lệ bạn để bạn không còn ngại ngần, e dè khi muốn tiếp cận với một kiệt tác văn chương thế giới, “Anh em nhà Karamazov” do vậy là tác phẩm rõ ràng, mạch lạc, và vì thế dễ đọc nhất trong các sáng tác của Dostoevsky.

Anh em nhà Karamazov
Anh em nhà Karamazov - Ấn bản do Đông A phát hành

Review tác phẩm khó thì tôi sẽ làm cái việc dễ hơn trước, đó là chia sẻ một chút về “cái buổi chiều khi tôi lần đầu biết tới Dostoevsky”.

Lần đầu đọc “Anh em nhà Karamazov” tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng tôi đã biết tới tác phẩm từ rất lâu rồi, hóa ra tôi đã có cơ duyên với nó từ 15 năm trước. 15 năm trước, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi có một thầy giáo đặc biệt, giảng viên dạy môn xác suất thống kê, thầy đọc rất nhiều và thường xuyên chia sẻ với chúng tôi về những chủ đề vốn dĩ chẳng liên quan gì tới môn học, trong các chủ đề đó, tôi nhớ mãi những câu trích dẫn mà đến tận hôm nay tôi mới biết chúng nằm trong thiên tiểu thuyết của Dostoevsky:

“Tôi yêu nhân loại, nhưng tôi ngạc nhiên về chính bản thân tôi: tôi càng yêu nhân loại nói chung thì lại càng ít yêu con người nói riêng, tức là tách bạch ra tường con người riêng rẽ.”

Bởi sao vậy? Bởi nhân loại nói chung là một danh từ chung chung, chỉ tất cả nhưng thực ra không chỉ ai cả (giống như khi Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại thì ai ai trong làng cũng tự nhủ: “chắc nó chừa mình ra”). Và một điều quan trọng hơn cả là cái nhân loại chung chung ấy không gây cho ta khó chịu, không làm phiền ta, không xung đột quyền lợi với ta. Vậy là ta yêu, cái tình yêu mơ hồ, chưa từng qua thử thách, cái tình yêu dễ nói ra bằng mồm mà không phải thề bồi, hẹn ước, cái tình yêu chót lưỡi đầu môi không cần có trách nhiệm. Ta yêu cả nhân loại chung chung và thực chất ta chẳng yêu gì cả, nhạt nhạt, vô cảm.

“Từng con người riêng rẽ” lại khác, từng con người là thiểu số nhưng là cụ thể, hiện hữu. Từng con người là đám bạn bè cùng giảng đường ồn ào hay trốn tiết đi chơi Đế Chế, là những người bạn cùng phòng bừa bộn, hôi nách, nợ tiền ta chưa trả, là bà chủ khu trọ khó tính chưa hết tháng đã “nhắc khéo” tiền thuê nhà, là cô bán gạo hay cân điêu một cân thành chín lạng, là chị bán tạp hóa hay đẩy cho ta những bình gas mini đong thiếu vv... Từng con người đó tuy thiểu số nhưng hàng ngày, hàng giờ đang tác động trực tiếp đến bản thân ta, khuấy động cảm xúc của ta, rõ ràng yêu từng con người khó hơn yêu toàn nhân loại.

Vậy, những người trẻ vốn thích nói những lý tưởng bao la vĩ đại, hãy thử giành một phút nhìn thẳng vào thực tế để trước khi nói đến thứ tình yêu lớn lao với toàn nhân loại, hãy học yêu từng con người riêng rẽ ngay bên cạnh mình.

Những suy nghĩ trong “cái buổi chiều khi tôi lần đầu biết tới Dostoevsky” là như thế, nó nhẹ nhàng giúp tôi có cái nhìn thực tế hơn với cuộc sống từ khi còn là sinh viên. Và sau 15 năm, tôi vẫn không quên câu trích dẫn đó, không quên “cái buổi chiều khi tôi lần đầu biết tới Dostoevsky”.

Review sách của Hà Minh

Trong suốt 2 tháng vừa rồi, tôi vừa "cày" hết cuốn tiểu thuyết kinh điển nghìn trang "anh em nhà Karamazov" của Fyodor Dostoyevsky.

Là một người ít khi đọc tiểu thuyết, lại đặc biệt kinh hãi những cuốn sách dày, việc đọc xong cuốn này là một thành tựu lớn đối với bản thân tôi, vì quá trình ấy đã đòi hỏi tôi phải cam kết và kiên nhẫn với nó vô cùng. Vì lẽ đó, tôi quyết định chia sẻ chút cảm nghĩ để ai quan tâm có thể tìm đọc.

BỐI CẢNH

Sau khi đã nghe rất nhiều lời ngợi khen về cuốn kinh điển này (rằng nó là một trong những tiểu thuyết khai thác rất sâu về nội tâm mà mọi sinh viên ngành tâm lý đều nên đọc), tôi có lẽ đã tiếp cận nó với một sự kỳ vọng tương đối cao, và đã ngay lập tức gặp khó khăn trong việc đặt được mình vào bối cảnh của câu chuyện.

Bối cảnh ấy là ở nước Nga vào cuối thế kỷ 19, chỉ vài thập niên trước cách mạng, thời điểm đế quốc Nga đang dần lung lay trong sự hỗn loạn của nhiều luồng tư tưởng mới. Không những vậy, Dostoyevsky còn đã khéo léo lột tả được tâm tư, nỗi niềm, và khát vọng của người dân Nga ờ nhiều tầng lớp: từ quý tộc cho đến tôi tớ, từ cao sang cho tới nghèo hèn, như để vạch trần hiện thực của một xã hội bất bình đẳng, ẩm ương, méo mó, xộc xệch.

Khỏi phải nói, bối cảnh ấy xa lạ và khó gần với một đứa con của thời hiện đại như tôi. Nhưng có lý do để những cuốn văn học cổ điển như vậy trở nên trường tồn: là vì những thông điệp và tư tưởng được gài cắm trong ấy mang tính vĩnh cửu, vượt thời gian. Nói theo lời cụ Nguyễn Duy Cần thì là: “chân lý của người và việc là chân lý của thiên thu”.

Những giá trị thật sự của nó vượt lên trên giới hạn về lịch sử và địa lý nơi tác phẩm được ra đời, và "anh em nhà Karamazov" không phải là ngoại lệ.

Câu chuyện khai thác những mâu thuẫn gia đình giữa ba anh em nhà quý tộc Karamazov (Dmitri, Ivan, và Alyosha) cùng với người cha Fyodor tệ bạc của họ. Hiềm khích giữa người con trai cả Dmitri và cha bị đẩy lên đến đỉnh điểm, khi giữa họ xảy ra sự tranh chấp và thù địch cả về tình lẫn về tiền. Mâu thuẫn hằn sâu không thể hòa giải đẩy họ vào những sự giằng xé nội tâm sâu sắc.

Bối cảnh anh em nhà karamazov
Bối cảnh nước Nga thời điểm Anh em nhà Karamazov được viết

NHÂN VẬT

Khi dần vào được "guồng" của câu chuyện, tôi mới nhận ra: các nhân vật trong truyện không chỉ được Dostoyevsky khắc họa một cách đa chiều và sống động, mà họ còn tượng trưng cho những kiểu hình nhân cách của thời thế:

Người anh cả Dmitri là một người nóng nảy, thô bạo, ghen tuông, trác táng, ham mê dục thú và đôi khi trở nên cuồng loạn. Tuy là một “hedonist” (người theo chủ nghĩa khoái lạc), nhưng về bản chất, Dmitri không phải kẻ ác: chôn sâu trong anh là một tâm hồn hướng thiện với những chuẩn mực riêng, một trái tim biết yêu trong sáng, nhưng gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát được chính mình. Cuộc sống của Dmitri như một sự tranh đấu với bản thân: anh vừa là hiện thân của phần thú tính bản năng không chịu nổi xiềng xích, vừa là hiện thân của phần lương tâm cao quý biết đúng sai nhưng ngột ngạt đầy phán xét.

Người anh thứ Ivan là một người vô thần duy lý, sở hữu tri thức hàn lâm uyên bác với những biện luận triết học cao siêu. Thế nhưng khối óc thiên tài ấy không mang lại cho Ivan hạnh phúc, vì trái tim anh tràn ngập sự ngờ vực, thù hận, tự đắc, thủ đoạn và cay nghiệt đến buốt lạnh. Ivan là hiện thân của một kiểu người mới của thời đại: anh không tin vào thượng đế, hay nói đúng hơn: anh căm phẫn trước thế giới của thượng đế, một thế giới ngập tràn ác độc và khổ đau, nơi những đứa trẻ vô tội cũng không được buông tha. Nỗi khổ của Ivan, là cuộc giao tranh giữa những tư duy lý tính kiêu ngạo và niềm tin tâm linh mù quáng.

Người em út Alyosha, có lẽ là chấm sáng hiếm hoi làm điểm nhấn trong một bức tranh xám xịt và tăm tối. Anh là một vị tu sĩ trẻ với tâm hồn cao đẹp. Alyosha tuy không có những đam mê cuồng nhiệt như Dmitri hay kho trí tuệ uyên thâm như Ivan, nhưng anh có đức tin, có phẩm hạnh, có lương tri, có sự bao dung chân thành đầy khiêm nhường và ấm áp. Thử thách khắc nghiệt nhất dành cho Alyosha, là làm sao giữ mãi được ánh sáng thiện lành ấy trong thâm tâm mà không bị hiện thực cuộc sống làm vẩn đục, làm sao để mãi dịu dàng trong một thế giới chẳng hề dịu dàng với anh.

Những mảnh đời chắp vá bị trói buộc lẫn nhau trong sợi chỉ của số phận, nhưng rồi sợi chỉ ấy bị rối nhằng nhịt trong những chất vấn giằng co giữa cái thiện và cái ác, giữa dục tính và lương tâm, giữa ngay thẳng và dối trá, giữa tình yêu và thù hận, giữa hạnh phúc và khổ đau.

Tác phẩm là một khúc trường ca đầy bi kịch, xoáy sâu vào tâm tư của nhiều nhân vật, nơi mỗi người bị mắc kẹt trong một cuộc giày xéo nội tâm ngang trái giữa những thái cực đối nghịch, và phải học cách chấp nhận lấy cả ánh thiên thần lẫn bóng ác quỷ trong con người họ.

Trong ấy, không ai thật sự là phản diện, và cũng không ai chính diện. Họ đều là con người, với tất cả những sự cao quý và đê hèn đầy trái ngược mà con người vốn có.

Anh em nhà Karamazov
Anh em nhà Karamazov - Ẩn bản sách do Nhã Nam phát hành

VỀ TÁC PHẨM

Có quan điểm cho rằng "anh em nhà Karamazov" là một cuốn triết học, nhưng lại ẩn mình trong hình hài của một tiểu thuyết trinh thám. Tôi hoàn toàn đồng ý. Những luồng quan điểm trái ngược lẫn nhau giữa các nhân vật, hầu như đều là hiện thân cho những hệ thống tư tưởng và niềm tin đang thống trị xã hội thời kỳ đó. Việc này tuy phản ánh kho kiến thức và kinh nghiệm trù phú của tác giả, nhưng có thể gây khó khăn cho những người chưa được làm quen từ trước với những góc nhìn ấy.

“Anh em nhà Karamazov” tuy bàn đến những chủ đề sâu nặng, nhưng đây hoàn toàn không phải là một cuốn sách tiêu cực. Le lói đằng sau những tấn bi kịch đẫm máu và nước mắt, là những thông điệp đầy ý nghĩa của việc làm người. Tình yêu, lẽ phải, sự dung thứ, và lòng vị tha, là những ngọn nến của hy vọng mà Dostoyevsky đã thắp lên giữa chốn bùn lầy tăm tối, chữa lành cho những đau thương ở nơi sâu kín nhất của tâm hồn.

Nửa đầu câu chuyện cũng có thể gây khó dễ cho người đọc vì những tình tiết có diễn biến chậm, và có quá nhiều nhân vật được nhắc đến như một ma trận của những cái tên Nga. Thế nhưng, trong nửa sau của câu chuyện, tình tiết được đẩy lên nhanh hơn với cốt truyện trinh thám hấp dẫn và ly kỳ, cuốn người đọc vào những diễn biến kịch tính, thúc đẩy họ bởi nỗi khát khao muốn thấy cao trào nơi những bí ẩn được hé lộ.

Một điểm nhấn ấn tượng trong “anh em nhà Karamazov” là văn phong của Fyodor Dostoyevsky. Chương nối tiếp chương là những trang giấy ngùn ngụt chữ, đôi khi dông dài, lê thê, và thử thách lòng kiên nhẫn của người đọc. Thế nhưng, ở những trường đoạn quan trọng nhất, lối hành văn ấy lại khiến cho những diễn biến nội tâm của nhân vật được lột tả một cách chân thực đến trần trụi, lay động được trái tim người đọc và làm nó thổn thức với những câu từ vần điệu tuôn chảy như xoáy thẳng vào tâm can. Đó là một thứ ngôn ngữ của tâm hồn, đôi khi phức tạp, mơ hồ, và thần bí, nhưng lại có thể chạm được vào những gì sâu thẳm nhất.

Ở điểm này, Dostoyevsky không chỉ xuất chúng về văn chương, mà còn là một nhà tâm lý và một triết gia xuất sắc. Văn phong của Dostoyevsky gợi tôi nhớ đến triết gia hiện sinh Kierkegaard, với những tiếng lòng sâu sắc đến chơi vơi, mộng mơ đến quằn quại, nhưng vẫn luôn hướng về sự thiêng liêng. Bên cạnh đó, bản chuyển ngữ của Phạm Mạnh Hùng tự nó cũng đã là một kiệt phẩm dịch thuật.

Bộ 3 tác phẩm của Fyodor Dostoyevsky
Bộ 3 tác phẩm của Fyodor Dostoyevsky

LỜI KẾT

“Anh em nhà Karamazov” là một tuyệt tác, nhưng tôi sẽ không khuyên mọi người tìm đọc nếu như cảm thấy những chủ đề này quá đỗi nặng nề, không có nhiều thời gian, hay không có đủ kiên nhẫn để “nghiền” được hết gần một nghìn trang của nó.

Thế nhưng, với những ai sẵn sàng thử thách bản thân với một kinh điển như “anh em nhà Karamazov”, hẳn rồi cũng sẽ thỏa mãn khi thấy những câu hỏi quan trọng và cốt yếu về bản chất của đời người được Dostoyevsky khám phá từ nhiều góc độ, và rồi sẽ hiểu vì sao một cuốn tiểu thuyết mang đậm tính giáo lý như vậy lại được một người vô thần chủ nghĩa như Stephen Fry công nhận là “một tác phẩm của thiên tài mà bất kỳ ai cũng nên đọc”.

Với bản thân tôi, “anh em nhà Karamazov” là một chuyến hành trình dài. Ngòi bút của Dostoyevky đã đưa tôi đi qua những ga bến đầy thăng trầm của cảm xúc: từ những vũng lầy nhơ nhuốc của sự tuyệt vọng, ngọn lửa đam mê cuồng loạn của tình yêu, hay sự nồng hậu chan chứa của lòng vị tha, cho tới cán cân chênh vênh của thiện ác, và lời phán xét tối cao của tòa án lương tâm.

Hành trình ấy đã có lúc khiến tôi phải đối diện với tâm hồn mình, thách thức ở bản thân tôi những thiên kiến đúng sai, và rồi để lại nhiều ấn tượng sâu cay khó nhòa.

Rating: 9.25/10

Tổng hợp: Minh Ngọc

Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Anh em nhà Karamazov - Fyodor Dostoyevsky"​​

Sản phẩm liên quan
Anh Em Nhà Karamazov 30% Cháy hàng

Anh Em Nhà Karamazov

280.000đ

400.000đ

(9)

Lũ Người Quỷ Ám 30% Cháy hàng

Lũ Người Quỷ Ám

259.000đ

370.000đ

(9)

Tội Ác Và Hình Phạt 30% Cháy hàng

Tội Ác Và Hình Phạt

210.000đ

300.000đ

(6)

Bài viết liên quan
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis

04/08/2024 16:43Minh Ngọc

Gambit Hậu của Walter Tevis là một kiệt tác văn học đầy mê hoặc, khắc họa hành trình gian nan…

Xem tiếp
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả