Khi quá khứ biến thành những trang sách đen và hành trình tìm kiếm sự thật trở nên nguy hiểm đến chết người, "Ác Quỷ Nam Kinh" của Mo Hayder không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một lời tố cáo dữ dội về những tội ác chiến tranh tàn bạo. Nằm trên nền của một "thành phố Nam Kinh, Trung Quốc như chim trong biển lửa địa ngục", cuốn sách này tái hiện lại thảm kịch lịch sử qua ánh mắt của Grey, một nữ sinh viên người Anh với tâm hồn rối bời, đau đáu tìm kiếm chân lý trong cơn hỗn loạn của tâm thần và thời gian.
Grey, với mục đích sống là khám phá ra sự thật về "những người đã châm ngòi phóng hỏa thành phố này", bắt đầu cuộc hành trình đầy rẫy hiểm nguy và thử thách. Khi ấy, một giao dịch không lường trước với một vị giáo sư xã hội học ẩn mình trong lòng Nhật Bản, cùng với thứ bằng chứng mà Grey khao khát, trở thành tâm điểm của một cuộc săn đuổi kịch tính. Mo Hayder đã khéo léo đan xen giữa vẻ đẹp tinh tế của đất nước Nhật Bản với những bóng ma quá khứ ám ảnh, tạo nên một cuốn sách làm say lòng độc giả, khiến cho người đọc khó lòng gấp sách lại mà chưa biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
"Ác Quỷ Nam Kinh" không chỉ là một tác phẩm kinh dị mà còn là một chuyến đi sâu vào lòng đau thương và sự điên rồ của chiến tranh. Hãy chuẩn bị tinh thần để bị cuốn hút, rùng mình và cuối cùng là bị ám ảnh bởi một trong những trang sử đen tối nhất của nhân loại qua ngòi bút đầy ma lực của Mo Hayder.
Tác giả: Mo Hayder
Dịch giả: Quỳnh Lê
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 387
Phát hành: 2019
Giá bìa: 116.000đ
Tiểu thuyết kinh dị giá rẻ 'Ác quỷ nam kinh' tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giảm từ 30% giá bìa
Khi lịch sử thê lương của một thành phố được khắc hoạ qua từng trang sách, "Ác Quỷ Nam Kinh" không chỉ là một cuốn tiểu thuyết - nó là lời kêu gọi không thể bỏ qua từ quá khứ đen tối. Mo Hayder đã mở một cánh cửa trở về với Nam Kinh năm 1937, nơi ác mộng của chiến tranh không chỉ hiện hữu qua tiếng bom rền, mà còn qua tiếng thét đau đớn của những mảnh đời vô tội bị xé nát. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài chia sẻ cảm nhận của độc giả đã đọc tác phẩm, mời bạn tham khảo review sách bên dưới!
Ác Quỷ Nam Kinh – Mo Hayder
Rate luôn là 4/5 ạ. Những bạn tâm lý yếu hay không quen đọc sách có yếu tố kinh dị thì nên cân nhắc thật kỹ trước khi đọc nha.
Trước đây mình cứ nghĩ Ác quỷ Nam Kinh nói về cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ở Trung Quốc, nhưng mình nhầm to. Nó nói về cuộc thảm sát Nam Kinh (cũng ở TQ) vào năm 1937 cơ ạ. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả úp mở về những chuyện đã xảy ra ở Nam Kinh năm đó qua lời kể của cô gái Grey, người mang cả thanh xuân đi đổi lấy sự thật về cuộc thảm sát. Cô ấy đa tiếp cận giáo sư Sử Trùng Minh, người đã trực tiếp chứng kiến sự việc kinh khủng đó để được confirm về những việc làm tàn bạo vô nhân tính của quân đội Nhật với người Trung Quốc khi đó. Và để có được sự thật ấy thì cô đã suýt phải đánh đổi cả tính mạng.
Chắc chắn một điều với các bạn là khi đọc xong sách, các bạn sẽ cuống cuồng vớ cái laptop hoặc PC hoặc điện thoại để tra cứu về cuộc thảm sát Nam Kinh 1937. Thề. Để biết được độ hung bạo và tàn độc của quân đội Nhật khi ấy nó kinh khủng đến thế nào. Nhưng đọc xong sách hãy tra cứu nhé. Thực sự khi nhìn những hình ảnh đó bạn chưa chắc đã nuốt nổi cơm đâu. Kể cả những chi tiết trong sách, đôi khi đang đọc mà mình còn phải nhịn để không bị buồn nôn ấy.
Ngoài câu chuyện kinh khủng ra thì có một chi tiết mình khá thích xuyên suốt cuốn sách. Đó là ranh giới giữa “thiếu hiểu biết” và “tội ác”. Cùng là 1 chuyện tồi tệ được làm ra, nhưng là do thiếu hiểu biết, thì người đó có bị tính là ác độc hay không? Theo mình thì là không (và theo Sử Trùng Minh cũng vậy). Bên Đạo mình hay nói với nhau “không biết thì không có tội” mà. Và một chi tiết nữa là về bà Strawberry. Cái cách mà bà ấy che chở nâng đỡ Grey là một thứ tình cảm hiếm có giữa những người lạ, một thứ tình cảm ấm áp nơi xứ tuyết làm cho mình cũng thấy ấm lòng theo.
Cá nhân thì mình khá thích nội dung câu chuyện cùng cách tác giả lồng ghép chi tiết lịch sử vào câu chuyện của mình. Những chi tiết kinh dị rùng rợn nổi da gà cũng khiến mình ấn tượng. Thật luôn. Nhưng mà mình chỉ rate 4/5 thôi vì một là cách kể chuyện úp mở quá đáng của tác giả khiến mình sốt ruột ghê gớm. Hai là mình đã mong chờ những thứ kinh dị hơn thế cơ (như những bức ảnh được chụp lại ở Nam Kinh năm 1937 trên Google chẳng hạn?) hoặc có thể những chi tiết đó đã bị cắt khi kiểm duyệt chẳng hạn? Mình đã hy vọng nó sẽ cực kì khủng khiếp ấy. Nhưng mà nó mới chỉ chạm đến mình tầm 80% thui
Ác Quỷ Nam Kinh - Myo Hayder
Nhã Nam gắn tag cuốn này là Trinh thám - Kinh dị, nhưng mình thấy em này thuộc Lịch sử - Kinh dị thì đúng hơn.
Ác quỷ Nam Kinh kể về cuộc gặp gỡ giữa Grey - một cô gái tuổi đôi mươi đến từ Anh, và Sử Trùng Minh - một giáo sư tại đại học ở Tokyo đến từ Trung Quốc. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh song song, đan xen lời kể ở thì hiện tại của Grey giữa thành phố Tokyo là những ngày trong quá khứ của Sử Trùng Minh khi còn ở Nam Kinh. Đọc những dòng về câu chuyện của Grey khiến mình rất tò mò, nhưng đến phần của Sử Trùng Minh chỉ còn lại cảm giác ngộp thở.
Cứ qua từng trang, từng trang, tác giả lại vẽ thêm một chút đau thương về chiến tranh, trong những ngày Sử Trùng Minh ở Nam Kinh khi quân Nhật chiếm đóng. Độc ác, tàn bạo và đau thương. Khắp nơi chỉ toàn là xác người, đâu đâu cũng là cái không khí của chết chóc. Sự rùng rợn được khắc họa ngày càng tăng cao, tăng cao. Bạn tưởng như là mình đã được chuẩn bị để đi đến cái kết, nhưng sự thật sau cùng vẫn khiến bạn sởn tóc gáy và sững sờ đến mức không thốt lên được lời nào.
Tội ác của quân Nhật ở Nam Kinh là một điều gì đó rất kinh khủng mà bạn khó có thể tưởng tượng ra. Mình chưa từng nghe đến "Thảm sát Nam Kinh" trước đây, cho đến khi đọc sách này rồi lên mạng tìm hiểu. Cứ tưởng mình đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, nhưng vẫn không thể xem hết toàn bộ hình ảnh, vì quá ám ảnh và đau thương.
Về phần Grey, lý do gì khiến cô từ Anh phải lặn lội xa xôi đến Nhật để gặp Sử Trùng Minh? Chỉ đơn giản vì cô muốn xem được đoạn phim mà chỉ có vị giáo sư này nắm giữ, hay còn vì một nguyên nhân khác? Và mối dây liên kết giữa họ là gì?
Thật ra cốt truyện không quá khó đoán, nhưng cảm giác khi đọc truyện đa phần là "sốt ruột". Tác giả viết rất chậm, rất chậm, lại khiến bạn cứ muốn đọc tiếp xem câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Và cái kinh dị trong truyện này không phải ở quỷ thần hay một điều tâm linh, mà ở chính con người. Thật may vì câu chuyện được viết dưới ngôi kể Grey, từ đó mà mình dễ có cái nhìn cảm thông hơn cho Sử Trùng Minh. Và nhân vật khiến mình thấy sợ hãi nhất trong sách là mụ y tá của Yakuza. Cứ mỗi khoảnh khắc mụ xuất hiện là như một khối băng tảng lạnh giá, khiến người ta thấy rùng mình và kinh hãi.
Đọc xong mình đã choáng váng và ám ảnh, sao con người có thể tàn ác đến thế nhỉ?
Và cái mình thắc mắc nhất vẫn là lý do vì sao khi quân Nhật tràn vào Nam Kinh lại tàn bạo đến vậy? Không có ai giải thích được điều này, nhưng mình có tìm được một bình luận có bạn viết về "cognitive dissonance", có thể họ được chính phủ Nhật đồng ý, nên trong thân tâm họ nghĩ người Trung Quốc là lũ sâu bọ, họ thực sự đang bảo vệ tổ quốc và giết chóc là hành động vì chính nghĩa. Hoặc là, họ vừa trải qua cuộc chiến ở Thượng Hải, nên việc chiếm đóng Nam Kinh dễ dàng đã trở thành cú hích, cuộc tàn sát này đã giúp họ giải tỏa căng thẳng của cuộc chiến, và báo thù cho những đồng đội đã phải hy sinh.
Sẽ không ai biết được lý do xác đáng, nhưng chiến tranh, vì bất cứ lý do gì, thì với mình cũng là vô nghĩa và đau thương.
Lưu ý nhẹ là bạn không nên ăn khi đọc sách này.
Ác Quỷ Nam Kinh – Mo Hayder
Những thông tin đầy ám ảnh trong cuốn sách bìa màu da cam được Grey tìm thấy ở tủ sách gia đình đã bám rịt lấy tâm trí cô suốt cả hàng năm ròng. Vét cạn túi tiền, đặt chân lên chiếc máy bay tới thẳng với trái tim Nhật Bản – Tokyo, tất cả những gì cô sinh viên London khát khao không gì hơn là được tận mắt nhìn thấy cuốn phim tư liệu bị thất lạc, chứng minh được với thế giới rằng họ đã sai, rằng những gì cô tìm thấy một-trăm-phần-trăm là sự thật. Người duy nhất có thể gỡ bỏ những khúc mắc trong cô là Sử Trùng Minh – một vị giáo sư xã hội học khả kính người Trung Quốc – người đã từng kinh qua những sự kiện có thể nói là kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử nhân loại – thảm sát Nam Kinh. Bằng những thước phim nhuộm màu quá khứ, kết hợp với nhịp chạy gấp gáp trong công cuộc truy tìm sự thật trong hiện tại cùng song song đồng hiện, Mo Hayder đã đem tới cho độc giả một thiên tiểu thuyết giật gân đầy ly kỳ, hấp dẫn mà cũng không kém phần xúc động và ám ảnh.
Trong Ác quỷ Nam Kinh giăng mắc đầy những bí ẩn. Bí ẩn về những gì Grey tìm thấy, về những gì giáo sư Sử đang nắm giữ, về thân thế thực sự của những nhân vật được chỉ mặt điểm tên trong truyện. Tất cả đều giao nối với nhau ở những điểm nút không ai ngờ được, đều được phơi bày lồ lộ trước mắt người đọc tựa như một bữa buffet thịnh soạn, song lại được cẩn mật lồng trong khung kính, chỉ có thể nhìn nhưng tuyệt nhiên không thể mảy may với lấy hay nếm thử. Tất cả, tất cả đều được giữ kín và chỉ chực bung ra cho tới khi tấn bi kịch sắp sửa được khép màn.
Khác với Điểu nhân – cuốn sách đồng tác giả mà mình có cơ hội được tiếp xúc từ trước, chất kinh dị Ác quỷ Nam Kinh ít hơn hẳn, song chi tiết nào cũng cực kỳ đắt giá và dễ dàng gây ám ảnh. Mình hoàn thành xong sách vào một buổi trưa oi bức, và thú thực là đọc xong thì chẳng tài nào có thể chợp mắt nổi. Những chi tiết rùng rợn trong sách cứ chốc chốc lại hiện lên nhập nhòe, hòa lẫn trong tiếng thét xé lòng của những con người bất lực và sắc đỏ thẫm rực trong một ngày tang thương. Thật khó để diễn tả cái chợn rợn trong khoang ruột, cái lờm lợm trong cổ họng và cái ong ong trong khối óc mình khi bản thân đã đọc tới những trang cuối truyện mà không spoil đi mất nội dung. Bởi vậy, nếu thực sự can đảm và muốn trải nghiệm những cảm giác không mấy vui vẻ này, mình nghĩ mọi người cũng nên thử đọc Ác quỷ Nam Kinh một lần.
Tuy viết về những tội ác chiến tranh, về những lầm lạc không thể tưởng tượng nổi mà một con người bình thường cũng có thể mắc phải, Ác quỷ Nam Kinh vẫn có thể giữ trọn vẹn từ đầu chí cuối một nhịp truyện đầy chậm rãi, bình thản, đan cài với những trường đoạn miêu tả ngoại cảnh đẹp tới nhức nhối lẫn cả những thông điệp nhân văn điệp đi điệp lại tựa như một lời ru, rằng, “Tội ác không đồng nghĩa với sự thiếu hiểu biết”. Câu nói ấy xuất hiện từ những trang đầu tiên và vẫn có thể tìm thấy ở những trang cuối cùng, thể hiện cái nhìn đầy nhân văn của Mo Hayder trong khía cạnh nhìn nhận bản chất con người. Khắc chân dung nhân vật, tường thuật lại những hành động của nhân vật, song nữ tác giả người Anh không mảy may có chút phán xét hay bình phẩm. Bà luôn giữ được cái nhìn trung dung xuyên suốt, bởi, việc đánh giá có chăng là việc của mỗi độc giả chúng ta?
Tuy xây dựng được cốt truyện hấp dẫn, nhiều tình tiết gây sốc và nhiều twist cực kỳ bất ngờ, song dường như ở Ác quỷ Nam Kinh, lối viết của Mo Hayder không thực sự thu hút được sự chú ý của mình. Hơn ba trăm trang truyện là một sự kéo giãn, lê thê đầy mệt mỏi, nhiều nhân vật khiến mình thực sự cáu tiết, khiến cho trải nghiệm đọc của bản thân phải thú thực là không mấy vui vẻ. Một số nút thắt cũng chưa thực sự được giải quyết một cách rõ ràng, bị bỏ lửng một cách vô duyên. Bởi vậy, dù rất trân trọng những tư liệu lịch sử quý giá được Mo Hayder dày công tìm hiểu, rất ấn tượng với những chi tiết đắt giá được tác giả khéo léo gài gắm, tuy nhiên, nếu so sánh với Điểu nhân, Ác quỷ Nam Kinh không thể đem tới cho mình những sự thỏa mãn nhất định mà bản thân mình đã từng kỳ vọng, nếu không muốn nói là, chậc, thất vọng ê chề.
Đối với những ai đam mê dòng tiểu thuyết giật gân – kinh dị (hiện mình vẫn chưa hiểu sao Nhã Nam lại gắn cho sách cái tag trinh thám), được lồng ghép với các yếu tố lịch sử một cách đầy khéo léo, Ác quỷ Nam Kinh là một cuốn sách tuyệt vời dành cho bạn. Song với những ai đang tìm kiếm những trải nghiệm táo bạo, dữ dội, cuồn cuộn bão gió, dồn dập trong kinh hoảng, thì mình rất tiếc, có lẽ cuốn sách này lại không thực sự phù hợp hay chăng?
Tổng hợp: Minh Ngọc