Review sách 451 độ F - Ray Bradbury


Review Sách | 16/11/2023 17:09| Minh Ngọc

Lượt xem: 282

451 Độ F - Khi tắt nguồn tri thức, con người sẽ tự đốt chính mình

Ray Bradbury đã tạo ra một trái đất cháy sáng trong "451 Độ F", nơi mọi thứ - từ thời gian, con người, đến mỗi cuốn sách - đều nằm dưới sự thống trị của ngọn lửa. Trong thế giới này, chúng ta có tất cả những gì cần thiết để hạnh phúc, nhưng chúng ta không hạnh phúc. Sách, biểu tượng của tri thức, bị cấm trong quá trình bài trừ tất cả những điều phức tạp và không cần thiết. Mọi ngôi nhà tàng trữ sách đều bị lính phóng hoả thiêu rụi dưới cái nóng 451 độ F của lửa. Trong một thế giới như vậy, câu hỏi lớn đặt ra là: "Thế giới này từ đâu mà ra, thế lực của nhà cầm quyền hay tự bản thân người đọc không còn muốn đọc?"

Trong bối cảnh giả định ở tương lai (nhiều năm sau năm 2035), Bradbury đã khắc họa một thế giới mà việc lưu giữ sách và đọc sách bị cấm, con người chỉ thích những chương trình giải trí và xem tri thức là nguồn cơn của bất hạnh. Nhân vật chính, Montag, một lính phóng hỏa, chuyên nhận nhiệm vụ đốt sách mỗi khi có còi báo động. Cuộc hành trình của anh vừa là cuộc chiến tìm kiếm tự do giữa hiểm nguy và sợ hãi, vừa là quá trình đấu tranh tư tưởng để nhận thức lại thế giới xung quanh một cách đúng đắn.

Review sách 451 độ F

"451 Độ F" là một tiểu thuyết phản địa đàng, một bức tranh sôi động về thế giới nơi truyền hình thống trị, văn chương bị đe dọa và con người tự giam mình vào những thiết bị công nghệ. Thay vì tìm đến sách và cuộc trò chuyện, họ lựa chọn sự giải trí không ngừng và tiếng cười không tình cảm. Hãy cùng đọc và khám phá thế giới 451 độ F này, nơi ngọn lửa của sự cảm mục đang cháy sáng hơn bao giờ hết.

Thông tin sách:

Tác giả: Ray Bradbury
Dịch giả: Dick Trương
Nhà xuất bản: Văn học
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 230
Ngày phát hành: 12-2018

Đặt sách online “451 độ F” tại Nhà sách trực tuyến Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa, freeship

Review sách 451 độ F

Hãy cùng Blog sách hay xuyên qua những trang giấy của "451 Độ F" - một tác phẩm kinh điển của Ray Bradbury, nơi sự sợ hãi và hi vọng đan xen trong mỗi lời kể và mỗi hình ảnh được vẽ lên, qua bài tổng hợp các review sách của một vài độc giả đã đọc sách và chia sẻ review. Mời bạn xem các review sách bên dưới!

Review sách của Đồng Vũ

451 Độ F - Ray Bradbury

Thể loại : Phản địa đàng.

Ở một thế giới mà những người "lính cứu hỏa" không còn nhiệm vụ dập tắt những vụ hỏa hoạn, thay vào đó là tạo ra những vụ hỏa hoạn - mà đối tượng cần đốt chính: là những cuốn sách.

Chàng lính phóng hỏa trẻ tuổi Guy Montag sau một lần lỡ mang về một cuốn sách và đọc nó, đã tự đẩy mình vào một ngã rẽ cuộc đời mà anh ta chưa từng nghĩ đến.

Đây không phải là một lựa chọn dễ đọc cho một người muốn xây dựng thói quen đọc sách, bù lại, nó giúp trả lời một loạt câu hỏi như:

- Tại sao nên đọc sách?

- Sách có quan trọng hay không?

- Cần gì thì google việc gì phải đọc sách?

- Tóm tắt có đầy trên mạng, đọc qua loa là xong, đọc sách làm gì tốn thời gian?

"Vì sao" là câu hỏi định nghĩa tôi và bạn. Bạn đặt câu hỏi tức là bạn đang phát triển.

Đó là một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương trên bờ tuyệt chủng, một thế giới mà con người không còn ngồi trên hàng hiên trước nhà hay đi tản bộ để nói chuyện với nhau. Thay vào đó họ giam mình vào những thiết bị công nghệ, đeo Vỏ Sò (headphone) ở tai suốt ngày đêm. Tâm trí luôn được dẫn dắt bằng những bản tin rồi đến nhạc, rồi lại bản tin và nhạc. Với mình, Ray Bradbury – tác giả cuốn 451 độ F là một nhà tiên tri lỗi lạc. 451 độ F được ông hoàn thành và xuất bản năm 1953, khi công nghệ còn chưa phát triển như ngày nay, vậy mà ông đã lường trước được mọi việc.

Review sách 451 độ F của Đồng Vũ

Mình vẫn đọc văn học, bởi vì đến hiện tại có lẽ vẫn chưa đến thời của tác giả nhắc đến, vẫn còn sách để đọc. Nhưng cũng không tránh khỏi những tin tức rác tràn lan mỗi khi mở Internet Dường như chẳng có mấy ai thích bàn về các nhà văn, nhà tư tưởng, nhà triết học.

Mình đọc đâu đó rằng hãy đọc sách thay vì đọc báo. Quả thật, báo luôn nhồi nhét cho ta nhiều thông tin, cho ta nghĩ rằng mình hiểu biết. Ta nắm được tình hình thế giới hôm nay thế nào. Nhưng nó không giúp đầu óc ta sáng láng, mở rộng hơn như sách.( "Nếu bạn không đọc báo, bạn không có thông tin. Nếu bạn có đọc báo, bạn có sai thông tin." - Mark Twain)

Ray còn tạo ra con Chó Máy – một con chó không sống cũng không chết. Hoạt động chuẩn xác từng centimet, bách phát bách trúng. Con Chó Máy đó chẳng phải là AI sao? Là kẻ đang âm thầm luồn lách vào thế giới này để thống trị loài người. Và đang có nguy cơ không kiểm soát được.( Al bên Trung Quốc là một minh chứng rõ rệt).

Trong truyện, chiến tranh bom đạn được lấp liếm, đánh lạc hướng bằng những tin tức vui nhộn, hấp dẫn. Ngoài đời cũng vậy, tin tức chính trị không thể che mắt dư luận thì thổi bùng tin giải trí từ con kiến thành con voi – chuyện ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Nhưng 451 độ F cũng đề cập đến mặt trái của việc bảo vệ sách quá đà. Có đoạn Montag vừa biết đến sách, anh ấy cố gắng tàng trữ thật nhiều sách nhất có thể. Nhưng ông già Faber đã nói với anh rằng:

“Không phải anh cần sách đâu, cái anh cần là thứ đã từng nằm trong sách. Cái anh tìm không phải là sách! Hãy thu gom nó bất cứ khi nào anh có thể tìm được nó, trong những đĩa cũ, những bộ phim cũ, và ở những người bạn cũ, tìm nó trong thiên nhiên và tìm nó trong chính anh. Sách chỉ là một dạng vật chứa nơi ta lưu nhiều thứ mà ta sợ mình có thể quên.” Chính là nói đến trải nghiệm, đọc nhiều, viết nhiều nhưng không đi thực tế thì nên dừng.

Ray đã rất khôn khéo khi muốn nhắc nhở người đọc rằng cuốn sách của ông không nói về việc cảnh tỉnh con người trân trọng sách mà họ nên trân trọng tri thức.

Nếu chúng ta muốn đạt được ước mơ thì điều đầu tiên là phải tỉnh dậy. Đó cũng là vấn đề của nhiều người sống trong quá nhiều internet và thông tin vô bổ, chúng trở nên lười nhác, nghĩ mình biết tuốt và không bao giờ tỉnh dậy. Cả thế giới càng ngủ mơ càng dễ để những thế lực lớn nắm giữ. Cuộc đời ta, ta không thể tự nắm giữ thì không thể thoát ra vòng vây kìm hãm của chúng.

Chết đuối trong thông tin nhưng lại chết đói kiến thức ( mình không nhớ rõ nguyên văn)

Ps: Nếu bạn đã muốn đọc cuốn này, thì hãy đọc luôn 1984 của George Orwell.

Review sách của Yên Nhiên

451 độ F – Đốt cháy lên những cánh phượng hoàng

451 độ F” là tiểu thuyết phản địa đàng nổi tiếng của Ray Bradbury – một trong những nhà văn Mỹ lừng danh nhất thế kỷ 20. Câu chuyện đặt trong bối cảnh giả định ở tương lai (nhiều năm sau năm 2035) - khi mà việc lưu giữ sách và đọc sách bị cấm, con người chỉ thích những chương trình giải trí và xem tri thức là nguồn cơn của bất hạnh. Nhân vật chính là Montag - một lính phóng hỏa chuyên nhận nhiệm vụ đốt sách mỗi khi có còi báo động. Cuộc hành trình của anh vừa là cuộc chiến tìm kiếm tự do giữa những hiểm nguy và sợ hãi, vừa là quá trình đấu tranh tư tưởng để nhận thức lại thế giới xung quanh một cách đúng đắn, thể hiện qua phong cách văn chương giàu hình ảnh ẩn dụ.

Review sách 451 độ F của Yên Nhiên

Sự Bí Bách Của Xã Hội Và Vô Cảm Của Con Người Qua Những Hình Ảnh Ẩn Dụ

451 độ F là nhiệt độ mà sách giấy bắt lửa và cháy – ngay từ nhan đề của truyện đã gợi lên hình ảnh đặc trưng: những cuốn sách chìm trong ngọn lửa. Và không như ở thế kỷ 21 mà người lính cứu hỏa đi dập tắt đám cháy, trong thế giới tương lai này, người lính phóng hỏa cầm súng phun lửa, cùng những con Chó Máy (sản phẩm công nghệ) đi thiêu rụi những kho sách còn sót lại, cũng là để chủ nhân những cuốn sách ấy cháy theo.

Đó cũng là thế giới mà chiến tranh ngay ở trên đầu, nhưng người dân không hề để ý và hay biết, vì còn bận cắm đầu vào truyền hình, để bình phẩm những ông nọ bà kia. Người ta chẳng nói chuyện với nhau lấy vui dẫu ở trong một gia đình, không buồn thắc mắc những câu hỏi tại sao, không yêu thương một ai, không nhớ đến những kỷ niệm; và người ta có thể bị bắt chỉ vì đi bộ trên vỉa hè, mất mạng vì trò chạy xe điên cuồng của những đứa trẻ ngỗ ngược, còn chuyện chết chung trong lửa với sách được xem là bình thường. Việc những cuốn sách bị cấm đọc và bị đốt cháy là hình ảnh ẩn dụ cho kho tàng tri thức của nhân loại bị vứt bỏ và tự do của con người bị tước đoạt.

Vấn đề tự do của con người bị tước đoạt không chỉ thể hiện qua việc họ bị xét xử vì cất giữ sách vở, mà còn ở chỗ người ta không nhận ra mình mất tự do. “Nếu anh không muốn cho ai đó xây nhà, hãy giấu đinh và gỗ đi.”, “Hãy để anh ta quên mất có một thứ gọi là chiến tranh. Nếu chính phủ không làm việc hiệu quả, đầu tư quá tay, khùng điên vì thuế, thì thà cứ để như thế còn hơn để người ta bận tâm về chuyện đó. Bình an, Montag ạ.”, “Đừng cho họ bất cứ thứ gì khó nắm bắt như là triết học hay xã hội học để cho họ cột các thứ vào nhau.” Phương pháp và lý lẽ để tẩy não người ta theo đội trưởng đội phóng hỏa (nhân vật Beatty) là như vậy. Và con người trong thế giới đó bị truyền hình dắt mũi, thu thập những thông tin nông cạn và dối trá để rồi vui vẻ hạnh phúc trong ảo tưởng êm đẹp không phiền não.

Sự bí bách và căm phẫn vì xã hội và con người trong thế giới ấy còn được thể hiện khéo léo qua hình ảnh ẩn dụ là hai bàn tay của Montag. Trí não anh – cũng như bao người trong xã hội điên rồ ấy – đã tê liệt và trống rỗng cả rồi, nhưng lạ thay hai bàn tay anh lại tự ý hành động. Hai bàn tay ấy cất giấu những cuốn sách, hai bàn tay ấy tự động dịch đi chỗ khác mỗi khi đôi mắt của đội trưởng Beatty dò xét tới, hai bàn tay ấy mạnh mẽ phản kháng phóng hỏa vào kẻ ác, tất cả phải chăng là vì cảm thấy tội lỗi sau hàng năm trời mang lửa thiêu rụi sách của bao người, sau những việc làm sai trái? Hình ảnh hai bàn tay của Montag là ẩn dụ cho bản chất hướng về lẽ phải, đại diện cho lương tri của con người. Dẫu không suy nghĩ được như bộ não, nhưng cơ thể con người vẫn vô thức cảm thấy nỗi bí bách, ngột ngạt của xã hội và phải hành động.

Con Chó Máy cũng là một phép ẩn dụ: nó là một cái gì đó không phải máy, không phải thú, không chết, không sống, luôn quan sát và đuổi theo đằng sau, sẵn sàng hạ gục con mồi. Con Chó Máy ấy đại diện cho những nỗi sợ khó nắm bắt của con người, ép họ phải tuân theo những điều được bảo, hành xử như những cỗ máy con người đầy rẫy ngoài kia. “Chó Máy không chạm vào thế giới. Nó mang theo sự im lìm, khiến ta cảm nhận được sự im lìm đó đang dâng lên tạo thành sức ép theo sau lưng ta khắp nơi trong thành phố.”

Những Cuốn Sách Bị Đốt Cháy Lên Tựa Những Cánh Chim Phượng Hoàng Rồi Sẽ Tái Sinh

Giữa xã hội mục nát như vậy, kỳ lạ thay con người vẫn giữ được khao khát tự do: vẫn có những con người hiên ngang tắm mình trong đám lửa, không sợ hãi, không tiếc nuối; vẫn có những lão già lang thang mình đầy bụi bẩn nghĩ ra phương pháp lưu giữ tri thức bằng việc đọc qua cuốn sách một lần.

Review sách của Heather Huỳnh

Mọi người đều bàn tán xôn xao về Nobel, mình thì nghĩ bâng quơ về sách, chia sẻ lại một bài viết cũ về 451 độ F vì cũng liên quan tương đối nhiều.

Xuất phát từ một sự việc hy hữu là bị cảnh sát giữ lại tra hỏi khi ông đang đi bộ rất bình thường với bạn trên đường vào một buổi tối (tại sao mục đích của việc đi bộ không thể chỉ vì bản thân việc đi bộ nhỉ?), tác giả Ray Bradbury đã không khỏi bực tức, và có ý tưởng quan trọng làm tiền đề, sau đó ông chỉ cần vỏn vẹn 9 ngày để hoàn thiện tiểu thuyết phản địa đàng 451 độ F. Tác phẩm đã tạo được tiếng vang lớn sau khi ra đời. Gần đây, khi cuộc sống của người người đều không ít thì nhiều gắn liền với công nghệ thì đi kèm với những lợi ích, chính là những sự sao nhãng đối với cuộc sống thực, cùng nhiều vấn nạn khác như là mặt trái khó lòng trách khỏi, thì cuốn sách 451 độ F càng được nhớ đến và bàn luận nhiều hơn vì tính chất “tiên tri” của nó.

Review sách 451 độ F

Vậy thì 451 độ F đã lần mở những gì đối với thế giới giả tưởng tương lai trong trí tưởng tượng hàm chứa đầy ẩn dụ của Ray Bradbury? Nhân vật chính Guy Montag là một lính phóng hỏa, tham gia trong một đội phóng hỏa với nhiệm vụ chính dĩ nhiên là…đốt. Thế nhưng thứ họ đốt mới làm ta phải ngỡ ngàng: SÁCH. Cuộc sống của Guy Montag xoay vần, ngày qua ngày đều đặn trong những thứ như: về nhà, ngủ, đi làm, đốt. Trong đêm tối với những cuộc gọi chỉ điểm, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Betty và sự đồng hành của những con chó máy hung tợn, họ thắp sáng đêm bằng những cuốn sách và có thể bằng cả thân xác những người sở hữu sách. Guy Montag có hạnh phúc không?! Anh chưa từng tự hỏi như thế nên làm sao anh biết được. Anh có một người vợ chỉ quan tâm đến màn hình tivi để xem những thứ linh tinh không cần phải hiểu hay suy nghĩ và tám chuyện với những người khác liên tu bất tận trên đấy, họ – chẳng khác nào những cỗ máy vô tri. Họ dành hết thời gian cho một mạng lưới (khá tương đồng với mạng xã hội thời nay), mà không hề chăm chút cho người yêu thương ở bên cạnh hàng ngày.

Bước ngoặt của cuộc đời anh tìm đến vào ngày anh gặp cô gái 17 tuổi, Clarisse Mc Clellan. Trong những lần trò chuyện ít ỏi nhưng đã kịp ươm mầm những điều kỳ lạ đối với hạt lương tri trong con người Montag, kỳ lạ theo một cách vô cùng dễ chịu, Clarisse hỏi về những điều chưa ai từng hỏi anh: về ánh trăng, những giọt sương trên cỏ buổi sớm và đặc biệt là về hạnh phúc. Không nghi ngờ gì nữa, Clarisse mang đến một bầu không khí khác lạ, đấy là một cô gái khác người và biết rõ mình khác biệt. Cùng với phép thử bằng hoa bồ công anh, Clarisse kết luận với anh rằng: “đáng xấu hổ quá, anh chẳng hề yêu ai hết”. Guy Montag lần đầu tiên trong đời bắt đầu tự vấn bản thân và đi đến một quyết định mang tính cách mạng đối với chính mình: đọc sách.

Và như người ta thường nói “khi người học trò sẵn sàng, người thầy xuất hiện”, những sợi dây kết nối, những con người mới xuất hiện, đan bện vào số phận của Montag. Montag rồi có còn như Montag cũ, chỉ biết chăm chăm vào việc đốt, lấy đó làm cái thú vô vị qua ngày khi nhìn giấy bắt cháy ở nhiệt độ 451 độ F, hay dấn thân vào một hành trình mới, tìm và thắp lên ngọn lửa lương tri trong con người anh?!

Sau một nửa đầu dẫn chuyện tương đối thư thả, phần sau của cuốn sách hé lộ hành trình của Guy Montag, gồm cả những biến đổi tâm lý bên trong và những cuộc rượt đuổi nghẹt thở bên ngoài, lôi cuốn khó rời mắt. Anh chứng kiến những bậc trí thức còn tha thiết với vận mệnh của sách và vận mệnh của con người, đang tìm cách thắp lửa qua những cuốn sách, những con chữ đâu chỉ là những con chữ, mà hàm chứa những tri thức, tư tưởng tinh hoa, tiếng vọng từ lịch sử văn minh ngàn năm của loài người. Nên họ tìm mọi cách lưu giữ, trân trọng chúng cho thế hệ tương lai. Montag rồi sẽ đặt chân lên một hành trình dài và khó khăn như thế?!

Tác giả Ray Bradbury kể câu chuyện đủ chắt lọc với cuốn tiểu thuyết chưa tới 250 trang, nhưng đã tinh tế gửi gắm hàm súc một thông điệp thời đại, mang tính cảnh báo vô cùng cấp thiết và dường như không hề cũ theo thời gian. Độc giả cũng có thể chơi trò chơi thú vị khi cùng tìm sách trong sách với Ray Bradbury qua hàng loạt những trích dẫn sâu sắc có, hài hước có, u trầm có từ những cuốn sách khác và những bậc tiền nhân lỗi lạc trong lịch sử loài người. Có thể nói, 451 độ F là một sự thức tỉnh không phản địa đàng một chút nào và hé mở một vùng trời sách khác cho bạn đọc tiếp tục khám phá. Sách là chất liệu để đốt thì Ray Bradbury đã nói rõ trong truyện rồi, nhưng hơn thế, ông còn nhắc nhở rằng: sách là chất liệu để thắp lửa lương tri là một điều vượt thoát mà trí tuệ và linh hồn con người đã vươn đến và sẽ còn được gìn giữ, kế tục suốt ngàn đời.

Và một lần nữa, bài thơ There is no frigate like a book mà mình rất yêu của Emily Dickinson lại xuất hiện trong đầu, bản dịch tập tành của mình và bạn mình:

Không chiến thuyền nào như sách

Đưa ta khắp chốn xa xôi

Chẳng ngựa nào như trang sách

Chở thơ ca tụng muôn đời.

Dành cho cả người nghèo nhất

Mà có lộ phí gì đâu

Cỗ xe giản đơn tột bậc

Mang hồn người đến cùng nhau.

Xem thêm bài viết:


Tổng hợp: Minh Ngọc

Sản phẩm liên quan
451 Độ F (Bìa Cứng) 30%

451 Độ F (Bìa Cứng)

69.300đ

99.000đ

(6)

Biên Niên Ký Sao Hỏa 30%

Biên Niên Ký Sao Hỏa

115.500đ

165.000đ

(8)

Bài viết liên quan
Review sách Totto-chan bên cửa sổ - Kuroyanagi Tetsuko
Review sách Totto-chan bên cửa sổ - Kuroyanagi Tetsuko

09/05/2024 02:04Minh Ngọc

Khi Kuroyanagi Tetsuko viết "Totto-chan bên cửa sổ", cô đã không chỉ tạo ra một cuốn tự truyện đầy cảm…

Xem tiếp
Review sách Khi hơi thở hóa thinh không - Paul Kalanithi
Review sách Khi hơi thở hóa thinh không - Paul Kalanithi

05/05/2024 00:12Thanh Nhã

Trong khoảnh khắc cuộc đời bỗng nhiên rẽ ngang, Paul Kalanithi đã viết nên "Khi hơi thở hóa thinh không"…

Xem tiếp
Review sách Gỗ mun - Ryszard Kapuściński
Review sách Gỗ mun - Ryszard Kapuściński

03/05/2024 00:13Minh Ngọc

Trong "Gỗ mun" Ryszard Kapuściński không chỉ kể lại những câu chuyện, mà còn dệt nên những bức tranh sống…

Xem tiếp
Review sách Hai mặt của gia đình - Choi KwangHuyn
Review sách Hai mặt của gia đình - Choi KwangHuyn

23/04/2024 23:56Minh Ngọc

Trong cuộc sống gia đình, không phải lúc nào cũng chỉ có những khoảnh khắc ấm áp và hạnh phúc;…

Xem tiếp
Review sách Hạt ngọc trai - John Steinbeck
Review sách Hạt ngọc trai - John Steinbeck

23/04/2024 23:23Minh Hằng

Cuốn tiểu thuyết 'Hạt ngọc trai' của John Steinbeck không chỉ là một câu chuyện giản dị về một ngư…

Xem tiếp
Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người - bell hooks
Review sách Nữ quyền cho tất cả mọi người - bell hooks

22/04/2024 02:40Minh Ngọc

Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, "Nữ quyền cho tất cả mọi người" của bell hooks…

Xem tiếp
Review sách Tên gọi khác của nhà -Jasmine Warga
Review sách Tên gọi khác của nhà -Jasmine Warga

19/04/2024 01:45Minh Hằng

Trong một thế giới nơi những biến động không ngừng nghỉ, 'Tên gọi khác của nhà' của Jasmine Warga là…

Xem tiếp
Review sách Chú bé mang Pyjama sọc - John Boyne
Review sách Chú bé mang Pyjama sọc - John Boyne

18/04/2024 16:51Minh Ngọc

Trong thế giới của những câu chuyện kể, ít có tác phẩm nào làm chúng ta phải đối mặt với…

Xem tiếp
Review sách Sự trung thực của xác chết - Hajime Nishio
Review sách Sự trung thực của xác chết - Hajime Nishio

17/04/2024 16:06Thanh Nhã

Trong thế giới tĩnh lặng của phòng giải phẫu, nơi mỗi câu chuyện cái chết được kể lại không lời,…

Xem tiếp
Review sách Dưới cánh cửa thầm thì - TJ Klune
Review sách Dưới cánh cửa thầm thì - TJ Klune

16/04/2024 12:02Minh Hằng

Trong cuộc sống đầy bộn bề và xô bồ, đôi khi chúng ta cần một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả