Review sách Giết con chim nhại - Harper Lee


Review Sách | 14/12/2023 23:01| Minh Ngọc

Lượt xem: 1037

‘Giết con chim nhại’ - Bức tranh đa sắc về đức hạnh và sự bất công

Trong thế giới văn học đầy rẫy những cuốn sách viết về nạn phân biệt chủng tộc, "Giết con chim nhại" của Harper Lee nổi bật như một tác phẩm bất hủ, khắc họa sâu sắc về chủ nghĩa nhân đạo và sự trưởng thành.

Harper Lee đã không chỉ tạo ra một câu chuyện đơn thuần; bà đã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về tuổi thơ, về sự vô tội và về những bài học đắt giá mà cuộc sống mang lại. Nhìn qua con mắt của Scout, một cô bé nhỏ tuổi với trái tim lớn, chúng ta được dẫn dắt qua một thế giới nơi "nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ" không chỉ là những concept trừu tượng mà là những thực tại sống động, đôi khi đầy đau đớn.

Hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Khi bạn tiếp tục đọc, bạn sẽ gặp gỡ những nhân vật không thể nào quên: người đàn ông kỳ lạ Boo Radley, với những món quà bí mật và sự xuất hiện kịp thời đầy bí ẩn; và Tom Robinson, người đàn ông da màu với số phận bi thảm, một hình ảnh sâu lắng về sự bất công và định kiến.

Review sách Giết con chim nhại

Qua gần nửa thế kỷ kể từ lần đầu tiên ra mắt công chúng, "Giết con chim nhại" vẫn chạm đến trái tim độc giả khắp nơi trên thế giới, vượt qua ranh giới của thời gian và không gian. Sức mạnh của tác phẩm không nằm ở những twist phức tạp hay kết cấu chẳng thể đoán trước mà ở chính thông điệp yêu thương và lòng nhân ái mà Harper Lee đã gửi gắm: một lời nhắc nhở rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều là một – "em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người". Đó là thông điệp không chỉ đối với thời đại của Scout và Atticus mà còn cho chính chúng ta, ở đây và bây giờ.

Thông tin sách:

Tác giả: Harper Lee
Dịch giả: Huỳnh Kim Anh - Phạm Viêm Phương
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Số trang: 419
Phát hành: 01-2019
Giá bìa: 120.000đ

Mua sách trực tuyến giá rẻ ‘Giết con chim nhại’ tại nhà sách online Pibook.vn tiết kiệm từ 30% giá bìa

Review sách Giết con chim nhại

Trong cái rộn ràng của thế giới văn học, ít có tác phẩm nào có thể khắc sâu vào tâm trí độc giả như "Giết Con Chim Nhại" của Harper Lee. Đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết; nó là một hành trình xuyên qua những lớp màn của tuổi thơ, công lý và bất công, dẫn dắt ta đến với những bài học về đạo đức và nhân tính sâu sắc. Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gửi tới bạn đọc tổng hợp một vài review cuốn sách này của một số độc giả chia sẻ cảm nhận sau khi đọc nó, mời bạn xem chi tiết các review sách bên dưới!

Review sách của Huyền Diệp

Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

Dạo gần đây đọc được một số bài review về Giết con chim nhại với những ý kiến trái chiều. Cho rằng nó nhàm chán, vì gặp thời nên mới trở thành best seller. Lúc mình đọc quyển này là khoảng 2 năm trước, đồng ý là đoạn đầu nó có hơi quanh quẩn thật, nhưng tầm ý nghĩa mà nó mang lại khiến mình quên đi nó đã nhàm chám thế nào. Thế nên, mình quyết định viết review.

Review sách Giết con chim nhại của Huyền Diệp

Cuốn sách nói về nạn phân biệt chủng tộc ở những năm 30 của nước Mĩ. Đây được xem như một trong những tác phẩm lên án nặng nề nhất về nạn phân biệt chủng tộc. Nó đã là tiền đề cho một loạt những tác phẩm kinh điển cùng mục tiêu khác ra đời như Túp lều bác Tom hay Màu của nước.

Lấy bối cảnh ở hạt Maycomb bang Alabama, dưới con mắt trẻ thơ của Jean Louis, vấn đề phân biệt chủng tộc trở nên rõ ràng và chân thực đến lạ lùng.

Hơn nửa đầu cuốn sách nói về những ngày tháng tuổi thơ của hai anh em Jim và Scout. Những ngày tháng chơi đùa cùng với cậu bạn Dill mỗi mùa hè, trò chuyện cùng các người bạn lớn tuổi hàng xóm. Và tò mò về ngôi nhà bí ẩn của ông Radley. Dường như mạch truyện ở đoạn này khá chậm, nó khiến mình hơi bị ngợp và dần trở nên ngại đọc. Một số bạn đọc đã xếp nó vào hệ những cuốn sách không hay vì chính lí do này.

Nhưng có một điều đã giữ chân mình cho đến đoạn gay cấn đó chính là cách dạy con của luật sự Atticus- bố của Jim và Scout. Mình gọi nó là một cách dạy con thượng hạng. Một ông bố điềm tĩnh và tràn đầy tình yêu thương. Ông dùng ngôn ngữ và lí lẽ để thuyết phục những đứa con, ông dạy chúng cách học, cách sống, và cách đối xử công bằng với mọi thứ. Ông luôn để chúng tự khám phá và tìm tòi lấy cuộc sống, không nuông chiều, nhưng lại nghiêm khắc một cách văn minh.

Có lẽ bố Atticus chính là hình tượng nam mình yêu thích nhất trong các tác phẩm văn học Mĩ đã từng đọc.

Bản thân bố Atticus sống trong một xã hội gò bó và kìm hãm bởi nạn phân biệt chủng tộc, nhưng ông không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tiêu cực ấy. Ông chấp nhận bào chữa cho một người đàn ông da đen - Tom Robinson. Tom bị vu khống cưỡng hiếp Myella Ewell - một cô gái da trắng không ngừng mồi chài anh nhưng không được. Lại thêm một vị bồi thẩm đoàn mang tư tưởng phân biệt chủng tộc làm chủ toạ.

Rõ ràng, những trường hợp tương tự như thế này, lịch sử Mĩ không phải là chưa từng trải qua, những người da đen vô tội, không được giáo dục trở nên ngu ngốc. Họ bị người da trắng khinh rẻ và làm nhục bằng những lời buộc tội từ trên trời rơi xuống, những người da trắng cùng nhau chà đạp, đẩy họ đến bước đường cùng.

Thực trạng này có thể thấy không chỉ ở trong tác phẩm đầu tay này của Harper Lee mà còn có trong Túp lều bác Tôm với những chuyến buôn nô lệ vô nhân đạo của Harriet Beecher Stowe. Những người da đen hầu như không thể đánh vần từ " bình đẳng", họ không thể trông chờ gì vào hệ thống luật pháp và toà án địa phương nước Mĩ lúc bấy giờ.

Một xã hội mà thân phận của những người da màu bị coi rẻ được khắc hoạ thực sự thành công dưới mắt nhìn của Scout. Những suy nghĩ bộc bạch và chân thật. Những thắc mắc về thế giới phức tạp và độc ác của người lớn, khiến chúng ta như khựng lại và suy nghĩ nhiều hơn. Việc nhìn từ đôi mắt trẻ thơ này những tưởng chỉ dành cho thiếu nhi. Nhưng không, vấn đề mà cuốn sách bàn đến vĩ mô hơn nhiều, nó nằm ngoài khả năng giải quyết của mỗi cá nhân.

Giết con chim nhại là một tác phẩm sâu sắc và đầy tính nhân văn. Mặc dù cuộc chiến chống phân biệt trong cuốn sách không gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên nó đã mang lại thành công trên mặt trận tư tưởng, làm thay đổi mạnh mẽ cách nhìn nhận về cuộc sống của mỗi người, bất kể dân tộc, màu da hay tôn giáo.

Bên cạnh những ý nghĩa này, Giết con chim nhại còn dạy cho mình một bài học về sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm. Dám đương đầu với khó khăn và những định kiến tiêu cực không đem lại hạnh phúc cho con người. Cho dù những đóng góp ấy có là nhỏ bé, nhưng vẫn phải làm vì lương tâm không cho phép chúng ta dừng lại. Giống như cô Maudie đã nói “chúng ta đã bước được một bước, chỉ một bước ngắn, nhưng chúng ta đã bước”.

Mình đã thử suy nghĩ về tên của cuốn sách từ lúc bắt đầu đọc lời bạt sau sách trước khi đọc sách hay các bài review hoàn chỉnh. Đa phần đều cho rằng, nhan đề Giết con chim nhại mang ý nghĩa như thế này: Chim nhại là một loài chim vô tội, chúng chỉ biết hót, hót lại rất hay, ấy vậy mà lại bị con người săn bắt, cũng giống như những người da màu, họ chỉ sống một cuộc sống bình thường nhưng trong mắt những người da trắng họ lại là tội đồ phải bị trừng phạt.

Nhưng theo mình, tên sách mang một ý nghĩa khác. Chim nhại. Chim nhại.Chim nhại. - Một thế hệ những người đi theo định kiến của số đông về phân biệt chủng tộc, họ thấy thế hệ trước làm như thế với những người da đen, họ cũng dần mang một mặc cảm tương tự. Giống như những lời nói nhại- bắt chước tiếng nói, điệu bộ của người khác để nói lại để trêu chọc và giễu cợt. Nạn phân biệt chủng tộc cũng thế, nó chỉ là những lời nói nhại từ thế hệ này đến thế hệ sau. Và ý nghĩa của tiêu đề chính là muốn giết chết những lời nói nhại, muốn loại trừ những định kiến tiêu cực về xã hội trước đó. Tạo dựng một xã hội mới công bằng và văn minh, ở đó người ta có thể thiết lập lại những suy nghĩ về con người ban đầu đơn thuần như cái nhìn của Scout về con người và cuộc sống.

Review sách của Hà My

Giết Con Chim Nhại | Harper Lee

Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi.” – Đó chính là lời bố Atticus nói với cô con gái nhỏ của mình – Scout Fich. Cô bé mất mẹ từ khi còn nhỏ và ở cùng với bố mình cùng anh trai là Jem. Bố Atticus đã nói điều ấy với tất cả lòng khoan dung của một vị luật sư đã bào chữa cho người da đen vô tội khi mà nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra gay gắt ở hạt Maycomb nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung.

Review sách Giết con chim nhại của Hà My

Nhà văn người Chile Luis Sepulveda đã từng khẳng định rằng: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình. Nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.” Và bố Atticus đã làm được điều ấy. Ông bỏ qua tất cả mọi lời dèm pha về mình để bào chữa cho một người da đen vô tội bị buộc tội cưỡng hiếp cô gái người da trắng. Ông đã làm điều mà lúc bấy giờ không một ai dám làm. Bố Atticus đã cố gắng dùng những lập luận và chứng cứ cũng như niềm tin vào công lý, cái thiện và lẽ phải để cứu thoát cho người da đen ấy.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đều biết đến nạn phân biệt chủng tộc ở các nước phương Tây, thế nhưng khi đọc “Giết con chim nhại” của Harpar Lee, chúng ta mới thấy rõ hơn về nạn phân biệt chủng tộc ấy gay gắt đến nhường nào. Cuốn sách không chỉ cho chúng ta thấy niềm tin vào công lý mà còn cả về lòng tốt của con người dưới lăng kính của một cô bé sáu tuổi. Bối cảnh xã hội Mỹ những năm 1930 hiện lên đây chân thực và tinh tế qua cái nhìn của cô bé ấy.

Giết con chim nhại” không phải là cuốn sách cổ tích dành cho những đứa trẻ mà là cuốn sách về sự dũng cảm, lòng tốt của con người hay hơn hết đó chính là cuốn sách về cuộc chiến bảo vệ những người da đen vô tội nhưng không hề đơn độc. Lẽ phải không phải bao giờ cũng sẽ chiến thắng. Cuốn sách giống như một bản cáo trạng về những bất công mà nạn phân biêt chủng tộc đem lại. Trong buổi đầu của cuộc đấu tranh giành tự do và công bằng ấy, những điều mà bố Atticus làm chỉ là bước đi nhỏ nhưng lại khởi đầu cho những cuộc chiến lớn, là tia hi vọng của lòng dũng cảm dám đứng lên để bảo vệ công lý, giống như ánh sáng mở ra một chương hoàn toàn mới cho những người da đen là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. “Cứ bắn mọi con giẻ xanh mà con muốn, nếu con có thể bắn trúng, nhưng hãy nhớ giết một con chim nhại là tội ác.”

Review sách của Nhân Lê

Cuốn sách là câu chuyện được viết thông qua cảm nhận cuộc sống của cô bé Scoutt từ sáu cho đến tám tuổi, bé sống trong gia đình cùng Bố-luật sư Atticus Finch, anh trai Jem hơn mình bốn tuổi và vú em Calpurnia một người da đen ở hạt Maycomb thuộc ban Alabama. Đan xen ít nhiều tình tiết về sự phân biệt sắc tộc giữa người da trắng và người da đen, thì xuyên suốt câu chuyện xoay quanh cảm nhận cuộc sống, những bài học hai anh em bé Scoutt được dậy từ bố, cách thức giải quyết các mối quan hệ với những người lớn trong gia đình dòng họ Finch của anh em cô bé, cùng những người hàng xóm chung quanh theo với phương châm trung thực, biết đối diện với chính mình và vượt qua chính mình.

Review sách Giết con chim nhại của Nhân Lê

Thông điệp “Giết con chim nhại" được ví von như cách thức mà những người lớn giáo dục con em trong chính gia đình làm sao để không làm vẩn đục tâm hồn, nhân cách trẻ em đang còn trong trẻo, lạc quan với cuộc sống, như loài chim Nhại không làm điều gì hại cho con người mà chỉ mang tiếng hót của mình đến góp vui cho đời.

So với “Bắt trẻ đồng xanh” thì cuốn sách này dễ đọc hơn, nhưng nó không quá xuất sắc như những gì nhiều trang đã đăng, có lẽ nó phù hợp với những người đã lập gia đình, có con cái. Với cá nhân tôi về đề tài trẻ em, giáo dục gia đình tôi vẫn thích cái dung dị, mộc mạc đậm tình thân trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần hơn, nó có gì đó gần gũi thân quen mà ta dễ bắt gặp tuổi thơ, gia đình mình trong đó.

Và như thế nào thì cũng đã đọc hết, bài học túm lại “Người lớn trong gia đình luôn là tấm gương soi cho trẻ con nhìn vào, với trẻ con không có gì mất mát, chênh vênh hơn sự sụp đổ hình tượng, qua đó các ông bố, bà mẹ không nên khiến hình ảnh mình trong mắt con bị xấu đi” và “Khi trẻ con phạm sai lầm, không bao che cho lỗi lầm mà cần hướng các con can đảm đối diện, khắc phục lỗi lầm mình gây ra, qua đó sẽ tạo dựng nền tảng cho sự chính trực mang theo suốt cuộc đời”, vài trích dẫn đáng ngẫm trong sách:

“Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”;

“Khi trẻ con hỏi chú điều gì thì hãy trả lời nó, vì thiện ý. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn, và sự lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối”;

“Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi….. Đây là một việc tốt, cho dù nó cản trở việc học.”;

“Ngôn ngữ bậy bạ là một chặng đường mà mọi trẻ con đều phải đi qua, và nó chết với thời gian khi chúng biết chúng không thu hút được sự chú ý bằng thứ ngôn ngữ đó”;

“Con người có đầu óc sáng suốt thì không bao giờ tự hào về tài năng của mình”;

“Thật vô nghĩa lý khi con nói rất tiếc mà con không thấy hối tiếc,”;

“Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên những bẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”;

“Trước khi bố sống được với người khác bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.”


Tổng hợp: Minh Ngọc

Sản phẩm liên quan
Bài viết liên quan
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis

04/08/2024 16:43Minh Ngọc

Gambit Hậu của Walter Tevis là một kiệt tác văn học đầy mê hoặc, khắc họa hành trình gian nan…

Xem tiếp
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả