Review sách Chân dung của Dorian Gray - Oscar Wilde


Review Sách | 12/07/2023 15:16| Minh Ngọc

Lượt xem: 563

Giới thiệu sách Chân dung của Dorian Gray

Chân dung của Dorian Gray của tác giả Oscar Wilde là câu chuyện kể về Dorian Gray, một chàng trai trẻ bán đi linh hồn của mình để đổi lấy sắc đẹp vĩnh cửu trẻ rực rỡ như ngà voi và lá hoa hồng. Chàng vẫn giữ sự thơ ngây và mới mẻ của tuổi mới trưởng thành. Tuy nhiên, sau khi quen biết với Huân tước Henry Wotton thông qua danh họa Basil Hallward, người bạn chung của cả hai, sự ảnh hưởng của Huân tước đã cuốn lấy chàng. Chàng bắt đầu nhận ra sự tàn lụi và vẻ đẹp của mình. Khi tuổi trẻ đi qua, anh ấy sẽ không còn lại gì. Với suy nghĩ mới mẻ ấy, anh ta không thể chấp nhận tương lai sắp đến và anh ta ghen tị với chính bức chân dung của mình mà Basil vừa hoàn thành—bức chân dung đã ghi lại vẻ đẹp của anh ta và sẽ tồn tại mãi mãi để nhạo báng anh ta khi anh ta không còn đẹp nữa. Chàng ước rằng bức chân dung ấy sẽ bị hủy hoại bởi thời gian, nhưng tuổi trẻ và sắc đẹp của anh ấy sẽ thay thế nó trường tồn mãi mãi.

Trong suốt tác phẩm, Dorian Gray không biết làm thế nào mà bức chân dung của anh ta lại có thể kết nối với tâm hồn anh ta và hứng chịu tất cả những gì anh ta đáng lẽ ra phải đối mặt. Chàng chính thức không bán linh hồn mình cho bất kỳ con quỷ hay khế ước nào. Như một lẽ dĩ nhiên, điều tất yếu phải đánh đổi để có được vẻ đẹp vĩnh cửu có thể là sự thuần khiết của tâm hồn.

Về tác giả Oscar Wilde

Tên đầy đủ của Oscar Wilde là Oscar Fingal O'Flahertie Wills Wilde. Ông sinh ra tại Ireland vào năm 1854 và mất tại Pháp vào năm 1900. Ông vừa là nhà viết kịch, nhà thơ vừa là tác giả của rất nhiều truyện ngắn. Ông trở thành một trong những nhà soạn kịch nổi tiếng và thành công nhất ở London lúc bấy giờ nhờ trí thông minh sắc sảo của mình. Chân dung của Dorian Gray là tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của Oscar Wilde

Review sách Chân dung của Dorian Gray
Review sách Chân dung của Dorian Gray

Review sách Chân dung của Dorian Gray

“Chân dung của Dorian Gray” không quá thách thức người đọc với tầm vóc của một tiểu thuyết kinh điển, nhưng nó ẩn chứa sắc màu huyền bí rất lôi cuốn người đọc. Nhà sách trực tuyến Piboo.vn gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp Review tiểu thuyết Chân dung Dorian Gray được yêu thích thích nhất trên cộng đồng yêu sách.

Review sách của Phát Nguyễn

“CHÂN DUNG CỦA DORIAN GRAY” - OSCAR WILDE  - Bi kịch của những người nghệ sĩ

Thật trùng hợp khi chỉ trong năm nay, mình đã được đọc đến hai quyển tiểu thuyết kinh điển khá chất lượng cả về nội dung, hình thức và bản dịch đến từ vị trí của Nhã Nam, đó là “Nỗi đau của chàng Werther” và “Chân dung của Dorian Gray”. Đặc biệt, cả hai tác phẩm này đều lấy chất liệu từ sự đau khổ, những bất trắc, dằn vặt hay những biến cố xảy ra trong tuổi trẻ của những chàng thanh niên - như Werther hay Dorian. Đối với “Werther”, nhân vật này là một hình ảnh mà thông qua đó tác giả Johann Wolfgang von Goethe có thể biểu lộ một phần tuổi trẻ và tình yêu đầy tiếc nuối của ông. Và với “Dorian Gray”, đó là tiếng nói và nỗi lòng của Oscar Wilde về tâm tư của những người nghệ sĩ, của cái đẹp và giá trị của nghệ thuật!

Với tầm vóc là một quyển tiểu thuyết kinh điển, “Chân dung của Dorian Gray” có cốt truyện không quá thách thức người đọc, ngược lại còn ẩn chứa một chút màu sắc huyền bí khá lôi cuốn. Mở đầu câu chuyện, ta thấy mình đang ở trong một xưởng vẽ nồng nàn mùi hoa hồng, mùi tử đinh hưởng, lờ mờ cảm nhận hương vị thanh tao của những bụi gai nở hoa sắc hồng, cùng nghe qua cuộc đối thoại nhiều ẩn ý về nghệ thuật và con người của vị họa sĩ Basil Hallward cùng người bạn của anh - Huân tước Henry Wotton. Trọng tâm câu chuyện là việc Basil đã gặp, say mê và tôn thờ vẻ đẹp của một chàng trai trẻ tên là Dorian Gray. Sự ngưỡng vọng này đã khiến Basil nhất định phải vẽ lại một bức tranh có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ của anh, bức chân dung của Dorian Gray! Thế rồi, câu chuyện dần chuyển trọng tâm sang hướng khác và ta biết được đây là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của nhân vật chính là chàng Dorian. Ghen tị với chính vẻ đẹp tuyệt vời của mình đã được Basil chuyển tải khá trọn vẹn và thành công lên trên bức chân dung, cộng hưởng thêm những quan điểm về cái đẹp và tuổi trẻ mà Huân tước Henry tích cực “bơm” vào đầu mình, Dorian từ say mê đã trở nên căm ghét bức chân dung của mình. Bằng một “phép màu” nào đó, lời khẩn cầu sâu trong đáy lòng Dorian đã biến thành một giao ước với quỷ: anh sẽ mãi mãi giữ được vẻ đẹp diễm lệ ở bề ngoài, còn mọi thứ xấu xa hay ô uế trong cuộc đời anh đều do bức chân dung gánh chịu. Kể từ đó, ta được dẫn đi theo suốt cuộc đời Dorian, âm thầm chứng kiến những mưu mô, những tội ác mà anh đã làm cũng như được chứng kiến cái kết của chàng trai có vẻ đẹp tuyệt sắc này. Vậy, thông qua câu chuyện về Dorian Gray và bức chân dung, tác giả đã nói lên điều gì về câu chuyện của nghệ thuật và cuộc đời của những người nghệ sĩ? Liệu một chàng trai như Dorian sẽ là đáng thương hay đáng trách. Và hình như (với mình), Dorian Gray cũng là một người “nghệ sĩ” đã có và đã điêu đứng vì cái đẹp, vì nghệ thuật trên cuộc đời này….

Dorian Gray là một nhân vật thú vị. Thông thường người ta hay cho rằng những kẻ xinh đẹp đều nhạt nhẽo, thế nhưng Dorian lại không như vậy. Quá trình phát triển và tâm lý nhân vật mà Oscar Wilde xây dựng cho anh chàng này đặc sắc đến mức đôi khi khiến cho nhận thức của bạn xoay vòng như chong chóng vì không bắt kịp nhịp độ. Ở phần đầu, Dorian hiện ra như một cái đẹp nguyên sơ, thuần khiết, thánh thiện và vô cùng diễm lệ, cái vẻ đẹp mong manh và hoàn hảo đến nỗi với một sự xấu xa nhỏ ta cũng lo sợ sẽ làm vấy bẩn nó. Giống như Basil đã nơm nớp lo sợ rằng Huân tước Henry sẽ đem lại ảnh hưởng xấu và làm ô uế tâm hồn chàng: “Đừng lấy đi người duy nhất đem lại cho nghệ thuật của tôi sự quyến rũ mà nó sở hữu, bất kể sự quyến rũ ấy là gì”. Và nếu vẻ đẹp ấy nhẹ nhàng xuất hiện cùng với Dorian, thì sự thay đổi cũng nhẹ nhàng len lỏi và biến chuyển tự lúc nào không hay. Dẫu biết Huân tước Henry cũng đóng góp phần nhiều vào sự thay đổi trong tính cách và nhân sinh quan của Dorian nhưng quả thực quá trình biến đổi và mức độ bị tác động ở cậu ta nhanh và mạnh đến mức làm ta khá kinh ngạc! Ở phần sau của cuốn sách, Dorian không còn là một cậu bé đẹp trai ngây thơ hờ hững với cuộc đời mà đã tràn đầy sự mưu mô, tính toán và tội lỗi, suy nghĩ cũng nhiều triết lý hơn. Đó có thể là điều khiến ta tức giận, khiến ta có chút thất vọng nhưng nó cũng khiến nhân vật này trở nên hấp dẫn, lôi cuốn và nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Có thể nói, sự biến đổi trong suy nghĩ và hành động của Dorian Gray luôn vận động một cách không ngừng nghỉ. Cậu chứng minh cho ta thấy, việc nắm bắt được Dorian là một chuyện không tưởng, kể cả đó có là Basil hay Henry Wotton. Dorian đi từ tội ác này đến tội ác khác, từ những chuyện nhỏ cho đến những điều mà có khi thời trẻ - chính cậu ta cũng không nghĩ mình làm được. Để rồi tưởng như khi đã đến đỉnh điểm thì cậu chàng lại muốn quay đầu. Dorian đặc biệt vì có nhan sắc, vì có bức chân dung hứng chịu tất cả, có giao kèo với ma quỷ, nhưng cậu cũng là một người bình thường với quá trình phát triển tâm lý như tất cả những con người khác. Vì thế, đọc “Chân dung của Dorian Gray” cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhìn vào “chân dung” của chính mình, để bộc lộ cho ta thấy những góc khuất tương tự trong tâm hồn mình (nếu có). Cũng như Oscar Wilde trong lời tựa có nói: “Khán giả, chứ không phải cuộc sống, mới là đối tượng phản ánh đích thực của nghệ thuật”.

“Chân dung của Dorian Gray” là bức họa tuyệt vời nhất trong cuộc đời Basil Hallward, chính anh đã khai sinh ra nó cũng như chính anh đã góp phần hủy hoại cuộc đời và tâm hồn của Dorian (như quan điểm của chính Dorian - cho rằng Basil là nguồn cơn của mọi khổ sở trong đời mình khi đã vẽ ra bức tranh định mệnh). Từ đó cho ta thấy bi kịch của một người nghệ sĩ khi quá say mê, ngưỡng vọng, tôn thờ cái đẹp, góp phần cộng hưởng để cái đẹp trở nên giá trị hơn, trút một phần tâm hồn của mình vào tác phẩm nghệ thuật nhưng rồi sẽ đau khổ khi cái đẹp đó thay đổi. Basil thật đáng thương, và Dorian cùng với những tội lỗi của mình thật đáng trách! Thế nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, ta có thể thấy Dorian cũng là một “nghệ sĩ” cuồng si cái đẹp đến mức tự làm khổ đời mình. Vì sao mình nói Dorian cũng là một nghệ sĩ ư? Rõ ràng, cậu ta cũng là một người yêu cái đẹp và đề cao nghệ thuật. Cậu yêu mến, say mê đắm đuối và tán dương cô nàng diễn viên kịch Sibyl Vane không phải vì cô ấy đẹp, mà vì cô ấy diễn hay, diễn xuất thần. Thế nên khi Sibyl cố tình diễn dở đi để minh chứng rằng cô yêu cậu hơn yêu diễn xuất, Dorian đã thẳng thừng khước từ cô. Với cậu, nghệ thuật dường như làm cho con người đẹp hơn và tuyệt vời hơn. Không còn nó, Sibyl Vane chẳng là gì. Nếu Basil nói bức tranh có chứa một phần của anh ta - người họa sĩ đã vẽ nên nó thì hiển nhiên - bức tranh cũng có chứa một phần của Dorian - hình tượng nguyên mẫu để tạo nên nó. Thông qua việc ngồi làm mẫu, Dorian cũng đã thả hồn vào bức tranh, bức tranh trở thành một phần của cậu nên nó thể hiện con người cậu. Nếu nghĩ như thế, hóa ra không có phép lạ nào và cũng không có ma quỷ nào ở đây, vì bức tranh thể hiện con người cậu vào lúc đẹp đẽ nhất, nên nó cũng phải gánh chịu sự xấu xí khi tâm hồn cậu bị vấy bẩn. Dorian và nghệ thuật cùng cái đẹp và tuổi trẻ luôn song hành cùng nhau. Suy nghĩ cũng như triết lý của cậu về nghệ thuật đều rất sâu sắc và kỹ càng. Thêm vào đó, việc Dorian dễ bị tác động và ảnh hưởng bởi Henry (đóng vai trò như một nhà phê bình/ khán giả thưởng thức) cũng cho thấy dường như Dorian là hóa thân của một người nghệ sĩ hay chính con người cậu là “nghệ thuật”. Tóm lại, không phải vì Basil đã vẽ bức tranh, không phải vì Henry đã làm ảnh hưởng, càng không phải vì chính con người Dorian bị tha hóa nên đã dẫn đến kết cục của cậu. Những gì Dorian đã và phải trải qua đều là kết quả tất yếu có thể thấy được của một người nghệ sĩ đam mê nghệ thuật và cái đẹp.

Review sách Chân dung của Dorian Gray
Review sách Chân dung của Dorian Gray - Ảnh fb Phát Nguyễn

Là cuốn tiểu thuyết duy nhất từng viết ra trong đời, “Chân dung của Dorian Gray” thể hiện gần như là toàn bộ quan điểm, nhận thức và suy nghĩ của Oscar Wilde. Chính vì thế mà nó đã phải gặp nhiều tranh cãi nhưng cũng mang nhiều giá trị. Thông qua tác phẩm, Oscar Wilde đã cho thấy góc nhìn của ông về cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nhiều quan điểm được khéo léo cài cắm và gửi gắm vào cuốn sách bên cạnh phần cốt truyện hấp dẫn, kịch tính và nhiều bất ngờ nên không quá khô khan và khó hiểu. Phần lời tựa khá ấn tượng đối với mình khi mình phải vận động rất nhiều nơ ron thần kinh để thẩm thấu từng lời từng chữ. Nếu đọc lại lời tựa sau khi đã đọc xong hết phần nội dung, bạn sẽ thấy nó như một phần tổng kết hoặc dự báo cho toàn bộ những gì đã/sẽ diễn ra:

Nghệ sĩ là kẻ tạo ra cái đẹp,

Hiển lộ nghệ thuật nhưng ẩn tàng nghệ sĩ là mục đích của nghệ thuật. Nhà phê bình là kẻ biết chuyển tải ấn tượng của mình về cái đẹp sang một hình thức khác hay một chất liệu mới.

Rõ ràng, không phải mối quan hệ “tay ba” giữa Basil - Henry - Dorian chính là mối quan hệ giữa nghệ sĩ - nghệ thuật - nhà phê bình đó sao?

Sau cùng, cái chết của Dorian “giống như cái kết tuyệt vời cho một vở kịch tuyệt vời” vậy. Không có ai là đáng thương, cũng không có ai là đáng trách. Tất cả đều phải nhận lấy bi kịch. Bi kịch của cái đẹp, bi kịch của thời đại.

“Chân dung của Dorian Gray” chắc chắn sẽ là một trải nghiệm văn học tuyệt vời cho những bạn yêu thích văn học kinh điển nhưng cũng thích sự kịch tính, bất ngờ. Hãy cài sẵn dây an toàn và cùng chiêm ngưỡng hành trình phát triển của một vẻ đẹp mê hoặc đến rợn người, một vẻ đẹp không được bồi đắp từ những điều tốt đẹp và hãy thử xem ta đánh giá thế nào về nó

Review sách của Nguyễn Quỳnh Mai

Đánh giá cá nhân: 4.5/5*

Mình không biết viết gì về cuốn sách này, mặc dù Oscar Wilde đã gài vào đó rất nhiều triết lý. Có những câu thường xuyên được bê ra trích dẫn như một quan điểm của tác giả, nhưng thực ra chưa chắc. Bởi vì cũng từ miệng nhân vật của ông mà ra, Huân tước Henry đã nói cái gì đó đại loại là điều ông nói ra chưa chắc đã là quan điểm của ông, mà như thế càng hay chứ sao vì nó khách quan hơn. Đôi khi trong cuộc tranh luận, chúng ta quay ra tấn công cá nhân mà quên mất con người đó không đại diện cho quan điểm mà chúng ta muốn phản biện. Oscar Wilde thì xây dựng những nhân vật và để họ phát biểu ra những luận điểm không-phải-luôn-là-của-ông, (có khi không phải của nhân vật luôn), chỉ để đưa ra một vấn đề cho chúng ta tranh luận. Điều dễ thấy nhất là chúng dễ gây sốc, được nói ra bằng vẻ mặt tỉnh rụi như thể đó là điều hiển nhiên, khiến người đọc muốn nhảy vào tranh cãi.

Đây là lần thứ 3 mình đọc Dorian Gray, bản dịch của Nham Hoa. Mình không đọc nó như một câu chuyện, mà đọc nó như một chuỗi các quan điểm, những quan điểm dù theo chiều nào thì cũng ở mức độ gắt nhất, trần trụi nhất. Cực kỳ sa đọa và cực kỳ quyến rũ, hoặc cực kỳ thánh thiện và cực kỳ tầm thường. Không có gì là ở giữa, nửa vời, trung bình trong cuốn sách này, cứ phải cực điểm, gay gắt, không khoan nhượng. Cuộc sống xa hoa phù phiếm và tâm hồn lạnh lẽo của Dorian Gray khiến mình phát sợ. Mình không nhìn thấy niềm vui thuần khiết, chỉ thấy những hoan lạc ích kỷ, những thú vui bình thường như đọc sách, xem kịch..., qua kiểu cách của Dorian cũng trở nên xa lạ. Ngay cả thiên nhiên ở đây cũng nằm trong không khí ấy, hoa cỏ nặng trĩu mùi thơm, gây ra cảm giác uể oải, nồng nực oi bức giữa hè. Cái nắng và mùi hương đậm gắt như tuổi trẻ của Dorian Gray, thứ đang phô bày giai đoạn rực rỡ chói chang nhất, như một niềm khát khao níu giữ quá mãnh liệt đến bệnh hoạn.

Dorian Gray bị cuốn theo những ngông cuồng nằm dưới lớp ngôn từ triết lý sành sỏi của Huân tước Henry, nhưng dường như trong chàng thanh niên này đã mang sẵn mầm khát khao phù phiếm. Mình nhớ đến Huân tước Henry với nụ cười nhạt của ông ta khi bảo rằng "mọi sự ảnh hưởng lên người khác đều xấu". Basil Hallward đau khổ khi nhìn thấy đổi thay trong tượng đài nghệ thuật của ông, chàng thanh niên trong sáng. Đáng lẽ ông chẳng cần đau lòng đến thế, bởi không bỗng dưng mà Dorian Gray bị Henry thu hút. Con người ta sẽ dễ dàng tiếp nhận (và hằn sâu) những gì phù hợp với thứ đã sẵn có bên trong họ. Basil Hallward là một nghệ sĩ, một con người tử tế "bình thường'' tội nghiệp trong đám quý tộc. Ông là kẻ bơ vơ mang niềm tin vào phần tốt đẹp của Dorian Gray, niềm tin thơ ngây vào bản tính lương thiện. Bi kịch của Basil Hallward là dấu chấm cho chút lương tâm sót lại của Dorian, cậu ta đã chính thức mất hết linh hồn cho quỷ dữ.

Nếu chỉ có thế thì dường như câu chuyện về Dorian Gray chẳng còn gì để kể. Sau nhiều năm và nhiều sự kiện, gồm cả cái chết rình rập cận kề, Dorian ngoái lại nhìn mình, nhìn vào sự tha hóa của bản thân. Lời đàm tiếu của thiên hạ không làm cậu ta bận tâm, mối hận của người khác không làm cậu ta tỉnh trí, cái chết của một con người không làm cậu ta động lòng, chỉ có bức chân dung của người họa sĩ khiến cậu ta phải nhìn lại. Động thái cuối cùng của Dorian Gray làm mình thoáng nghĩ đến Chí Phèo và tiếng gào "ai cho tao lương thiện''. Nhưng không, Dorian Gray đã đi quá xa khỏi cái gọi là lương tâm, hành động đó chỉ là sự ích kỷ bật ra trong cơn điên cuồng, không phải sự sám hối. Điều cuối cùng còn lại là sự thật được phơi bày trước con mắt thế gian, cái thế giới vốn nhiều thị phi mà mọi câu chuyện cũng sẽ sớm rơi vào lãng quên như gió thoảng.

Review sách Chân dung của Dorian Gray
Review sách Chân dung của Dorian Gray - Ảnh Fb Quỳnh Mai

Review sách của XinXin

CHÂN DUNG DORIAN GRAY: MỘT BIỂU TƯỢNG HỮU HÌNH VỀ SỰ XUỐNG CẤP CỦA TỘI LỖI.

Đây là một cuốn sách ấn tượng, đặc sắc và đầy sự châm biếm của tác giả Oscar Wilde. Câu chuyện bắt đầu từ câu nói của chàng trai trẻ Dorian Gray – tạo vật trinh bạch nhất trên thế gian này:

Tôi ghen với bức chân dung anh đã vẽ tôi. Tại sao nó có thể giữ lại được những gì tôi phải mất đi? Ôi, giá như có cách khác! Nếu bức tranh có thể thay đổi, còn tôi có thể mãi là tôi lúc này!

Điều ước đã ứng nghiệm. Một tuổi xuân bất diệt cùng vẻ đẹp vĩnh cữu – thứ cậu đã dùng chính linh hồn mình để thực hiện một cuộc giao dịch với quỷ dữ.

Có gì đó tai hại ở một bức chân dung. Nó có cuộc đời riêng

Dorian - từ một chàng trai thanh khiết và trong sạch - bị tha hóa bởi những thứ cám dỗ, các khoái lạc tinh tế, những niềm vui cuồng dại và các tội lỗi còn cuồng dại hơn; bị mê hoặc, tiêm nhiễm bởi thứ tư tưởng lệch lạc và điên rồ từ huân tước Henry và cuốn sách “đặc biệt” ấy.

Cậu trở thành một con quỷ vô tâm, không lòng trắc ẩn, chỉ biết tận hưởng những lạc thú cũng như chết chìm trong món nhan sắc và tuổi xuân bất diệt của chính mình - thứ cậu lấy làm tự hào và hãnh diện.

Cá nhân tôi cực kỳ ấn tượng với cách tác giả lựa chọn phương thức chuyển đạt ý tưởng của mình bằng việc sử dụng bức chân dung làm hình ảnh ẩn dụ cho lương tâm con người – nó quá độc đáo, thú vị và chân thật.

Hơn nữa, cách tác giả sử dụng từ ngữ rất xuất sắc và khéo léo – đọc lên là muốn highlight thành một câu nói tâm đắc ngay. Kể cả khi nó là một điều quá đỗi quen thuộc với chúng ta, chỉ với ngòi bút của ông đã khiến nó trở thành một câu thật thơ và triết lý.

Ở đó có các ổ thuốc phiện, nơi người ta có thể mua sự lãng quên, những hang ổ ghê rợn nơi mà ký ức về các tội lỗi cũ có thể bị hủy hoại bằng sự điên rồ của những tội lỗi mới.

Đây thực sự là một cuốn sách cực kỳ đáng đọc và đáng suy ngẫm. Có một điều chắc chắn là cái kết sẽ khiến bạn kinh ngạc vì chính tôi – sau khi đọc xong chương cuối cùng – đã đứng hình, đầu óc trống rỗng, chỉ biết nhìn vào hư vô trong một khoảng thời gian không dám nói là ngắn! Không một kết thúc nào phù hợp hơn nó.

Các cuốn sách mà thế gian gọi là đồi bại là những cuốn sách cho thế gian thấy sự xấu hổ của chính nó.”

Review sách Chân dung của Dorian Gray
Tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray - Ảnh fb Minh Phương

Review sách của Thiên Tư

Cách đây mấy mươi năm, ở Việt Nam, những nhà văn Việt Nam đã bắt đầu một cuộc tranh luận: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Chân lý thuộc về ai trong cuộc tranh luận ấy, đến giờ vẫn rất khó để phân định, nhưng khi đọc tiểu thuyết Bức chân dung của Dorian Gray - Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde, những suy nghĩ về cuộc tranh luận trên lại ùa về, với những tranh luận về cái đẹp thiên thần của vẻ bề ngoài với những cái ác quỷ xấu xa ghê tởm bên trong. Hình ảnh của Dorian Gray thoả thuận duy trì nhan sắc bất tử là một âm hưởng của hình ảnh kinh điển trong văn học châu Âu, khi con người thoả thuận với ác quỷ.

Cuốn tiểu thuyết ra đời khi nền tảng văn hoá Victoria đang là biểu tượng của cả một thời đại. Sự lớn mạnh của một nền văn hoá ưa hưởng lạc và cái đẹp đi kèm với quá trình nước Anh thành siêu cường số một thế giới đang bị biến thành một quá trình sa đoạ và độc đoán, khi những giá trị biến thành phù phiếm. Oscar Wilde xây dựng hình ảnh những nhân vật của mình trên chính bối cảnh ấy, không phủ nhận những giá trị tích cực của thời đại, cũng không phủ nhận những mặt trái của nó đang thành hình, ngay ở trong địa vực văn học.

Trong nền tảng cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, tác giả Oscar Wilde đã xây dựng ba phân thân của chính ông: "Basil Hallward là người mà tôi nghĩ là tôi. Ngài Henry là con người mà thế giới nghĩ là tôi. Dorian là người mà tôi muốn trở thành - ở thời đại khác".

Review sách Chân dung của Dorian Gray
Review Tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray - Ành fb Thiên Tư

Review sách cảu Tran Ngoc Mai

Đọc Dorian gray, ta dễ có liên tưởng đến Tội ác và Hình phạt của Dostoevsky. 2 tác phẩm cùng khai thác về chủ đề đấu tranh tư tưởng nội tâm sau khi gây ra tội ác, và cuối cùng, thiện lương chiến thắng, chính sự ăn năn hối cải và toà án lương tâm đã cứu rỗi linh hồn của tội đồ. Kẻ thủ ác lựa chọn tự mình bước ra ánh sáng để thanh tẩy, gột rửa tâm hồn, mưu cầu sự bình yên trong tâm khảm.

Trong #ChândungcủaDorianGray, #Oscarwilde đã tặng cho độc giả một bữa đại tiệc về triết lý và mỹ từ. Ông sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện, bóng bẩy, uyển chuyển. Những triết lý mà ông đưa ra thông qua phát ngôn của Henry, quả thật rất cô đọng, sâu sắc. Song những triết lý ấy, quá mới, quá tiến bộ, quá hiển nhiên đến mức khó chấp nhận trong bối cảnh tác phẩm ra đời (1890 - cuối thế kỷ 19). Chính vì thế mà tiểu thuyết bị lên án và phản đối kịch liệt vì người ta cho rằng nó là biểu hiện của sự suy đồi về đạo đức. Quan điểm sống của Henry là điển hình cho trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật. Sự ích kỷ, vị kỷ đến mức lãnh đạm, tàn nhẫn mà Henry theo đuổi đại diện cho một bộ phận không nhỏ trong giới thượng lưu thời bấy giờ. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ Henry mới dám nói rõ và thừa nhận, nhìn thẳng vào sự thật, còn đa số đều giấu mình dưới vỏ bọc của đạo đức giả tạo.

Họa sĩ Basil là một nghệ sỹ chân chính, ông là hiện Hân của trường phái nghệ thuật vị nhân sinh. Tác phẩm của Basil tập trung miêu tả vẻ đẹp thánh thiện của con người. Linh hồn thanh cao, hướng thiện, trong sáng toát lên qua vẻ ngoài thiên thần của Dorian đã thuyết phục Basil họa nên tác phẩm để đời của mình. Cùng với sự sa đọa của Dorian, Các tác phẩm của Basil dần đi xuống, người họa sĩ cũng khổ đau dằn vặt khi chứng kiến tượng đài nghệ thuật của lòng mình trở nên bạc nhược, khốn nạn, trụy lạc một cách không thể cứu vãn.

Và Dorian, nhân vật chính của tác phẩm. Hành trình 20 năm của Dorian, từ một tờ giấy trắng trở thành một tấm toan xám, vấy máu, là một hành trình được viết rất thuyết phục, logic. Hành trình ấy càng về cuối càng hấp dẫn, cuốn hút. Thông qua lối sống của Dorian, Oscar đã gửi gắm những hiểu biết sâu, rộng của mình về nhiều lĩnh vực nghệ thuật: tinh dầu, đá quý, thảm thêu...Mỗi lĩnh vực giống như một viên kim cương sáng lấp lánh đính trên bức chân dung Dorian Gray.

Tóm lại là rất đáng đọc, nhất là những bạn yêu thích lối viết đẹp, giàu triết lý.

Review sách Chân dung của Dorian Gray
Review sách Chân dung của Dorian Gray - Ành fb Ngọc Mai

Review sách của Khoa Trần

Kinh Thánh viết: “Phỏng có ích gì, nếu có kẻ được cả thiên hạ nhưng đánh mất chính linh hồn mình?” - và “Chân dung của Dorian Gray” chính là câu trả lời.

Vẫn motip “bán linh hồn cho quỷ” đổi lấy sự bất lão, nhưng cốt truyện của Oscar Wilde khiến ta chẳng thể buồn chán khi đọc. Chàng trai Dorian với vẻ ngoài tuấn tú và vô nhiễm đã ao ước với bức hoạ của chính mình để nó thay anh gánh chịu mọi vết tích của tuổi già và tội lỗi. Dần dà sự thanh nhã của “gã Dorian trong tranh” bị hoen ố, mục ruỗng, trớ trêu đó lại là dung mạo bản chất linh hồn Dorian.

Hoạ sĩ Basil đã tâng bốc vẻ đẹp của Dorian và chủ động hoạ nên thứ lưu giữ điều ấy, Huân tước Henry thì tán tụng tuổi trẻ và gieo vào Dorian những lý tưởng nguy hiểm. Bọn họ đã khai mở nhận thức của Dorian về bản thân, khiến chàng đắm chìm trong những giá trị phù phiếm và trở thành kẻ ngã mạn. Chàng tìm cách để tận hưởng lạc thú, buông bỏ rào cản luân lí, và đem lòng mình si mê cô đào Sibyl thấp kém. Nhưng khi vỡ mộng tình, Dorian khiến cô người yêu hổ thẹn mà tự sát, nhưng trong lòng chàng bấy giờ lại lóe lên sự tàn ác. Chàng không hối cải mà ngày càng buông thả bản thân, và sa lầy đến mức thoát ra là điều không thể.

“Ngày nay chỉ có xấu xí ngu si mới mong yên hưởng thái bình” - câu nói nghe như đùa, nhưng hẳn là không thể phủ nhận: cứ noi gương ông bà Adam và Eva là biết. Khi trong bản thân tồn tại lẫn Thiên đàng và Địa ngục, bổn phận ta là phải đi đúng hướng. Nhưng kẻ minh triết như Huân tước Henry thì sẽ không tự mình làm điều đó, ông tạo nên tác phẩm là chàng Dorian, gợi lên cho chàng sự thật bằng những hoài nghi và nghịch biện và để chàng tự thân nếm trải cuộc đời.

Phải chăng ai cũng có trong bản thân mình một chàng Dorian Gray như vậy?...

Tổng hợp : Minh Ngọc

Cảm ơn bạn đã xem bài viết "Review sách Chân dung của Dorian Gray"​​

Sản phẩm liên quan
Chân Dung Của Dorian Gray 30% Cháy hàng

Chân Dung Của Dorian Gray

88.200đ

126.000đ

(6)

Bài viết liên quan
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis
Review sách Gambit Hậu - Walter Tevis

04/08/2024 16:43Minh Ngọc

Gambit Hậu của Walter Tevis là một kiệt tác văn học đầy mê hoặc, khắc họa hành trình gian nan…

Xem tiếp
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến
Review sách Thư cho em - Hoàng Nam Tiến

19/07/2024 00:32Minh Ngọc

Trong những trang viết đầy cảm xúc của “Thư Cho Em”, Hoàng Nam Tiến đã dệt nên một câu chuyện…

Xem tiếp
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino
Review sách Người gác cây long não - Keigo Higashino

06/07/2024 23:42Minh Ngọc

“Người Gác Cây Long Não” của Keigo Higashino là một chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy bất ngờ, nơi những…

Xem tiếp
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân
Review sách Nhật ký cá sấu - Khâu Diệu Tân

02/07/2024 00:40Minh Ngọc

“Nhật Ký Cá Sấu” của Khâu Diệu Tân không chỉ là một tác phẩm văn học đầy ám ảnh mà…

Xem tiếp
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo
Review sách Bí hội thứ chín - Leigh Bardugo

27/06/2024 01:32Minh Ngọc

Khi những bí ẩn cổ xưa gặp gỡ với thế giới hiện đại, "Bí Hội Thứ Chín" của Leigh Bardugo…

Xem tiếp
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ
Review sách Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ

17/06/2024 01:32Minh Ngọc

"Less – Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ" của Andrew Sean Greer là một chuyến phiêu…

Xem tiếp
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz
Review sách Những hiệu quế - Bruno Schulz

14/06/2024 17:07Minh Ngọc

Khi cầm trên tay "Những hiệu quế" của Bruno Schulz, bạn sẽ ngay lập tức bị cuốn vào một thế…

Xem tiếp
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind
Review sách Mùi hương - Patrick Süskind

10/06/2024 01:38Minh Ngọc

Mùi Hương của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một…

Xem tiếp
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park
Review sách Lấy nước đường xa - Linda Sue Park

06/06/2024 23:58Minh Ngọc

Bạn đã sẵn sàng khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng từ lòng dũng cảm và sự kiên cường…

Xem tiếp
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada
Review sách Hiến Đăng Sứ - Yoko Yawada

04/06/2024 16:42Minh Ngọc

Bước vào thế giới của Hiến Đăng Sứ là như lạc vào một mê cung kỳ ảo, nơi hiện thực…

Xem tiếp
Xem nhiều nhất

Cùng tác giả