Tôi nhớ rõ lần đầu tiên đọc Tuổi thơ dữ dội là vào năm lớp 7, khi đó chị gái đi học đại học mua về. Nói ra hơi xấu hổ nhưng Tuổi thơ dữ dội của tôi là một cuốn sách lậu với chi chít những lỗi chính tả và giấy rất mủn. Nhưng hồi đó, trong mắt tôi, đây chính là “chân bảo”. Lớp 7, ấn tượng ban đầu của tôi về “Tuổi thơ dữ dội” quả là rất dữ dội với bom đạn, chiến tranh, máu và rất nhiều thứ khác nhưng với những đối thoại hài hước và những tình huống dở khóc dở cười trong quân đội khiến một đứa trẻ như tôi ước mơ được trở lại thời đó, được làm bạn với những con người đó.
Mãi sau này, khi đọc lại, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của bốn chữ "Tuổi thơ dữ dội"
Huế, thành phố mộng mơ, nơi bắt đầu chuyến phiêu lưu của Mừng, cậu bé hiếu thảo và hiểu chuyện bước chân vào cuộc sống người lính, bắt đầu đeo chiếc túi nhỏ, trở thành chiến sĩ liên lạc dễ thương của Trung đoàn Trần Cao Vân. Em hiền lành, ngoan ngoãn và đầy quả cảm. Em yêu thương và tin tưởng mọi người bằng niềm tin của một đứa trẻ.
Ở trung đoàn, Mừng gặp và kết bạn với Quỳnh, cậu bé “con nhà giàu” yêu nước với tài năng nghệ thuật thiên bẩm. Dù cơ thể em có thể yếu ớt nhưng ý chí của em mạnh mẽ vô cùng. Những cậu bé trong Trung Đoàn Trần Cao Vân, mỗi người đều mang một dáng vẻ riêng, không ai giống ai. Bên cạnh người bạn thân nhạc sĩ nổi tiếng, Mừng còn có người anh Tư "dát", lém lỉnh, thích pha trà; Bồng "da rắn" hiểu chuyện và hành xử người lớn hay Lượm "sứt" giỏi giang, thông minh,....
Những đứa trẻ đối mắt với bom đạn vẫn dũng cảm tiến về phía trước, trên môi vẫn là nụ cười thơ ngây và ước nguyện cao đẹp về một đất nước độc lập, về một cuộc sống hạnh phúc.
Tôi đã khóc không biết bao nhiêu lần khi đọc đến phần cuối truyện, mơ màng về hình ảnh Mừng, cậu bé một mình trên cây cao, trong làn khói mịt mù của bom đạn, trong tiếng la hét của giặc Mĩ, trên người toàn vết thương mà nói với đại đội trưởng của mình “Anh đừng nghi em là Việt gian anh hí?”. Chỉ một câu nói em, ám ảnh vị đại đội trưởng cả cuộc đời và người đọc suốt một thời gian dài.
Chiến tranh đã đi qua từ rất lâu, hiện tại cuốn sách cũng chẳng còn là sách "hot" trên các kệ sách nữa, nhưng trong tủ sách nho nhỏ của tôi, nó vẫn có một vị trí quan trọng.Tôi đã mua thêm một bộ sách thật, giấy cũng đẹp và chẳng còn sai chính tả nhưng đôi mắt đó vẫn cứ ảm ảnh tôi, khiến tôi chẳng thể bỏ nó đi dù trang giấy đã ố vàng. Cuốn sách, lưu giữ nước mắt không chỉ của tôi mà còn cả những người bạn đã đọc chung với tôi, nó là một phần đời của tôi.
Gấp cuốn sách lại, tôi không thể ngừng suy nghĩ về chiến tranh. Nụ cười, nước mắt và rất nhiều máu đã đổ xuống vì một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Tôi khâm phục họ nhưng đôi khi, tôi tự hỏi: "Nếu Tổ Quốc lên tiếng, tôi có dám trả lời? " Có lẽ tôi sẽ đáp lại tiếng gọi ấy, bởi tôi hiểu, đất nước cần tôi giống như tôi cần đất nước.
"Tuổi thơ dữ dội" vẫn nằm im trên kệ sách nhắc nhở tôi về những mất mát, đau thương và cả lòng dũng cảm, niềm kiêu hãnh, tin tưởng.
Còn bạn, Nếu Tổ Quốc lên tiếng, bạn có dám trả lời?
-Ái Linh-