Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc đầy biến động, với những thách thức về quyền phụ nữ và tỷ lệ sinh giảm kỷ lục, phụ nữ nơi đây không còn im lặng. Họ khởi xướng phong trào 4B: không hôn nhân, không sinh con, không hẹn hò và không quan hệ, để phản đối áp lực và kỳ vọng xã hội. Văn chương trở thành lối thoát, nơi họ thể hiện quyết tâm và khát vọng sống động qua từng trang viết.
Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn giới thiệu 10 cuốn sách hay đến từ 10 tác giả nữ Hàn Quốc do độc giả Quốc Toản lựa chọn, mỗi cuốn là một câu chuyện độc đáo về sức mạnh và sự tự quyết của phụ nữ. Những tác phẩm này không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà còn là tiếng nói đồng cảm, truyền cảm hứng cho người đọc khám phá và ủng hộ cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới ở Hàn Quốc.
Liệu có ai có khả năng viết về sự hoài niệm và những ký ức tốt hơn Shin Kyung-sook không, tôi cho rằng là rất ít, “Hãy Chăm Sóc Mẹ" lấy nền câu chuyện về một gia đình cùng nhau tìm kiếm một người mẹ đi lạc, rồi từ đó giúp ta nhận ra, đã bao lâu rồi ta chưa hỏi người mẹ ta yêu về món ăn yêu thích của bà, về một cuộc đời của bà trước khi ta sinh ra.
Shin Kyung-sook giúp ta nhận ra, người mẹ mà hằng ngày lo lắng, che chở cho chúng ta, đôi khi cũng cần mẹ. Ta quên rằng, trước khi trở thành mẹ, bà cũng từng là một đứa trẻ, một thiếu nữ, một người phụ nữ mang nhiều hoài bão và ước mong.
Đi sâu và đi xa về miền ký ức của các nhân vật là mỗi lần ta đau đớn nhận ra, ta - những người con, người chồng đã vô tâm đến mức nào
Mới đầu, khi cầm cuốn này lên đọc, mình đã nghĩ, nó sẽ như một dạng nhật ký của mẹ dành cho con gái. Khi đọc rồi và đọc xong luôn, lại nhận ra, nó như một cuốn nhật ký của một người mẹ nhưng cho phép bất kỳ ai trên đời này đều có thể được đọc.
Gong Ji-young bàn luận đủ loại chủ đề bên trong “Dù Con Sống Thế Nào, Mẹ Cũng Luôn Ủng Hộ”, cô giúp độc giả phải bàng hoàng về những tư tưởng và câu chuyện cô đem đến. Nơi đó, ta học cách buông bỏ những ghen ghét, giận dỗi, hay căm hận; nơi đó, ta học cách yêu thương, cho đi mà không màng nhận lại, và sống như không có gì ngăn cản ta được.
Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ, nhưng đây là những lời khuyên từ một người mẹ không hoàn hảo vì luôn trì hoãn việc đi bơi, rất giản dị và rất tâm tình, dành cho bất kỳ ai đang trì hoãn việc sắp làm, hãy làm ngay đi
Mình chưa đọc cuốn “Người Ăn Chay” của Han Kang, nhưng trong hai cuốn của cô mình đã đọc là “Trắng" và “Bản Chất Của Người", mình thích “Trắng” hơn. Nó chạm đến những khía cạnh mang tính cá nhân hơn của nữ tác giả này.
“Trắng" mỏng đến không ngờ và ít chữ đến mức bạn có thể đọc một cái vèo trong 1 tiếng. Tuy nhiên, đừng nghĩ độ dày này khiến bạn nghĩ nó “ít trọng lượng" hơn so với các cuốn sách khác. Han Kang trong “Trắng”, mô tả sự quan sát của bản thân với màu trắng cực kỳ ấn tượng.
Màu trắng chào đón con người khi họ sinh và tiễn biệt họ khi họ đi, màu trắng xuất hiện và gắn liền với sự phát triển của mọi thứ, và trong chính con người. Xen kẽ đó là những tâm tư của chính tác giả Han Kang về người mẹ của cô, về cô, và về một người chị đáng lẽ đã được sinh ra
“Crying In H Mart" hay tựa Việt là “Bật Khóc Tại H Mart" xoay quanh những ký ức của Michelle Zauner về người mẹ đã mất của mình vì bệnh ung thư. Nơi mẹ cô vẫn luôn nấu những món ăn mang đậm tính Hàn Quốc tại nước Mỹ, nơi mẹ cô cùng cô dạy cô cách chọn những nguyên liệu ngon nhất để nấu ăn, nơi mẹ cô luôn cằn nhằn về tất cả mọi thứ cô làm, nơi bà vật vã những năm tháng cuối đời, và cũng chính là nơi cô quyết định thực hiện đạo làm con.
Đi sâu vào những lát cắt từ quá ấy, chính là cách Michelle Zauner kết nối lại một nửa Hàn Quốc mà cô không thể chối bỏ, song là thứ mà cô thường xuyên chối bỏ trong giai đoạn lúc nhỏ đến khi trưởng thành.
Đến sau cùng, cuộc hành trình mà Michelle Zauner đem đến trong “Crying In H Mart" là nơi cô cho thấy khi sự đắng chát của nỗi buồn và đau khổ đã hoá thành sự ngọt ngào của niềm hân hoan và hạnh phúc
Là cuốn sách nổi bật và nổi tiếng nhất khi nhắc đến những cuốn sách được viết bởi tác giả nữ Hàn Quốc. Sự đón nhận kịch liệt của “Kim Ji-Young: Born 1982” dưới dạng tiểu thuyết và cả dưới dạng điện ảnh đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn mạnh của nó.
“Kim Ji-young: Born 1982”, nhiều hơn là xoáy sâu vào bất kỳ vấn đề nào được liệt kê, mà cố gắng liệt kê nhiều vấn đề nhất có thể. Cuốn sách cho bất kỳ người phụ nữ nào ngoài kia cũng đều được nhận một cái ôm tâm tình và một sự cảm thông mà họ luôn tìm kiếm, và cho bất kỳ người đàn ông nào ngoài kia hãy học cách trân trọng và thấu hiểu hơn những người phụ nữ xung quanh mình
Có một điều rất lạ là Bộ Giáo Dục Hàn Quốc khuyến khích các em nhỏ đọc cuốn sách này, vì đây là một cuốn cực kỳ nặng nề. “Cô Gà Mái Xổng Chuồng" của Hwang Sun-mi một mặt nói về tình mẫu tử thiêng liêng đối với những con vật không chung huyết thống một mặt lại nói về sự khắc nghiệt để có những bữa ăn ngoài tự nhiên.
Câu chuyện của cô gà mái trong cuốn sách như chiếc diêm cháy le lói giữa trời tuyết lạnh, ấm áp được vài phút rồi chẳng sớm thì muộn sẽ bị cái rét nhấn chìm. Là một người đã đọc nhiều kiểu sách khá nặng tâm lý, cuốn sách đầy “tươi sáng" này vẫn khiến tôi bần thần một hồi dài khi đọc xong. Và tôi không muốn những em nhỏ đọc cuốn này lắm đâu.
Trên nền câu chuyện về một nhóm người Hàn Quốc rời bỏ đất nước trước khi chiến tranh chia cắt đất nước này thành 2 nửa như bây giờ để đến Nhật Bản, cho đến lúc, tất cả bọn họ dần mất đi những nhận dạng và kết nối cuối cùng về mặt tinh thần đối với Hàn Quốc; Min Jin Lee đã xuất sắc khắc hoạ cho ta thấy cuộc chiến tìm lại và giữ gìn căn tính của bản thân.
“Pachinko" khiến ta nhận ra, điều gì mới thực sự khiến ta là con người của đất nước đó, điều gì không. Sau những cuộc chiến, ta là ai trong tất cả bọn họ.
Có thể nói, Min Jin Lee đã thành công trong việc bưng lên một đại tiệc buffet hoành tráng mà bất kỳ ai cũng thích thú ăn uống đến phủ phê từ khi chiếc bụng cồn cào đói đến khi căng tròn như đang có chửa. Cô đã khiến "Pachinko" dẫu dày đến đáng sợ vẫn làm người đọc phải hoàn thành nhanh chóng nhờ sự cân bằng trong việc nêm nếm gia vị cho cuốn sách của mình
Nằm ở góc xó nơi kệ sách, “Về Nhà Với Mẹ" của Kim Hye Jin và nhiều cuốn sách khác của Hàn cũng chịu chung một số phận, ế. Tuy nhiên, tôi lại rất thích tìm và đọc những cuốn sách ế này của các nhà văn nữ Hàn Quốc.
“Về Nhà Với Mẹ" xoay quanh câu chuyện về một cô con gái đồng tính cùng bạn gái quay về nhà mẹ ruột ở sau khi bị đuổi khỏi trường học. Mẹ cô là một y tá làm ở viện dưỡng lão, và hằng ngày phải chăm sóc một bà cụ bị bệnh đãng trí không người thân.
Cuốn sách không chỉ khai thác vấn đề về người đồng tính tại Hàn Quốc, mà còn nói về nỗi lo lắng và tìm kiếm sự thấu hiểu giữa ba mẹ và con cái. Càng đi sâu vào “Về Nhà Với Mẹ" là đi sâu vào nỗi lòng của một người mẹ có con là người đồng tính, bên trong họ, cũng là một trận bão mà chẳng mấy ai rõ
Tình dục và ẩm thực, tưởng chừng là hai thứ không bao giờ xuất hiện chung với nhau, bằng một cách bất ngờ nào đó, nhà văn Jo Kyung Ran đã tìm điểm giao thoa tuyệt vời giữa cả hai, đó chính là chiếc lưỡi.
“Lưỡi" ngập tràn những đoạn mô tả dài đến nhiều trang sách, nhưng không khiến người đọc cảm thấy ngao ngán nhờ tài vô tả của nữ nhà văn Jo Kyung Ran. Hấp dẫn và đầy mân mê như chính bộ phận sở hữu cơ bắp khỏe nhất của con người.
Những câu chuyện về sự ganh ghét trong sắc đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ dường như là những câu chuyện quá quen thuộc đối với những ai tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật từ quốc gia này.
Ở cuốn “If I Had Your Face", Frances Cha bóc trần các vấn đề về phẫu thuật thẩm mỹ, sự thay đổi liên tục trong tiêu chuẩn cái đẹp tại Hàn Quốc, và những định kiến giới áp lên người phụ nữ Hàn Quốc hằng ngày.
Cuốn sách lấy góc nhìn từ 4 nhân vật, và để từng người trong đó kể nên câu chuyện của mình. Từng câu chuyện của từng người là mảnh ghép cho người đọc thấy một mặt xấu xí của Hàn Quốc
Tổng hợp: Thanh Nhã
Nguồn thảm khảo: Nhã Nam reading club