Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là cơ hội tuyệt vời để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã dạy dỗ, hướng dẫn và khích lệ chúng ta trên con đường tri thức. Nhưng làm thế nào để chọn lựa một món quà ý nghĩa, trân trọng và phù hợp nhất? Hãy để Blog sách hay của Nhà sách trực tuyến Pibook.vn gợi ý giúp bạn với những cuốn sách đặc sắc dành cho ngày 20/11 của Nhà xuất bản Kim Đồng, đây là những cuốn sách minh chứng cho sức mạnh của giáo dục và tôn vinh những người thầy, người truyền lửa tri thức cho thế hệ sau.
Dưới bút pháp của Edmondo De Amicis, "Những tấm lòng cao cả" không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mà còn là một kho tàng chứa đựng những bài học sâu sắc về nghề dạy học.
Đọc cuốn sách này, bạn sẽ không khỏi xúc động trước những tấm lòng nhân hậu, khoan dung và những lời học quý báu về tình người, qua hình ảnh của những cô cậu học trò dưới mái trường tiểu học. Qua những câu chuyện và bài học trong cuốn sách, muốn nhắn gửi tới những người làm công tác giáo dục rằng, để "trồng người", chúng ta cần phải kết hợp hài hòa giữa việc dạy kiến thức và đạo đức, kỹ năng sống.
"Những tấm lòng cao cả" giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công sức và tâm huyết của "những người chở đò", những người đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, nó cũng làm rõ sự cần thiết và quan trọng của mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường, và xã hội trong việc giáo dục con em mình trở thành những công dân tốt.
"Mái trường thân yêu" là một cuốn sách đặc sắc về tình thầy trò. Được xuất bản lần đầu vào năm 1964, cuốn sách đã trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử xuất bản của Việt Nam.
Sách là một người bạn đồng hành "thân yêu" của nhiều thế hệ học sinh, với những câu chuyện học trò đáng nhớ và thú vị của nhóm bạn trong lớp 7A. Câu chuyện đó gợi lại những ký ức về thời học sinh và những biến cố lịch sử quan trọng của đất nước ta.
Giá trị của "Mái trường thân yêu" chưa bao giờ giảm đi, từ thời kỳ khó khăn của chiến tranh cho đến ngày nay. Đây đã trở thành cuốn sách "gối đầu giường" quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
"Mái trường thân yêu" kể về cuộc sống học sinh của cậu bé tên Việt, từ một thị xã chuyển về trường huyện Lâm Thao. Vì hoàn cảnh gia đình, Việt phải sống cùng bà nội và bắt đầu làm quen với thầy cô, bạn bè và môi trường học tập mới.
Tác giả Lê Khắc Hoan, một thầy giáo đã dành nhiều năm tuổi trẻ cho công tác giáo dục và báo chí, đã tạo ra hàng ngàn tác phẩm báo chí giá trị. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải nhất cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường” năm 1961 với tác phẩm "Mái trường thân yêu". Suốt nửa thế kỷ qua, tác phẩm đã được tái bản nhiều lần và trở thành cuốn sách yêu thích của biết bao thế hệ học sinh.
"Những người thầy trong sử Việt" là một bộ sách đặc sắc, mỗi quyển tương ứng với một chân dung sống động của những người thầy từ nhiều thế hệ khác nhau. Thay vì tuân thủ một tiêu chí cố định, các tác giả đã xây dựng một bức tranh đa sắc màu và phong phú, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và hiểu biết rõ hơn về những gương mặt tiêu biểu của giáo dục Việt Nam.
Các chân dung được miêu tả trong sách đều mang những nét độc đáo riêng, mở ra không gian để suy ngẫm sâu sắc về lịch sử, về thời đại, và về giáo dục. Các tác giả còn dành một phần để giới thiệu về "Chuyện học hành thi cử ngày xưa", giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp "sĩ dân" trong xã hội, đây là nền móng cho sự xuất hiện của những người thầy trong lịch sử Việt Nam.
Bằng sự tổng hợp và phân tích sâu sắc, cùng với phong cách miêu tả mượt mà, các tác giả đã tạo nên những hình ảnh sống động về những người thầy nổi bật trong lịch sử Việt. Họ kể về Lê Văn Thịnh, trạng nguyên khai khoa đầu tiên và người thầy của thái tử Càn Đức; Chu Văn An, người thầy vĩ đại được tôn vinh là "vạn thế sư biểu"; Trần Trọng Kim, một nhà giáo dục tâm huyết và chính trị gia "bất đắc dĩ"; và họa sĩ Tardieu, người đã dành nửa đời mình để xây dựng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đào tạo những thế hệ họa sĩ tài năng đầu tiên cho Việt Nam.
"Những tia nắng đầu tiên" là một minh họa sáng sủa cho sự trỗi dậy của một thế hệ thiếu nhi Việt Nam, nơi truyền thống hiếu học và nhân hậu đã được gieo rắc, và nay đang mở ra một không gian văn hóa mới.
Được mô tả như một "cuốn sách của tình người, tình bạn của những thiếu niên khi mới chạm đến ngưỡng cửa tuổi xuân", cuốn sách càng làm nổi bật nội tâm nồng nhiệt của các nhân vật thông qua cách thể hiện tình cảm kín đáo. Đây là những nhân vật tràn đầy sự tự tin với đất nước, với dân tộc, với sự thật và chính bản thân họ - như lời của nhà phê bình văn học Vân Thanh.
Nhà văn Lê Phương Liên, tác giả của cuốn sách, sinh năm 1951 tại Hà Nội. Cô từng là giáo viên toán lý tại Trường THCS Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội và là biên tập viên tại Nhà xuất bản Kim Đồng.
Cô đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng huy chương "Vì thế hệ trẻ" cho hai tác phẩm "Những tia nắng đầu tiên" và "Khi mùa xuân đến" vào năm 1981.
"Người thắp đèn cho núi" là tập hợp những câu chuyện vui, cảm động và đầy yêu thương. Đây như một lời tri ân sâu sắc dành cho những thầy cô giáo - những người đã hi sinh và gắn bó cả cuộc đời mình với nghề truyền đạt kiến thức.
Trong số đó là câu chuyện về một người thầy đã thắp sáng ngọn đèn cho cả một miền núi, gieo mầm cây Đăng Tâm huyền thoại. Có câu chuyện về một thầy giáo đã đem cảm hứng đến cho những đứa trẻ đường phố, dù chính họ không biết chữ. Còn có câu chuyện về một người thầy đã vượt qua bao khó khăn để thực hiện ước mơ Giáng sinh của một học trò nghèo, khiến người đọc không khỏi rơi lệ.
Bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện về những cô giáo đã vẽ ra con đường hoa trong lòng một học trò cá biệt, đã vun đắp ước mơ trong cơn bão cho một học trò nghèo, và tạo nên vòm trời cổ tích cho những thế hệ học trò.
"Những ngày thứ ba với thầy Morrie" là một cuốn sách cảm động về những buổi học cuối cùng của một giáo sư già với học trò cũ. Những buổi học này diễn ra mỗi tuần một lần, tại nhà của thầy, bên cửa sổ phòng làm việc nơi thầy có thể nhìn thấy cây dâm bụt nhỏ trổ hoa hồng tươi. Buổi học diễn ra vào thứ Ba, không cần bất kỳ cuốn sách giáo trình nào. Thay vào đó, môn học mang tên "Ý Nghĩa Cuộc Đời" với giáo án được thầy đúc kết từ chính kinh nghiệm đời mình.
Cuốn sách đã được dịch ra 31 thứ tiếng và phân phối ở 36 quốc gia, trở thành tài liệu giảng dạy ở nhiều trường học từ tiểu học đến đại học trên toàn thế giới. Ngoài ra, "Những ngày thứ ba với thầy Morrie" còn được chuyển thể thành kịch và phim truyền hình, thu hút sự quan tâm rộng rãi từ độc giả và khán giả trên toàn cầu.
Tổng hợp: Thanh Nhã